Đội tàu chở dầu của Nga giương cao những lá cờ ‘lạ’, vượt qua lệnh trừng phạt
Một mạng lưới tàu thuyền “lạ” đăng ký tại Gabon đang làm nổi bật cách Moskva đang xây dựng một nền kinh tế vượt ra ngoài tầm với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Một tàu chở dầu treo cờ Gabon. Hồ sơ cho thấy hàng chục tàu chở dầu đã đăng ký tại Gabon trong năm qua, khiến sổ đăng ký tàu của quốc gia này trở thành một trong những sổ đăng ký tàu phát triển nhanh nhất thế giới. Ảnh: Splash
Chiếc Jaguar, một tàu chở dầu có chiều dài tương đương năm lần hồ bơi Olympic, đã rời một cảng gần St. Petersburg, Nga, vào năm ngoái, hướng đến Ấn Độ và chở đầy dầu của Nga.
Chuyến đi vào mùa xuân đó diễn ra khi các nhà chức trách phương Tây đang tìm cách xác định mạng lưới mà nó thuộc về. Họ cho rằng đây là một trong những con tàu “xám” với những chủ sở hữu ẩn danh mà người Nga tin tưởng để vận chuyển loại tài nguyên giá trị của quốc gia.
Nhưng do một sự kỳ quặc của ngành vận tải biển, Jaguar lại có mối liên hệ với phương Tây. Con tàu chở dầu treo cờ của St. Kitts và Nevis (đảo quốc Caribe), nơi đặt phòng đăng ký hàng hải ngay ở ngoại ô London – cách các trụ sở chính quyền Anh khoảng 30km, nơi theo dõi tài sản của Nga trên khắp thế giới và lập biểu đồ các chuyến hàng chở dầu của họ.
Sau khi dỡ dầu xuống cảng đích, tàu Jaguar sẽ nhanh chóng thay sang một lá cờ ít được biết đến hơn, đó là cờ Gabon, một quốc gia Trung Phi. Chỉ bằng hành động trên thủ tục giấy tờ, tàu chở dầu của Nga đã vượt ra ngoài tầm với của các cơ quan tài chính phương Tây.
Theo hồ sơ mà tờ New York Times tiếp cận được, hàng chục tàu chở dầu đã có những động thái tương tự trong một năm rưỡi qua, khi Moskva nỗ lực bảo vệ “hạm đội bí ẩn” của mình trước áp lực quốc tế nhằm hạn chế thị trường dầu mỏ Nga.
Đây là “trò chơi” mới nhất mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham gia đấu với phương Tây kể từ cuộc xung đột toàn diện giữa Moskva vào Kiev bùng nổ vào tháng 2/2022. Khi các nhà chức trách Mỹ, châu Âu truy đuổi, đóng băng và tịch thu tiền của Nga trên toàn thế giới, Moskva đã tìm ra những cách mới để thoát khỏi sự kìm kẹp của phương Tây.
Video đang HOT
Khi làm như vậy, Tổng thống Nga đã định hình một trật tự thế giới mới của các công ty và quốc gia sẵn sàng giao dịch với Nga. Ông đã xây dựng một nền kinh tế phần lớn độc lập với đồng đô la Mỹ, đồng euro hoặc đồng bảng Anh – và ngày càng vượt ra ngoài tầm với của các cơ quan quản lý.
Theo các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga được phép bán dầu, nhưng với mức giá cố định. Điều đó nhằm mục đích kìm hãm lợi nhuận của Moskva và ngăn giá dầu tăng đột biến. Nga đã nghĩ ra một giải pháp thay thế, bằng cách sử dụng “đội tàu xám” của mình để bán cho khách mua ở các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, những quốc gia không bị ràng buộc bởi mức giá cố định.
Jaguar và các tàu chở dầu khác tương tự là ví dụ về việc tài sản của Nga vẫn duy trì mối liên hệ với phương Tây.
Cũng giống như cơ quan đăng ký tàu biển St. Kitts và Nevis được điều hành từ Vương quốc Anh, hai cơ quan quản lý vận tải biển lớn là Liberia và Quần đảo Marshall cũng điều hành hoạt động của họ từ vùng ngoại ô Washington. Cho dù các cơ quan quản lý của Mỹ và Anh không biết, không bận tâm hay chỉ đơn giản là không chắc chắn liệu họ có thẩm quyền để hành động hay không, thì các tàu chở dầu của “đội tàu bí ẩn” vẫn không bị ảnh hưởng trong hơn một năm sau chiến tranh.
Các quan chức Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về các con tàu. Trong một email, văn phòng ngoại giao Anh cho biết họ vẫn đang tìm hiểu xem các cơ quan đăng ký tàu nước ngoài có trụ sở tại Anh có nghĩa vụ phải tuân thủ các lệnh trừng phạt của London hay không.
