Đối phó dịch sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết bùng phát bất thường tại các nước châu Á trong thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tính đến nay, dịch bệnh này đã làm tử vong hơn 1.000 người, lây nhiễm hàng trăm ngàn người và gây nên tình trạng quá tải bệnh viện tại các nước.
Ảnh minh họa
Trong số các nước chưa được kiểm soát được dịch bệnh ở châu Á, Philippines đã tuyên bố tình trạng quốc gia dịch bệnh sốt xuất huyết khi có hơn 1.100 người đã chết trong năm 2019 và hơn 250.000 người bị nhiễm bệnh.
Sốt xuất huyết là bệnh do virus lây truyền qua muỗi nhanh nhất trên thế giới, tăng gấp 30 lần trong 50 năm qua. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), căn bệnh này là đặc hữu ở hơn 100 quốc gia và khiến hơn một nửa dân số thế giới gặp nguy hiểm. Thời tiết thất thường làm cho việc dự đoán dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.
Nhằm phòng ngừa và ngăn chặn dịch sốt xuất huyết tiếp tục bùng phát tại Singapore, ngày 2-12, Cơ quan Quản lý môi trường Singapore (NEA) đã chính thức đưa vào hoạt động một trung tâm mới nghiên cứu về sự phát triển và cung cấp các con muỗi đực Wolbachia-Aedes aegypti (giống muỗi Aedes aegypti mang trong mình vi khuẩn nội bào Wolbachia).
Trung tâm nghiên cứu mới tại Ang Mo Kio này nằm trong chương trình mở rộng Dự án Wolbachia với mục tiêu làm giảm lượng muỗi cái thành thị Aedes aegypti tại Singapore. Trung tâm này có năng lực thả vào môi trường tự nhiên khoảng 5 triệu con muỗi đực Wolbachia-Aedes aegypti mỗi tuần, ở nhiều khu vực bằng máy bay không người lái. Đây là giai đoạn thứ tư của một dự án nhằm mở rộng khả năng triệt tiêu hơn 90% dân số muỗi gây bệnh ở khu vực đô thị. Singapore đang trải qua đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn. Tính đến ngày 21-11 vừa qua, đã có hơn 14.470 người bị lây nhiễm sốt xuất huyết, với 20 trường hợp tử vong tại nước này.
Khi muỗi đực Wolbachia-Aedes aegypti được thả vào môi trường, chúng gặp và kết đôi với muỗi cái thành thị Aedes aegypti (không mang vi khuẩn Wolbachia) sẽ khiến trứng của chúng không nở được. Muỗi cái thành thị Aedes aegypti là nguyên nhân chủ yếu trong việc lây lan các virus sốt xuất huyết, virus gây bệnh Chikungunya và virus Zika tại Singapore.
Video đang HOT
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, phương pháp thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không phải là phép màu để có thể xóa sổ hoàn toàn căn bệnh sốt xuất huyết. Không chỉ có nhiều muỗi, mà quá trình đô thị hóa nhanh chóng xảy ra ở nhiều quốc gia châu Á, có nghĩa là những quần thể dễ mắc bệnh đang sống gần gũi hơn với côn trùng mang mầm bệnh. Nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là làm sạch môi trường xung quanh, xóa bỏ ao tù nước đọng để loại bỏ môi trường sinh sản của muỗi và hướng tới giải pháp phát triển vaccine phòng bệnh.
KHÁNH HƯNG
Theo SGGP
Căng mình chống dịch sốt xuất huyết
Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang vào mùa cao điểm. Tại nhiều tỉnh, thành, nhất là TPHCM, khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ, số ca mắc SXH tăng rất cao so với cùng kỳ, nhiều trường hợp tử vong. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Phun hóa chất diệt muỗi phòng trừ sốt xuất huyết
Số ca mắc không ngừng tăng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (CDC), nhiều quận huyện xuất hiện ổ dịch SXH, đặc biệt tại huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh... có hàng trăm ổ dịch SXH và hơn 900 điểm nguy cơ phát sinh dịch. Đây là những địa bàn rộng, có nhiều bãi đất trống tập kết rác thải, nhiều tuyến đường có nước ứ đọng... tạo điều kiện để lăng quăng, muỗi vằn sinh sôi. Thống kê của CDC, tổng số ca mắc SXH trong tháng 8 trên toàn TP là 7.833 ca, tăng 18% so với tháng 7, trong đó có 4.477 ca nội trú và 3.356 ca ngoại trú. Tổng số ca trong 8 tháng qua là 39.814 ca (gồm 22.894 ca nội trú và 16.920 ca ngoại trú), tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018.
Tương tự, tại các tỉnh ĐBSCL, dịch SXH cũng bùng phát ở nhiều địa phương. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho thấy, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 876 ca SXH, tăng hơn 43,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, số ca mắc SXH điều trị tại bệnh viện tăng mạnh trong 3 tháng gần đây với tổng số 335 ca.
Bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết, hiện số lượng ca SXH nhập viện đang tăng rất mạnh, nhiều ca bệnh nặng. Còn tại Đồng Tháp, chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 1.351 ca mắc SXH (tăng 71,7% so với cùng kỳ) và đã ghi nhận 2 ca tử vong.
