Đối thủ đầu tiên của tuyển Việt Nam tại vòng loại ba mạnh cỡ nào?
Dự 5 trong 7 kỳ World Cup gần nhất, Saudi Arabia là đại diện hùng mạnh và ổn định bậc nhất của châu Á trong 20 năm qua.
Saudi Arabia sẽ là đối thủ đầu tiên của tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 vào ngày 2/9 tới.
Bóng đá Việt Nam và Saudi Arabia vốn không có nhiều giao điểm. Lần gần nhất hai đội gặp gỡ là vòng loại World Cup 2002, nơi tuyển Việt Nam thua lần lượt 0-4 và 0-5 sau 2 trận. So với UAE, Qatar, Iraq hay Jordan, Saudi Arabia là đối thủ Tây Á tuyển Việt Nam ít đối đầu hơn cả.
Tuy nhiên, các học trò của HLV Park Hang-seo không cần chạm trán thường xuyên để mường tượng được sức mạnh của Saudi Arabia. Có điểm trước đối thủ này đã là thành công của tuyển Việt Nam.
Saudi Arabia dự 5 trong 7 kỳ World Cup gần nhất và có 3 lần đăng quang Asian Cup. Ảnh: AP.
Đẳng cấp “Chim ưng xanh”
Bóng đá châu Á có 2 thống kê phổ biến để định lượng sức mạnh của đội tuyển quốc gia là số lần dự World Cup và vô địch Asian Cup.
Từ năm 1994 đến nay, Saudi Arabia có 5 lần góp mặt ở sân chơi danh giá nhất thế giới, chỉ xếp sau Nhật Bản, Hàn Quốc ở châu Á. Không chỉ đá World Cup thường xuyên, Saudi Arabia còn vô địch Asian Cup 3 lần (6 lần đá chung kết). Ở đấu trường vùng vịnh, Saudi Arabia đá chung kết 10 lần, vô địch 3. Đại diện Tây Á hội đủ yếu tố của một đội mạnh: dự World Cup thường xuyên, vô địch khu vực và châu Á nhiều lần.
Toàn đội hình Saudi Arabia đang chơi bóng ở giải quốc nội. Nếu Iran, Iraq có cầu thủ thi đấu tại châu Âu, UAE nhập tịch cầu thủ còn Qatar gửi gắm lứa U23 đến các đội hạng trung ở những nền bóng đá ưu tú, Saudi Arabia có hướng đi khác biệt.
Mức đãi ngộ rất cao khi chơi cho các CLB quốc nội khiến cầu thủ Saudi Arabia dường như không có nhu cầu xuất ngoại.
Tuy nhiên, không cần cầu thủ chơi bóng ở châu Âu, Saudi Arabia vẫn rất mạnh. Ở vòng loại thứ hai, thầy trò HLV Herve Renard nằm ở bảng đấu khó với Uzbekistan (hạng 12 châu Á) và Palestine (hạng 18). Saudi Arabia thể hiện sức mạnh áp đảo với 6 chiến thắng và 2 trận hòa, giành 20/24 điểm tối đa. Dù hết mục tiêu ở trận cuối, nhưng Saudi Arabia vẫn nhấn chìm một Uzbekistan đang khát điểm tới 3 bàn không gỡ.
Ngôi sao lớn nhất của Saudi Arabia là HLV Renard. Chiến lược gia người Pháp từng bị CLB Nam Định sa thải ở những năm đầu sự nghiệp trước khi sang châu Phi và trở thành huyền thoại tại đây.
Ông là chiến lược gia đầu tiên vô địch châu Phi với 2 đội tuyển khác nhau (Zambia và Bờ Biển Ngà). Tại World Cup 2018, Renard giúp Morocco chơi ấn tượng ở vòng bảng khi thua sát nút Bồ Đào Nha và cầm hòa Tây Ban Nha bằng lối đá tấn công hoa mỹ, sòng phẳng. Đẳng cấp của HLV Renard giúp ông được Saudi Arabia trải thảm đỏ. 22 bàn sau 8 trận ở vòng loại thứ hai là minh chứng cho thấy “Chim ưng xanh” (biệt danh của Saudi Arabia) vẫn đang đi đúng hướng.
Saudi Arabia nhấn chìm Uzbekistan, Palestine ở vòng loại thứ hai. Thầy trò HLV Herve Renard đang có phong độ cao. Ảnh: AFC.