Theo công ty phân tích hàng hải Windward, kể từ tháng 7/2023, hơn 85 tàu liên kết với Nga đã thay đổi đăng ký từ Liberia sang Gabon. Trong số đó có các tàu trong đội tàu của Sovcomflot, một công ty vận tải biển nhà nước của Nga chịu lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhờ đó, sổ đăng ký tàu của Gabon, mở cửa vào năm 2018, đã trở thành một trong những sổ đăng ký phát triển nhanh nhất thế giới.
Theo thông tin đăng ký tàu được MarineTraffic và Lloyd’s List – các nhà cung cấp dịch vụ phân tích hàng hải, cho biết thì các tàu chở dầu khác của Nga đã đăng ký lại tại Panama và Palau.
Sự xáo trộn hàng hải đó đã đưa các quốc gia nhỏ vào vị thế hưởng lợi từ cuộc chiến ở Ukraine. Từng là đồng minh trung thành của Mỹ và Pháp, Gabon ngày càng thân thiện với Nga sau cuộc đảo chính quân sự năm 2023. Với việc xuất khẩu của phương Tây sang Nga phần lớn bị đóng băng, Gabon đang nổi lên như một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của Moskva, khi các bộ phận máy bay do phương Tây sản xuất gần đây đã được một công ty Gabon chuyển đến Nga – theo tờ Moscow Times.
Tổng thống Nga Vladimir V. Putin (giữa) đi cùng Igor Sechin (phải), lãnh đạo công ty dầu mỏ Rosneft. Ảnh: NYT
“Gabon rất quan trọng đối với Nga vì nước này sẵn sàng đăng ký các tàu chở dầu mà các quốc gia khác đã hủy bỏ cho phép Nga treo cờ dưới áp lực của phương Tây”, Craig Kennedy, cựu chuyên gia ngân hàng đầu tư và hiện là cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và Âu Á Davis của Đại học Harvard (Mỹ), cho biết. “Họ đang giúp Nga phát triển năng lực vận chuyển, cũng đồng thời giúp việc bán dầu vượt giá trần dễ dàng hơn”.
Hồ sơ vận chuyển giữa các công ty Nga và khách hàng của họ thường là hồ sơ riêng tư, vì vậy hầu như không thể nói liệu tất cả các tàu chở dầu được đổi cờ có bán dầu của Nga hay không và với giá bao nhiêu. Nhưng tờ New York Times đã có được hóa đơn cho thấy ít nhất ba tàu chở dầu thuộc hạm đội “bí ẩn” đã bán dầu của Nga vào năm ngoái trong khi vẫn duy trì mối quan hệ quan liêu với phương Tây.
Không giống như các tàu chở dầu của công ty Sovcomflot có liên hệ trực tiếp với chính phủ Nga, “đội tàu xám” mà tàu Jaguar thuộc về là một phần của một mạng lưới khó truy tìm hơn nhiều. Nó đã được liên kết một cách kín đáo với những cái tên quyền lực trong nước Nga, bao gồm Rosneft, gã khổng lồ dầu mỏ do nhà nước kiểm soát, và Igor Sechin, người đứng đầu công ty, được coi là đồng minh thân cận và cố vấn của ông Putin. Jaguar là một trong những tàu được Voliton, một công ty thường xuyên kinh doanh dầu mỏ của Nga, thuê.
Bộ Giao thông Gabon và Đại sứ quán Gabon tại London đã không trả lời các yêu cầu bình luận của tờ New York Times.
Hai người trả lời điện thoại cho Intershipping Services, đơn vị quản lý sổ đăng ký của Gabon, đã từ chối trả lời các câu hỏi về quy trình chứng nhận của họ và sự bùng nổ số tàu đăng ký.
Theo luật quốc tế, tất cả các tàu phải đăng ký với một cơ quan quốc gia. Các quốc gia có sổ đăng ký hàng hải đã cạnh tranh để cung cấp mức thuế thấp hơn, các quy định ít nghiêm ngặt hơn và chứng nhận nhanh chóng.
Khi đăng ký tàu, các cơ quan chức năng phải chứng nhận rằng tàu đủ khả năng đi biển và được bảo hiểm tốt. Việc Gabon cho đăng ký rất nhiều tàu chở dầu của Nga đã góp phần tạo nên danh tiếng là nước này “thoáng” hơn các khu vực pháp lý khác.
Lý do tuyến đường biển phía Bắc của Nga đang thu hút chú ý
Sự chú ý toàn cầu đối với Tuyến đường biển phía Bắc của Nga không chỉ phản ánh những thay đổi trong ngành vận tải biển mà còn có ý nghĩa sâu rộng về địa chính trị và kinh tế thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ đặt ky tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Leningrad tại nhà máy đóng tàu Baltic ở St. Petersburg, ngày 26/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Giáo sư Stefan Hedlund, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và Á-Âu thuộc Đại học Uppsala (Thuỵ Điển), Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) đang thu hút chú ý toàn cầu do biến đổi khí hậu và các lợi ích chiến lược tiềm năng. Từ lâu, NSR bị coi là một tuyến đường không khả thi do lớp băng dày ở Bắc Băng Dương. Tuy nhiên, khi khí hậu ấm lên, tuyến đường này đang trở thành một lựa chọn quan trọng để vận chuyển hàng hóa từ châu Âu đến châu Á. Thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến ngành vận tải biển mà còn có tác động sâu rộng đến chính trị và kinh tế toàn cầu.
