Đời sống văn hóa: Để hồn nhiên ở lại…
Mở các lớp vẽ miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; sử dụng tranh của trẻ em khuyết tật, tự kỷ đưa vào sản phẩm bán ra thị trường và trả tác quyền cho các em; mở ngân hàng tranh trực tuyến giới thiệu và bán tranh miễn phí cho trẻ em…
Một buổi dạy vẽ miễn phí của Tòhe tại Trung tâm Phúc Tuệ – Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Đó là những gì mà Tòhe đã làm hơn 10 năm qua. Với Tòhe, những hoạt động đó không phải là làm từ thiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mà chính là góp phần lan tỏa tới cộng đồng tinh thần sống hồn nhiên, hạnh phúc như những đứa trẻ.
Một buổi chiều mùa hè Hà Nội bỏng rát, căn phòng chỉ chừng 10m2 của Trung tâm dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ Phúc Tuệ rộn rã tiếng cười nói, những trò nghịch ngợm, say mê cùng với màu nước và bút lông của những đứa trẻ. Năm cô giáo mà các em gọi là chị đang chăm chú với công việc của mình. Đây là một trong những lớp dạy vẽ miễn phí dành cho trẻ em thiệt thòi mà Tòhe thực hiện hằng tuần tại hàng chục trung tâm giáo dục, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, tự kỷ trên cả nước suốt 12 năm qua.
Bốn tình nguyện viên và một nhân viên của Tòhe không chỉ dạy vẽ mà còn tổ chức cho các em chơi trò chơi, lau màu bị nhòe cho bạn này, xắn tay áo giúp bạn kia, khích lệ bạn nọ và dỗ dành một bạn hiếu động khác… Những đứa trẻ tìm mọi cách thu hút sự chú ý của các chị, các cô khiến lớp học nhiều lúc như đàn ong vỡ tổ.
Lớp học kết thúc, khi các bạn nhỏ vui vẻ ra về với thành quả là những bức tranh, Nguyễn Thị Mộng Thu – nhân viên của Tòhe – ghi vào sổ: “Thành hôm nay vẽ đẹp. Bách, Thế mất kiểm soát hơn, ồn ào hơn. Dạo này Phương Linh trầm hơn. Phạm Ngọc ít trò chuyện riêng, tập trung hơn vào bài học…”.
Gắn bó với công việc này một năm qua, Thu bảo niềm vui lớn nhất của cô sau mỗi buổi dạy vẽ là được ghi vào sổ tổng kết hôm nay bạn này vẽ đẹp, bạn kia vui vẻ, bạn nọ ít thở dài hơn.
Các lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội chỉ là một trong bốn mảng hoạt động của Tòhe, gọi là Tòhe Fun.
Ngoài ra, Tòhe còn có Tòhe Play – tổ chức các chương trình nghệ thuật, triển lãm có thu phí dành cho trẻ em thành phố; Tòhe Style – thiết kế, in ấn, sản xuất, phân phối các sản phẩm thời trang, phụ kiện từ tranh vẽ của trẻ em thiệt thòi và trả 5% doanh thu cho các em và Tòhe Bank – ngân hàng tranh trẻ em trực tuyến miễn phí, trưng bày, giới thiệu và bán tranh vẽ của trẻ em.
Vẽ như một đứa trẻ
Video đang HOT
Nguyễn Đinh Nguyên – ông chủ của Tòhe – vốn tự nhận mình là kẻ có trí óc “leng beng”, dân Hải Phòng nên “cứ tơn tớn ra chứ không biết thực dụng, chăm chăm kiếm tiền”. Bởi “leng beng”, bởi “ham chơi”, năm 2006, khi đã khá thành công với một công ty thiết kế – quảng cáo, anh Nguyên lại có ý tưởng mở thêm Tòhe – doanh nghiệp xã hội – để có cơ hội giúp đỡ trẻ em ở các trung tâm bảo trợ – những nơi anh và bạn bè vẫn hay lui tới tổ chức các buổi vui chơi cùng các em.
Cuối năm 2006, trong một chuyến đi Tây Ban Nha, khi vào Bảo tàng Picasso, nhìn dòng chữ ghi câu nói của danh họa: “Tôi dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ”, anh Nguyên giật mình. Bản thân từng vẽ tranh, nhận ra tranh của trẻ em rất đẹp bởi các em vẽ bằng cảm xúc, anh tự hỏi tại sao không thử đưa tranh của các em vào các sản phẩm thương mại.
Vậy là anh quyết định cùng vợ và một người bạn mở Tòhe. Đến nay Tòhe đã 12 tuổi, nhưng công ty mới chỉ có lãi rất nhỏ trong 2-3 năm nay, chục năm trước “toàn lỗ” bởi nhóm người thích các sản phẩm này không nhiều.
