Đời rõ éo le: Nhiều người 28 tuổi chưa chắc tường tận 28 bài học mà hot vlogger Giang Ơi chỉ ra sau đây
Với mỗi chủ đề, Giang lại sử dụng chính những câu chuyện, những trải nghiệm của mình để khiến video trở nên hấp dẫn và hay ho hơn. Và lần này, nữ vlogger ngồi xuống kể về 28 bài học mà bản thân rút ra được sau 28 năm lớn lên.
Vốn là một cô nàng có nét cá tính mạnh, thẳng thắn lại từng có thời gian sinh sống và trải nghiệm văn hoá ở trời Tây nên cách tiếp cận vấn đề của Giang Ơi cũng rất trực quan, thú vị. Nhờ vậy mà nàng vlogger sớm hút về cho mình một lượng fan đông đảo ở khắp mọi mặt trận như Youtube, Instagram và Facebook. Mới đây, channel Giang Ơi đạt cột mốc quan trọng với 1 triệu lượt follow. Nút vàng nắm trong lòng bàn tay, khỏi phải nói thì ai cũng biết cô nàng vui mừng và hạnh phúc đến mức nào.
Nhưng để có được thành công nhất định như ngày hôm nay, Giang Ơi hay bất kì nhân vật đình đám nào cũng trải qua hàng tá những mất mát, thăng trầm và thất bại. Và sau mỗi câu chuyện là một bài học “xương máu” khiến bạn trưởng thành hơn rất nhiều. Hãy cùng lắng nghe 28 bài học – tương ứng với 28 tuổi mà nàng vlogger trải qua:
1. Mình từng là người thẳng thắn, có khi đến phũ phàng nhưng theo thời gian mình may mắn học được cách giữ im lặng.
Trong nhiều trường hợp cần đắn đo suy nghĩ, mình sẽ tự hỏi bản thân 3 câu:
- Điều mình muốn nói liệu có đúng?
- Có cần thiết phải được nói ra hay không?
- Có phải điều tử tế để nói ra không?
2. Trong công việc cần nên trao đổi bằng chữ viết, như qua email hoặc tin nhắn lưu lại rõ ràng nội dung. Nếu họp trực tiếp thì cần có email xác nhận những thoả thuận sau đó. Còn nói chuyện điện thoại thì cần tin nhắn chốt lại những gì mình đồng ý với nhau. Bởi thoả thuận miệng nhiều rủi ro, dễ dẫn tới hiểu nhầm nhau.
3. Mình không cần nhiều đồ đạc như mình nghĩ. Nhiều người khi buồn hay bỏ tiền mua gì đó. Lâu dài nó trở thành thú vui, như uống nước tăng lực. Nhưng một khi bạn để bản thân bị phụ thuộc, bạn sẽ lên đô và dần dần yêu cầu mua nhiều thứ đắt đỏ hơn.
4. Không bao giờ có thời điểm hoàn hảo cho việc bạn dự định làm. Ví như bạn muốn đọc sách cũng phải chờ có một góc đọc sách thật đẹp mới bắt tay vào thực hiện. Cuộc sống luôn có trở ngại và bất tiện và bạn phải tìm ra hướng để thích nghi. Thật ra ngày phù hợp nhất để bắt đầu là ngày hôm nay.
5.Mình chỉ sống duy nhất một lần và không bao giờ có cơ hội thứ hai. Bởi vậy hãy sống một cuộc sống theo ý mình, sẵn sàng trả giá và chịu trách nhiệm cho nó mà không hối hận.
6. Ghi chép vào sổ và phân loại thứ tự ưu tiên thứ mình cần làm.
7. Không ai để ý đến bạn nhiều như bạn nghĩ, người ta còn mải nghĩ đến bản thân người ta nhiều hơn. Hãy làm những gì bạn muốn, vì dù gì đi nữa bạn cũng chẳng phải trung tâm vũ trụ.