Tại Tiền Giang, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 2.400 ca SXH, tăng 163% so cùng kỳ, trong đó đã có 2 ca tử vong. Riêng tại Sóc Trăng, tính đến ngày 13-9, toàn tỉnh ghi nhận 1.223 ca SXH (tăng 40% so với cùng kỳ)...
Đến nay, khu vực ĐBSCL đã ghi nhận 8 ca tử vong do SXH, trong khi diễn biến dịch gia tăng ca mắc mới, có nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng. Điều đáng ngại là không chỉ trẻ em mà số người lớn mắc SXH cũng tăng cao.
Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận đang là 1 trong 15 tỉnh thành có số ca SXH tăng cao trong cả nước. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 2.900 ca mắc (cao gần gấp 5 lần so cùng kỳ 2018), trong đó có 1 trường hợp tử vong tại huyện Tánh Linh. Dự báo thời gian tới số người mắc sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả.
* Ngày 17-9, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại TP Đà Nẵng. Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, hiện địa phương đứng thứ 3 trong 11 tỉnh miền Trung về số ca mắc SXH.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hiện đang là mùa mưa nên nguy cơ bệnh SXH bùng phát thành dịch là rất lớn. Do đó, ngành y tế TP Đà Nẵng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết muốn tránh SXH thì trước tiên phải diệt lăng quăng, bọ gậy. Bên cạnh đó, xử phạt nghiêm những cá nhân, tập thể không thực hiện đúng theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để mang tính răn đe.
Lơ là phòng chống
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc CDC, cho biết, đã chỉ đạo triển khai 3 chiến dịch đồng thời: Chiến dịch xử lý điểm nguy cơ theo phương pháp phân loại mới 2019; Chiến dịch phun hóa chất diện rộng kết hợp diệt lăng quăng tại các ổ dịch; Chiến dịch "Thanh niên xung kích" tại các đơn vị có cơ sở Đoàn, tại các hộ gia đình của đoàn viên thanh niên và trên địa bàn dân cư khu phố, ấp. Các đợt chiến dịch này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm "diệt lăng quăng", là "hành động" hàng ngày của mỗi công dân, tập thể trong cộng đồng. Phương châm của các chiến dịch là "Cuối tuần không lăng quăng, cả tuần không có muỗi".
Nhằm kiềm chế bùng phát dịch SXH, ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết, đã tổ chức mít tinh phòng, chống bệnh SXH năm 2019, kêu gọi cộng đồng chủ động phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh SXH. Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra các hoạt động phòng, chống SXH ở tất cả các huyện và các xã có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch SXH tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch...
Tuy nhiên, bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho rằng, một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh SXH, nhiều phụ huynh cứ nghĩ chỉ những trẻ sơ sinh (từ dưới 1 tuổi đến 3 tuổi) mới bị mắc, hay đã bị mắc SXH rồi thì sẽ không tái nhiễm... Tuy nhiên, quá trình điều trị cho thấy, kể cả người lớn vẫn có nguy cơ mắc SXH. Cụ thể, hiện lứa tuổi từ 6 đến 15 tuổi là nhóm tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao và thường diễn biến nặng hơn nhóm tuổi sơ sinh...
Mặc dù tính đến ngày 16-9, toàn tỉnh có hơn 6.000 ca mắc SXH, trong đó có 3 trường hợp tử vong, nhưng theo Sở Y tế tỉnh Bình Phước, nhiều người dân vẫn chủ quan trong công tác phòng, chống. Nhiều hộ dân vẫn chưa tích cực loại bỏ vật dụng chứa nước không cần thiết, vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản.
Theo CDC, phòng chống dịch SXH là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở, bắt đầu từ những việc cụ thể như dọn dẹp, loại bỏ những vật dụng chứa nước tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển. Việc phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp cấp thời nhằm diệt đàn muỗi trưởng thành, giảm mật độ muỗi truyền bệnh, chứ không ngăn ngừa được sự lây lan của bệnh nếu không diệt lăng quăng triệt để.
Thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết
Theo các chuyên gia y tế, dung dịch cao phân tử Refortan là thuốc nằm trong phác đồ điều trị SXH nặng, giúp chống sốc. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện, hiện thuốc điều trị này cạn kiệt do nhà cung ứng tạm ngưng vì vướng thủ tục nhập khẩu.
Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), dung dịch cao phân tử đã được sử dụng tại Việt Nam gồm dung dịch dextran 40, dextran 70 và HES 200.000 dalton. Tất cả các thuốc này đều sản xuất tại nước ngoài và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Hiện có 6 thuốc có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực, được nhập khẩu theo nhu cầu mà không cần thực hiện việc cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, do đặc thù thị trường nước ngoài nên nhu cầu các thuốc trên rất thấp. Do đó, hiện nguồn cung các thuốc này rất hạn chế. Cục Quản lý dược yêu cầu các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc và sẽ xem xét cấp phép nhập khẩu, đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu điều trị SXH.
Theo SGGP
Khoảng 3.200 ca mắc và 2 ca tử vong do sốt xuất huyết tại Tiền Giang Theo ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến giữa tháng 9/2019, toàn tỉnh ghi nhận gần 3.200 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được thăm khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang. Một số...