Đời nghệ sĩ xiếc thú
Đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng họ vẫn lạc quan, yêu nghề và luôn xem bạn diễn như người thân của họ
Dịch Covid-19 tác động đến giới nghệ sĩ biểu diễn nhưng có lẽ chịu nặng nhất là nghệ sĩ xiếc thú và “bạn diễn” của họ. Họ tâm sự rằng dịch bệnh suýt xô ngã nghề của họ, nhưng chính thử thách lại cho họ vững niềm tin trên con đường hành nghề.
“Thà mình đói, không để bạn diễn gầy gò”
Nghệ sĩ Hữu Oanh – nhóm xiếc gia đình Ngọc Viên – cho biết từ sau Tết đến nay, không có suất diễn nào nhưng mỗi ngày đoàn đều tốn hơn 200.000 đồng để mua thức ăn cho trăn, chó, gấu, heo, chim bồ câu, ngựa, khỉ, dê… Anh Nguyễn Kỳ Lương, nhóm xiếc thú Công viên Nước Hòn Tằm – Nha Trang, than: “Giảm khẩu phần ăn của thú khiến chúng đói ngơ ngác, nhìn thấy tội lắm nên thà mình đói chứ không để bạn diễn gầy gò”.
Anh Lương cho biết chưa bao giờ thấy gian nan và thử thách lại khắc nghiệt như giai đoạn vừa qua. Nghệ sĩ Thu Lan, gánh xiếc Kim Huy – Tây Ninh, kể trong nước mắt: “Ba tôi bệnh nặng không tiền mua thuốc, buộc lòng bán con trăn hơn 100 kg – bạn diễn của tôi suốt 10 năm. Nhận tiền rồi, thấy trăn bị nhốt vào chuồng, chân bước đi không đành, nước mắt rơi khi nhìn nó ngẩng đầu nhìn mình, vậy là tôi trả tiền lại, đưa trăn về, chạy vay nợ bạn bè cầm cự và chữa bệnh cho cha”.
Các nghệ sĩ huấn luyện chú heo 5 tháng tuổi trình diễn Ảnh: THÚY HIỀN
Thương tâm hơn khi 5 con trong đàn khỉ của nhóm xiếc đường phố Long An đồng loạt qua đời trong lúc đoàn di chuyển từ TP HCM về Sóc Trăng sau mùa giãn cách. Ông Chín Thu, chủ nhóm xiếc, kể: “Gia tài có 8 con khỉ, sau Tết đụng dịch, không thể di chuyển về Sóc Trăng nên tôi thuê đất giữ xe để nhốt tạm. Trời nóng quá, lại đói kém, cứ hai ba ngày là một con ra đi. Chủ đất đuổi vì sợ dịch bệnh, thế là phải gom về phòng trọ, chủ nhà trọ cũng sợ không cho. Cuối cùng, một người quen thương tình cho tá túc nhưng sau giãn cách xã hội, chỉ còn lại 3 con theo tôi về đến Sóc Trăng”.
Gắn bó, yêu thương “bạn diễn”
Với thâm niên 20 năm trong nghề xiếc thú, nghệ sĩ Bùi Kim Cương cho biết: “Mỗi bạn diễn thú đều có những đặc tính riêng, mình phải hiểu tính của chúng mới huấn luyện thành những “diễn viên xiếc chuyên nghiệp”. Với heo, nếu dạy, phải tạo ra những phản xạ có điều kiện giúp chúng thực hiện thành thạo những động tác theo thói quen. Heo cũng khôn không kém gì chó, đặc biệt là mũi và tai rất nhạy cảm”.
Để có những tiết mục xiếc thú hoàn thiện nhất, người nghệ sĩ phải gắn bó và yêu thương con thú, để chúng cảm nhận được tình cảm và thực hiện tốt các chỉ dạy của người huấn luyện. “Xem bạn diễn như người thân thì gian nan mấy cũng vượt qua” – nghệ sĩ Bùi Kim Cương tâm sự.
NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho hay xu thế hiện nay là hạn chế nuôi dạy thú hoang dã để biểu diễn nên Ban Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có định hướng cụ thể đưa các con vật nuôi vào thay thế các tiết mục xiếc thú hoang dã trước đây. “Chúng tôi đã có các tiết mục xiếc trâu, lạc đà, dê, sắp tới xây dựng xiếc ngỗng. Huấn luyện vật nuôi nhà nông gắn liền với nghệ thuật dân gian truyền thống, tái hiện cảnh lao động sản xuất bằng ngôn ngữ xiếc với diễn viên là thú, đó là một hướng đi mới sau giãn cách xã hội” – NSND Tống Toàn Thắng bày tỏ.
Làm được điều người đời không dễ làm
Video đang HOT
Trên cả nước có mấy ngàn diễn viên xiếc thì nghề xiếc thú chỉ hơn 200 nghệ sĩ. Giáo sư, ảo thuật gia Nguyễn Trung Khuyến nói thống kê đó là con số ông ước tính từ sau Liên hoan Xiếc, Ảo thuật toàn quốc năm 2019, quy tụ hơn 50 tiết mục xiếc thú tham dự.
“Nghề xiếc cực, nghệ sĩ xiếc thú cực gấp bội. Chăn thú rồi thuần những con vật có xuất xứ từ thiên nhiên hoang dã để chúng biểu diễn là việc làm biến không thành có. Quá trình đó gian nan lắm, đổ máu là chuyện thường” – GS Nguyễn Trung Khuyến nói.
Anh Lương nói nghề này không chấp nhận đổ máu thì khó mà bám nghề, chí ít cũng từng bị thú cắn hoặc rượt đuổi làm gãy chân, trật tay khi nó sổng chuồng.
NSND Tống Toàn Thắng – “vua xiếc trăn” – kể năm 1996, xiếc Việt Nam được mời sang Thái Lan diễn. Khán phòng chật ních người xem, thu hút khá nhiều phóng viên các nước. Vì say sưa trong niềm cổ vũ, ông quên ánh đèn flash của máy ảnh khiến trăn hoảng loạn. Hậu quả là ông bị con trăn mổ thẳng vào tay, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Vượt qua chông gai với nghề, đời nghệ sĩ xiếc thú cam chịu nhiều thiệt thòi, thu nhập không cao nhưng họ vui và yêu nghề bởi họ làm được điều mà người đời không dễ làm, đó là biến những con thú thành bạn thân, hiểu được ngôn ngữ của chúng, cùng nhau “trò chuyện” mỗi ngày. Cứ thế, sau lứa “bạn diễn” này ra đi do bệnh tật, già nua thì lại tiếp nối những “bạn diễn” mới, mang niềm vui cho đời và cho chính họ.
Hội đồng nghệ thuật của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng vừa tổ chức thẩm định 3 tiết mục xiếc thú mới gồm: chó, heo và thú tổng hợp. NSND Tống Toàn Thắng cho biết thời gian chống dịch Covid-19 đã cho họ nhiều cơ hội sáng tạo. Họ thật sự kỳ công khi nuôi dạy thú, để những chú chó đi hai chân và ôm nhau nhún nhảy theo điệu nhạc, những chú khỉ cưỡi trên lưng chó thi chạy đua, những chú ngựa phi nước đại trên sàn diễn, những chú dê và mèo cùng nhào lộn trên con lăn. “Nghề chúng tôi là vậy, càng thử thách càng yêu nghề” – NSND Tống Toàn Thắng bày tỏ.
Khó khăn rồi cũng sẽ qua
Những ngày này, các nghệ sĩ xiếc thú tỏ ra hết sức lạc quan. Nghệ sĩ Hữu Oanh cho biết nhờ dành dụm được lúc diễn nhiều nên bây giờ có tiền mua thực phẩm cho thú. Sau giãn cách đã bắt đầu có sô diễn trở lại, ngày diễn đầu tiên nhìn thú hân hoan như lần đầu được ra sân khấu, nghệ sĩ cũng vui lây.
