Đội quân giúp người Trung Quốc đi chợ thời Covid-19
Khi Liu Yilin, giáo viên trung học về hưu ở Vũ Hán, lần đầu nghe về căn bệnh dễ lây đang bùng phát, ông bắt đầu tích trữ thực phẩm.
Liu tích trữ gạo, dầu ăn, mỳ, thịt lợn khô, cá khô. Sự chuẩn bị này giúp người đàn ông 66 tuổi khỏi hoảng loạn khi thành phố áp lệnh phong tỏa hôm 23/1, khiến người dân thành phố tràn tới các siêu thị và trung tâm mua sắm để mua hàng tích trữ.
Nhưng thời gian trôi qua, khi người dân bị cấm rời khỏi nhà, Liu ngày càng lo lắng về việc làm thế nào để có thịt cá, rau củ quả tươi trong mùa dịch. Và rồi mạng lưới giao hàng rộng lớn của Trung Quốc đã trở thành “cứu cánh” cho những người như Liu.
“Thật nhẹ nhõm khi trên WeChat bắt đầu xuất hiện các nhóm mua hàng theo nhóm do nhân viên xã hội và tình nguyện viên lập ra chỉ vài ngày sau khi thành phố áp lệnh phong tỏa”, Liu nói. “Mạng lưới giao nhận hàng tại nhà hùng hậu của Trung Quốc đã giúp cuộc sống dễ chịu hơn trong thời gian khủng hoảng”.
Những người giao tại nhà phục vụ người dân Vũ Hán trong thời kỳ phong tỏa. Ảnh: AFP.
Giao hàng tận nhà đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, theo Hu Xingdou, một nhà nghiên cứu kinh tế chính trị độc lập ở Bắc Kinh.
“Ở một mức độ nào đó, nó giúp người dân không bị chết đói, đặc biệt trong những trường hợp chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp cách ly cực đoan”, Hu nói.
Điều này thể hiện rõ ở Vũ Hán, nơi khởi phát Covid-19 tại Trung Quốc và chính quyền áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn từ 23/1 đến 8/4. Người dân bị cấm rời khỏi nhà và đội quân giao hàng đã giúp những người như Liu Yilin, một giáo viên trung học đã nghỉ hưu ở Vũ Hán, “cảm thấy cuộc sống dễ dàng hơn nhiều vào thời điểm khủng hoảng”.
Trong thời gian phong tỏa, người dân Vũ Hán chỉ được phép ở trong khu dân cư, nơi có nhân viên xã hội canh gác ở lối ra vào. Tiếp xúc giữa người và người bị giới hạn trên Internet. Người dân đặt hàng trực tuyến với nông dân, tiểu thương hoặc siêu thị để mua nhu yếu phẩm, và nhân viên xã hội giúp vận chuyển hàng hóa từ người giao tới người mua.
Sáng nào Liu cũng chuyển một mẩu giấy đề tên, số điện thoại và số đơn đặt hàng tới một nhân viên xã hội, người thu gom hàng ở cổng khu dân cư. Nhờ mật độ dân số đông đúc trong khu vực thành thị, lực lượng lao động dồi dào và thái độ cởi mở của người dân với đời sống kỹ thuật số, T rung Quốc đã xây dựng một mạng lưới giao nhận tại nhà cực kỳ phát triển.
Các công ty công nghệ đầu tư lớn vào hạ tầng phần cứng, phần mềm để cải thiện công tác hậu cần, còn công nghệ dữ liệu lớn và điện toán đám mây giúp dự đoán hành vi của người tiêu dùng.
“Cho dù là giao hàng hóa, bưu kiện hàng không, thực phẩm tươi sống, thậm chí là thuốc men hay vật liệu y tế, Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống giao nhận cực kỳ phát triển. Tôi cho rằng hệ thống này phát triển hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”, Mark Greeven, giáo sư về đổi mới và chiến lược tại Học viện Kinh doanh IMD tại Lausanne, Thụy Sĩ, nhận xét.
