Đổi mới chất lượng tăng trưởng bằng trí sáng tạo, lòng tự tôn dân tộc
Ban chấp hành TƯ Đảng thống nhất định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá gây tác động xấu đến ổn định vĩ mô, công bằng xã hội, môi trường. TƯ chỉ đạo chú trọng các yếu tố tăng năng suất lao động, phát huy lòng tự tôn dân tộc, trí sáng tạo của người Việt Nam.
Văn phòng TƯ Đảng vừa công bố Nghị quyết số 05 Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TƯ Đảng khoá XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
TƯ Đảng thống nhất đánh giá mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại về cơ bản vẫn cũ, chậm đổi mới; tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp.
Phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt; năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, bội chi ngân sách còn lớn, nợ công tăng nhanh, nợ chính phủ đã vượt trần cho phép, áp lực trả nợ lớn.
Việc thực hiện ba đột phá chiến lược chưa đạt mục tiêu đề ra. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được cải thiện; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều trở ngại. Việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại còn nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cơ cấu lại nền kinh tế triển khai chậm, thiếu đồng bộ, chưa thật sự gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chưa gắn kết chặt chẽ giữa tổng thể với các trọng tâm.
Nghị quyết 05 nêu rõ, những yếu kém, hạn chế này chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Nhận thức và tầm nhìn của các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng về đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đầy đủ, có nơi còn bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ và tư duy nhiệm kỳ.
TƯ Đảng định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái.
Quan điểm đổi mới mô hình tăng trưởng là theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trí sáng tạo của con người Việt Nam và thành tựu khoa học – công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.
Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế với trọng tâm ưu tiên là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công.
“Chốt” mục tiêu kiểm soát tăng giá dưới 5%/năm, giảm dần bội chi
Ban chấp hành TƯ thống nhất những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn mới như, tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát bình quân dưới 5%/năm; giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP.
Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016 – 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
Video đang HOT
Giai đoạn 2016 – 2020, hằng năm có khoảng 30 – 35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%; tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020.
Đến năm 2020, tỉ trọng lao động có chứng chỉ đào tạo tăng lên khoảng 25%; tỉ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 30 – 35%; thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN 4.
Những chính sách lớn được TƯ Đảng quán triệt trong Nghị quyết 05 là Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô; Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược; Ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học – công nghệ, nhất là khoa học – công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng tâm.
Ngoài ra, chủ trương đề ra là phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; Đổi mới cách thức thực hiện liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng; thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hoá; Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.
TƯ Đảng giao Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ưu tiên làm ngay các dự án luật trực tiếp hỗ trợ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tăng cường giám sát với các hoạt động kinh tế.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các Bộ, cơ quan, các tỉnh thành phải xây dựng kế hoạch hành động cụ thể theo Nghị quyết. Các nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay là đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, nợ đọng xây dựng cơ bản; Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; thực hành triệt để tiết kiệm chi tiêu, chỉ vay trong khả năng trả nợ; Xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém…
P.Thảo
Theo Dantri
Cách mạng hóa việc thực hiện báo cáo bền vững
Trong một động thái được gọi là "cách mạng hóa" việc thực hiện báo cáo, Hội đồng Kinh doanh thế giới về phát triển bền vững (WBCSD), Hội đồng Tiêu chuẩn công bố khí hậu (CDSB) và Ecodesk đã sáng lập Sàn giao dịch báo cáo, một hệ thống tự do truy cập, đa ngôn ngữ, cung cấp kiến thức về báo cáo phát triển bền vững trên toàn cầu.
Hệ thống này sẽ đưa ra các vấn đề có liên quan tới thông tin báo cáo tại các quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Sử dụng mô hình crowdsourcing (hình thức giao công việc cho một cộng đồng hoặc một nhóm người, thông qua một "lời kêu gọi" để tất cả có thể cùng đóng góp thực hiện công việc đó), Sàn giao dịch báo cáo sẽ xác định quy tắc, luật lệ, chính sách, thực tiễn, sáng kiến, tiêu chuẩn báo cáo và hướng dẫn thực hiện theo đúng nhu cầu mà doanh nghiệp cần. Phiên bản thử nghiệm của Sàn sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2016, cho phép người dùng phản hồi, góp ý trước khi chính thức công bố trên toàn cầu vào giữa năm 2017.
Mọi kỳ vọng đã thay đổi
Rodney Irwin, Giám đốc Redefining Value Program cho biết, hệ thống mới này chính là câu trả lời nhằm hồi đáp những thay đổi mà khách hàng, nhà đầu tư và các bên có liên quan khác đã kỳ vọng và yêu cầu từ doanh nghiệp.