8. Nỗi sợ là điều ai cũng có để phản vệ trước những điều lạ. Tất cả những gì cơ thể cảm thấy không quen thuộc nó sẽ đáp lại bằng nỗi sợ để đảm bảo sự an toàn của chính mình. Thật sự nó cũng bình thường thôi, hãy tập cách thấu hiểu nỗi sợ và đối mặt với nó để trải nghiệm những điều mới giúp cuộc sống đặc biệt hơn.
9. Không thể và không cần mọi người phải thích mình. Điều mình cần làm là dành thời gian với những người thích mình. Còn những người không thích mình chắc cũng có lý do riêng của người ta nên thôi ai cứ sống đời người ấy.
Video đang HOT
10. Luôn luôn phải cất giữ bản photo với mọi loại giấy tờ. Khi xảy ra những trường hợp lạc mất giấy tờ mà có sẵn bản photo copy sẽ lợi hơn việc làm lại.
11. Con người có thể ra đi nhưng kỉ niệm ở lại, nghĩ mọi chuyện nhẹ nhàng thì mọi chuyện đơn giản hơn.
12. Mọi hành trình đều bắt đầu bằng một bước chân, bức tường dù cao đến mấy cũng đến từ những viên gạch nhỏ. Không có gì tốt vừa dễ vừa nhanh. Dù nôn nóng muốn nhìn thấy thành quả ngay điều này không thực tế. Bất cứ gì tốt cũng đến từ kiên trì, nỗ lực trong thời gian dài.
13. Nhà không cần quá rộng, quá xịn nhưng phải gọn gàng. Có thế đầu óc mới vui vẻ, làm việc hiệu quả. Và nếu có thể, giữ đồ đạc trong nhà ít nhất vì càng nhiều càng khó dọn dẹp.
14.
Hãy mua đồ có thể phục vụ bạn lâu dài.
15. Nỗi sợ “bỏ lỡ” 1 cái gì đó là 1 điều vô nghĩa – nên làm điều mình thích
16. Làm gì cũng luôn phải ghi nhớ LÍ DO mình bắt đầu – để tiếp tục hoặc kết thúc. Đôi khi dừng lại một chút để nghĩ về thời điểm bắt đầu là rất hữu ích để bạn tìm lại nguồn năng lượng làm tiếp.
17. Mặc đồ hiệu đắt tiền không làm mình hạnh phúc như bạn nghĩ.
18.
Bí quyết trong tình yêu là giao tiếp, cái sự giao tiếp là nỗ lực mỗi ngày để cả hai hiểu nhau hơn, mối quan hệ tốt đẹp hơn.
19. Đừng sợ phải bỏ đi những mối quan hệ độc hại làm bạn đưa ra quyết định theo chiều hướng xấu, trì trệ và nghĩ tệ về bản thân. Chỉ bạn mới là người dành cho bạn nhiều thời gian cùng nhất, bạn hay chơi với ai thì nó sẽ phản ánh con người bạn rõ nhất.
20. Luôn luôn phải có tiền dự trữ phòng thân cho những biến cố. Mỗi tháng nhận lương nên để dành một chút, về lâu dài nó có thể dùng vào các chuyện bất trắc không ngờ.
21. Tìm ra công việc mình đam mê là RẤT QUAN TRỌNG. Bạn xứng đáng làm việc mình yêu thích, bởi mỗi ngày bạn ngủ mất 8 tiếng, còn lại 16 tiếng dành 8 tiếng đi làm rồi.
22. Hình ảnh vài video sẽ lưu lại những kỉ niệm mãi mãi. Có những thứ không thể quay lại lần nữa nhưng nếu lưu lại thì nó sẽ mãi mãi ở cùng với mình.
23. Nếu muốn có 1 tình yêu đẹp – Cần làm người yêu tốt trước đã.
24. Phải học cách thoải mái với những điều không thoải mái. Như dậy sớm, nhận lỗi,… nhưng đây là những việc bạn cần phải hoàn thành nên phải cố làm quen.
25. Ai cũng có vấn đề của riêng mình dù không thể hiện ra. Trước tiên hãy thông cảm với những người yêu quý mình trước, sau là những người ghét mình.
26. Hoàn thành tốt hơn là hoàn hảo. Mình cũng như nhiều người đôi khi cần “điều kiện đủ” để bắt đầu nhưng thứ hoàn hảo ấy vốn không có thật, nó che giấu sự do dự, lười biếng nên cứ tiếp tục, bạn sẽ không làm được gì cho xong cả.
27.
28. Đừng lo lắng quá nhiều – mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Tất nhiên hãy làm mọi chuyện với thái độ nghiêm túc nhất có thể.
Bạn tâm đắc với bài học nào nhất trong list 28 điều trên. Hãy cùng để lại bình luận phía dưới nhé!
Theo Trí Thức Trẻ
Giang Ơi khuyên mọi người mua đồ đắt tiền để... tiết kiệm: Nghe thì sai sai nhưng thực chất lại rất hợp lý!
Ngoài ra, Giang Ơi còn chia sẻ 4 tips hữu ích khác để bạn quản lý tiền bạc.
Chắc hẳn ai cũng từng rơi vào hoàn cảnh rỗng ví, cháy túi khi mới nhận lương được nửa tháng. Vung tay quá trán, tiêu tiền không suy nghĩ khiến nhiều người thậm chí còn ngập lụt trong các khoản nợ khổng lồ.
Mới đây, Vlogger Giang Ơi đã được dân mạng bấm like ầm ầm khi chia sẻ 5 bí kíp để quản lý tiền bạc. Trong đó, có rất nhiều điều đơn giản mà chúng ta có thể đã bỏ qua như gửi tiền tiết kiệm, không dùng thẻ tín dụng và săn đồ sale cũng như dùng tiền để đầu tư.
Giang Ơi chia sẻ 5 cách để quản lý tiền bạc
Trong đó có điều số 2- mua đồ đắt tiền để... tiết kiệm nghe thì có vẻ sai sai nhưng Giang Ơi lại có cách giải thích rất hợp lý và thuyết phục. Cô nàng cho biết: "Nhiều bạn sẽ nghĩ: "Nhưng không có tiền để mua đồ xịn ngay từ đầu thì mua kiểu gì?" và mình hoàn toàn hiểu điều đó. Nhưng có lẽ bạn không cần nhiều đồ như bạn nghĩ. Có lẽ thay vì 7 cái áo thì bạn chỉ cần 3 cái thôi. Có lẽ bạn chỉ cần 3 cái đĩa sứ chứ không phải 10. Mấy thứ đồ rẻ nhưng lặt vặt, mua quá nhiều chính ra lại làm bạn tốn tiền hơn, chưa kể làm "rác nhà" nữa."
Giang Ơi giải thích rằng nhiều người có thói quen dựa niềm vui của mình vào số đồ mình sở hữu, coi vài thứ nho nhỏ mình mua được là một thành công. Việc này phổ biến với những bạn mới đi làm, mới ra trường. Tuy nhiên, Giang Ơi khẳng định rằng niềm vui không nằm ở chỗ đó và chúng ta cũng không cần nhiều thứ lặt vặt đến thế.
Giang cho rằng bạn không cần mua quá nhiều đồ để tạo niềm vui. Thay vào đó, hay đầu tư cho những món đồ chất lượng
Nàng vlogger đình đám cũng đưa ra lời khuyên dành cho những người nghiện mua đồ sale. Đành rằng đây là cách bạn tiết kiệm được kha khá. Tuy nhiên, bạn cần làm rõ khái niệm "cần" và "muốn" của bản thân để không tha về những thứ rẻ nhưng cũng chẳng hữu ích.
Hiện tại, những chia sẻ của Giang Ơi đang nhận được rất nhiều lượt chia sẻ và đồng tình trên MXH. Nhiều người đã học được 1 bài học đơn giản nhưng rất hữu ích để bản thân không lâm vào cảnh khốn khó vì quản lý tiền năng chưa tốt đấy!
