Đời sóng gió của hiệp sĩ săn bắt cướp Sài Gòn
“Máu bắt cướp ăn vào người” khiến nhiều thanh niên vốn là tài xế, tiếp thị, xe ôm… sẵn sàng lao ra đường gánh chịu rủi ro để chống tội phạm.
Sáng cuối tuần, tại quán cà phê ngay góc giao lộ thuộc quận 3 (TP HCM), năm thanh niên da rám nắng vừa trò chuyện vừa hướng mắt ra đường. Tiếng rồ ga bất thường khiến cả nhóm bật dậy. Trong khi một người chạy tới đỡ cô gái trẻ vừa ngã bên kia đường, các thanh niên còn lại nhảy lên 2 xe máy đuổi theo chiếc Exciter của hai gã vừa giật điện thoại nạn nhân.
Xe bọn cướp liên tục lạng lách giữa dòng người đông đúc. Các thanh niên vừa kéo ga phóng vun vút theo sau vừa tri hô “cướp, cướp”. Đến đoạn vắng, một xe truy đuổi vọt lên, đâm trực diện khiến 2 tên cướp ngã lăn ra đường. Dù chúng lấy mũ bảo hiểm đánh túi bụi, quơ dao hăm doạ nhưng vẫn bị 4 thanh niên lao vào quật ngã. Nhiều người chứng kiến bàn tán “cảnh sát hình sự đấy” nhưng các thanh niên chỉ cười, giao 2 tên cướp và tang vật cho công an phường gần đấy.
“Các anh đặc nhiệm khi bắt cướp cũng mặc thường phục nên tụi tôi được nghĩ là hình sự cũng phải thôi”, anh Nguyễn Việt Sin nói bằng giọng rặt Nam Bộ. Nam thanh niên đậm người, có nụ cười tươi rói là thành viên Đội hiệp sĩ TP HCM.
Đội hiệp sĩ trong một lần khống chế kẻ cướp giật. Ảnh: NVS
Thành lập 2 năm nay, Đội hiệp sĩ hiện có 5 thành viên chủ chốt và vài cộng tác viên hỗ trợ. Các hiệp sĩ làm đủ các nghề từ lái xe, tiếp thị, xe ôm đến nhân viên kinh doanh…”Chúng tôi có điểm chung là đam mê bắt cướp, giống như có sẵn trong máu vậy. Nhiều khi không biết mình làm vì điều gì, có lợi lộc gì nhưng cứ thấy người bị giật đồ té ngã lại không cầm được lòng. Lúc đó chẳng suy nghĩ gì nữa, lao xe ra đường thôi”, Sin chia sẻ.
Do mỗi người một việc, đi làm theo giờ hành chính nên thành viên trong đội thường hẹn nhau vào 2 ngày cuối tuần. Trong cuộc gặp, anh em trong đội thông báo những nhóm cướp mớt phát hiện rồi lên phương án theo sát.
Không chỉ đi tuần, dựa vào sự phát triển của công nghệ, các hiệp sĩ trực số hotline, facebook để tiếp nhận các cuộc gọi, tin nhắn trình báo về cướp giật. Mỗi ngày Sin nhận hàng chục cuộc gọi như thế rồi sàng lọc, tìm hướng trợ giúp nạn nhân. Nếu bận công việc, Sin sẽ nhờ thành viên trong đội hỗ trợ hoặc chuyển tiếp thông tin cho các chiến sĩ đặc nhiệm rà soát.
Gặp tai nạn nghề nghiệp cũng là vấn đề các hiệp sĩ lo lắng. Năm ngoái Sin một mình truy đuổi 2 tên cướp nhiễm HIV và bị chúng đâm kim tiêm dính máu, đập phá xe. Anh trải qua nhiều tháng trời điều trị phơi nhiễm trong khi túi không có đồng nào. “Lúc đó mình bị chỗ làm cho thôi việc, không tiền nhưng phải cố vay mượn để điều trị, chịu những cơn đau do thuốc hành hạ. Cũng may sau đó Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu miễn tiền điều trị cho tôi”, Sin kể.
Còn với Đinh Quang Vũ, việc truy bắp cướp và bị tấn công diễn ra như cơm bữa bởi vẻ ngoài thư sinh của anh. Dịp Tết vừa rồi Vũ truy đuổi hai tên, bị chúng đâm 2 nhát dao phải nhập viện ngay trong đêm.