"Chúng tôi nhận thấy kỳ vọng về hành động và tính minh bạch của doanh nghiệp xung quanh vấn đề phát triển bền vững của nhiều bên đã thay đổi. Điều này tạo nên một môi trường báo cáo phức tạp và khó nắm bắt với doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng rằng, Sàn giao dịch Báo cáo sẽ giúp làm sáng tỏ không gian này", Irwin cho biết.
Báo cáo phát triển bền vững tiếp tục thu hút các các công ty tìm kiếm cách thức tốt hơn để cung cấp thông tin cho cổ đông, nhà đầu tư và cộng đồng về những sáng kiến bền vững của mình. Trong năm 2016 và thời gian tới, các doanh nghiệp, hiệp hội công nghiệp và các tổ chức thực hiện báo cáo khác sẽ tìm cách để giảm thiểu chi phí của việc thực hiện báo cáo bền vững, trong khi nâng cao chất lượng của những báo cáo này.
"Chúng tôi nhận thấy rất nhiều tổ chức đang tìm kiếm cách thức tốt hơn để đo lường và thể hiện thông tin khi thực hiện báo cáo phát triển bền vững. Tôi cho rằng, chúng ta sẽ thấy việc gia tăng sử dụng các yếu tố thiết yếu, vốn xác định và phân loại các mối lo ngại hàng đầu của cổ đông và người lãnh đạo. Các yếu tố này có thể giúp công ty xác định các mối nguy cơ và cơ hội chính, đồng thời cải thiện tốt hơn chiến lược kinh doanh", Brian Sansoni, Phó chủ tịch Sáng kiến phát triển bền vững tại American Cleaning Institute cho biết.
Gia tăng lợi ích bên trong và bên ngoài
Chiến lược công bố thông tin tốt hơn sẽ giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng doanh thu. Bên cạnh đó, theo Harvard Business Review, tác động từ một báo cáo phát triển bền vững tốt có thể giúp một "công ty tốt" trở thành "một công ty tuyệt vời", mang tới lợi ích từ cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Lợi ích nội bộ từ báo cáo phát triển bền vững bao gồm cả gia tăng nhận thức về các mối nguy cơ và cơ hội trong công ty. Điều này không chỉ giúp việc vận hành trở nên hiệu quả và tiết giảm chi phí, mà còn giúp cải thiện chiến lược phát triển, chính sách về môi trường, sức khỏe và an toàn trong dài hạn.
Lợi ích bên ngoài từ việc công bố thông tin báo cáo bền vững một cách thường xuyên, định kỳ là xây dựng được niềm tin và danh tiếng, giúp nâng cao sự trung thành của khách hàng, nhà đầu tư, cổ đông với thương hiệu.
Không may, hiện tại, với nhiều công ty, việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững mang lại nhiều nợ nần hơn là lợi ích. Nỗ lực sản xuất các báo cáo dài hơn và công bố tới nhiều tổ chức hơn trở nên quá tốn kém về thời gian và nguồn lực, khiến nhiều công ty không thể theo kịp.
Khơi thông dòng thực hiện báo cáo
Jane Stevensen, Giám đốc CDBS cho rằng, mục tiêu của Sàn giao dịch báo cáo là nhằm thay đổi vấn đề trên bằng cách nâng cao chất lượng và củng cố khả năng thực hiện báo cáo phát triển bền vững của các công ty. Đồng thời, thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện các báo cáo tích hợp.
"Việc bùng nổ báo cáo phát triển bền vững là phản ứng hoàn toàn tự nhiên nhằm đáp trả lại những thay đổi về kỳ vọng từ các bên. Xu hướng này cũng đồng thời nhấn mạnh thách thức mà các công ty phải đối mặt về việc xác định ảnh hưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh tới nền kinh tế, xã hội và môi trường, trong khi vẫn phải đảm bảo mang lại giá trị cho cổ đông. Tuy nhiên, giải quyết được vấn đề này trong thực tiễn phát triển bền vững của công ty sẽ giúp tạo ra nhiều giá trị tốt, cả về số lượng và chất lượng", Stevensen cho biết.
Đo lường giá trị vượt qua cả chỉ tiêu tài chính
Trong một nỗ lực khác nhằm khơi thông dòng thực hiện báo cáo phát triển bền vững, giúp các công ty cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn, dự án Báo cáo phát triển bền vững tới năm 2025 của GRI đã xác định một số xu hướng mới trong việc thực hiện báo cáo bền vững.