Dưới đây là nguyên văn chia sẻ về 5 cách quản lý tiền bạc của Giang Ơi:
NHỮNG MẸO QUẢN LÝ TIỀN CỦA MÌNH
Hôm nay chúng mình nói về tiền bạc đi! Sau đây là 5 cách mình đang làm để quản lý tiền, hy vọng sẽ mang lại gợi ý cho các bạn. Hãy nhớ gợi ý chỉ là gợi ý, không có phương pháp nào "one size fits all" - vừa vặn với tất cả mọi người. Mỗi tính cách, hoàn cảnh và tuổi đời sẽ có những cách làm phù hợp riêng. Nhưng để chia sẻ những cách của cá nhân mình, đây là các cách ấy:
1. MỖI THÁNG LUÔN GỬI TIỀN TIẾT KIỆM QUA APP
Thường mỗi ngân hàng đều có một cái app để các bạn thao tác rất tiện và nhanh chóng. Ngày xưa mọi người phải canh giờ hành chính, mang cọc tiền mặt ra ngân hàng gửi rồi lấy sổ, giờ thì bạn chỉ cần nhấn nút là có ngay một tài khoản tiết kiệm rồi. Vậy điều mà mình làm hàng tháng là gửi một khoản tuỳ khả năng vào tài khoản tiết kiệm ngay thời điểm nhận tiền.
Mỗi tháng thì % thu nhập gửi tiết kiệm có thể sẽ cố định, có thể sẽ dao động tuỳ thuộc tháng đó có khoản chi nào lớn hay không. Những bạn đi làm công ty có thể dành ra 10% - 50% lương, những bạn freelancer thì một phần của mỗi dự án. Nhưng việc dành ra một khoản tiết kiệm mỗi tháng, dù ít hay nhiều cũng đều là rất quan trọng để mình dần dần xây đắp được một khoản tiền lớn nhằm vào các mục đích lớn hơn. Mỗi tháng bạn tiết kiệm được bao nhiêu % thu nhập?
2. MUA ĐỒ ĐẮT TIỀN
Việc tinh giản hoá cuộc sống làm cho mình tỉnh táo hơn trong việc nhận biết những đồ đạc gì thực sự quan trọng và cần thiết, và những gì thuộc về thú vui. Đúng là con người có nhiều khoản chi "chỉ để chi tiền cho vui" và khi chúng ta sống đơn giản hơn, chúng ta sẽ giảm được những khoản chi ấy. Khi số đồ đạc giảm đi, mình có điều kiện mua đồ cao cấp và bền đẹp với thời gian. Từ đó chúng lại giúp mình tiết kiệm chi phí sửa chữa thay thế, hơn nữa không tốn tiền mua đồ lặt vặt linh tinh thích được vài bữa rồi vứt.
Đọc đến đây, mình đoán là nhiều bạn sẽ nghĩ: "Nhưng không có tiền để mua đồ xịn ngay từ đầu thì mua kiểu gì?" và mình hoàn toàn hiểu điều đó. Nhưng có lẽ bạn không cần nhiều đồ như bạn nghĩ. Có lẽ thay vì 7 cái áo thì bạn chỉ cần 3 cái thôi. Có lẽ bạn chỉ cần 3 cái đĩa sứ chứ không phải 10. Mấy thứ đồ rẻ nhưng lặt vặt, mua quá nhiều chính ra lại làm bạn tốn tiền hơn, chưa kể làm "rác nhà" nữa.
Khi bạn còn ít tiền, bạn rất dễ bị mắc vào cái bẫy phổ biến là dựa niềm vui của mình vào số đồ bạn sở hữu. Vì khi mình chưa có nhiều tiền thì việc mua được một thứ gì đó là một thành tựu nho nhỏ chứng tỏ mình đang thành công hơn trước. Nhiều người coi việc mua được nhiều đồ là niềm vui hưởng thụ sau những giờ phút làm việc vất vả. Thật khó để không cảm thấy thèm thuồng những gì mình còn thiếu. Mình hiểu những điều đó và chính bản thân mình cũng đã đi qua cảm giác ấy những năm mới ra trường đi làm. Nhưng hãy tin mình, thực ra bạn không cần nhiều đồ lặt vặt đến thế. Thực ra niềm vui không nằm ở chỗ ấy.
