Đội quân khuyển Anh nhảy dù vào hậu phương phát xít Đức
Quân đội Anh từng huấn luyện những con chó nhảy dù từ máy bay để hỗ trợ bộ binh chiếm lợi thế trong cuộc đổ bộ Normandy năm 1944.
Phe Đồng minh từng tìm mọi cách để chiếm lợi thế trước thềm cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử nhằm chiếm bãi biển Normandy từ tay Đức Quốc xã vào tháng 6/1944. Một trong những ý tưởng được cho là điên rồ nhưng vẫn được quân đội Anh triển khai là dự án “chó nhảy dù”.
Tiểu đoàn Dù số 13 của Anh quyết định sẽ cho những con chó tham gia vào một khóa huấn luyện đặc biệt để biến chúng thành các “quân khuyển” có khả năng nhảy dù xuống vùng chiến sự. Với năng lực của mình, chúng sẽ đóng vai trò tai mắt cho bộ binh tham chiến, đánh hơi cứ điểm địch, xác định bãi mìn, cảnh giới và giúp binh sĩ duy trì tinh thần chiến đấu.
Một con chó trong quá trình huấn luyện nhảy dù. Ảnh: Der Spiegel.
Để tuyển được số chó cần thiết, quân đội Anh kêu gọi sự trợ giúp từ người dân. Đối mặt với tình trạng thiếu thốn thực phẩm thời chiến, nhiều gia đình Anh sẵn sàng tặng những con chó của mình cho quân đội để bớt một “miệng ăn” trong nhà.
Những con chó nhanh chóng được sàng lọc để chọn ra các “quân khuyển” có thể phục vụ hoạt động chiến đấu. Trường Huấn luyện Chó Chiến tranh cũng được thành lập ở Herfordshire năm 1941 để đào tạo chó nghiệp vụ.
Video đang HOT
Những con chó này được huấn luyện một cách có hệ thống để có thể phát hiện mìn, nhận biết mùi thuốc súng và chất nổ, xác định các loại cạm bẫy, di chuyển cùng các binh sĩ và quan trọng nhất là chịu được tiếng nổ và âm thanh lớn.
Chúng liên tục được làm quen với tiếng ồn lớn bằng cách ngồi trên vận tải cơ nhiều giờ mỗi ngày trong vòng một tháng. Các “quân khuyển” cũng thường xuyên được nghe tiếng súng nổ và ngửi mùi thực sự trên chiến trường. Điều này giúp chúng không sợ hãi và chạy toán loạn ngay khi lâm trận.
Những con chó vượt qua đợt huấn luyện này sẽ được đào tạo đổ bộ đường không bằng cách buộc dù vào thân và thả từ máy bay. Chúng bị bỏ đói một thời gian, sau đó nhảy dù cùng huấn luyện viên, người mang theo một miếng thịt để giúp chúng duy trì sự tỉnh táo và tuân lệnh.
“Sau khi bung dù, tôi thấy con Ranee ở bên trên và cách khoảng 30 m. Dù đã mở, nó trông có vẻ ngơ ngác nhưng không sợ hãi. Tôi gọi và Ranee lập tức nhìn về phía tôi vẫy đuôi mừng. Con chó tiếp đất trước tôi, nó hoàn toàn thoải mái và không gặp trở ngại gì. Tôi tiếp đất gần đó rồi giúp nó tháo dù và cho ăn”, binh nhất Ken Bailey ghi chép lại quá trình huấn luyện “quân khuyển” Ranee.
Dự án này dường như rất thành công khi những con chó được huấn luyện một cách kỹ càng để có thể bình tĩnh đối mặt với hiểm họa trên chiến trường.
Ngày 5/6/1944, Tiểu đoàn Dù số 13 xuất kích thực hiện nhiệm vụ cùng đội quân khuyển. Mỗi máy bay gồm 20 binh sĩ và một con chó, tất cả được thả ra ngoài oanh tạc cơ giữa tiếng đạn pháo phòng không của phát xít Đức nổ liên hồi xung quanh. Nhiều câu chuyện về lòng dũng cảm của lực lượng chó nhảy dù đã được những người lính kể lại sau này.
Một trong số đó là con chó tên Bing thuộc giống Shepherd-collie của Đức. Khi máy bay xâm nhập vùng trời đối phương và đạn pháo phòng không rộ lên, Bing hoảng sợ, trốn kỹ ở đuôi máy bay nhưng rốt cuộc vẫn bị huấn luyện viên ném ra ngoài khi tới địa điểm tác chiến.
Lính dù Anh kiểm tra trang bị của một quân khuyển. Ảnh: Der Spiegel.
Sau khi bung dù, Bing bị thương do trúng mảnh đạn pháo phòng không của Đức, nhưng nó vẫn tiếp đất an toàn và sau đó thể hiện kỹ năng tuyệt vời khi phát hiện các bãi mìn của đối phương, cứu mạng nhiều lính Đồng minh.
Bing sau đó tiếp tục tham gia một chiến dịch đổ bộ đường không khác, nhảy dù xuống hậu phương phát xít Đức để tham chiến cùng các binh sĩ Đồng minh. Sau khi tiếp đất, Bing được cử đi kiểm tra một ngôi nhà nghi là nơi ẩn náu của lính Đức và đã kịp thời cảnh báo nguy hiểm cho binh sĩ đi cùng.
Nhờ thành tích này, Bing được thưởng Huy chương Dickin, phần thưởng cao nhất cho những con vật trong quân đội Anh. Nó được tái hợp với chủ cũ sau khi Thế chiến II kết thúc. Bing qua đời năm 1955 và được chôn ở một nghĩa trang đặc biệt gần London, đồng thời được tạc tượng đặt tại ở Bảo tàng lính dù ở Duxford.
Theo VNE
Công khai trực tuyến 850.000 tài liệu về các nạn nhân Do Thái thời Đức quốc xã
Trung tâm Quốc tế về truy tố Đức quốc xã có trụ sở tại Đức cho biết hàng trăm nghìn tài liệu về tội ác của Đức quốc xã gây ra đối với khoảng 10 triệu người Do Thái đã được đăng tải trực tuyến vào ngày 19/11, cho phép những người quan tâm có thể truy cập tìm hiểu.
Người tị nạn Đức vượt qua hàng rào Nga vào ngày 6 tháng 11 năm 1945. Ảnh tư liệu: AP
Các tài liệu nói trên được thu thập từ Khu vực Chiếm đóng của Mỹ tại miền Nam nước Đức - khu vực lớn nhất do quân đồng minh kiểm soát - và là một phần trong số những tài liệu do trung tâm này sở hữu. Những tài liệu này thuộc Kho lưu trữ Arolsen, một vài tài liệu trong số này đã được công khai trực tuyến trước đó.
Sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, Anh, Pháp, Liên Xô trước đây và Mỹ đã yêu cầu nhà chức trách Đức cung cấp thông tin chi tiết về số phận mọi nạn nhân của chế độ Đức quốc xã - dù là người nước ngoài, người Đức Do Thái hay người chưa rõ quốc tịch, cũng như vị trí chôn cất các nạn nhân.
Bà Rebecca Boehling - quyền Giám đốc Viện Quốc gia về tài liệu nạn diệt chủng Do Thái thuộc Bảo tàng Nạn diệt chủng Do Thái của Mỹ - đánh giá Kho lưu trữ Arolsen có ý nghĩa đặc biệt, giúp giới nghiên cứu tìm hiểu những diễn biến trong cuộc sống của các nạn nhân thời kỳ Đức quốc xã. Dự kiến, Kho lưu trữ Arolsen sẽ sớm được tiếp tục cập nhật với những dữ liệu thu thập tại Khu vực Chiếm đóng của Anh.
Nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust) là một trong những vết nhơ mà phát xít Đức để lại trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đã có 6 triệu người Do Thái bị sát hại trong thảm họa diệt chủng này, trong đó có 1 triệu trẻ em.
Theo Thanh Phương (TTXVN)
Mỹ cố phong tỏa Nord Stream 2: Giới chức Đức nói thẳng EU đang bị chia rẽ bởi vấn đề Nord Stream 2. Dự án này có thể khiến những rạn nứt đang tồn tại trong EU nở rộng. Sputnik ngày 14/12 dẫn lời một số quan chức cấp cao của Đức cho rằng, chính phủ nước này đã không có thái độ kiên quyết đối với những biện pháp trừng phạt mà Mỹ muốn...