Video đang HOT
Những thất bại, tai nạn như thế không hiếm gặp. Họ phải đối diện thường xuyên việc bị đe dọa hành hung, giang hồ theo đuổi về tận nhà hay những lúc truy cướp giật chạy vào ngay xóm giang hồ. Theo các hiệp sĩ, trong những trường hợp như thế nếu không linh hoạt, xử lý khôn khéo có thể bị “đánh hội đồng bầm dập”.
Đội hiệp sĩ TP HCM trong một lần tuần tra chung. Ảnh: NVS
Kinh phí là vấn đề khá lớn với hầu hết các nhóm hiệp sĩ. Do hoạt động tự phát nên những lần bị thương, hư hỏng xe họ đều phải tự khắc phục. Để đuổi được cướp, xe của họ phải ngon hơn hoặc bằng với những chiếc “xế độ” của chúng. Mỗi lần nâng cấp xe thường mất 2-10 triệu đồng. Trường hợp anh Trần Văn Hoàng (quận Tân Bình) làm xe ôm rồi bảo vệ, thu nhập mỗi tháng chưa đến 6 triệu đồng. Gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa bao giờ anh từ bỏ đam mê.
“Những lần truy bắt mình phải tông thẳng vào xe nó. Chẳng may xe hư hỏng phải bỏ tiền túi hoặc kêu vợ đưa tiền để sửa chữa. Chưa kể tiền thuốc men nếu bị chấn thương nặng”, anh Hoàng nói.
Làm một hiệp sĩ đường phố, gia đình nhiều khi là trở ngại khi không muốn người thân phải đối mặt với nguy hiểm thường trực. “Mình làm việc này, được thì thôi nhưng lỡ có chuyện gì thì chẳng ai lo ngoài gia đình nên người nhà can ngăn. Nhưng rồi chứng kiến người dân và ngay cả thân nhân mình bị cướp thì không thể khoang tay được”, hiệp sĩ Trương Quang Vĩnh nói.
Một hiệp sĩ cho biết rất mong muốn lập các Đội phòng chống tội phạm để được chính danh “săn bắt cướp”. “Tôi không mong nhận lương hay hỗ trợ gì, chỉ mong mỗi khi anh em bị nạn được hỗ trợ điều trị hoặc giúp sửa chữa phương tiện hư hỏng, chúng tôi không đòi hỏi gì khác”, một hiệp sĩ chia sẻ.
Là người dân thấy cướp giật lộng hành mà ra tay nên các hiệp sĩ cũng rất cẩn trọng trong việc truy đuổi, khống chế để tránh vi phạm pháp luật. Hiện, không có công cụ hỗ trợ, khi gặp cướp manh động dùng “hàng nóng” tấn công họ chỉ biết tránh né hoặc cầu cứu cảnh sát.
“Khi bắt cướp giật, chúng tôi phải tìm cho được tang vật. Nếu không có chứng cứ, nạn nhân không chịu tố giác coi như việc mình làm không có ý nghĩa, bọn cướp giật cũng được thả ngay sau đó. Không cẩn trọng, có trường hợp mình bị tụi cướp đòi thưa ra tòa”, hiệp sĩ Vĩnh nói.
Hiệp sĩ Sin trao lại chiếc điện thoại cho du khách người Hàn Quốc khi bị giật ngoài đường. Ảnh: AS
Ngoài Đội hiệp sĩ của anh Nguyễn Việt Sin, hiện ở TP HCM có nhiều nhóm hiệp sĩ hoạt động riêng lẻ theo từng địa bàn. Các nhóm hoạt động độc lập, ít hỗ trợ nhau. Có thể kể đến các nhóm của anh Lâm Hiếu Long, Nguyễn Văn Minh Tiến, Nguyễn Văn Hoàng…
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, nhìn nhận tính hiệu quả của các câu lạc bộ, đội nhóm phòng chống tội phạm tình nguyện. Do vậy, công an thành phố đang nghiên cứu thành lập câu lạc bộ giống như mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm ở Bình Dương.
“Thành phố không tổ chức đại trà, chỉ những người có khả năng và tình nguyện tham gia thì thành phố sẽ tạo điều kiện cho họ phát huy. Họ hoạt động với tư cách thành viên trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, trực tiếp phòng chống tội phạm”, tướng Phong nói và cho biết đề xuất này đang được nghiên cứu.
Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an TP HCM – cũng trăn trở vì chưa biết mô hình hiệp sĩ tự phát sẽ được quản lý và đài thọ thế nào. Thành phố cũng không thể giao thẩm quyền cho một địa bàn quận, huyện vì phạm vi hoạt động, đeo bám đối tượng gây án của họ rất rộng.
