Đôi mắt ấy buồn lắm
Em biết em chẳng bao giờ thuộc về anh, dẫu cho tình yêu đầu của mình em nồng nhiệt trao hết cho anh. Bởi anh còn đó một gia đình…
Những cơn gió nhẹ buổi sáng đưa từng chiếc lá vàng bay xào xạc dưới chân em, con đường chỉ toàn một màu vàng của lá. Sao hôm nay lá rụng nhiều thế? Nó khiến những bước chân em thật nhẹ, khẽ khàng. Ở bến xe đó, chẳng có người nào đến tiễn em, cũng chẳng có những bàn tay vẫy, cũng chả có những cái nhìn tiễn biệt. Em phải về chốn cũ của mình thôi, ở đó không có anh, không có tình yêu nồng nàn như ngọn lửa em dành cho anh, ở đó chỉ có cho em sự bình yên, với em như vậy là đủ.
Có lẽ giờ này cây huynh đệ trước cửa phòng em đang nở những màu vàng buồn bã. Cây huynh đệ đó anh nhớ không?Chính anh đã cất công chạy xe ra cửa hàng cây cảnh mua cho em chậu cây huynh đệ có những nụ vàng chúm chím. Anh hồn nhiên:
- Có chậu cây cảnh trước nhà rất hay, ít ra em có thể ngắm chúng để đỡ nhớ anh.
Ừ, đúng là những cánh hoa vàng xinh đẹp đó khiến em nguôi ngoai nỗi nhớ anh, khi từng cánh hoa rụng lả tả xuống chiếc bàn học em đặt gần bên cửa sổ.
Sáng nay, em biết anh sẽ đến phòng trọ của em như một thói quen. Thói quen đó cũng giống như việc người ta ăn sáng. Chắc chắn anh sẽ bực tức, anh sẽ giận dữ, anh sẽ chạy ngược xuôi quanh phố xá để tìm cho bằng được em khi anh nhìn thấy tấm biển:” Cho thuê phòng trọ ” mà sáng nay bà chủ nhà vừa treo vào đó.
Dãy trọ đó chỉ là nơi để cho những người lao động nghèo có thu nhập thấp và trung bình như em ghé chân, mỗi người đều có cho mình một chốn riêng tư. Mở cửa ra gặp nhau cũng chỉ nở một nụ cười xã giao, vậy là em yên tâm khi chẳng ai có thể cho anh biết em đã rời khỏi đây từ đêm qua.
Anh đã từng nói, dẫu bước chân em có đi đến đâu, anh cũng có thể tìm đến. Bởi thành phố của chúng mình nhỏ bé lắm, chỉ loanh quanh mấy quán cà phê quen thuộc, mấy chiếc ghế đá mát mẻ người ta đặt sẵn trong công viên cho khách bộ hành dừng chân là hết nơi chốn hẹn hò. Thảng khi mình đi xem phim trong rạp, mình tránh cái ồn ào của phố xá tìm đến ngọn núi cao ngất trời, ở đó có ngôi chùa nằm trong núi mà chúng mình đã từng cầu nguyện, xin quẻ cầu duyên. Chỉ vọn vẹn từng dấu chân qua, kỷ niệm nằm sâu trong ký ức của em chỉ nhỏ bé vậy thôi. Anh lang thang qua bao ngã tư đèn xanh đèn đỏ là đã thấy được cái dáng mảnh mai của em đang lững thững trên con đường quen thuộc- Anh bảo vậy. Chẳng bao giờ anh để lạc mất em đâu.
Đêm hôm trước, anh đã ngạc nhiên đến mức nào khi em đòi chúng mình ra chiếc ghế đá ở công viên ngồi hóng gió. Chiếc ghế đá ở dưới ngọn đèn đường vàng vọt, anh ngồi đó ôm em, bóng của anh đổ dài cả một đoạn đường vắng. Chung quanh chỉ còn mùi lá cỏ và mùi thuốc lá nồng nàn của anh. Em khóc, lạ chưa?
Bờ vai anh thấm đẫm những dòng nước mắt của em, mãi chẳng khô được vì em cứ khóc ngất. Anh hoảng hốt:
-Nguyệt, em sao vậy Nguyệt, em ốm hả?
Video đang HOT
Em chẳng trả lời anh, bởi đêm nay chỉ có em biết được những vòng ôm này ngày mai rồi sẽ mất. Ngày mai là em đã đi rồi đó, em đi trong thầm lặng, chẳng cho anh biết đâu. Em sẽ trả lại cho anh cuộc sống riêng, cuộc sống ở đó anh có một người vợ xinh đẹp, một gia đình giàu có. Em ôm anh thủ thỉ:
- Đêm nay anh ở lại đây nhé.