Vài năm gần đây, Tòhe sử dụng nhiều tranh của các bạn nhỏ tự kỷ để đưa vào các sản phẩm, trong đó nhiều nhất là tranh của Văn Minh Đức và Nem – Hà Đình Chí. Anh Nguyên cho biết từ năm 2015 tới nay, mỗi năm Nem và Đức nhận 30-40 triệu đồng tiền “tác quyền” từ Tòhe. Ngoài ra, Tòhe Bank cũng giúp bán được cho Nem và Đức mỗi em hơn chục triệu đồng tiền tranh.
Lá thư của một phụ nữ Nhật
Anh Nguyên tâm sự ban đầu anh cũng nghĩ mình làm mô hình này để giúp trẻ con, coi nó là dự án xã hội để được làm điều tốt đẹp cho người khác. Nhưng khi bắt tay vào làm một thời gian, anh và các cộng sự dần nhận ra chính mình đã học được nhiều thứ từ bọn trẻ và đang nhận được rất nhiều từ các em.
“Các em ấy có một phẩm chất rất đặc biệt. Là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mình cứ nghĩ chúng thấy khổ, buồn lắm. Nhưng các em vẫn rất vui vẻ. Sự hồn nhiên giúp các em ấy trong hoàn cảnh nào cũng vẫn vui. Đó là một phẩm chất rất đáng quý mà người lớn rất cần học” – anh Nguyên chia sẻ. Từ đây, anh nghĩ rằng sứ mệnh lớn nhất của Tòhe không phải là giúp đỡ những trẻ em thiệt thòi, mà là khuyến khích người lớn quay lại sống hồn nhiên như trẻ con. “Đó mới thực sự là thứ chúng tôi muốn làm” – anh Nguyên khẳng định.
Hai năm trước, lá thư của một phụ nữ Nhật Bản càng làm anh Nguyên chắc chắn hơn về sứ mệnh lan tỏa sự hồn nhiên trong cộng đồng của Tòhe. Anh nói khách hàng người Nhật ấy kể cô bị bạo hành và bị stress nặng nề. Nhưng rồi khi nhìn thấy một sản phẩm Tòhe, cô đã rất xúc động. Sự hồn nhiên và niềm vui sống của trẻ em thiệt thòi đã làm trỗi dậy trong cô tình yêu cuộc sống và nghị lực. Không có lý do gì để trầm cảm, cô quyết định thay đổi, suy nghĩ tích cực hơn.
Riêng với ông chủ Tòhe, các thiên thần nhỏ đã cho anh nhận ra điều ý nghĩa: chọn một công việc để có thể hạnh phúc với công việc ấy, chứ không phải chỉ là một công việc kiếm tiền.
Thêm một ngôi nhà cho trẻ tự kỷ
Gần 8 tháng đồng hành với con trai bé bỏng Bình Minh tham gia các buổi học – chơi tại Tòhe, chị Kiều Thị Thúy Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội) vui mừng lắm khi thấy con mình như có thêm một ngôi nhà thứ hai với các thầy cô, các bạn ở Tòhe.
Tuy chưa có tác phẩm được Tòhe ứng dụng vào các sản phẩm, nhưng Bình Minh tiến bộ rõ rệt với niềm đam mê vẽ tranh của em.
“Trước đây, chỉ các gia đình có con tự kỷ tự xoay xở lập nhóm, lập hội với nhau để chia sẻ, giúp đỡ nhau cũng như để các con được giao lưu cùng nhau. Nay thì có các cô giáo ở Tòhe giúp sức đầy tận tâm, nên các gia đình có con tự kỷ chúng tôi cảm thấy được chia sẻ, hỗ trợ rất nhiều” – chị Quỳnh nói.
THIÊN ĐIỂU
Theo tuoitre.vn
Những lớp học không bụi phấn mà tràn ngập tình thương
Việc duy trì lớp học tình thương dành cho những người khiếm thị là những nỗ lực đáng khâm phục mà các sinh viên của Đội công tác xã hội (CTXH) - Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) đang thực hiện.
Hơn 15 năm hoạt động, Đội CTXH đã tổ chức nhiều chương trình thường niên trong và ngoài TP.Đà Nẵng với mong muốn cống hiến sức trẻ cho xã hội. Lớp học đặc biệt này là hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhân văn dành tặng cho những mảnh đời kém may mắn.
Lớp học ra đời từ tháng 9.2013, dưới sự dẫn dắt của Đinh Thị Thanh Ngân - cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa (thuộc Đại học Đà Nẵng). Đối tượng tham gia lớp học chiếm đa số là những học sinh khiếm thị và một vài trường hợp trẻ bị tự kỷ, chậm tiến.