“Trước Covid-19, Trung Quốc đã bắt đầu đón nhận công nghệ kỹ thuật số trong đời sống thường nhật trong mọi lĩnh vực từ tiêu dùng tới kinh doanh, quản lý hành chính, vận hành thành phố thông minh và thanh toán qua bên thứ ba. Mọi thứ đã hoạt động trong suốt thời gian dài mà khủng hoảng là phép thử cho khả năng và độ nhạy bén khi đối phó với nhu cầu tăng vọt”, ông nói.
Theo JD.com, một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, nhu cầu về thương mại điện tử và giao hàng đã tăng vọt trong thời gian Covid-19 bùng phát tại quốc gia này.
JD đã bán được 220 triệu mặt hàng từ 20/1 đến 28/2, chủ yếu là ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa, với giá trị đơn hàng đặt thịt bò tăng gấp ba lần và gà tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tang Yishen, người đứng đầu JDFresh, công ty con của JD chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống, cho biết nhu cầu trực tuyến với hàng hóa tươi sống trong đại dịch giúp các nhà cung cấp thương mại điện tử thâm nhập sâu hơn vào đời sống khách hàng, cũng như giúp các nhà sản xuất nông sản biết đến và tin tưởng các trang thương mại điện tử hơn.
Meituan Dianping, một trang thương mại điện tử lớn khác, cho biết dịch vụ bán lẻ tạp hóa của các siêu thị địa phương trên nền tảng đã tăng trưởng 400% trong tháng hai, so với một năm trước. Những mặt hàng được đặt mua nhiều nhất từ 23/1 đến 8/2 là khẩu trang, nước khử trùng, quýt, trái cây tươi đóng gói cắt sẵn và khoai tây.
Các nhà phân tích nhận định những nhà cung cấp thương mại điện tử đã tận dụng đại dịch làm cơ hội bày tỏ thiện chí hợp tác và cải thiện quan hệ với đối tác cũng như khách hàng.
Sofya Bakhta, chuyên gia phân tích chiến lược tiếp thị tại công ty tư vấn Daxue trụ sở tại Thượng Hải, cho biết lĩnh vực giao nhận thực phẩm đã đạt được bước tiến đáng kể trong cải thiện tiếp xúc trực tiếp thời kỳ đại dịch.
Nhân viên giao hàng để lại hàng hóa trước cửa tòa nhà, trong thang máy hoặc nơi nhận hàng riêng biệt theo hướng dẫn của khách hàng vì đa số khu dân cư không cho phép người lạ vào trong.
Một số công ty còn ứng dụng chiến lược công nghệ cao cấp hơn, là sử dụng xe giao hàng không người lái tới khu vực giao nhận, cung cấp hộp các tông làm bìa chắn giọt bắn cho khách hàng khi dùng bữa tại công sở tại Bắc Kinh, hay thậm chí dùng máy bay không người lái giao hàng tới những người bị cách ly tại khu vực bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nhất tại Thượng Hải.
Một số công ty còn “chia sẻ” nhân viên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong ngành giao nhận đồ ăn thời kỳ khủng hoảng, Bakhta nói.
Những công ty giao đồ ăn đối mặt tình trạng thiếu nhân lực thời Covid-19 đã thuê lại nhân viên từ các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và dịch vụ khác, theo Sandy Chen, giám đốc nghiên cứu cấp cao của công ty tư vấn toàn cầu Gartner.
“Thỏa thuận này không chỉ đảm bảo tính liên tục cho dịch vụ giao nhận mà còn giúp doanh nghiệp giữa chân nhân viên khi phải đóng cửa vì phong tỏa”, bà nói
Mo Xinsheng là một người được thuê như thế. Anh làm phụ bếp trong một nhà hàng ở Bắc Kinh phải dừng hoạt động vì vắng khách do Covid-19.
“Tôi muốn kiếm tiền và giúp đỡ những người mắc kẹt trong nhà”, Mo nói. Trước khi bắt đầu công việc là nhân viên giao hàng, anh phải kiểm tra sức khỏe toàn diện mới được cấp phép ra vào khu dân cư.
Mo cũng làm việc nhiều tiếng trong ngày dưới thời tiết gió rét của mùa đông Bắc Kinh, chở rất nhiều hàng hóa.