“Có bột mới gột nên hồ, quan trọng hơn là chế độ đãi ngộ ra sao. Tôi nghĩ rằng sẽ thưởng bằng ngân sách, lâu nay không ai cấm nhưng khá cứng. Còn nếu thưởng bằng quỹ an ninh quốc phòng, quỹ này do HĐND ấn định mức khung, rõ ràng chưa đáp ứng. Công an thành phố cũng đã có lần kiến nghị nhưng không thể giải quyết được”, ông Minh nói.
Ảnh: Những vụ bắt cướp của hiệp sĩ Sài Gòn
Duy Trần – Hữu Công
Theo VNE
'Hiệp sĩ' đường phố có thể được hỗ trợ lương
Các "hiệp sĩ" đường phố sẽ được hỗ trợ xăng để tuần tra, sửa chữa phương tiện và có thể được hỗ trợ lương như chế độ đối với bảo vệ dân phố.
CLB Phòng chống tội phạm P.Phú Hòa trong một lần tìm tung tích tội phạm bằng thiết bị định vị - Ảnh: Đỗ Trường
Phát biểu tại hội nghị các Câu lạc bộ (CLB) Phòng chống tội phạm sáng nay 22.3, đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã yêu cầu lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với các CLB tăng cường phòng chống trộm cắp, cướp giật trên địa bàn.
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao cho biết, đến nay trên địa bàn Bình Dương có 91 CLB Phòng chống tội phạm với trên 100 thành viên (còn gọi là "hiệp sĩ" đường phố) đã tham gia bắt giữ rất nhiều vụ phạm pháp, trộm cắp cướp giật.
Tình hình trộm cắp, cướp giật trên đường phố cũng giảm đáng kể, tuy nhiên đại tá Thao yêu cầu các lực lượng không được chủ quan, lơ là; Tiếp tục nhân rộng các mô hình CLB Phòng chống tội phạm dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ huy nghiệp vụ của công an.
Theo đại tá Thao, tình hình trộm cắp hiện nay trên địa bàn vẫn còn xảy ra nhiều, đặc biệt là tình hình trộm đột nhập nhà dân, "đá nóng" xe máy... Chính vì vậy ông kêu gọi đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác phòng chống tội phạm với sự tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn...
Cũng tại hội nghị này, đại tá Huỳnh Ngọc Phương, Cục phó Cục xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (V28 Bộ Công an) lưu ý phải đảm bảo yếu tố pháp luật trong hoạt động của các thành viên CLB Phòng chống tội phạm.
Còn ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu trong tình hình hiện nay các địa phương, địa bàn giáp ranh đang đẩy mạnh công tác tấn công trấn áp, tội phạm có thể dạt về Bình Dương nên lực lượng công an và các CLB Phòng chống tội phạm cũng phải hết sức lưu ý.
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao cho rằng thời gian qua đã có những chuyển biến lớn trong công tác phòng chống tội phạm, chuyển hóa tích cực những địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Tuy nhiên, đại tá Thao nói: "Có một số thành viên CLB có lúc, có nơi "vượt rào" nên cần được nghiêm khắc nhắc nhở, chỉnh đốn" .
Sau hội nghị, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã có văn bản hướng dẫn thực hiện một số chế độ đối với các thành viên tham gia CLB. Cụ thể như tiền xăng hỗ trợ tuần tra, tiền sửa chữa phương tiện, khen thưởng... trích từ Quỹ An ninh Quốc phòng.
Đặc biệt, đại tá Nguyễn Hoàng Thao cho biết sẽ xây dựng quỹ phòng chống tội phạm để có thể hỗ trợ mỗi thành viên tham gia CLB hưởng 0,5 tháng lương tối thiểu/người/tháng, như chế độ đối với bảo vệ dân phố.
Đỗ Trường
Theo Thanhnien
Hiệp sĩ bắt quả tang kẻ sờ soạng phụ nữ giữa Sài Gòn Phát hiện một đối tượng nghi vấn trên phố, hiệp sĩ bám sát theo dõi. Đối tượng nghi vấn liên tục cảnh giác chờ cơ hội ra tay. Tưởng gặp một tay cướp giật có nghề, nhưng giữa chừng hiệp sĩ tá hỏa khi phát hiện hắn vỗ vào mông một phụ nữ rồi rú ga tẩu thoát. Hiệp sĩ Nguyễn Việt Sin,...