Dồi nếp hương thảo quả thơm lừng cả bản Thái
Để chế biến món dồi nếp, dân bản bao giờ cũng chọn đoạn nõn đuôi (còn được gọi là khấu đuôi) làm vỏ nhồi chứ không dùng ruột trường. Nõn đuôi có lớp mỡ béo bám sẽ giúp tăng thêm độ ngậy, vừa mới cắn chạm răng là đã thấy ngầy ngậy ngon miệng.
Món dồi nếp hương thảo quả và nước chấm làm từ quả mã có
Không phải ai cũng từng được thưởng thức món dồi nếp đậm nồng hương thảo quả bởi chỉ dân bản người Thái mới hay chế biến món dồi nếp thơm nức chật cả không gian bếp này.
Nhà nào có dịp mổ lợn nếu biếng ngại không làm món dồi nếp, đến khi ngồi vào mâm nhắp rượu khai bữa rồi, trước mặt dù bày nhiều món thì vẫn cảm thấy thiêu thiếu một thứ gì đó.
Chuẩn bị nhân để nhồi món dồi nếp cũng khá giống món dồi trường, gồm có bổi thịt băm, tiết hãm, một số loại rau thơm, song khác đặc biệt ở chỗ là được cho thêm gạo nếp và thảo quả tạo hương vị. Gạo nếp trộn làm nhân phải được ngâm nước ấm trước vài tiếng đồng hồ.
Những ai từng biết về gia vị đặc sản mák khén của miền rừng chắc sẽ hơi ngạc nhiên. Sao không bỏ mák khén vào món dồi nếp mà lại dùng thảo quả nhỉ?
Lý do đơn giản thôi, bởi hương thảo quả thơm mạnh hơn hương mák khén, thôi thúc hơn hương mák khén.
Video đang HOT
Mỗi khi dùng làm phụ gia cho món ăn thì hương thảo quả luôn thơm nồng nã, bật dậy sấn thẳng vào khứu giác con người ta, buộc con người ta phải chú ý tới món ăn chứa thứ hương đang tỏa bung tở mở, khiến con người ta cứ thế đứng ngây ra mà nuốt ực cơn thèm…
Khấu đuôi và thảo quả để làm món dồi nếp
Vậy nên khi ứng vào món dồi nếp, hương thảo quả kết hợp với hương rau gia vị, cùng hương nếp thơm sẽ giúp món dồi nếp rất đỗi bình thường trở thành món hấp dẫn đáng để thưởng thức hương vị.
Sẽ là thiếu nếu chỉ kể về mùi hương thảo quả mà quên đi vai trò của hạt gạo nếp trong món này.
Chính vị ngọt dền dẻo của hạt gạo nếp đã góp phần tăng thêm độ ngon lạ cho món ăn, giúp món này này không đơn giản chỉ là dồi nữa mà còn khiến người ăn liên tưởng tới món bánh chưng gù vẫn được dân bản Thái gói trong dịp Tết.
Có điều, hạt gạo nếp không còn phủ bao quanh nhân mà đã được trộn hòa đều cùng với nhân làm nên món dồi nếp đậm hương thảo quả.
Để có được món dồi nếp ngon thì khi luộc phải kỹ cho dền dẻo hạt nếp. Nếu bên trong hạt nếp còn chút sượng thì món ngon bỗng trở thành món dở.
Món dồi nếp sau khi luộc
Luộc xong dồi nếp, nước xuýt sẽ được tận dụng luôn làm canh. Người đứng bếp chỉ việc thái chút hành lá rắc vào là đã có bát canh trôi cơm, giã rượu.
Thực ra, nêm thêm hành lá chủ yếu là để điểm xuyết xanh cho bát canh nhìn ngon mắt, chứ nước xuýt đã thơm luếnh loáng hương thảo quả rồi thì cần gì tới mùi vị của hành nữa.
Vào những buổi trời lạnh, thật sự thú vị khi được ăn món dồi nếp nóng hổi, vị thảo quả ấm sực từ đỉnh tóc cho tới đầu mút ngón chân.
Nếu bạn là người mê ẩm thực, thích khám phá văn hóa ẩm thực thì nên một lần rong du về thăm bản Thái, tìm gặp ai đó giỏi nấu nướng, nhờ họ ra chợ mua nguyên liệu, và sau đó chỉ cho bạn cách chế biến món dồi nếp hương thảo quả để cùng thưởng nếm và chiêm nghiệm.
HÀ MẠNH PHONG
Bánh cáy Thái Bình
Nói đến đặc sản ẩm thực của quê hương chị hai Năm Tấn - vùng đất Thái Bình hẳn ai cũng không thể quên món bánh cáy ngọt thơm vị gừng vô cùng nổi tiếng.