“Tôi làm việc 10 tiếng mỗi ngày để kiếm vài nghìn tệ (vài trăm USD) một tháng”, Mo nói. “Thỉnh thoảng mệt quá, tôi khấy khó thở khi bê vác toàn gạo, dầu ăn và những thứ khác. Nhưng tôi hiểu mình đang làm một công việc quan trọng, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng như thế này. Mãi tới lúc này, tôi mới nhận ra người ta phụ thuộc vào hệ thống giao hàng tận nhà như thế nào”.
Nhan viên một công ty giao hàng ở Vũ Hán kiểm tra thân nhiệt hai lần một ngày trong thời kỳ phong tỏa. Ảnh: NPR
Li Chen, giảng viên Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, đại học Trung Quốc tại Hong Kong, cho rằng hệ thống phân phối của Trung Quốc được cải thiện đáng kể nhờ sự kết hợp hiệu quả giữa đổi mới ở khu vực tư nhân và điều phối ở khu vực công.
“Tại Trung Quốc, các cơ quan chính phủ và đảng Cộng sản đã duy trì được khả năng huy động mạnh mẽ trong đối phó với tình huống khẩn cấp, và tỏ ra hiệu quả trong đối phó khủng hoảng Covid-10″, Li nói.
Dù giá thực phẩm và rau củ trong thời gian Vũ Hán phong tỏa đắt gấp ba lần so với Tết Nguyên đán 2019, nhưng Liu vẫn hài lòng.
“Chúng tôi không có nhiều lựa chọn ngoài khoai tây, bắp cải và cà rốt. Nhưng tôi không có gì để phàn nàn. Trong thời buổi khó khăn này, có rau củ tươi để ăn là tốt lắm rồi, phải không? Suy cho cùng, chúng ta chỉ là những người bình thường thôi”, ông nói.
Dân Vũ Hán đổ ra đường bắt cá
Sau cơn mưa lớn gây ngập, người dân Vũ Hán đổ ra đường vớt cá tràn lên từ sông Trường Giang.
Người dân Vũ Hán bắt cá trên phố hôm 8/7. Video: Sina.
Vũ Hán, đô thị 11 triệu dân có sông Trường Giang chảy qua và vừa trải qua đại dịch Covid-19, tiếp tục hứng chịu một trong những trận lũ lớn nhất lịch sử. Chính quyền thành phố hôm 7/7 đã phát cảnh báo mưa lũ đỏ, mức cao nhất trong thang cảnh báo 4 nấc.
Nước sông Trường Giang đoạn chảy qua Vũ Hán dâng cao do lũ. Mưa lớn khiến lũ ngập lên tận đài quan sát của miếu Long Vương. Những con cá lớn tràn từ sông Trường Giang vào nhiều con phố, khiến người dân đổ ra đường tát cá. Video ghi lại cảnh tượng người dân ra phố bắt cá hôm 8/7 thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận.
"Người dân Vũ Hán đang tìm niềm vui trong nỗi khổ", một người bình luận.
"Cá sông Trường Giang có khác, to thật", một người khác viết.
Tuy nước lũ đang rút dần sau khi đạt đỉnh hôm 13/7, nhưng chính quyền lo ngại lũ lụt diễn ra sau dịch bệnh sẽ khiến vấn đề khắc phục kinh tế tại thành phố sẽ càng thêm khó khăn.
Mưa lũ tấn công các tỉnh miền nam và miền trung Trung Quốc từ nhiều tuần nay, khiến gần 34 triệu người ở 27 tỉnh bị ảnh hưởng, hai triệu người phải sơ tán, 141 người chết hoặc mất tích, thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD. Cục Khí tượng Trung Quốc hôm 14/7 dự báo trong ba ngày tới, miền nam Trung Quốc sẽ tiếp tục hứng chịu mưa lớn.
Mai mối trực tuyến lên ngôi giữa Covid-19 Kazunori Nakanishi, 31 tuổi, nhân viên khách sạn ở Kumamoto, cho rằng nếu không có mai mối trực tuyến, anh sẽ không thể gặp được vợ. Người mai mối đã sắp xếp cho anh trò chuyện với Ayako, 43 tuổi, một nhân viên xã hội. Cô sống ở Tokyo, cách Kumamoto, thành phố phía đông Nhật Bản, khoảng 885 km. Cuối tháng trước,...