Đòi nợ thuê phạm luật, chủ nợ vô can: Quản kiểu gì?
Đòi nợ thuê là lĩnh vực nhạy cảm, giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ có những thỏa thuận ngầm không thể hiện trong hợp đồng.
Ngày 14/9/2018, trao đổi với Đất Việt, Luật sư Nguyễn Văn Hướng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến không nằm ngoài quy định pháp luật nhưng lại đem đến nhiều băn khoăn.
Theo ông Hướng, đòi nợ thuê từ lâu nay vẫn được biết đến là lĩnh vực nhạy cảm, luôn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật cao đến từ cả đơn vị đòi nợ, con nợ và chủ nợ.
“Để đòi được nợ, thì đơn vị đòi nợ phải dùng đủ các biện pháp “nghiệp vụ” của mình để gây sức ép lên con nợ. Trong quá trình thực hiện đó thường có sự trao đổi thường xuyên giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ để nắm bắt tình hình. Như thế, khi xảy ra vấn đề vi phạm pháp luật trong quá trình đòi nợ của đơn vị kinh doanh thì chủ nợ cũng không thể nằm ngoài trách nhiệm” – ông Hướng nói.
Một nhóm người đi đòi nợ thuê ở Bình Định vào đầu tháng 9/2018.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông Hướng nhìn nhận trong thực tế việc chứng minh quá trình tham gia, giám sát đòi nợ của chủ nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ là rất khó. “Các điều này thường không thể hiện qua hợp đồng. Hơn nữa nó đến từ sự “tự giác” từ phía đơn vị kinh doanh, khi thấy có biểu hiện vi phạm pháp luật họ có quyền từ chối và thực tế trong các quy định cũng đã nói rõ họ phải từ chối khi khách hàng yêu cầu những vấn đề nằm ngoài pháp luật” – ông Hướng cho hay.
Vị luật sư này cho rằng, thay vì xác định trách nhiệm liên đới của chủ nợ thì pháp luật nên quy định chặt trẽ những điều không được phép vi phạm của kinh doanh đòi nợ.
“Ở các nước như Mỹ, Anh… họ quy định rất nghiêm với dịch vụ kinh doanh đòi nợ, tập trung chủ yếu vào trách nhiệm của đơn vị kinh doanh như chỉ được liên lạc với con nợ từ 8 – 21 giờ (nếu con nợ vay tiền bận rộn trong những khung giờ khác thì người đòi nợ cũng không được phép làm phiền thời điểm đó); Không được khủng bố con nợ dưới mọi hình thức; Không đòi nợ ở nơi làm việc của con nợ;… Theo tôi, Việt Nam nên tham khảo những điều này để áp dụng quản lý cho phù hợp” – ông Hướng bày tỏ.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Văn Nam cũng cho rằng, khó có thể xác định trách nhiệm của chủ nợ khi doanh nghiệp đòi nợ vi phạm pháp luật vì giao dịch giữa 2 bên mang tính chất cung cấp dịch vụ.
Chính vì thế, ông Nam cho biết, để tránh những hệ quả pháp lý của thể xảy ra thì không còn cách nào khác là cơ quan quản lý doanh nghiệp đòi nợ thuê phải thực hiện nghiêm túc, giám sát chặt các hoạt động dịch vụ đòi nợ.
“Khi con nợ có phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp đòi nợ, cơ quan chức năng cần vào cuộc tìm hiểu, xử lý nghiêm khi xác định vi phạm. Nếu không, các doanh nghiệp đòi nợ lại chính là mầm mống của mất trật tự an ninh xã hội” – ông Nam nhận định.
Ngọc Doanh
Theo baodatviet
Công ty đòi nợ vi phạm, chủ nợ có vô can?
Ngày 11-9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một số góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo quy định hiện hành, chủ nợ không phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật. Nhưng trong dự thảo mới, Bộ Tài chính đã bỏ quy định này với lý giải trên thực tế, một số chủ nợ có yêu cầu các công ty đòi nợ thực hiện các hành vi cấm như đe dọa, sử dụng vũ lực gây mất an ninh, trật tự xã hội để buộc con nợ phải trả tiền. Do đó, dự thảo quy định trong một số trường hợp, chủ nợ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, VCCI không đồng tình với quy định này.
Dịch vụ đòi nợ thuê nở rộ những năm gần đây (Ảnh chụp màn hình)
VCCI cho biết trong hoạt động cung cấp dịch vụ đòi nợ, DN đòi nợ bằng nghiệp vụ sẽ đòi các khoản nợ cho khách hàng và được hưởng phí (từ 5%-45% trong tổng số tiền nợ tùy thỏa thuận) nhưng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động của mình. "Chủ nợ không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ gì đối với cách thức thực hiện của DN đòi nợ" - đại diện VCCI cho hay.
Theo VCCI, trên thực tế, có thể xảy ra tình huống chủ nợ yêu cầu hoặc khuyến khích DN đòi nợ thực hiện các hành vi bất hợp pháp để đòi nợ. Tuy nhiên, nếu DN đòi nợ chân chính sẽ không được chấp nhận các yêu cầu này, bởi họ có nghĩa vụ thực hiện việc đòi nợ theo đúng quy định pháp luật. Còn chủ nợ với tư cách là khách hàng, về mặt nguyên tắc, họ không thể kiểm soát hay can thiệp được các hoạt động của DN đòi nợ.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng quy định này là bất cập và khó thực thi. "Chủ nợ và công ty đòi nợ ký hợp đồng thỏa thuận quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Bên chủ nợ không thể giám sát, không thể điều khiển được hành vi của người đi thực hiện đòi nợ. Quy định này sẽ không thực hiện được ở thực tế" - luật sư Tuấn Anh khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, phía VCCI cho rằng chủ nợ có thể yêu cầu hoặc khuyến nghị cách thức thực hiện đòi nợ nhưng việc có chấp nhận hay không là trách nhiệm của DN. Do đó, trường hợp DN đòi nợ thực hiện việc đòi nợ theo cách thức pháp luật cấm thì DN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với việc này, không quan trọng là hành vi này xuất phát từ gợi ý hay yêu cầu của ai.
Luật sư Trần Tuấn Anh lo ngại nếu gắn trách nhiệm của chủ nợ với công ty đòi nợ sẽ không có khách hàng nào muốn sử dụng dịch vụ này nữa, vì nhiều trường hợp họ phải chịu thiệt hại vì những hoạt động của bên đòi nợ.
Minh Chiến
Theo nld.com.vn
Nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục: Cần tạo sự thống nhất đăng ký, kiểm duyệt Một số chuyên gia cho rằng, việc nhân viên đòi nợ thuê mặc đồng phục thể hiện sự trang trọng, nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp của nhân viên thu hồi nợ, tuy nhiên, việc đó chưa thể làm tăng hiệu quả đòi nợ của Cty thu, đòi nợ. Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung...