Đối thoại vì hòa bình và an ninh khu vực
Những diễn biến nguy hiểm gần đây tại Biển Đông là chủ đề chiếm lĩnh Đối thoại Shangri-La lần thứ 13. Hầu như tất cả các đại biểu dự cuộc đối thoại đều bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước hành động của Trung Quốc đang đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích cốt lõi của toàn khu vực, chính là hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không. Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có bài phát biểu đầy tính xây dựng vì lợi ích của Việt Nam, cũng vì chính lợi ích của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13. Ảnh: Bảo Trung
Sáng 31-5, Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 đã chính thức khai mạc tại khách sạn Shangri-La ở Xin-ga-po. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Ma-lai-xi-a, Bộ trưởng Quốc phòng In-đô-nê-xi-a, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Ô-xtrây-li-a đã lần lượt đăng đàn phát biểu. Do tình hình phức tạp tại Biển Đông hiện nay nên bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam thu hút sự chú ý đặc biệt của các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 13. Tại phiên họp toàn thể về chủ đề “Quản lý những căng thẳng chiến lược”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ: “Trong giải quyết bất cứ một mâu thuẫn hay tranh chấp nào, các bên liên quan cần phải tự kiềm chế, bình tĩnh, nhận rõ bản chất vấn đề thật khách quan và rất thận trọng đưa ra các quyết định. Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể làm cho căng thẳng trở thành xung đột”.
Về việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam , Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định: “Đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng. Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt-Trung, giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giữ ổn định chính trị để tập trung phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt-Trung”.
Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13. Ảnh: Bảo Trung
Sau khi trình bày bài phát biểu, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã trả lời hàng loạt câu hỏi của các đại biểu đến từ nhiều nước.
Video đang HOT
Về câu hỏi liên quan tới vai trò của lãnh đạo cấp cao trong việc giải quyết những bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho hay, Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, luôn giúp đỡ nhau lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi. Tổng thể quan hệ Việt-Trung phát triển tốt, đem lại lợi ích cho hai nước cũng như khu vực. Lãnh đạo cấp cao hai bên đã thống nhất rằng, là hai nước láng giềng nên việc xảy ra va chạm, bất đồng là điều khó tránh khỏi. Nếu xảy ra tình huống này, hai bên nên trao đổi, giải quyết bằng biện pháp hòa bình để giữ gìn quan hệ hai nước vì lợi ích chung của hai nước và cả khu vực. Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, trước tình hình hiện nay, cán bộ các cấp của Việt Nam và Trung Quốc đã liên hệ nhiều lần với nhau. “Tôi cũng đã trao đổi qua đường dây liên lạc với Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc và gặp trực tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nói. Trên kênh lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, Việt Nam đã và đang rất chủ động, tích cực đề nghị lãnh đạo cấp cao Trung Quốc có hình thức liên lạc hoặc trực tiếp gặp gỡ nhằm trao đổi để hai bên cùng kiềm chế, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. “Chúng tôi hy vọng tới đây, các nhà lãnh đạo của hai bên sẽ gặp nhau trao đổi, giải quyết vấn đề”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.
Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13.
Trước câu hỏi về việc liệu Việt Nam có dùng biện pháp pháp lý để giải quyết vấn đề hay không, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, Việt Nam đang cân nhắc phương án này vì đấu tranh pháp lý cũng là một giải pháp hòa bình, văn minh và phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng nói rằng, đó là lựa chọn mà hai bên đều không mong muốn. Nếu thực hiện thì cũng là việc Việt Nam buộc phải thực hiện. Việt Nam vẫn mong muốn các nhà lãnh đạo hai bên cùng ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề. Thực tế trước đây, sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết được vấn đề vô cùng phức tạp là vấn đề biên giới trên đất liền và đã phân giới cắm mốc rõ ràng, minh bạch. Hiện, biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc thực sự là đường biên hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác.
Về câu hỏi liệu Việt Nam có chấp nhận lực lượng của Mỹ luân chuyển ở Việt Nam hay không, Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh, chính sách nhất quán của Việt Nam là không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Việt Nam cũng không cho phép các tổ chức và cá nhân nước ngoài sử dụng lãnh thổ để hoạt động chống quốc gia khác.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cho hay, một lợi thế của Việt Nam là có Vịnh Cam Ranh, kín gió, nước sâu, gần đường hàng hải quốc tế. Việt Nam đang chủ trương tự bỏ vốn đầu tư xây dựng một cảng làm dịch vụ cho tàu của tất cả các nước trên cơ sở hợp đồng kinh tế.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 sẽ tiếp tục diễn ra ngày 1-6.