Dưới thời HLV Renard, Saudi Arabia ưu tiên sử dụng sơ đồ 4-2-3-1. Bộ đôi tiền vệ trung tâm Abdullelah Al-Malki và Abdullah Otayf giữ vai trò cầm nhịp. Bộ ba tấn công Fahad Al- Muwallad, Salem Al-Dawsari và Salman Al-Faraj đá phía sau, hỗ trợ trung phong cắm Firas Al-Birakan.
Video đang HOT
Đội bóng của Renard thường xuyên hoán đổi vị trí, nhân sự để đương đầu với từng đối thủ cụ thể. Tuy nhiên, cách chơi của Saudi Arabia được định hình từ năm 2019. Đội bóng áo xanh có lối chơi tương đối giống UAE khi chú trọng kiểm soát bóng, phá vỡ đội hình đối phương bằng những đường chuyền ngắn hoặc chọc khe để các mũi tấn công chạy chỗ vào khoảng trống.
Các tiền vệ Saudi Arabia ưa thích sử dụng các pha đấu tay đôi để đánh bại hậu vệ đối thủ, đặc biệt là hai cầu thủ đá cánh Al-Muwallad và Al-Dawsari. Cánh trái của Al-Dawsari là hướng tấn công chủ lực của Saudi Arabia suốt 8 trận vòng loại.
Cầu thủ đẳng cấp nhất của Saudi Arabia là Al-Faraj. Thủ quân 31 tuổi không chỉ có tốc độ, kỹ thuật mà còn sở hữu cái chân trái khéo léo, xâm nhập vùng cấm ấn tượng và dứt điểm thông minh. Al-Faraj chỉ ghi 7 bàn trong 10 năm khoác áo tuyển, nhưng 4 trong số đó được thực hiện dưới thời của HLV Renard. Chiến lược gia người Pháp đẩy Faraj chơi sát vòng cấm, biến anh thành cây săn bàn lợi hại.
Saudi Arabia cũng có điểm yếu. Do tự tin vào trình độ kỹ thuật, các hậu vệ của “Chim ưng xanh” thường có những đường chuyền mạo hiểm ở tuyến dưới. Saudi Arabia cũng không phải đội bóng có kỷ luật phòng ngự quá ấn tượng khi các cầu thủ thường xuyên dâng cao, để lộ khoảng trống tuyến giữa. Đây là cơ hội để tuyển Việt Nam khai thác.
HLV Herve Renard từng làm việc ở Việt Nam. Ông giúp Bờ Biển Ngà và Zambia vô địch AFCON, cùng Morocco chơi tấn công ấn tượng ở World Cup 2018.
Tham vọng của Saudi Arabia
Là quốc gia hùng mạnh bậc nhất Tây Á, Saudi Arabia liên tục đầu tư cho thể thao và mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực thông qua việc tài trợ hàng loạt dự án FIFA, xúc tiến thành lập liên đoàn bóng đá Tây Nam Á hay lên kế hoạch mở rộng quy mô FIFA World Cup Club lên 24 đội bằng khoản đầu tư trị giá 25 tỷ USD.
Việc UAE thâu tóm Manchester City hay Qatar thâu tóm Paris Saint-Germain thông qua quỹ đầu tư QSI càng khiến Saudi Arabia sốt ruột, mong muốn sử dụng bóng đá làm “quyền lực mềm” trong khu vực.
“Saudi Arabia có kế hoạch dài hạn mang tên ‘Tầm nhìn 2030′ với trọng tâm mới là giải trí và thể thao, cả hai lĩnh vực thu hút thành phần quan trọng là thanh niên. Sân bóng được coi là địa điểm thể hiện sự cởi mở xã hội, tựa như thỏi nam châm thu hút các tài năng trên khắp đất nước, đồng thời kéo theo các nguồn đầu tư tư nhân. Thể thao cũng là con đường đúng đắn để Saudi Arabia nâng cao hình ảnh đất nước”, tờ Arab Gulf News phân tích.
Saudi Arabia mang đặc tính của một đội Tây Á điển hình: giàu tham vọng và chưa bao giờ thiếu tiền. Đội bóng có biệt danh “Đại bàng xanh” sử dụng 5 HLV trưởng trong 6 năm qua. Ngoại trừ HLV Youssef Anbar, 4 nhà cầm quân còn lại của Saudi Arabia đều đến từ Nam Mỹ hoặc châu Âu. Tên tuổi nhất là Bert van Marwijk, HLV từng đưa Hà Lan vào chung kết World Cup 2010.