NSƯT Hồng Lộc sắp mang chương trình xiếc thú độc đáo vào biểu diễn tại rạp bạt Công viên Gia Định nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6. Anh cho biết các nghệ sĩ xiếc thú của đoàn đều yêu nghề, sống chết với nghề và sau giãn cách xã hội, chương trình mới được đầu tư hoành tráng.
Nghệ sĩ Tống Xuân Tiến biểu diễn xiếc chó và nghệ sĩ Ngô Đắc Thắng biểu diễn xiếc trăn cũng cho biết sẽ có tiết mục biểu diễn đầy ấn tượng trong chương trình “Kỳ tích phương Nam” của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, chuẩn bị diễn phục vụ khán giả đầu tháng 7.
Chưa ai muốn bỏ nghề
Hiện nay, trên cả nước chỉ có đoàn xiếc thú thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam và một số đơn vị nghệ thuật xiếc thuộc các tỉnh, thành hoạt động chuyên nghiệp, có mức lương tối thiểu và phụ cấp chuyên môn, có BHYT, còn lại các nghệ sĩ xiếc thú thuộc các nhóm, đoàn tư nhân đối mặt với muôn vàn khó khăn. Thu nhập một suất diễn của nghệ sĩ xiếc thú từ 60.000 – 120.000 đồng/suất. Với các nhóm tư nhân, con số này giảm đi khi không bán được vé.
Vất vả và nhiều rủi ro nhưng hầu hết các nghệ sĩ, công nhân gắn bó với xiếc thú đều chưa ai muốn bỏ nghề.
Bi hài chuyện hát karaoke vì phải ở nhà mùa dịch Covid-19
Muôn vàn tình huống dở khóc dở cười xảy ra vì nhiều người phải ở nhà chống dịch Covid-19 nên tìm đến thú vui hát karaoke.
Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc cách ly toàn xã hội, tự nguyện cách ly tại nhà là cần thiết. Các công ty khuyến khích nhân viên làm việc ở nhà, việc giao thương buôn bán cũng đình trệ, quán sá đóng cửa, gần như người người nhà nhà lúc này đều đang "nín thở" cách ly, đợi dịch đi qua.
Cũng chính vì ở nhà nhiều và rảnh rỗi nên muôn vàn tình huống "dở khóc dở cười" diễn ra. Bên cạnh những người dành thời gian rảnh để học thêm các kỹ năng mới, xem tivi, đọc báo, có nhiều người hát karaoke để đỡ buồn chán. Cũng từ đây, muôn vàn tình huống dở khóc dở cười xảy ra.
Ảnh minh họa.
Hà Phương ở Đống Đa, cô có con gái nhỏ 2 tuổi, tính tình hiếu động, nghịch ngợm. Khó khăn lắm, Hà Phương mới luyện cho con gái thói quen đi ngủ lúc 10 giờ đêm. Và cũng chỉ sau khoảng thời gian đó, Hà Phương mới có thời gian để học thêm tiếng Anh, chuẩn bị cho kỳ thi IELTS sắp tới, bởi cả ngày cô phải làm việc, rồi nấu ăn, dọn dẹp.
Tuy nhiên, hàng xóm của cô làm nghề buôn bán tự do. Vì quán đóng cửa, hai vợ chồng rảnh rỗi chẳng biết làm việc gì ngoài lôi dàn karaoke ra luyện thanh. Hà Phương than thở: "Có những hôm 11 giờ đêm rồi họ vẫn hát: "Đã khuya rồi, vẫn ngồi đếm sao, sương rơi lạnh, ướt đôi bờ vai". Đếm sao chưa đã, hai vợ chồng lại "Đắp mộ cuộc tình", rồi song ca "Thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu". Con khóc, mè nheo, không chịu ngủ, bài vở còn bừa bộn, trong khi cả ngày vật lộn với việc nấu ăn cho đại gia đình, Hà Phương chia sẻ cô kiệt sức và đang trải qua những ngày tháng "chống dịch" kinh hoàng nhất.