Dù rất bận với lịch học trên giảng đường và làm thêm giúp đỡ gia đình, nhưng các bạn sinh viên của đội vẫn duy trì lịch học diễn ra từ 19h đến 21h30 vào các tối thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm hằng tuần tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Để tiện cho việc dạy học, đội đã phân chia các khu vực lớp học như sau: Các em cấp 1 học tại tầng trệt, tầng trên là nơi để dạy các em cấp 2, cấp 3.
Các bạn sinh viên vừa là thầy, vừa là người thân của các em khuyết tật. (Ảnh: Hoa Nhi)
Thông thường, buổi học của các em cấp 1 sẽ kết thúc sớm hơn một tiếng rưỡi so với các anh chị. Và trong khoảng thời gian ấy, các thành viên của đội sẽ trò chuyện, giao lưu và tổ chức một số hoạt động vui chơi. Sử dụng phương pháp dạy "một kèm một", mỗi bạn sinh viên sẽ được phân công dạy một học sinh. Việc làm này sẽ giúp kiến thức được truyền đạt một cách nhanh chóng và có hiệu quả.
Gắn bó với lớp học nhiều năm, bạn Phạm Trần Nhật Tiến, sinh viên năm 3, khoa Công nghệ thông tin, Đội trưởng Đội CTXH chia sẻ: "Mặc dù rất bận rộn với lịch trình của đội và còn phải đi học, nhưng mỗi lần đặt chân vào nơi đây không hiểu tại sao mình cảm thấy vô cùng thoải mái. Có lẽ tiếng gọi "thầy ơi, cô ơi!" là điều gì đó vô cũng thiêng liêng và cao quý đối với những người chưa từng một lần đứng trên bục giảng như bọn mình".
Giai đoạn ôn thi đại học là thời điểm khó khăn cho cả thầy và trò. Các bạn sinh viên ngoài việc dạy học còn phải đọc và ghi âm lại một số tài liệu ôn thi thông thường để hỗ trợ thêm cho các em. Chưa qua một trường lớp đào tạo về trẻ khuyết tật, nhưng cái cách mà những "người thầy" mang lại còn nhiều hơn những gì mà các em mong đợi.
Lớp học không bụi phấn nhưng tràn đầy yêu thương ở Đà Nẵng. (Ảnh: Hoa Nhi)
"Cách dạy ấy không phải là nét chữ của bụi phấn, của hình ảnh người thầy trên bục giảng mà là cái ân cần của sự yêu thương. Nhìn những đôi tay mò mẫm một cách chậm rãi trên bảng chữ nổi đủ tạo ra những xúc cảm cho cả người học và người dạy", bạn Hảo Nhi, sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ.
Đến với lớp học đặc biệt trên, đằng sau mỗi tiết học trên lớp, các bạn sinh viên biết thêm nhiều câu chuyện về gia đình, bạn bè hay cả những lo âu cho chặng đường tương lai phía trước qua những giãi bày ngây ngô của các em học sinh. Tại đây, dường như khoảng cách giữa thầy và trò không còn tồn tại mà thay vào đó là vô vàn yêu thương, gắn bó và đùm bọc như trong một gia đình.
Ngoài việc dạy học, tổ chức các buổi giao lưu, Đội CTXH còn tổ chức các hoạt động khác như quét dọn lớp học, vệ sinh, trang trí khuôn viên trung tâm...
Nhiều em khuyết tật vươn lên mạnh mẽ từ lớp học đặc biệt do các bạn sinh viên Đà Nẵng lập ra. (Ảnh: Hoa Nhi)
Thầy Nguyễn Thanh Hải - Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Bách Khoa tự hào chia sẻ: "Đây vừa là hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm, vừa hỗ trợ kiến thức cho những em kém may mắn. Hoạt động mang một ý nghĩa nhân văn và tôi mong những hoạt động tương tự sẽ được nhân rộng hơn nữa".
Lớp học không chính quy, nhưng thành tích các học sinh đặc biệt mang lại cũng khiến cho những "người thầy sinh viên" đủ tự hào. Năm học 2015-2016, em Mai Văn Hiền trúng tuyển Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Năm học 2016-2017 vừa qua, em Trần Văn Hoàng được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
"Thành tích học tập của các em học sinh trong lớp là món quà vô giá của các bạn gửi tặng cho những thầy cô giáo không chuyên như bọn em, tạo cho bọn em động lực để tiếp tục con đường mình đã chọn", Phạm Trần Nhật Tiến chia sẻ.
Theo Danviet
Lớp học đặc biệt của Thiếu tá mang quân hàm xanh ở Khánh Hòa Gần 15 năm qua, người dân ở phường Vĩnh Phước (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã quen với hình ảnh thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng (Đồn Biên phòng Cầu Bóng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa) hang đêm miệt mài dạy chữ cho tre em có hoàn cảnh khó khăn. Từ đây, nhiều cuộc đời, nhiều số phận đã...