4 năm trước, Saudi Arabia cũng nằm ở bảng đấu có Nhật Bản và Australia. Đội bóng của HLV Van Marwijk đã chơi xuất sắc khi vượt mặt Australia để chiếm vị trí nhì bảng, tương đương suất đá World Cup trực tiếp. Đó là lý do Saudi Arabia không lo sợ khi tái ngộ hai đối thủ này. “Dự World Cup là mục tiêu trong tầm tay của Saudi Arabia”, trang Saudi Scoop nhấn mạnh.
Dù vậy, trong bài viết đánh giá về các đối thủ bảng B, tờ Arab News của Saudi Arabia dành cho tuyển Việt Nam sự tôn trọng. Cũng theo HLV Renard, không có đối thủ yếu ở vòng loại cuối cùng.
19 năm sau lần gặp gỡ gần nhất, cả hai đã có vị thế rất khác. Lần này, tuyển Việt Nam cũng có mặt ở vòng loại thứ ba cùng đối thủ. Và thầy trò ông Park sẽ không dễ dàng chấp nhận thất bại trước Saudi Arabia.
Thước đo tham vọng tuyển Việt Nam từ Champions League châu Á
Sẽ thật vô lý khi kỳ vọng quá nhiều cho tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup, bởi các đại diện V.League chưa thể hiện được mình tại giải đấu tương đương cấp CLB châu Á.
Nếu vòng loại thứ ba World Cup là giải đấu khó nhất cấp đội tuyển, AFC Champions League là giải đấu khó nhất cấp CLB ở châu Á. Tuy cấp độ khác nhau, hai giải đấu này có mối liên hệ chặt chẽ. Đội tuyển quốc gia không thể thăng hoa nếu thiếu đi nền tảng từ CLB. Còn sức mạnh của CLB mới phản ánh đúng nhất thực lực nền bóng đá.
Một đội tuyển châu Á mạnh thường sở hữu những CLB mạnh tại AFC Champions League.
Có tình cờ không khi 4 quốc gia vô địch Champions League châu Á nhiều nhất trong lịch sử cũng là 4 đại diện châu Á góp mặt tại World Cup 2018 vừa qua?
Mặt trận từng bị bỏ quên
Tháng 6 chứng kiến hai sự kiện lớn của bóng đá Việt Nam là tuyển quốc gia tham dự vòng loại thứ ba World Cup 2022 và CLB Viettel dự vòng bảng AFC Champions League.
Hai sự kiện diễn ra cùng một thời điểm đã phô bày những nghịch lý.
Chiến thắng tại vòng loại World Cup đưa tuyển Việt Nam vào nhóm 12 đội hàng đầu châu lục, đồng thời giúp chúng ta đạt thứ hạng 13 châu Á trên BXH FIFA. Hai vị trí gần tương đồng cho thấy vị thế vững chắc của đội tuyển ở châu Á.
Nhưng cùng thời điểm đó, cũng tại mặt trận châu Á, các CLB Việt Nam chỉ xếp hạng 16, dưới cả Philippines. Đội V.League có thứ hạng cao nhất ở AFC là CLB Hà Nội nằm ngoài tốp 50 (hạng 53). Phần lớn điểm số của đại diện thủ đô có được sau mùa giải 2019 với thành tích vào chung kết liên khu vực AFC Cup. Quang Hải và đồng đội xếp dưới nửa tá đội Đông Nam Á khác tới từ Thái Lan, Malaysia, Philippines và cả Singapore. Đội Việt Nam thứ hai trong danh sách này chỉ đứng hạng 92 (Bình Dương).
Xếp hạng tuyển quốc gia và cấp CLB Việt Nam ở châu Á. Đồ họa: Minh Phúc.
Đó là một nghịch lý. Và nghịch lý ấy buộc chúng ta phải tự hỏi thành tựu của tuyển Việt Nam có thực sự vững chắc? Nó có đại diện cho bức tranh toàn cảnh nền bóng đá hay chỉ là một giai đoạn thăng hoa dưới thời HLV Park Hang-seo?
Thử lấy Thái Lan hay Malaysia làm ví dụ, đội tuyển của họ thua Việt Nam. Nhưng nếu hỏi cả châu Á xem nền bóng đá nào mạnh hơn, tiên tiến hơn, chưa chắc Việt Nam đã xếp trên.
Tại châu Á, người Thái khiến các cường quốc phải vị nể với 2 lần đứng trên đỉnh cao châu lục của Thai Farmers Bank. Malaysia cũng tự hào khi Johor Darul Tazim vô địch AFC Cup 2015. Thành tựu ở cấp CLB giúp họ được thừa nhận, đảm bảo cho hai nền bóng đá này suất vào thẳng vòng bảng AFC Champions League suốt nhiều năm. Suất vào thẳng đó mãi tới mùa này, bóng đá Việt Nam mới có lại.