Từ thành phố Thái Bình, xuôi theo Quốc lộ 10 chừng 10 km, rẽ vào Quốc lộ 39, đi một đoạn là tới làng Nguyễn - gốc rễ của bánh cáy, thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, đồng thời cũng là quê hương của món bánh cáy nổi tiếng một thời là sản vật tiến Vua.
Các cụ ở nơi đây kể lại rằng: dân làng Nguyễn làm bánh đã từ lâu lắm rồi, từ ngày xửa ngày xưa... Bánh thường làm để ăn trong dịp tết. Thế rồi vào năm Canh Tý xưa ấy, có một ông quan đại thần kinh lý qua làng. Dân làng đem thứ bánh ấy biếu ông quan gọi là có chút quà quê. Ông quan đại thần đem thứ bánh ngon ấy về dâng lên vua. Vua ăn khen ngon và hỏi thứ bánh ấy tên là bánh gì. Bánh ăn thơm ngon, cay cay. Vì thế, ông quan trả lời "Thưa bệ hạ, bánh này là bánh cay ạ". Thế là bánh cay được cả nước biết đến và được mọi miền ưa chuộng. Còn người đàn bà quê làng Nguyễn kia được vua ban thưởng. Một hôm, trong giấc mơ kỳ lạ, bà nhìn thấy hai mẹ con con cáy ôm nhau, bà liền rẽ biển đi tới nhưng cáy cứ gọi bà rồi run lẩy bẩy và biến mất. Trước khi qua đời, bà dặn con cháu đưa bà về với biển. Khi thi hài của bà xuống tới bờ biển thì lạ thay, một lối nước từ từ rẽ ra đón bà đi. Thế là từ đấy, người ta gọi bánh cay là bánh cáy, bánh thần cáy ban cho dân làng và đất nước.
Bánh Cáy nổi tiếng một thời là sản vật tiến Vua. Ảnh: internet
Làm bánh cáy là cả một quá trình công phu và phức tạp. Việc đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu. Trước hết là gạo nếp cái hoa vàng. Nguyên liệu phụ gồm có quả gấc, quả hoặc lá dành dành, lạc, vừng, cà rốt, gừng, vỏ quýt và mỡ lợn. Gạo nếp được chia làm ba phần: hai phần nấu xôi và một phần rang nổ bỏng. Phần thứ nhất nấu xôi với nước quả gấc tạo thành màu đỏ thắm. Phần thứ hai đồ xôi với nước quả dành dành tạo thành màu vàng tươi. Phần thứ ba là rang thành bỏng nở tung, sảy sạch trấu thành thứ bỏng có mùi thơm phức còn là "nẻ". Hai loại xôi trên đều giã nhuyễn, rồi cắt mỏng như mứt bí, sấy khô... Lạc, vừng rang chín, xát bỏ vỏ. Mỡ lợn thái thành khẩu muối với đường khoảng mười lăm ngày, rồi thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt, lấy độ trong, giòn. Cà rốt xào với nước đường, nước gừng. Vỏ quýt tươi chuẩn bị đầy đủ...
Miếng bánh cáy ngon phải có độ dẻo, ngọt vừa phải, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi. Ảnh: internet
Sau khi chuẩn bị tất cả các nguyên liệu, người làm bánh cáy cho tất cả các nguyên liệu trên trộn đều với đường mía rồi hâm nóng trên chảo, sau đó xúc nguyên liệu trên đổ vào khuôn gỗ nhồi nén thành bánh. Khuôn gỗ có nhiều loại, hình thù và kích thước tùy theo người sản xuất quyết định. Khuôn gỗ có lót vừng đã rang thơm ở xung quanh để khi lấy bánh ra thì toàn bộ mặt ngoài của tấm bánh được trang trí hoa văn bằng một lớp vừng thơm ngon và đẹp mắt.
Miếng bánh cáy ngon phải có độ dẻo, ngọt vừa phải, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi. Cắn miếng bánh thấy cái lạ miệng khi trong đó có mứt bí, cơm dừa sần sật, cay cay nồng nồng của mùi vị gừng tươi, nhấp chén nước trà đăng đắng thấy hương vị hòa quyện. Bánh Cáy làng Nguyễn là kết tinh của hương đất, hương đồng và tấm lòng thảo thơm của người dân quê lúa.
T.H
Cách nấu xôi đậu xanh dẻo ngon đơn giản nhất Đơn giản với bát gạo nếp cái hoa vàng thật ngon, thêm vài nắm đậu xanh lòng vàng được ngâm kỹ rồi đồ lên cho gạo và đậu xanh chín mềm dẻo là các bạn có ngay đĩa xôi đỗ xanh dẻo dai nhưng rất thơm ngon hấp dẫn rồi! Nguyên liệu nấu xôi đậu xanh: Gạo nếp: 500g Đậu xanh bỏ vỏ:...