Anh cười buồn:
- Không được, anh phải về.
Em nhìn theo bóng chiếc xe anh chầm chậm khuất sau con ngõ, tiếng máy xe cũng buồn, mấy khóm hoa huynh đệ cũng ủ rũ một màu buồn bã. Chia tay nhé anh, chia tay trong lặng lẽ. Cũng chẳng có môi hôn cho một cuộc từ ly. Để lúc này em ngồi ở bến xe, dọn ra những kỷ niệm buồn bã mà chỉ có em là thực khách duy nhất gặm nhấm những thứ ký ức đắng nghét.
Em nhớ về ngôi làng nhỏ, ngôi làng có cánh cổng củ kỹ dẫn vào con đường đất đỏ xóm em. Ở đó có người mẹ hiền vẫn ngày đêm mong em trở về. Thời thơ ấu của em chỉ là những ngày hai má con một mình ngồi co ro trong ngôi nhà giột nát, ngôi nhà với mái tôn thủng lỗ chỗ, hễ cứ che chỗ này là lại thấm chỗ khác. Những đêm không ngủ như vậy đối với em đã trở nên quen thuộc. Hai người phụ nữ nhỏ bé sống tạm bợ trong ngôi nhà rách nát cứ chênh vênh một màu tro xám.
Nhiều lúc em thèm thấy bóng dáng của một người đàn ông đi lại trong nhà. Người đàn ông đó ra đồng cày mấy mẫu ruộng cho má, người đàn ông đó đào chiếc giếng đất cho má lấy nước gội đầu, bàn tay của người đàn ông đó sẽ làm đủ mọi việc nặng nhọc nhất trong ngôi nhà buồn hiu hắt đó, sẽ bế em trên vai công kênh chạy khắp làng.
Em đem niềm thắc mắc của mình hỏi má, lúc em nhìn thấy những dòng lệ tứa ra từ đôi mắt mờ mịt ấy, đó là lúc em biết má đang buồn. Chẳng có người phụ nữ nào lại không buồn khi bị một người đàn ông bỏ rơi, nhất là khi trong bụng lại đang mang kết quả tình yêu của họ, dẫu cho đôi khi tình yêu đó còn biết bao vụng dại, ngẩn ngơ của tuổi đầu đời. Má hồi trẻ đẹp lắm, má để tóc dài rồi lấy chun cột lại, đuôi tóc cứ đánh qua về đến tức lồng ngực lũ con trai trong xóm. Trong đó cũng có ông ấy, người đàn ông em muốn gọi là ba dẫu cho từ lúc sinh ra cho đến khi trở thành một cô giáo, em vẫn chẳng thể gặp mặt. Họ yêu nhau, để rồi tình yêu ấy kết thúc khi người đàn ông đó bỏ má để về phố cưới một người con khác gái không đẹp bằng má, nhưng gia tài có thể nuôi sống cả nhà người đàn ông ấy lúc bấy giờ, đó là điều má không thể làm được. Có lẽ là thương cho một sinh linh bé nhỏ đã tượng hình mà má không bỏ rơi em, má phải sinh ra em. Nhưng em cứ nghĩ mình là nỗi buồn của má, là gánh nặng của má.
Bàn tay chai sạn của má nắm lấy tay em thảng thốt:
- Nguyệt, đời má đã lỡ làng rồi, con đừng đi vào vết xe đổ của má nghe con.
Lời dặn dò ấy của má cứ theo em suốt từ thuở em còn đi học cho đến khi em lên thành phố, để má lại ở quê một mình. Thành phố, với rộn ràng nhịp sống, với đủ màu cám dỗ cũng không khiến em nao núng, trái tim em vẫn khép chặt cho đến khi gặp anh. Một người đàn ông từng trải mà em yêu thương hết mực, dẫu cho người đàn ông ấy đã có một người vợ xinh đẹp ở nhà.
Quen anh ngẫu nhiên trong một lần trú mưa bên một hiên nhà nào đó đã đánh thức trái tim đang nằm ngủ của em. Những hạt mưa vô tình làm ướt áo ấy cứ khiến màn đêm dài hơn, khiến cho đường về của em xa lắc. Mấy ngày sau em đã thấy anh chạy chiếc xe máy chầm chậm ngang trước ngõ, nở nụ cười nhìn em. Lúc ấy, em biết lòng mình đã tỏa nắng.
Yêu em, anh chê phòng trọ em nhỏ bé quá, anh muốn đưa em đến một căn hộ khác rộng rãi hơn, nhưng em lắc đầu. Cuộc sống kỳ lạ vậy đó, dẫu cho bản thân có sống trong một ngôi nhà rộng rãi mà trái tim của mình chật chội vẫn thấy cuộc sống bó hẹp đến lạ kỳ. Em từ chối lời yêu cầu của anh, khiến đôi mắt anh trở buồn. Ngày hôm sau, anh đến đóng lại cho em chiếc biển số nhà để dễ tìm đường. Lâu lâu, anh đem đến cho em chiếc đài nhỏ để em nhe nhạc, có khi lại là chiếc máy tính cũ anh không dùng nữa để em soạn giáo án. Không phải là anh không ga lăng mà bởi em không muốn nhận từ anh những thứ đắt tiền, em thấy tình yêu như vậy nó vụ lợi lắm. Và em vui với niềm hạnh phúc nhỏ nhoi như vậy.
Anh yêu em theo cách của anh, thứ tình yêu luôn lẩn khuất sau lưng là một nỗi chông chênh như một sợi dây vô hình nào đó. Sợi dây ấy em không biết nhưng vẫn cảm nhận được, bởi khi em nằm trong anh, nghe tiếng con thạch sùng tặc lưỡi trong đêm, em hỏi anh về ngôi nhà chung của hai đứa, ở đó có em nấu cho anh những món ngon lúc anh đi làm về, ở đó có tiếng học bài ê a của trẻ con khi anh dạy chúng học. Vậy mà câu hỏi của em khiến anh phải đốt thuốc đi lại bên cây huynh đệ nở hoa vàng rực:
- Cho anh thêm thời gian nhé.
Em chẳng biết thời gian đó là bao lâu, nhưng nằm sâu trong đuôi mắt em là một dấu hỏi lớn.
Dấu hỏi ấy được giải đáp khi một ngày có người phụ nữ ăn mặc kiểu cách đến tìm gặp em. Mùi nước hoa từ người phụ nữ đó toát ra khiến em bất giác bồn chồn. Bên ly cà phê trong một quán quen bên đường, người phụ nữ đó đã cho em biết hết tất cả về anh. Chị Thủy vợ anh cũng là một người phụ nữ tốt, bởi chẳng có người phụ nữ nào đi gặp tình nhân của chồng mà lại hẹn gặp ở quán cà phê, nói những lời nhẹ nhàng cả. Chị Thủy cũng như em, đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho anh, đã đem về cho anh một chức vụ lớn trong công ty của bố chị mà chẳng bao lâu nữa nó cũng sẽ thuộc về anh, nhưng chị chẳng thể đem về cho anh một đứa con, đó là điều anh khao khát. Vậy đó, sẽ thật nực cười khi một một cuộc đánh ghen xảy ra mà không hề có xô xát, không hề có cải vã. Ở đó chỉ có hai người phụ nữ với tình yêu da diết dành cho một người đàn ông và những giọt cà phê chậm rãi rơi.
Em biết em chẳng bao giờ thuộc về anh, dẫu cho tình yêu đầu của mình em nồng nhiệt trao hết cho anh. Bởi anh còn đó một gia đình, còn đó một người vợ cũng yêu anh hết mực, còn đó một con đường ở phía trước. Một cuộc chia tay có thể là vui vẻ, không phải là bất hạnh khi đó là một cuộc giải thoát, là trả lại cho nhau cuộc sống riêng ban đầu. Dẫu cho em thẳng thốt khi nhìn trong gương đôi mắt của mình, đôi mắt ấy đang hát những giai điệu buồn lắm.
Em đã về lại nơi em đã sinh ra đời. Ở nơi đó vẫn còn người mẹ đã sinh em ra, yêu em bằng thứ tình yêu thơ trẻ. Ở đó có những đứa trẻ nghèo vẫn canh cánh con chữ cần em biết bao nhiêu. Em đi vào vết xe đổ của má. Nhưng em may mắn hơn má khi anh nằn nì bảo em sinh cho anh một đứa con, em đã từ chối . Bởi lúc đó em cần một cuộc hôn nhân đàng hoàng. Những đứa con không cha sẽ vào đời bằng cánh cửa nào trong những cánh cửa của cuộc đời?
Má vẫn ở một mình, má vẫn mong em về từng giây từng phút. Em đang nhón bước chân của mình trên con đường đất đỏ quen thuộc, những cọng rơm vàng óng mắc vào gót giày em. Em nhặt lên hít hà một mùi thơm của đồng ruộng. Thơm quá, một mùi thơm đã lâu rồi em quên mất. Em đưa mắt nhìn về ngôi nhà nhỏ cuối xóm. Những cánh cò mẹ đã bắt đầu đi kiếm ăn cho đàn con khi chiều tà. Đó là lúc em biết mình đã về với má, về với sự yên bình của tâm hồn…
Theo Guu
Nhảy múa dưới cơn mưa
Người hạnh phúc nhất không nhất thiết là người có được những điều tốt đẹp nhất, mà là người biết chấp nhận và sống một cách tốt đẹp nhất với những gì mà mình có được. "Cuộc sống không phải là làm sao để chịu đựng cho qua cơn bão, mà là làm sao để biết nhảy múa dưới cơn mưa"
Lúc đó khoảng 8:30 sáng, phòng cấp cứu rất bận rộn.
Một ông cụ khoảng trên 80 tuổi bước vào phòng và yêu cầu được cắt chỉ khâu ở ngón tay cái. Ông cụ nói ông rất vội vì ông có một cuộc hẹn vào lúc 9 giờ.
Tôi bắt mạch, đo huyết áp cho ông cụ xong, tôi bảo ông ngôi chờ vì tôi biết phải hơn một tiếng đồng hồ nữa mới có người đến cắt chỉ khâu cho ông. Tôi thấy ông nôn nóng nhìn đồng hồ nên tôi quyết định sẽ đích thân khám vết thương ở ngón tay cái của ông cụ vì lúc đó tôi cũng không bận với một bệnh nhân nào khác cả.
Khi khám tôi nhận thấy vết thương đã lành tốt vì vậy tôi đi lấy dụng cụ để tháo chỉ khâu ra và bôi thuốc vào vết thương cho ông cụ.
Trong khi săn sóc vết thương cho ông cụ tôi hỏi ông là ông vội như vậy chắc là ông có môt cuộc hẹn với một bác sĩ khác sáng hôm nay phải không. Ông nói không phải vậy nhưng ông cần phải đi đến nhà dưỡng lão để ăn điểm tâm với bà cụ vợ của ông ở đó.Tôi hỏi thăm sức khỏe của bà cụ thì ông cho biết là bà đã ở viện dưỡng lão một thời gian khá lâu rồi và bà bị bịnh Alzheimer (bịnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi).
Khi nói chuyện tôi có hỏi ông cụ là liệu bà cụ có buồn không nếu ông đến trễ một chút. Ông cụ nói bà ấy không còn biết ông là ai nữa và đã 5 năm nay rồi bà không còn nhận ra ông nữa. Tôi ngạc nhiên quá và hỏi ông cụ, " và Bác vẫn đến ăn sáng với Bác gái mỗi buổi sáng mặc dù Bác gái không còn biết Bác là ai nữa ư ?"
Ông cụ mỉm cười, vỗ nhẹ vào vai tôi rồi nói "Bà ấy không còn biết tôi là ai nữa nhưng tôi vẫn còn biết bà ấy là ai."
Khi ông cụ bước ra khỏi phòng, tôi phải cố gắng lắm để khỏi bật khóc. Tôi vô cùng xúc động và thầm nghĩ, "Ước gì đời mình có được một tình yêu như thế ! "
"Tình yêu thật sự không phải là tình yêu thân xác, cũng không phải là tình yêu lãng mạn"
Tình yêu thật sự là sự chấp nhận tất cả những gì đang có, đã từng có, và sẽ có hoặc không.
Người hạnh phúc nhất không nhất thiết là người có được những điều tốt đẹp nhất, mà là người biết chấp nhận và sống một cách tốt đẹp nhất với những gì mà mình có được.
"Cuộc sống không phải là làm sao để chịu đựng cho qua cơn bão, mà là làm sao để biết nhảy múa dưới cơn mưa"
Theo Guu
Khi bạn nhìn mọi thứ bằng một đôi mắt mới Ta sống với đôi mắt trời sinh, có mấy ai tự cho đó là món quà? Ta chỉ sợ bẩn quần áo, có mấy khi để ý cơn mưa đẹp đẽ nhường nào? Con tàu bắt đầu chuyển động, chật kín bởi đủ mọi loại người : từ những công nhân viên chức đến các cô cậu sinh viên trẻ. Ngồi cạnh cửa...