Đối tác gìn giữ an ninh tại Biển Đông
Malaysia và Nhật Bản khi nhất trí nâng cấp mối quan hệ song phương lên đối tác chiến lược đã khẳng định tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên Biển Đông.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) nhất trí nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược
Tại cuộc hội đàm ngày 25-5 trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe đã cùng nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “Quan hệ đối tác chiến lược”. Phát biểu với báo giới ngay sau hội đàm, Thủ tướng Razak tuyên bố: “Chúng tôi đã quyết định đưa mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược mà chúng tôi tin rằng có thể nâng quan hệ song phương lên một tầm cao hơn”.
Quan hệ đối tác chiến lược Malaysia – Nhật Bản bên cạnh việc thắt chặt hợp tác song phương trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân… đã nhấn mạnh tới việc hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Thủ tướng Razak cho biết, ông cùng Thủ tướng Abe đã chia sẻ quyết tâm tăng cường hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác vì hòa bình và ổn định; đạt được tự do, cởi mở và ổn định trên biển.
Chia sẻ với báo giới mối quan tâm tới việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo thông qua việc tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, Thủ tướng Abe và người đồng cấp Razak hối thúc Trung Quốc và các bên giải quyết tranh chấp và bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Malaysia tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải và trên không ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm thành lập Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả nhằm giảm bớt những xung đột về lãnh thổ và hàng hải tại khu vực này.
Cũng như các quốc gia khác trong khu vực, Malaysia và Nhật Bản không thể không lo ngại trước việc Trung Quốc ráo riết triển khai trên quy mô lớn việc cải tạo hàng loạt bãi đá ngầm và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Theo đó, trong 1 năm qua, Trung Quốc đã cải tạo đất bất hợp pháp trên 7 bãi đá ngầm và rạn san hô thuộc khu vực này, trong đó Đá Chữ Thập đã được mở rộng với quy mô lớn nhất, hiện có diện tích 0,96 km2.
Việc Trung Quốc đổ hàng chục tỷ USD để biến các đảo đá, rạn san hô ngầm thành đảo nổi có thể dẫn tới những thay đổi hiện trạng hết sức nguy hiểm trên Biển Đông. Điều này có thể thấy rất rõ khi chính Trung Quốc không ngần ngại tuyên bố rằng việc cải tạo các bãi đá này thành “đảo” nổi cũng nhằm mục đích quốc phòng, trong khi giới phân tích cho rằng đó là tiền đề để Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nhằm khống chế bầu trời Biển Đông, vùng biển mà Bắc Kinh đã đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn phi lý.
Vùng biển chiến lược đồng thời là tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới một khi biến thành “ao nhà” của Trung Quốc chắc chắn sẽ không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh khu vực mà còn ảnh hưởng khôn lường tới lợi ích cốt lõi của các quốc gia khu vực Malaysia hay liên quan mật thiết như Nhật Bản. Nâng cấp lên mức đối tác chiến lược giúp Malaysia và Nhật Bản tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề khu vực, đặc biệt là duy trì an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông.
Theo_An ninh thủ đô
Video đang HOT
Tham vọng độc chiếm Biển Đông: "Trung Quốc đang tự bắn vào chân mình"
Bất chấp những quan ngại của cộng đồng quốc tế, tình hình căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp tục gia tăng và tiềm ẩn nguy cơ va chạm, thậm chí là nguy cơ xung đột, do những hành động bành trướng hung hăng và ngang ngược đầy phi lý của Trung Quốc. Những động thái gần đây của các nước trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đang ngày càng cho thấy rằng gã khổng lồ châu Á này chắc chắn không thể "một tay che cả bầu trời" Biển Đông.
Hoạt động bồi lấp của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập - nơi nước này chiếm giữ trái phép
của Việt Nam năm 1988
Động thái ngang ngược mới nhất trong chuỗi hành động bành trướng hung hăng mang tính nhất quán chiến lược của Trung Quốc là lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông vừa được Bắc Kinh đưa ra cách đây ít ngày. Tuy nhiên, trên thực tế hành động cấm đánh bắt cá đã được Trung Quốc đơn phương thực hiện từ năm 1999.
Cùng với việc cấm đánh bắt cá là hàng loạt động thái ngang ngược đến mức trắng trợn khác của Trung Quốc được họ thực hiện mang tính phối hợp chiến lược từ lâu ở vùng biển này, như xua đuổi và đe dọa tàu cá các nước Đông Nam Á, cắt cáp tàu khảo sát của Việt Nam, xua đuổi máy bay của Philippines trên bầu trời Biển Đông, chiếm giữ các đảo của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam...
Trung Quốc không có quyền cấm đánh bắt cá
Trước tiên, cần phải khẳng định rằng chiểu theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn không có quyền đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá. Đây thực chất là một lệnh cấm do họ tự đưa ra và áp đặt trắng trợn bằng sự đe dọa theo hình thức này hay hình thức khác mà không nhận được sự ủng hộ của các nước liên quan trên Biển Đông.