Việc liên tục góp mặt ở AFC Champions League giúp cầu thủ Thái Lan, Malaysia đều đặn được chơi bóng tại đẳng cấp cao. Tiếp cận thường xuyên với trình độ châu lục cho phép họ nâng mức sàn của giải quốc nội. Bởi thế, Thái Lan, Malaysia không dễ bị tụt lại bất chấp những đổi thay thời cuộc. Tuyển Thái của Akira Nishino tệ nhất trong nhiều năm qua vẫn 2 lần hòa Việt Nam tại vòng loại World Cup. Còn Malaysia cũng khiến chúng ta trải qua một phen hú hồn trước quả phạt đền của Quế Ngọc Hải.
Và không chỉ có họ. Lion City Sailors (Singapore) xếp hạng 40 châu Á, từng vào tới bán kết AFC Cup. United City (Philippines, hạng 27) cũng có 6 mùa liên tiếp dự 2 cúp châu Á, thường xuyên đứng đầu vòng bảng khu vực Đông Nam Á.
Các nền bóng đá mạnh của khu vực đều tỏ ra nghiêm túc với mặt trận châu lục. Chỉ Việt Nam thường xuyên bỏ quên trận địa này. Bằng chứng là những thất bại vỡ mặt như Bình Định thua 0-8 trước Busan IPark, Nam Định bại 1-9 bởi Krung Thai Bank hay Đà Nẵng thua 15 bàn trước Gamba Osaka. 2 trong 5 trận thua đậm nhất lịch sử AFC Champions League có tên các đại diện Việt Nam.
Vấn đề là các đại diện Việt Nam không yếu đến thế, cách biệt đẳng cấp giữa đôi bên không xa nhau đến thế. Các đội Việt Nam thua trước hết vì không xem trọng sân chơi châu lục. Họ mải mê với cuộc chiến ở V.League và không coi châu Á là nơi cần phải cố gắng. Bằng chứng là chính Đà Nẵng ấy sau đó chỉ thua sát nút Jeonbuk Hyundai hùng mạnh, Nam Định cầm hòa Krung Thai Bank ngay ở trận đấu tiếp theo.
Chêch lệnh trình độ có thể được khỏa lấp. Nhưng khác biệt về thái độ thì là câu chuyện khác.
Sự yếu kém của các CLB khiến bóng đá Việt Nam liên tục tụt bậc trên các BXH châu Á. Hậu quả là từ năm 2009 tới 2014, Việt Nam không còn góp mặt ở vòng bảng AFC Champions League. Sau điểm sáng hiếm hoi của Bình Dương mùa 2015, 2016, tình trạng đó lặp lại trong 4 năm kế tiếp trước khi cuộc cải tổ của giải đấu này giúp Việt Nam có một suất vào thẳng cho CLB Viettel mùa 2021.
Bởi các CLB Việt Nam thờ ơ nên họ không cố gắng. Càng không cố gắng thì càng tụt hạng. Tụt hạng thì phải dự vòng loại, cơ hội bị hạn hế. Cơ hội càng ít thì càng khó tham dự. Càng khó tham dự thì lại càng thơ ơ. Vòng luẩn quẩn ấy lặp đi lặp lại, khiến các CLB Việt Nam mãi chưa thể đạt tới vị thế tương tự đội tuyển quốc gia ở châu Á.
Mùa giải 2019 của CLB Hà Nội là năm ấn tượng nhất của bóng đá Việt Nam ở sân chơi châu lục. Ảnh: Minh Chiến.
CLB mạnh thì đội tuyển mới mạnh
Những người làm bóng đá Việt Nam giai đoạn trước thường chia sẻ nỗi sợ khi phải tham dự các giải châu lục.
Họ cho rằng bóng đá Việt Nam có quá ít cơ hội ở đấu trường châu lục trong khi khoản đầu tư phải bỏ ra để tham dự là quá lớn. Nếu một đội Việt Nam bắt đầu từ vòng bảng AFC Champions League, họ sẽ có ít nhất 3 chuyến du đấu Đông Á. Mỗi chuyến có trên dưới 30 thành viên, sinh hoạt và tiêu dùng theo mức giá vùng Đông Á. Những chuyến đi như thế tiêu tốn số tiền lớn gấp nhiều lần các trận sân khách ở V.League, tạo áp lực tài chính nặng nề cho các CLB Việt Nam vốn đã không dư dả.