3. KHÔNG DÙNG THẺ TÍN DỤNG
Mình biết rằng tới đây sẽ rất rất nhiều bạn phản đối mình. Và đây cũng là cách riêng, phù hợp với cá nhân mình thôi chứ không áp dụng với tất cả. Mình là người không giỏi quản lý tiền bạc, không suy nghĩ nhiều khi chi tiêu, không nhớ mình đã tiêu cái gì, không để ý mình còn bao nhiêu tiền. Vì thế, cá nhân mình cho rằng có lẽ thẻ ngân hàng tiêu trước trả sau không phù hợp với mình.
Đúng là thẻ tín dụng không phát sinh tiền lời nếu bạn hoàn trả đúng hạn. Nhưng đối với mình thì thật dễ để quên cái hạn ấy.
Đúng là thẻ tín dụng cho chúng mình nhiều khuyến mãi đi khi ăn uống mua sắm. Nhưng có lẽ những khuyến mãi ấy sẽ lại kích thích mình đi tiêu những khoản mà đáng lẽ mình không tiêu ngay từ đầu.
Đối với một người kém quản lý tiền bạc như mình thì có lẽ thẻ debit - có nhiêu xài nhiêu - là phù hợp hơn cả.
4. HỌC CÁCH ĐẦU TƯ
Tiền đẻ ra tiền - đây không phải khái niệm mới, nhưng những người trẻ như chúng mình cần có thời gian và kinh nghiệm sống để học và thực hiện. Đầu tư có thể đơn giản là gửi tiết kiệm ngân hàng, cũng có thể là chứng khoán, bất động sản, cổ phiếu, kinh doanh, rất nhiều kênh khác nhau.
Sau khi kiên trì tiết kiệm và tiết kiệm và tiết kiệm hàng tháng thì bạn sẽ có một khoản tiền nhất định. Lúc này bạn cần quyết định nên làm gì với nó. Tất cả những kênh đầu tư mình nói ở trên đều cần học và học và học rất nhiều để nắm được nó và đưa ra những quyết định khôn ngoan, không có gì là tấm vé số chắc ăn. Mình đã chọn kênh mà mình cảm thấy mình hiểu nhất, liên tục đọc và quan sát, hỏi han những người đi trước. Mình mày mò làm từng bước nhỏ trước, lớn sau. Không bỏ hết trứng vào một giỏ. Hiểu rằng lời lớn thì rủi ro lớn, lời ít thì cũng ít rủi ro. Biển lớn thì sóng lớn, hãy chọn lựa kênh đầu tư phù hợp với mình và làm cho tiền của mình tiếp tục đẻ ra tiền nhé.
5. CÁCH MUA ĐỒ SALE
Những đợt sale chắc chắn là rất hấp dẫn và trong chúng mình chắc chắn ai cũng từng vác về nhà những món đồ sale chỉ mua "vì rẻ quá" mà cuối cùng chẳng dùng đến bao giờ. Chiến thuật của mình là mỗi đợt sale chỉ mua những thứ cần, không mua những thứ muốn. "Cần" và "muốn" chỉ cần bạn trung thực với bản thân một chút là bạn sẽ phân biệt được. Bạn biết bạn cần dùng cái gì hàng ngày. Bạn biết bạn có cần thêm một màu son nữa hay không. Thực ra là bạn biết đó.
Trên đây là những chia sẻ ngắn ngắn với các bạn về cách chi tiêu của mình để có tài chính tốt hơn, bên cạnh việc cố gắng kiếm được nhiều hơn. Hy vọng là bạn sẽ có thể tham khảo nhé!
Theo Helino
Vlogger triệu view Giang Ơi bất ngờ mang váy cưới ra đấu giá, biết được mục đích ai cũng khâm phục "Theo nguyện vọng của Giang ơi, toàn bộ số tiền có được từ việc đấu giá 3 bộ đồ cưới này sẽ được gửi đến cho 3 nhóm cứu hộ: YeuDongVat Foundation (YDV), Nhận Nuôi Thú Cưng - Hanoi Pet Adoption, Cứu Hộ Chó Mèo Sài Gòn Time - SGT". Cưới xin là câu chuyện trọng đại, một lần trong đời nên bất...