Biển Đông ngoài khu vực EEZ và thềm lục địa của nhiều nước trong khu vực còn có cả vùng biển quốc tế, chứ không phải là "ao nhà" của Trung Quốc. Do vậy, có thể nói là lệnh cấm này không có hiệu lực pháp lý và vô giá trị. Vậy hà cớ gì Trung Quốc được quyền ra lệnh cấm đánh bắt cả ở vùng biển này.
Rất dễ thấy rằng động thái này cũng nằm trong chiến lược thôn tính Biển Đông của Trung Quốc, bao gồm việc đưa ra tuyên bố đầy mơ hồ mà Bắc Kinh không thể giải thích nổi về "đường lưỡi bò" chiếm gần như toàn bộ Biển Đông và những động thái phi lý nêu trên. Biển Đông không phải là của Trung Quốc, cũng không có bất kỳ bằng chứng nào được quốc tế công nhận rằng vùng biển này thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Do vậy, theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc không đủ tư cách để đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Rõ ràng cái gọi là "lệnh cấm đánh bắt cá" trên thực tế được Bắc Kinh đưa ra chỉ nhằm phục vụ mưu đồ dần hợp thức hóa các tuyên bố chủ quyền phi lý đến mức trắng trợn ở Biển Đông, tạo độc quyền cho ngư dân Trung Quốc khai thác các nguồn lợi hải sản và qua đó phục vụ ý đồ độc chiếm vùng biển trọng yếu này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngụy biện rằng "lệnh cấm đánh bắt cá" được họ đưa ra vào mùa hè hàng năm "chỉ đơn thuần hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế để bảo tồn nguồn cá". Tuy nhiên, tại sao Trung Quốc không nói đến cái gọi là "trách nhiệm" khi họ tiến hành rầm rộ những hoạt động lấn biển xây dựng đảo nhân tạo gây căng thẳng ở Biển Đông - một hành động cũng phá hoại môi trường nghiêm trọng, hủy hoại những rạn san hô nguyên sơ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đe dọa nơi sinh sống của những đàn cá và các loài sinh vật biển khác ở khu vực này. Đối chiếu những hành động này có thể thấy, Trung Quốc đang hành động "tiền hậu bất nhất" ở Biển Đông hoàn toàn là nhằm phục vụ ý đồ độc chiếm Biển Đông mà thôi!
Sự phản đối dữ dội của dư luận
Những động thái bành trướng ngang ngược của Trung Quốc đã liên tục vấp phải sự phản đối của các nước bị Bắc Kinh "bắt nạt" cũng như là dư luận quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Trong một sự kiện ở Jamaica, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc đang không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời lợi dụng "quy mô và sức mạnh" của mình để bắt nạt các nước nhỏ hơn.
Tiếp đó, tại cuộc gặp mới đây với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hối thúc Bắc Kinh phải có hành động cụ thể để giảm căng thẳng trên Biển Đông. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Washington rất lo ngại về quy mô cũng như tốc độ của hoạt động cải tạo mà Trung Quốc đang ráo riết thực hiện trên Biển Đông.
Ông tuyên bố, luật pháp quốc tế không cho phép hay công nhận việc "tạo ra" chủ quyền bằng cách xây dựng trên những rạn san hô dưới đáy biển, đồng thời cho rằng khu vực "cần một cơ chế ngoại giao khôn ngoan" để đi đến thống nhất bộ quy tắc ứng xử giữa Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, thay vì xây dựng "các tiền đồn và những đường băng quân sự" - ám chỉ trực tiếp đến các công trình mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Chỉ vài ngày sau phát biểu của ông Kerry, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng bày tỏ quan ngại về chiến dịch lấp biển ồ ạt của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 20-5 tại Indonesia, Thứ trưởng Antony Blinken khẳng định chiến dịch bồi lấp các bãi đá, đảo chìm và rạn san hô của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã và đang gây phương hại tới tự do và ổn định khu vực, đồng thời gây ra nguy cơ kích động căng thẳng, thậm chí có khả năng dẫn tới xung đột.
Ông Blinken cho rằng, việc Trung Quốc xây dựng, bồi lấp các hòn đảo nhân tạo thành những vùng lãnh thổ có chủ quyền, vẽ lại các ranh giới của nước này trên biển đang làm suy giảm sự tin tưởng trong khu vực. Ông Blinken nhấn mạnh nhu cầu quản lý và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ chồng lấn bằng con đường ngoại giao, đồng thời khẳng định Washington không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp nhưng "mạnh mẽ phản đối những hành động thúc đẩy yêu sách chủ quyền bằng vũ lực hoặc hăm dọa".
Trong khi đó, về phía quân đội Mỹ, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Michelle Howard đã yêu cầu Trung Quốc giải thích các hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn báo giới, bà Howard khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á nếu những nước này chọn giải pháp đoàn kết với nhau chống lại sự hung hăng ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại Nga, Báo điện tử "Gazeta.ru" mới đây đã đăng bài viết dẫn đánh giá của chính giới, giới học giả Nga về mục đích, ý đồ cũng như những hệ lụy đằng sau động thái phi pháp của Bắc Kinh đối với tình hình trong và ngoài khu vực.
