Đối phó ‘chiến thuật vùng xám’ trên biển Đông
Tại hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” kết thúc hôm 7/11 ở Hà Nội, các đại biểu đề cập chiến thuật vùng xám mà Trung Quốc áp dụng trên biển Đông.
Chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh bao gồm việc triển khai tàu dân quân biển và tàu hải cảnh để tăng cường hiện diện ở Biển ĐôngẢnh: AP
Tại hội thảo diễn ra trong hai ngày (do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức), một số đại biểu cho rằng, để hạn chế chiến thuật vùng xám, cần có thêm quy định đối với các hoạt động trong “vùng xám”. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, cần nhất là nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật pháp và nâng cao năng lực thực thi luật pháp của các nước bị ảnh hưởng.
Các nước lớn sử dụng chiến thuật vùng xám nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự. Chiến thuật vùng xám là hoạt động có chủ đích nhằm lách luật quốc tế để tránh bị lên án, không phải do luật quốc tế thiếu quy định hoặc quy định thiếu chặt chẽ như một số nước thường biện minh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Úc) cho rằng, việc Trung Quốc sử dụng chiến thuật vùng xám ở Biển Đông sẽ tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh trong khu vực; các nước bị ảnh hưởng buộc phải có đối sách. Điều này khiến nguy cơ đối đầu, va chạm trên biển gia tăng.
Video đang HOT
Theo GS Thayer, Trung Quốc gần đây gia tăng khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” dù đã bị tòa án quốc tế bác bỏ là để đối phó chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Mỹ. Ông nhận định, Mỹ và một số đồng minh đang và sẽ tăng cường tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, bao gồm việc cử tàu chiến, máy bay ném bom tới gần các khu vực mà Trung Quốc đang có các hoạt động đơn phương, đi ngược lại luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trong hai ngày diễn ra hội thảo với 47 bài phát biểu được trình bày và hơn 250 lượt trao đổi, các đại biểu đã thảo luận tình hình biển Đông trong bối cảnh khu vực địa chính trị rộng lớn hơn gồm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, biển Hoa Đông, và hai vùng địa cực. Đồng thời trao đổi về lợi ích và quan tâm của các nước ngoài khu vực đối với biển Đông, các vấn đề cụ thể như bảo vệ môi trường biển và nghề cá. Các đại biểu nhấn mạnh, hợp tác khu vực cần được thúc đẩy qua các kênh song phương, đa phương, đặc biệt là các cơ chế của ASEAN.
Vai trò của các quốc gia tầm trung rất được quan tâm, kể cả các đóng góp của các quốc gia ngoài khu vực như Liên minh châu Âu (EU). Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nhấn mạnh sự quan tâm và vai trò của EU ở khu vực nói chung và biển Đông nói riêng; khẳng định EU không chỉ là đối tác thương mại và phát triển mà còn là đối tác an ninh trong khu vực. Trong vai trò đó, EU có giá trị cân bằng ảnh hưởng, thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, nhất là tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, gồm cả UNCLOS 1982.
Theo tienphong
Thẩm phán vụ kiện Biển Đông: Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược UNCLOS 1982
Ông Stanislaw Michal Pawlak nêu rõ, yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông đi quá giới hạn địa lý và các quyền trên biển, đi ngược UNCLOS 1982.
Trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11 tại Hà Nội, tại phiên thảo luận riêng về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS) GS. Stanislaw Michal Pawlak khẳng định, những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông đi ngược lại UNCLOS 1982.
Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế Stanislaw Michal Pawlak phát biểu tại Hội thảo Biển Đông. (Ảnh: Minh Tuấn)
Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak nêu rõ: " UNCLOS là công ước đã tạo ra hệ thống pháp luật toàn diện, góp phần vào việc định hình trật tự tại các đại dương và biển trên thế giới, thiết lập các nguyên tắc điều chỉnh về việc sử dụng tài nguyên biển và đại dương".
" Hiện nay, Công ước này đã được công nhận trên toàn thế giới và giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan tới Luật Biển. Trong vòng một phần tư thế kỷ qua, Công ước đóng góp nhiều vào việc góp phần đảm bảo hòa bình, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới".
Theo Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak, ITLOS khẳng định rõ ràng rằng, các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với tài nguyên tại Biển Đông là không phù hợp với những quyền cụ thể và các vùng biển quy định trong UNCLOS 1982.
Các yêu sách của Trung Quốc đang đi ngược lại với những quy định của Công ước quốc tế và không có hiệu lực pháp lý, vì Trung Quốc mở rộng quá lớn về giới hạn địa lý và các quyền trên vùng biển của mình.
GS. Stanislaw Michal Pawlak cho biết thêm, hiên nay ITLOS đang là một cơ quan tài phán hoạt động hiệu quả trên thế giới. Việc tuân thủ UNCLOS 1982, đồng thời xây dựng nhiều thông lệ trong công pháp quốc tế, ITLOS góp phần vào việc thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật trên biển, duy trì hòa bình công lý và tiến bộ trong quan hệ quốc tế.
UNCLOS là văn kiện pháp lý quan trọng đóng vai trò là nền tảng của trật tự dựa trên luật lệ trên Biển trong suốt một phần tư thế kỷ. UNCLOS 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994.
Ông Pawlak là một trong 5 thẩm phán xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2013. Năm 2016, ITLOS ra phán quyết, dựa trên Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS), trong đó bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương đưa ra nhằm chiếm gần như trọn Biển Đông.
MINH TUẤN
Theo vtc.vn
Hạ nghị sĩ Mỹ: ASEAN cần có tiếng nói thống nhất về vấn đề Biển Đông Hạ nghị sĩ Mỹ Ted Yoho bày tỏ quan ngại sâu sắc với những diễn biến hiện nay trên Biển Đông. Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc trong tuần đã có cuộc gặp và trao đổi với Hạ nghị sĩ Cộng hòa Ted Yoho, Thành viên cao cấp Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban Đối...