Đổi thay trên vùng đất thiêng Quảng Trị
Quảng Trị là tỉnh có bề dày lịch sử hào hùng. Những năm chiến tranh, Quảng Trị là một trong những vùng đất nóng bỏng vì “mưa bom, bão đạn”.
Thế nhưng, giờ đây vùng đất lửa Quảng Trị đang chuyển mình và vươn ra biển lớn một cách mạnh mẽ.
Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị thăm mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo của nông dân huyện Cam Lộ. Đ.H
Những tên làng, tên núi, tên sông và các di tích lịch sử nổi tiếng như: sông Bến Hải – cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc, căn cứ Dốc Miếu, hàng rào điện tử MC.Namara, Đường 9 – Khe Sanh… đã đi vào ký ức của bao thế hệ người dân Việt Nam.
Chiến tranh đi qua đã để lại biết bao nhiêu hậu quả nặng nề, nhưng người Quảng Trị đã bỏ lại phía sau những đau thương, mất mát đó để đồng tâm, hợp lực đào phá bom mìn, xây dựng làng quê bằng tập trung phát triển kinh tế – xã hội, làm cho Quảng Trị ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Video đang HOT
Đặc biệt, hiện nay trên con đường CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Trị đã vươn mình mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng tự hào. Đời sống người dân được nâng lên, làng xã ở vùng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.
Chuyên đề NTM Quảng Trị có sự phối hợp của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị; Văn phòng Điều phối và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị.
Theo Danviet
Hướng Hóa (Quảng Trị): Lòng dân là cốt yếu
Năm 2010, Hướng Hóa chỉ có 2 xã đạt trên 5 tiêu chí, 18 xã dưới 5 tiêu chí và có đến 7 xã không đạt tiêu chí nào. Sau 5 năm, Hướng Hóa đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), không có xã dưới 5 tiêu chí. Đó là những con số biết nói, minh chứng cho sự đồng lòng của cán bộ và nhân dân toàn huyện trong xây dựng NTM.
Chuyển mình ấn tượng
Ngót nghét 6 năm chúng tôi mới có dịp trở lại Hướng Hóa để chứng kiến sự đổi thay đến khó tin của vùng đất này. Trên những con đường bê tông thẳng tắp, đi đến đâu cũng thấy bạt ngàn rẫy cà phê, hồ tiêu, sắn... xanh tốt. Trước đây, cả xóm chỉ có một cái tivi đen trắng, cả xã dùng chung một điện thoại, xe máy lèo tèo mấy chiếc cà tàng thì nay, những thứ ấy đã trở nên phổ biến.
Những con đường bê tông xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng nông thôn
huyện Hướng Hóa. Ảnh: Ngọc Vũ
Để có những thay đổi đáng mừng ấy là kết quả của sự nỗ lực hết mình của chính quyền và nhân dân huyện Hướng Hóa. Để chứng minh điều này, một cán bộ địa chính xã Tân Hợp dẫn chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Mỹ (trú thôn Tân Xuyên). Ông Mỹ cho biết, Tết Nguyên đán vừa qua, thôn đã có con đường bê tông rộng 4m, đi lại rất thuận tiện. Để có con đường này, bà con trong thôn đã hiến đất, hiến cây, trong đó ông Mỹ là người đi đầu, hiến đất nhiều nhất xã.
Ông Mỹ cho biết, hàng chục năm qua, bà con trong thôn phải đi lại trên con đường mòn đất đỏ lầy lội, trơn trượt, khổ nhất là tụi nhỏ đến trường. Cho nên tháng 8.2015, khi cán bộ thôn, xã đến nhà vận động, ông lập tức hiến gần 2.500m2 đất sản xuất với hàng trăm gốc cà phê. "Xưa kia tôi vất vả khai hoang số đất đó để phát triển sản xuất, mỗi năm thu vài chục triệu đồng, nhưng vì lợi ích chung của thôn, xã, đặc biệt là cho thế hệ sau có con đường tốt để đi nên tôi tự nguyện hiến đất" - ông Mỹ nói.
Được biết, giai đoạn 2011-2015, Hướng Hóa đã đầu tư trên 1.801 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp trên 238 tỷ đồng.
Rộng cửa đón doanh nghiệp
Đến nay, Hướng Hóa có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 18/20 xã đạt chuẩn tiêu chí điện, chợ nông thôn, bưu điện. Các tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường... liên tục được nâng cao.
Đó là phương châm huyện Hướng Hóa triển khai trong những năm trở lại đây nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện tiêu chí thu nhập. Theo đó, Hướng Hóa chủ động cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ông Võ Thanh - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: "Địa phương có lợi thế nguồn đất đai rộng lớn. Việc đầu tiên huyện làm là tạo điều kiện thoáng về mặt bằng, luôn luôn rộng cửa đón doanh nghiệp đầu tư". Theo ông Thanh, Hướng Hóa đang xây dựng nhà máy bảo quản chuối sau thu hoạch nhằm mở rộng thị trường đi các nước. Trong tương lai, huyện sẽ xây dựng nhà máy chế biến, tiến tới xuất khẩu sản phẩm đến thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu... nhằm tăng giá trị sản xuất.
Để tăng thu nhập cho người dân, huyện tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và triển khai một số giải pháp ban đầu như xen canh, tái canh cây trồng, phát triển mô hình chăn nuôi dê, bò, gà đồi... Hình thành vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu, cao su, chuối, bời lời, sắn... gắn với chế biến, sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Nhờ vậy, năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 17,6 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010.
Theo Danviet