Đối thoại chiến lược Mỹ – Trung mở đầu bằng chủ đề Biển Đông
Phát biểu khai mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ – Trung Quốc ngày 6.6, Chủ tịch Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Washington cần tin tưởng lẫn nhau hơn và nên nỗ lực xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh ngày 6.6.2016. REUTERS
Ngày 6.6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ – Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh rằng “Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường tin tưởng lẫn nhau”, theo AFP.
“Một số vấn đề tranh chấp không thể giải quyết vào thời điểm hiện tại”, nhưng hai bên nên có thái độ “đóng góp” tích cực đối với những vấn đề này, theo ông Tập.
“Cả khu vực Thái Bình Dương rộng lớn nên là nơi dành cho hợp tác, chứ không phải để đối đầu”, ông Tập nói.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry đáp lời: “Chúng ta tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và phản đối bất kỳ quốc gia nào giải quyết tranh chấp bằng hành động đơn phương”.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 6.6.2016REUTERS
&’Hành động gây hấn’
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ – Trung Quốc diễn ra sau Đối thoại Shangri-La tại Singapore hồi cuối tuần rồi. Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ tạo ra “Vạn Lý Trường Thành” tự cô lập chính nước này nếu Bắc Kinh tiếp tục bành trướng quân sự ở Biển Đông.
Mỹ và các quốc gia khác sẽ có “hành động” nếu Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough, ông Carter tuyên bố, nhưng không nêu cụ thể là hành động gì.
Đáp lời ông Carter, đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc không sợ “rắc rối” trong tranh chấp ở Biển Đông.
Một đồng minh của Mỹ là Philippines đã cáo buộc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Manila vào năm 2012. Vào năm 2013, Manila đã đệ đơn kiện Bắc Kinh ra Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan). Bắc Kinh hồi tuần rồi tuyên bố không công nhận bất kỳ phán quyết nào từ PCA, dự kiến sẽ được đưa ra trong tháng 6.2016.
Ngoài vấn đề Biển Đông, tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ – Trung Quốc, hai bên sẽ bàn thảo về nhiều vấn đề quan trọng khác, bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, hợp tác kinh tế và thương mại, chương trình hạt nhân và tên lửa đầy tranh cãi của Triều Tiên – đồng minh lâu năm của Trung Quốc, theo AFP.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Trung Quốc về việc lập ADIZ trên Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 5.6 cho biết Mỹ sẽ coi việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông là hành động khiêu khích và gây mất ổn định.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thúc giục Trung Quốc không hành động đơn phương mang tính khiêu khích trên Biển Đông. AFP
Phát biểu khi đang ở thăm Mông Cổ ngày 5.6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây, theo Reuters.
Ông Kerry nói: "Nếu Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông thì chúng tôi sẽ coi đó là hành động khiêu khích và gây mất ổn định". Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, việc lập ADIZ sẽ gia tăng căng thẳng trong khu vực và sẽ khiến mọi người vô cùng hoài nghi về cam kết của Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp ngoại giao.
Ông Kerry đồng thời thúc giục Trung Quốc không tiến hành các hành động đơn phương trên Biển Đông theo kiểu khiêu khích như vậy. Theo Reuters, sau chuyến thăm Mông Cổ, Ngoại trưởng Kerry sẽ công du Trung Quốc.
Hôm 1.6, tờ South China Morning Post dẫn các nguồn tin thân cận với Quân đội Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị lập ADIZ tại Biển Đông. Các nguồn tin này cũng nói rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ cùng với mối quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực sẽ tác động đến thời điểm Trung Quốc tuyên bố ADIZ. Thông tin này khiến các quan chức Mỹ cũng như giới chuyên gia rất quan tâm.
Mỹ vẫn điều tàu chiến và máy bay tới tuần tra ở Biển Đông. REUTERS
Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư Carl Thayer (chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á, Trung Quốc, Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc) trao đổi với Thanh Niên rằng vấn đề lập ADIZ hiện chỉ là giả thuyết, vì Trung Quốc lúc này chưa có khả năng cũng như cơ sở vật chất đủ để thực thi ADIZ.
Theo ông Carl Thayer: "Trung Quốc đang chơi trò tâm lý, và bằng việc đe dọa lập ADIZ, Bắc Kinh hy vọng có thể gây ảnh hưởng đến Mỹ để ngăn chặn các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông.
Trong khi đó, Giáo sư Alexander L. Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu, Mỹ nói với Thanh Niên rằng: "Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông không chỉ là ý muốn chủ quan của Trung Quốc mà còn tuỳ thuộc khá nhiều vào thái độ và phản ứng của các nước khác. Chính vì lo ngại ADIZ sẽ lợi bất cập hại nên Trung Quốc vẫn chưa công bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông".
Theo ông Vuving, việc Trung Quốc bắn tin đã có kế hoạch lập ADIZ - với thời điểm phụ thuộc vào sự hiện diện quân sự và quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực - có thể coi là một đòn phép để răn đe đối phương, lấy "bóng ma" ADIZ để ngăn chặn Mỹ và các nước Đông Nam Á quanh Biển Đông gia tăng hợp tác an ninh - quốc phòng.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Trung Quốc sẽ 'gây sức ép với Mỹ' về vấn đề Biển Đông Bắc Kinh được cho là sẽ gây sức ép với Washington về các vấn đề hàng hải, trong cuộc thảo luận then chốt tuần tới, do quan ngại về việc Mỹ tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông. Hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Ảnh: CSIS China...