Cộng thêm nguy cơ quá tải do phải phân phối sức lực với V.League, có một thời kỳ dài các đội Việt Nam chỉ dự giải châu lục với tâm lý đá cho xong. SLNA, Nam Định, Đà Nẵng, Thanh Hóa... đều từng là điển hình của cách làm ấy.
Trong khi đó, hai đội mạnh nhất Thái Lan ở AFC Champions League là Muangthong và Buriram đều được hỗ trợ bởi các tập đoàn lớn. Và không hề tình cờ khi hai đội Việt Nam ấn tượng nhất ở châu lục là Bình Dương cùng CLB Hà Nội cũng là những đội có tiềm lực tài chính dồi dào. Nhưng lần nào cũng vậy, họ đều cô đơn trên hành trình vươn ra biển lớn.
Mọi thứ chỉ bắt đầu tiến bộ hơn trong vài năm gần đây.
Sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp lớn, nhu cầu tiến ra châu Á sau thành công của cấp đội tuyển đã xuất hiện tại nhiều CLB. Chia sẻ với Zing , Chủ tịch Đỗ Vinh Quang từng nói các giải AFC giờ là mặt trận quan trọng bậc nhất của đội bóng và CLB Hà Nội "ra châu Á không phải để làm kẻ lót đường".
Bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn những thắng như của CLB Viettel trước Kaya ở AFC Champions League vừa qua. Ảnh: Siam Sport.
Cách CLB Viettel chuẩn bị và kết quả của vừa qua của đội bóng này cũng cho thấy sự nghiêm túc tương tự. Họ thua sát nút đương kim vô địch châu Á Ulsan Hyundai, hủy diệt Kaya-Iloilo và đá sòng phẳng với đội số một Thái Lan BG Pathum. Một đại diện Việt Nam khác là Bình Dương cũng chưa từng coi nhẹ mặt trận AFC.
Cả ba đội này có thể hợp thành một nhóm, giúp bóng đá Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong khu vực và bắt đầu vươn xa tới châu lục. Sự ra đời của một nhóm trụ cột như thế là điều cần thiết, giúp từng CLB không còn đơn độc. Họ sẽ cạnh tranh với nhau từ trong nước ra quốc tế, hỗ trợ nhau, thúc đẩy lẫn nhau.
Quan trọng hơn, sự tiên phong của họ sẽ tiếp thêm dũng khí cho các CLB khác. Nếu tuyển Việt Nam có thể chơi tốt ở châu Á, cầu thủ Việt Nam có thể tỏa sáng tại vòng loại World Cup, thì có điều gì ngăn những CLB V.League làm việc tương tự?
Chúng ta đã có nhiều bài học về ảnh hưởng tích cực của AFC Champions League tới các nền bóng đá. Chanathip Songkrasin từng hớp hồn Consadole Sapporo chính nhờ chơi tốt ở mặt trận này, dàn tuyển thủ Thái Lan từng sang Nhật phần nào nhờ tỏa sáng ở sân chơi này. So với cách xuất khẩu cầu thủ hiện nay của V.League, Champions League châu Á là con đường xuất ngoại nhanh hơn, tốt hơn, nơi cầu thủ Việt được kiểm định thực sự. Đó là nơi họ có thể giành lấy sự tôn trọng từ các đối tác, có được những hợp đồng sòng phẳng và do đó sẽ lên đường với cái đầu ngẩng cao chứ không phải trong bộn bề băn khoăn như các trường hợp trước đó.
CLB Việt Nam càng chơi tốt ở châu lục, thì cầu thủ Việt Nam càng có cơ hội trải nghiệm đẳng cấp bóng đá mới. CLB mạnh thì đội tuyển mạnh. Vinh quang của đội tuyển phải được xây dựng từ nền móng cấp CLB. Đó mới là con đường phát triển đúng đắn và dài hạn của bóng đá Việt Nam.
Báo Nhật Bản nhắc đội nhà dè chừng tuyển Việt Nam và Trung Quốc Truyền thông Nhật Bản đánh giá tuyển Việt Nam và Trung Quốc hứa hẹn gây ra nhiều khó khăn cho thầy trò HLV Hajime Moriyasu ở bảng B vòng loại thứ ba World Cup 2022. "Trong những đối thủ của Nhật Bản, tuyển Trung Quốc đang cho thấy sự thay đổi lớn với việc nhập tịch các cầu thủ nước ngoài, như Elkeson,...