Dời nhà máy xe lửa Gia Lâm: Đất vàng làm công viên?
20ha đất vàng của nhà máy xe lửa Gia Lâm được dùng làm gì cũng phải minh bạch và hướng đến nhân dân, đừng để tài sản Nhà nước thất thoát.
Liên quan đến đề xuất di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm của lãnh đạo quận Long Biên, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng diện tích đất tại nhà máy xe lửa Gia Lâm cho biết, đề xuất về việc di dời nhà máy chỉ là đề xuất của quận, chưa phải chủ trương của cấp có thẩm quyền. Còn trong trường hợp chuyển đổi vị trí khác cần phải có vị trí phù hợp hơn và về nguyên tắc là không làm tăng chi phí.
Cũng theo ông Minh, đến nay ngành đường sắt chỉ có 2 cơ sở công nghiệp lớn là Gia Lâm (Hà Nội) và Dĩ An (Bình Dương), đã được quy hoạch phát triển đường sắt, công nghiệp đường sắt, trường hợp có thay đổi phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm được thành phố Hà Nội gắn biển Di tích cách mạng kháng chiến năm 2007. Ảnh: VnExpress
Về việc quỹ đất 20ha của nhà máy xe lửa Gia Lâm sau khi di dời sẽ làm gì, theo ý kiến đề xuất của nhiều độc giả, nên xây dựng bảo tàng ngoài trời, công viên hoặc phục vụ một số mục đích công cộng khác.
Trao đổi với Đất Việt, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho biết, việc di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm nằm trong quy hoạch chung của Hà Nội để đổi mới hệ thống đường sắt của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, có một vài điểm cần lưu ý:
Theo đó, nhà máy xe lửa Gia Lâm là một cơ sở sản xuất, lắp ráp, sửa chữa đầu máy có truyền thống lịch sử lâu đời và nhiều thành tích, là dấu ấn trong lịch sử ngành GTVT Việt Nam.
Video đang HOT
Việc di dời nhà máy là để đáp ứng yêu cầu phát triển chung của Hà Nội cũng như ngành GTVT nhưng Việt Nam đã có nhiều bài học về chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khi giá đất được tính rất thấp và Nhà nước thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.
“Đây là điều bất cập cho nên khi chuyển đổi mục đích, định giá đất phải dựa trên cơ sở quy hoạch chứ không phải định giá đất của một cơ sở công nghiệp cũ nát. Bởi vì cơ sở công nghiệp đó là cơ sở vật chất có sẵn nhưng vị trí đất đó không thay đổi, nhất là vị trí đó lại đang nằm ở trung tâm quận Long Biên.
Quy hoạch sau này sẽ biến nó thành một diện mạo đô thị kiến trúc mới góp phần cho sự phát triển của quận Long Biên. Điều này là phù hợp nhưng đất ở đó, ngoài giá trị lịch sử, văn hóa cũng là một bài toán kinh tế bắt buộc chính quyền TP phải quan tâm để không bị thất thoát tài sản của Nhà nước như khi cổ phần hóa, chuyển đổi các cơ sở công nghiệp của Nhà nước.
Khi định giá, người ta thường lẫn lộn giữa tài sản trên đất và giá trị của đất. Tài sản trên đất khi cổ phần hóa có thể còn rất ít, thậm chí hoang tàn, nhưng giá trị của đất, vị trí đất nằm ở nơi đắc địa thì giá trị đó vô cùng lớn cần phải quan tâm”, KTS Phạm Thanh Tùng phân tích.
Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam đề xuất, khi di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm cần phải giữ lại những dấu tích để làm một bảo tàng, giáo dục truyền thống cho con cháu.
“Cũng sẽ rất tốt khi quận Long Biên phát triển khu đất đó thành trường học, nhà trẻ hay công trình gì vẫn hiện diện dấu ấn của một đơn vị anh hùng, dấu ấn phát triển của ngành đường sắt Việt Nam.