Giáo sư Nelmara Arbex, nhà tư vấn cấp cao về sáng kiến báo cáo tại GRI cho rằng, môi trường, xã hội và sự minh bạch là những xu hướng nổi bật đối với các công ty thực hiện báo cáo phát triển bền vững trong thập kỷ tới.
"Giá trị của các công ty sẽ được đo lường trong một khoảng rộng hơn, không chỉ riêng về lĩnh vực tài chính, mà còn về con người và xã hội. Do đó, nội dung của các báo cáo phát triển bền vững trong một thập kỷ tới sẽ tập trung thể hiện cam kết, chiến lược gắn liền với các thách thức từ con người và xã hội. Các báo cáo sẽ được thực hiện dưới dạng điện và gắn nhãn các thông tin, cho phép các bên có liên quan dễ dàng truy cập và so sánh số liệu", Arbex cho biết.
Gần đây, Trung tâm Phát triển bền vững Canada đã tiến hành một nghiên cứu, xem xét 415 báo cáo phát triển bền vững được công bố năm 2015 và xác định một số xu hướng mới trong việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững.
Thứ nhất, 82% các công ty thực hiện báo cáo phát triển bền vững là công ty niêm yết. Nguyên nhân chính là việc các công ty phải tiến hành công bố thông tin theo quy định niêm yết, đồng thời, các công ty này có mong muốn thể hiện hình ảnh tốt hơn nhằm thu hút nguồn vốn qua thị trường chứng khoán.
Thứ hai, một xu hướng mới nổi là số lượng các công ty vừa và nhỏ thực hiện báo cáo phát triển bền vững gia tăng nhanh chóng. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng nhanh và mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Thứ ba, hướng dẫn thực hiện báo cáo của GRI vẫn duy trì vị trí số một khi được đa phần các công ty sử dụng. Đặc biệt, các thương hiệu càng lớn thì càng ít sử dụng GRI hay bất kỳ hệ thống hướng dẫn nào khác, các công ty này thường tự thực hiện theo phong cách của riêng mình.
Thúc đẩy thực hiện báo cáo tích hợp
Một báo cáo được công bố đầu năm 2016 bởi hãng tư vấn Black Sun cho thấy, trong hơn 350 CEO, CFO và COO từ các quốc gia trên toàn cầu tham gia khảo sát, chỉ 25% tự tin cho rằng, báo cáo phát triển bền vững của công ty họ đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhà đầu tư, cũng như các bên liên quan khác.
Nghiên cứu này đồng thời cho thấy, 91% cảm thấy việc thiết lập liên kết giữa các thông tin tài chính và phi tài chính giúp quản trị tốt hơn các nguy cơ có thể xảy ra. Trong đó 89% đồng ý rằng thực hiện báo cáo tổng hợp cả 2 yếu tố trên giúp hoạt động của công ty tiến triển tốt hơn trong dài hạn.
Theo Hội đồng Báo cáo tích hợp quốc tế, báo cáo của Black Sun đã thể hiện xu hướng chuyển dịch sang thực hiện báo cáo tích hợp. Theo đó, 28% các công ty tham gia khảo sát cho biết họ đang trong quá tình cải thiện việc thực hiện báo cáo tích hợp.
Trong tháng 5/2016, IIRC cùng với các tên tuổi lớn khác nhu CDP, GRI, CDBS, IAS, ISO và SASB đã công bố một bản đồ thông tin cung cấp cái nhìn toàn cảnh và sự so sánh các hệ thống thông tin, tiêu chuẩn và các yêu cầu có liên quan trong báo cáo tích hợp, như một lời hồi đáp tới thị trường, khi các thành viên thị trường yêu cầu cần có kho dữ liệu dễ truy cập và so sánh hơn.
"Có thể nói rõ rằng, báo cáo tích hợp là việc người đọc có thể hiểu được làm cách nào công ty của bạn tạo ra giá trị qua thời gian, bằng việc đo lường các chiến lược và mô hình kinh doanh. Theo đó, báo cáo tích hợp thay đổi vòng quay hiện tại của các báo cáo bằng cách đo lường chỉ tiêu tài chính, đồng thời với đo lường ảnh hưởng xã hội, từ đó có đánh giá tổng thể về toàn bộ hoạt động kinh doanh", Jonathan Labrey, Giám đốc chiến lược của IIRC cho biết.
Theo NTD
Thành phố quyết đáp nhiều nội dung quan trọng để phát triển bền vững Ngày 12/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội tháng 8 để giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP. 100% cụm công nghiệp phải xử lý nước thải Phiên họp xem xét cho ý kiến vào Đề án "Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại...