Đổi món với phở chua Cao Bằng
Phở chua Cao Bằng ngoài ngon vì độ dẻo của bánh, vị bùi của gan hoà với độ béo của thịt ba chỉ, vịt quay… còn có vị ngậy của mỡ vịt, vị chua cay man mác của măng ớt, vị bùi của lạc và khoai, thơm của mác mật.
Phở chua gắn liền với hai địa danh Lạng Sơn và Cao Bằng nhưng nhiều người khẳng định nó chính là món đặc sản của riêng vùng đất Cao Bằng và được liệt vào danh sách những món ăn chơi đặc sản Việt Nam.
Làm được món phở này cũng khá công phu. Bánh phở phải làm sao vừa dẻo vừa dai. Gan lợn dùng cho phở chua thái mỏng, rán sém mặt thì vừa. Dạ dày lợn, trước khi rán nên luộc qua để vẫn chín mà không quắt. Thịt ba chỉ, rán giòn bì, mầu vàng sậm mới đẹp mắt. Vịt Thất Khê đem tẩm ướt rồi quay…
Xếp bánh phở ra bát, bên trên xếp những lát gan, lạp sườn được rán cháy cạnh, thêm nữa là vài lát thịt ba chỉ, dạ dày lợn đã được rán vàng cùng những miếng thịt vịt quay vàng rộm, trên được điểm mấy ngọn rau thơm, chút lạc ràn đập dập, miến, khoai tầu thái chỉ chao giòn.
Video đang HOT
Đủ những thứ đó thì rưới lên trên một chút nước sốt, được chế từ nước lấy trong bụng con vịt quay pha với một chút dấm, tỏi, đường và bột báng. Khi ăn, trộn đều bát phở, thêm chút mác mật ngâm măng ớt.
Phở chua Cao Bằng ngoài ngon vì độ dẻo của bánh, vị bùi của gan hoà với độ béo của thịt ba chỉ, vịt quay… còn có vị ngậy của mỡ vịt, vị chua cay man mác của măng ớt, vị bùi của lạc và khoai, thơm của mác mật. Phở chua còn ăn kèm rau thơm, rưới nước sốt chua ngọt rất hấp dẫn. Ăn vào lúc tiết trời se lạnh thì ấm lòng, mùa nóng lại có cảm giác thanh mát nhờ vị chua của nước sốt. Chẳng thế mà ăn hết tô, vị chua đọng lại nên vẫn thấy chưa no, vẫn muốn ăn thêm. Phở chua ăn một lần còn lạ miệng, đến hai lần, ba lần sẽ trở nên nghiện hương vị độc đáo của nó.
Trước, món này chỉ được dùng khi có đám cỗ, giờ được nhiều người chọn thành món điểm tâm. Vượt qua phạm vi tỉnh Cao Bằng, nó trở thành một trong những lựa chọn của người Hà thành như là món khai vị trong các buổi tiệc đổi vị khi đã quá ê hề với thịt cá.
Theo PNO
Tiết thu Hà Nội, ngồi quán cóc, xuýt xoa bánh rau chiên
Bánh rau chiên là một món mặn ăn chơi hút hồn giới trẻ Hà Thành. Không khó để tìm được một quán bán bánh rau chiên ở những phố Phùng Hưng, Nguyễn Biểu, Nghĩa Tân...ngồi tụm năm tụm bảy, vừa xuýt xoa cái lạnh vừa hít hà mùi thơm nóng hổi từ đĩa bánh rau.
Cùng thuộc họ bánh chiên rán nhưng món này ăn không hề ngán. Nếu thưởng thức các loại bánh xèo, bánh tôm, bánh gối nổi rõ vị đậm đà nhân thịt thì với bánh rau chiên lại mang vị ngọt mát tự nhiên từ rau củ.
Bánh rau ngon và hấp dẫn bao giờ vỏ ngoài cũng vàng ươm, giòn thơm. Bột để làm bánh là bột mỳ đánh đều với lòng đỏ trứng gà, nêm thêm chút muối và hạt tiêu, hỗn hợp càng được đánh bông nhuyễn thì bánh rau sẽ phồng xù, có thể cho thêm vài viên đá lạnh vào bột để khi chiên bánh được giòn và ngon hơn. Các loại rau củ cũng sơ chế sạch, cắt thành từng lát mỏng hoặc bổ miếng vuông sao cho vừa miệng.
Khâu còn lại là chiên bánh. Nhúng từng loại rau củ lăn đều qua hỗn hợp bột rồi chiên trên chảo dầu nóng. Để lửa liu riu, khi thấy bánh phồng rộp và nổi lên mặt dầu là bánh đã chín. Điều đặc biệt là khi vớt bánh rau bao giờ vỏ cũng vàng ươm, độ dày vừa phải và cực kỳ ráo mỡ, không bao giờ khiến người ăn cảm thấy ngán.
Xếp bánh rau chiên ra đĩa, chấm kèm nước xì dầu hay sốt mayonnaise thì ngon tuyệt. Miếng bánh giòn bên ngoài, mềm bên trong, có vị cay cay của hạt tiêu, mát của rau củ khiến người ăn rất thích thú.
Với hương vị và cách thưởng thức đó mà món bánh rau không chỉ là món ăn chơi mà xuất hiện nhiều hơn trong thực đơn các nhà hàng sang trọng làm món khai vị rất đắt khách.
Theo vnexpress
Để hương vị phở Hà Nội mãi bay xa Không biết chính xác "phở" xuất hiện đầu tiên ở Nam Định, thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội nhưng có lẽ Hà Nội là nơi làm cho món ẩm thực này trở nên nổi tiếng. Vẫn là những nguyên liệu bánh phở, nước dùng, thịt bò, gà cắt lát mỏng kèm gia vị tương, tiêu, chanh, nước mắm...nhưng phở Hà Nội...