Dĩ nhiên chuyện 20ha đất vàng của nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ làm gì cần tư duy của lãnh đạo TP, chính quyền quận Long Biên chứ không phải tư duy của nhà đầu tư. Bởi vì tất cả các lợi ích đó phải đặt lợi ích của thành phố, người dân lên trên hết.
Nhà ở cũng tốt, công viên cũng tốt, thậm chí nhà văn hóa thiếu nhi… Nhưng làm gì thì làm, phải hướng đến nhân dân, đến xã hội và phải minh bạch, không được để Nhà nước lại bị mất tiền của vì lý do nào đó không minh bạch”, ông Tùng lưu ý.
(Theo Đất Việt)
Di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm: 20 ha "đất vàng" sẽ làm gì?
Đại diện các sở ngành Hà Nội kiến nghị, sau khi di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm, 20 ha "đất vàng" nằm giữa trung tâm quận Long Biên sẽ chuyển đổi chức năng đất công cộng, xây dựng bảo tàng ngành đường sắt...
Quận Long Biên vừa kiến nghị TP Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành liên quan sớm di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm để sử dụng quỹ đất phù hợp với quy hoạch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quận và thành phố. Theo quy hoạch phân khu, vị trí đất Nhà máy xe lửa Gia Lâm đang sử dụng thuộc ô quy hoạch A6/CCTP có chức năng đất công cộng của thành phố.
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - thống nhất với đề xuất của quận Long Biên về việc di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Tuy nhiên, theo ông Viện, để đề xuất này được khả thi thì quận Long Biên phải gắn việc di dời Nhà máy xe lửa với việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm nằm giữa quận Long Biên
"Theo tôi nên gắn việc di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm với việc khai thác quỹ đất xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 thì dễ được chấp thuận hơn", ông Vũ Văn Viện gợi ý.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú cũng nhận định việc di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm là đúng. Tuy nhiên, theo bà Tú diện tích đất nhà máy sau khi di dời nên chuyển chức năng công cộng là hợp lý, trong đó một phần xây dựng bảo tàng của ngành xe lửa.
"Nhắc đến Long Biên, người ta nghĩ ngay đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm, công trình này cũng gắn với văn hóa người dân nơi đây nhiều thập kỷ qua. Do vậy, một phần quỹ đất nên chuyển đổi thành bảo tàng là hợp lý", Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Lan Tú nói.
Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, Nhà máy xe lửa Gia Lâm có tổng diện tích 20 ha, trong quy hoạch đã tính đến việc di dời ra vị trí khác. Tuy nhiên, đề xuất trên của quận Long Biên cần có thêm thời gian để các cấp ngành của thành phố nghiên cứu.
Cũng theo đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc, hiện mới có ý tưởng chuyển đổi quỹ đất nhà máy này sau khi di dời thành đất công cộng, trong đó có bảo tàng ngành đường sắt.
Ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết, thành phố đồng tình với kiến nghị của quận Long Biên vì đây là cơ sở ô nhiễm nằm giữa trung tâm quận. Tuy nhiên, việc di dời cần phải có lộ trình, dựa trên những đề xuất hợp lý.
"Về phía thành phố thời gian tới sẽ làm việc với cơ quan chủ quản thống nhất việc di dời nhà máy", ông Quý nói và cho biết, đây là đề xuất phù hợp với quy hoạch của thành phố.
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm nằm ở vị trí trung tâm của Long Biên, địa giới hành chính thuộc phường Gia Thụy và Ngọc Lâm, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của quận và thành phố. Nhà máy có diện tích 20 ha, thuộc quyền quản lý của Chi nhánh Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - Liên hiệp sức kéo đường sắt.
Hiện trạng sử dụng đất tại nhà máy này chủ yếu để cho thuê, sử dụng sai mục đích, không hiệu quả, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Theo Quang Phong (Dân trí)
Quận Long Biên đề xuất di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm Nằm ở vị trí trung tâm quận Long Biên (Hà Nội), tuy nhiên quỹ đất 20 ha của Nhà máy xe lửa Gia Lâm được cho gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Tại cuộc làm việc của Thường trực Thành uỷ Hà Nội với quận Long Biên ngày 11/4, Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà đã đề nghị...