Báo này dẫn lời Trưởng khoa Phương Đông thuộc trường Kinh tế cao cấp Moskva, Tiến sỹ Aleksey Maslov cho rằng: "Trung Quốc cần xây đảo để mở rộng biên giới trên biển. Nếu Bắc Kinh xây được đảo thì mặc nhiên sẽ mở rộng được phạm vi 12 hải lý bên trong EEZ".
Bài báo cũng dẫn lời Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lịch sử Yana Leksyutina thuộc Đại học Tổng hợp Saint Petersburg nhấn mạnh rằng việc mở rộng biên giới trên biển sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát phần lớn diện tích Biển Đông. Tuy nhiên việc xây đảo nhân tạo khó có thể giải quyết được bài toán địa chính trị của Bắc Kinh là biến Biển Đông thành "ao nhà" của Trung Quốc.
Các chuyên gia Nga cho rằng Trung Quốc hiện không có cơ sở pháp lý để sáp nhập các hòn đảo nhân tạo vào lãnh thổ nước này và hành động của Trung Quốc là phi pháp. Tiến sỹ Maslov nhấn mạnh: "Để chứng minh chủ quyền đối với một hòn đảo cần có cơ sở hạ tầng phát triển và bộ máy quản lý hành chính. Tuy nhiên hiện Trung Quốc chưa có cả hai điều này".
Trong khi đó, ông Aslan Abashidze, thành viên Ủy ban Liên hợp quốc về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Chủ tịch Tiểu ban Luật Quốc tế của Nga tại Liên hợp quốc khẳng định: "Không thể đơn phương lấn chiếm các vùng lãnh thổ nằm trong diện tranh chấp. Các bên liên quan cần ngồi vào bàn đàm phán và thương lượng, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành để không đẩy tình hình đến xung đột".
Tự bắn vào chân mình
Việc không thể thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền đối với các hòn đảo đã khiến các quốc gia Đông Nam Á xích lại gần với Mỹ. Như vậy, có thể thấy rằng việc Trung Quốc hành động ngang ngược nhằm độc chiếm Biển Đông giống như hành động "tự bắn vào chân mình". Bắc Kinh đã khiến cho nhiều nước đồng loạt lên tiếng chỉ trích họ, và các nước bị họ chèn ép thì trở nên gần gũi hơn với Mỹ - quốc gia luôn là cái gai trong mắt Trung Quốc.
Ngoài việc Mỹ cùng các đồng minh như Nhật Bản và Philippines tăng cường quan hệ hợp tác và hỗ trợ các nước bị Trung Quốc "bắt nạt" ở Biển Đông, Washington cũng có nhiều động thái khác nhằm cô lập Bắc Kinh. Mới đây, chỉ huy quân sự của hơn 20 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã được Mỹ mời dự một hội nghị về an ninh châu Á tại Hawaii, nhưng Trung Quốc lại không được mời.
Đây là lần đầu tiên một hội nghị chuyên đề các lãnh đạo lực lượng đổ bộ PACOM được tổ chức nhằm mục đích đặt nền tảng cho việc kết hợp các chiến dịch đổ bộ với các quốc gia khác. Trong số 23 nước tham dự, hơn 1/2 tới từ châu Á, trong đó có Việt Nam. Dù đây chỉ là một cuộc diễn tập song nó cho thấy sự hợp tác và phối hợp giữa các lực lượng đổ bộ tại châu Á.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ nói sự kiện này báo hiệu một cú hích hướng tới Trung Quốc khi Bắc Kinh ngày càng thể hiện tham vọng trong các tuyên bố chủ quyền trên biển. Theo một số tài liệu về cuộc họp được Reuters công bố, lập trường của Lầu Năm Góc là "không nên mời" Trung Quốc vì nước này là "đối thủ" của Mỹ và một số nước dự hội nghị. Theo giới chức quốc phòng Mỹ, việc Trung Quốc bị loại khỏi hội nghị không có gì lạ. Điều này diễn ra trong bối cảnh Washington đang đẩy mạnh chỉ trích các hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Xin mượn lời của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa qua để thay cho một phần lời kết. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho rằng: "Cho dù có chất bao nhiêu cát lên các rạn san hô ở Biển Đông, Trung Quốc cũng không thể tạo ra chủ quyền bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) không công nhận cả các rạn đá ngập nước cũng như đảo nhân tạo".
Như vậy, có thể thấy rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục từ chối chấp nhận cơ chế giải quyết tranh chấp và các chuẩn mực quốc tế khác, nước này sẽ ngày càng bị xem là "kẻ ngoài cuộc!".
Theo_An ninh thủ đô
Tích cực thúc đẩy Đối tác chiến lược Việt -Nhật Chiều qua 21-5, trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Nhật Bản, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã gặp ông Hayashi, Chủ tịch Ủy ban điều hành Hạ viện-Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản được Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt tích cực...