Tăng tính khả thi nhờ biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đang làm giảm lớp băng biển ở Bắc Cực, mở ra cơ hội mới cho Tuyến đường biển phía Bắc. Trước đây, lớp băng dày và các rặng núi không thể đi qua đã khiến việc vận chuyển qua NSR trở nên bất khả thi. Tuy nhiên, tình trạng tan chảy của lớp băng đã làm giảm đáng kể khoảng cách và thời gian vận chuyển giữa châu Âu và châu Á. Theo số liệu, khoảng cách từ Rotterdam (Hà Lan) đến Yokohama (Nhật Bản) qua tuyến kênh đào Suez là khoảng 21.500 km, trong khi qua NSR chỉ còn 11.900 km. Thời gian đi qua tuyến đường biển phía Bắc giảm gần một nửa, làm tăng sự hấp dẫn.
Sự chuyển hướng này không chỉ được thúc đẩy bởi lợi ích thương mại mà còn bởi các yếu tố địa chính trị. Những cuộc tấn công bằng tên lửa ở Biển Đỏ là lời nhắc nhở rõ ràng về tính dễ bị tổn thương của hoạt động vận chuyển thương mại. Các điểm nghẽn giao thông như Kênh đào Suez và Eo biển Hormuz đã cho thấy sự tác động lớn của các tuyến đường vận chuyển chính. Sự tắc nghẽn tại Kênh đào Suez vào tháng 3/2021, khi một tàu container mắc cạn và chặn toàn bộ tuyến đường trong 6 ngày, đã nhấn mạnh sự phụ thuộc của thương mại toàn cầu vào các tuyến đường này. Các mối đe dọa từ cướp biển và khủng bố ở các điểm nghẽn khác như Eo biển Bab el-Mandeb cũng làm nổi bật rủi ro trong việc vận chuyển hàng hóa.
Tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine
Trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022, Nga và Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào phát triển NSR. Nga đã xây dựng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu chở hàng có thân tàu được gia cố để có thể đi qua băng. Sự đầu tư này phản ánh trong việc tăng nhanh lưu lượng giao thông qua NSR. Từ năm 2015, lưu lượng hàng hóa đã bắt đầu tăng đột biến, đạt 34 triệu tấn vào năm 2022, bất chấp những thách thức về địa chính trị. Chính phủ Nga đã ký một kế hoạch phát triển toàn diện trị giá 29 tỷ USD cho NSR, với mục tiêu đạt 240 triệu tấn hàng hoá vào năm 2035.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi động lực của NSR. Khi các công ty phương Tây rút lui, ngành vận tải biển đã chứng kiến sự phục hồi nhờ vào tăng cường vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường này. Nga đã chứng kiến gia tăng xuất khẩu dầu thô và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) qua NSR, với tổng khối lượng hàng hóa đạt kỷ lục 36 triệu tấn vào năm 2023. Sự phục hồi này cho thấy NSR không chỉ phục vụ nhu cầu vận tải của Nga mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho châu Âu và châu Á.
Mặc dù NSR có nhiều lợi ích, nhưng cũng đối mặt với một số thách thức đáng kể. Ví dụ, thời tiết Bắc Cực vẫn rất khó dự đoán, khiến cho việc vận chuyển hàng hóa dựa trên lịch trình cụ thể trở nên khó khăn.
Nhìn về tương lai, hai kịch bản chính xuất hiện với các hàm ý địa chính trị khác nhau. Kịch bản thứ nhất cho rằng xung đột ở Ukraine sẽ sớm được giải quyết, và lợi ích thương mại của NSR sẽ tiếp tục phát triển. Điều này sẽ thúc đẩy phát triển của các dự án năng lượng của Nga ở Bắc Cực và khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và hậu cần. Kịch bản thứ hai dựa trên giả định cuộc chiến vẫn kéo dài vô thời hạn, điều này có thể dẫn đến tăng cường liên minh giữa Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời có thể dẫn đến thiết lập lại các quy tắc hàng hải toàn cầu.
Trung Quốc, Nga mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại song phương Theo thông cáo chung ra tối 21/8 (giờ địa phương) sau cuộc họp thường kỳ lần thứ 29 giữa những người đứng đầu chính phủ Nga và Trung Quốc tại Moskva, hai nước nhất trí mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại song phương. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại cuộc gặp ở...