Chỉ mới 9 giờ tối nhưng các cửa sổ nhà Nhung đã đóng chặt. Nhung than thở, chỉ cần nghe tiếng "alo alo, 1, 2, 3" là cô đã thấy đau đầu, chóng mặt, ù tai. Trước đây, cô chỉ bị "tra tấn" vào cuối tuần, khi hàng xóm có thời gian rảnh ở nhà hát karaoke. Tuy nhiên, điều kinh khủng nhất là từ khi dịch Covid-19 hoành hành, đằng trước nhà cô là hai vợ chồng làm nghề bán nội thất đóng cửa nằm nhà, bên hông là hai ông bà cụ rất thích hát karaoke. Vậy là trong một buổi tối, cô nghe trọn liveshow đủ các thể loại nhạc, từ nhạc xanh, nhạc đỏ đến nhạc trẻ.
Chịu không nổi, chồng Nhung sang ý kiến thì hàng xóm điềm nhiên cho rằng, ở nhà tự cách ly quá buồn chán thì hát karaoke là phương pháp giải trí hiệu quả nhất, nếu chồng Nhung hiến kế cho họ cách nào hay hơn họ sẽ theo. "Thôi thì hát hay còn chấp nhận được, đằng này toàn gặp người hát dở nhưng lại kiên quyết sống chết với đam mê", Nhung ngao ngán trên facebook. Chung nỗi niềm, hàng loạt bạn bè của Nhung vào than thở: "Mong Đảng và Chính Phủ ra quy định về giờ giấc cụ thể được hát karaoke. Chứ ngày nào cũng từ 7h sáng đến 11h đêm như thế này thì chịu thế nào được".
Trên facebook, một người hài hước về "kiếp nạn" karaoke: "Nó hát ngày, hát đêm, hát thêm chủ nhật, hát tràn cung mây, hát không cho ai ngủ... xong nó chuyển sang "Vùng lá me bay" mà giọng lúc thì ồm ồm, lúc thì rít sần sật lên như thế thì lá bay sao được, bay kiểu gì mà từ trưa đến tối vẫn chẳng hết lá...".
Những ngày ở nhà chống dịch, ca sĩ Nguyên Vũ làm hẳn được một bài thơ, ghép từ các bài hát karaoke hàng xóm nhà anh hát mỗi tối:
"Giọng ca dĩ vãng buồn đau đáu
Đắp mộ cuộc tình, đắp ở đâu ?
Thương em nhỏ ngày xưa chim sáo
Để bao lần lén trộm nhìn nhau
Về đâu mái tóc người thương ấy ?
Chỉ còn đây vùng lá me bay ...
Duyên phận mình đầy cơn sóng gió
Biết rằng em bạc phận - hồng nhan
Lòng hoang mang - chắc ai đó sẽ về".
Cầu thủ Đức Huy chung nỗi khổ vì hàng xóm quá đam mê hát karaoke.
Cầu thủ Đức Huy cũng chịu chung vấn nạn karaoke: "Đêm rồi mà cứ "Cầu vồng khuyết" hay Cute nhất là ông bác U70 gần nhà. Tối nào ăn cơm xong cũng "Yêu lại từ đầu""...
Covid-19 đến và nó đảo lộn cuộc sống của nhiều người. Âm nhạc không có lỗi, người yêu âm nhạc cũng không có lỗi. Song nếu mỗi người chỉ biết niềm vui, sở thích của bản thân, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thì karaoke sẽ biến thành nỗi ám ảnh kinh hoàng và những ngày chống dịch vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn./.
Bảo Phương
Hơn 15 năm nhọc nhằn trong nghề, cô lao công lần đầu tiên thổ lộ ước muốn bất ngờ đầu Xuân năm mới 'Tết' - đồng nghĩa với những giây phút sum họp, đoàn viên cùng gia đình nhưng đối với các công nhân môi trường, Tết lại là thời gian sự vất vả tăng lên gấp bội. Rác thải sinh hoạt thường có mùi hôi thối, bẩn thỉu, ai đi qua cũng phải bịt mũi thậm chí nín thở và vượt cho nhanh. Còn với...