* Trong ngày 31-5, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam cũng đã có một loạt các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Anh và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ. Tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, hai bên đã trao đổi về tình hình hợp tác quốc phòng song phương. Phía Hoa Kỳ cảm ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ của Việt Nam trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam mong muốn phía Hoa Kỳ tiếp tục trao trả những kỷ vật của bộ đội Việt Nam trong chiến tranh. Về vấn đề Biển Đông, hai bên cùng cho rằng, mọi quốc gia phải có trách nhiệm gìn giữ môi trường hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế để bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không.
Theo Quân Đội Nhân Dân
Học giả TQ nóng mặt công kích TT Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Trước bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản tại Đối thoại Shangri-La chỉ trích Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế, một số học giả quân sự Trung Quốc phản pháo ông Abe rằng không xứng đáng để phát biểu về luật pháp quốc tế và cáo buộc ngược rằng chính Nhật bản mới gây đe dọa an ninh khu vực.
Phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe đêm 30.5 tuy không đề cập trực tiếp Trung Quốc nhưng được hiểu ngầm là muốn nhắm vào Trung Quốc. "Nhật Bản ủng hộ tối đa với nỗ lực của các nước ASEAN trong công tác bảo vệ an ninh lãnh hải và bầu trời, duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không" - ông Abe nói.
Các học giả Trung Quốc vin vào câu nói của ông Abe rằng "quan hệ Nhật - Mỹ là nền tảng của an ninh châu Á, các nước ASEAN hãy kiên quyết phản kháng bất kỳ hình thức cưỡng ép đe dọa nào trong tranh chấp hàng hải" để chỉ trích Thủ tướng Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore.
Đại tá Xu Qiyu, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc, nói: "Thủ tướng Abe muốn sử dụng Trung Quốc như khẩu hiệu để huy động các nước khác liên kết với Nhật Bản, cải thiện vai trò quốc tế của nước này".
"Nhưng thực tế, một liên minh quân sự như vậy là thứ còn sót lại từ sau Chiến tranh Lạnh. Nó được thành lập với mục đích ban đầu để đối đầu chống lại một khối quân sự đối thủ. Trong thế kỉ 21, chiêu tâm lý cùng chiến đấu chống loại kẻ thù tiềm tàng không còn phù hợp" - Thiếu tướng Yao Yunzhu (Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc) nhận xét.
Các học giả và quan chức Trung Quốc đều phản pháo rằng chính Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc, mới là nước đang có động thái đe dọa an ninh khu vực khi muốn xóa bỏ những giới hạn vai trò quân sự của Nhật Bản thời hậu chiến, củng cố sức mạn quân đội.
Trong khi đó, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Wang Guanzhong kịch liệt phản đối bài phát biểu sáng nay 31.5 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La, khi ông Hagel cáo buộc Trung Quốc "gây bất ổn, có hành động đơn phương để khẳng định yêu sách chủ quyền trên biển Đông".
Theo AFP, Phó tổng tham mưu Wang chỉ trích bài phát biểu của ông Hagel là "vô căn cứ", lên án Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra những bình luận như vậy tại một diễn đàn công cộng với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng, nhà ngoại giao, chuyên gia an ninh...
"Bài phát biểu này sặc mùi hiếu chiến, kích động, đe dọa, thể hiện quyền bá chủ" - ông Wang phát biểu trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc. "Chúng hoàn toàn không thể hiện tinh thần xây dựng, và hơn thế nữa là nhiều lần công khai chỉ trích Trung Quốc, mà những cáo buộc này hoàn toàn không có cơ sở, không có nguyên nhân".
Như tin đã đưa, sau bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 31.5 cáo buộc Trung Quốc có những "hành động bất ổn định" trên biển Đông và cảnh báo rằng Washington sẽ không làm ngơ nếu trật tự thế giới bị đe dọa.
Bộ trưởng Hagel thể hiện lập trường cứng rắn tại diễn đàn Shangri-La ngày 31.5, cảnh báo những hành động gần đây của Bắc Kinh muốn chiếm quyền kiểm soát các quần đảo và vùng lãnh hải thuộc chủ quyền nước láng giềng có nguy cơ phá vỡ trật tự thế giới.
"Không chỉ là chủ quyền của các bãi đá, rạn sang hô hay hải đảo, hay thậm chí là nguồn tài nguyên thiên nhiên xung quanh và bên dưới chúng. Vấn đề là sự duy trì bền vững của một trật tự châu Á - Thái Bình Dương thiết lập dựa trên luật lệ" - Bộ trưởng Hagel nói.
Bộ trưởng Hagel cáo buộc Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đe dọa và cưỡng ép, đồng thời liên tục chỉ trích Trung Quốc là bên gây hấn. "Trung Quốc đang cố gắng gây bất ổn, sử dụng những hành động đơn phương để củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển Đông".
Theo Một Thế Giới
Đối thoại Shangri-La nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình Một nguyên tắc của Luật Biển là các quốc gia không được sử dụng vũ lực để giành chủ quyền Trong ngày làm việc thứ 2, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 tại Singapore đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các mối quan hệ căng thẳng mang tính chiến lược tại khu...