‘Đôi đũa lệch’: Khi soái ca chỉ cao 1,3 m
Bộ phim hài tình cảm mới “ Up for Love” là món quà dành cho những ai trót yêu mến sự lãng mạn trong nhiều bộ phim của điện ảnh nước Pháp.
Trailer bộ phim ‘Đôi đũa lệch’: “Up for Love” là câu chuyện tình hài hước lãng mạn giữa một cô nàng luật sư thành đạt đang đứng bên bờ hôn nhân tan vỡ, với anh chàng “soái ca” chỉ cao 1,36 m.
Diane ( Virginie Efira) là một luật sư tài giỏi, thành đạt, nhưng lại đang đứng bên bờ vực hôn nhân tan vỡ. Vô tình để quên điện thoại, cô được một người đàn ông lạ mặt ( Jean Dujardin) liên lạc để làm quen.
Hai người đi đến quyết định hẹn gặp sau vài cuộc nói chuyện lấp lửng, bâng quơ. Trong suy nghĩ của Diane, người đàn ông xa lạ có tên Alex rất hấp dẫn. Chỉ có điều, ở ngoài đời thực, anh ta cao… 1,36 m.
Up for Love sở hữu cốt truyện đơn giản, tạo tình huống hài hước thông qua những nghịch lý và gây cười bằng phần lời thoại duyên dáng, hóm hỉnh. Tất cả đều là những nét đặc trưng trong các bộ phim hài tình cảm của điện ảnh nước Pháp.
Đôi đũa lệch là bộ phim hài tình cảm mới của điện ảnh Pháp, có sự tham gia của Jean Dujardin – tài tử từng thắng giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc với The Artist(2011). Ảnh: MVP Pictures
Bi kịch của Alex không thực sự mới so với mô-típ quen thuộc của truyện cổ tích: chàng hoàng tử mang thân hình dị biệt, cố gắng tìm kiếm hạnh phúc với người con gái mà mình yêu.
Laurent Tirard – đạo diễn của bộ phim Nhóc Nicolas, đã mượn tích truyện Hoàng tử ếch năm xưa để thử thách bản lĩnh của một cô gái trẻ trung, hiện đại, nhưng lại gặp thất bại trong hôn nhân. Những tình huống dở khóc dở cười xảy ra tuy không bất ngờ, nhưng sự duyên dáng, hóm hỉnh của “bộ đôi đũa lệch” vẫn mang đến cho người xem nhiều tràng cười thoả mãn.
Up for Love có thể cuốn hút khán giả ngay từ hoạt cảnh đầu tiên, khi Alex lần đầu gọi điện cho Diane với lời mời đường đột “đội lốt” lý do chính đáng. “Anh muốn mời em ăn tối để đưa lại đồ mà em đã làm rơi”. “Mẹ em dặn không được ăn tối với người lạ”. “Được, vậy mình chuyển sang ăn trưa nhé”.
Đó là khởi đầu không thể đáng yêu hơn dành cho bộ phim mà khán giả sẽ sẵn sàng ngồi đến tận phút cuối để theo dõi kết cục của nó.
Tình huống thú vị mà Up for Love đặt ra lập tức cuốn hút khán giả ngay từ những giây phút đầu tiên của bộ phim. Ảnh: MVP Pictures
Video đang HOT
Gu lãng mạn hơi sến kiểu Pháp được thể hiện khá rõ qua nhân vật “soái ca” Alex và đặt ra cho người xem nhiều câu hỏi. Liệu bạn có chọn một người đàn ông lịch lãm, thông minh, cuốn hút, sở hữu gia tài kếch xù, nhưng chỉ cao hơn 1,3 m?
Liệu bạn có dám vượt qua những định kiến, dò xét của xã hội để tự tin bước cạnh một người đàn ông với vóc dáng không tương xứng? Câu chuyện cổ tích năm xưa được đặt vào bối cảnh hiện đại ngày nay để mỗi khán giả tự đưa mình vào vai “công chúa”. Lựa chọn của mỗi người sẽ nói lên họ là ai và xứng đáng nhận được điều gì trong cuộc sống.
Nhạc phim và khung cảnh lãng mạn, nên thơ là yếu tố không thể thiếu trong bất cứ tác phẩm điện ảnh tình cảm lãng mạn nào đến từ nước Pháp. Theo dõi Up for Love, người xem có thể nhớ đến những nhà hàng sang trọng, những con đường dốc thoải và thành phố lấp lánh ánh sáng từ trên cao trong những Before Sunrise, 2 Days in Paris hay Amélie.
Phim mang đậm nét hài duyên đáng kiểu Pháp. Ảnh: MVP Pictures
Bản thân ngôi biệt thự cổ bằng tường đá, nằm trong khuôn viên sân vườn yên tĩnh của “hoàng tử lùn” Alex cũng mang đến không khí đồng quê đặc trưng kiểu Pháp.
Up for Love sở hữu tất cả những điều bạn tìm kiếm ở một bộ phim hài tình cảm của Pháp: một câu chuyện tình đẹp, sự duyên dáng, vẻ nên thơ lẫn những cuộc hội thoại đầy ngẫu hứng, thông minh. Điều đó vừa đủ cho một buổi tối hẹn hò lãng mạn của những người đang yêu.
Up for Love (Đôi đũa lệch) đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Zing.vn đánh giá: 3,5/5
Theo Zing
Những cái tên hiếm hoi được cả Cannes lẫn Oscar vinh danh
Gu của ban giám khảo Cannes với Viện hàn lâm nước Mỹ rất khác biệt. Trong lịch sử, có rất ít tác phẩm hay cá nhân giành vinh quang tại cả vùng bờ biển nước Pháp lẫn xứ sở cờ hoa.
Amour (2012): Bộ phim của đạo diễn Michael Haneke thắng giải Cành cọ vàng và sau đó tiếp tục ẵm giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, đồng thời nhận đề cử Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2013. Tác phẩm là câu chuyện gai góc của đôi vợ chồng già ngoài 80 tuổi Georges và Anne. Tình yêu của họ bị thử thách khi bà Anne lâm bệnh nặng và phải nằm liệt giường.
Jean Dujardin trong The Artist (2011): Đây là cá nhân diễn viên gần nhất giành chiến thắng tại Cannes, rồi sau đó tiếp tục được Oscar vinh danh. Trong bộ phim câm The Artist, tài tử người Pháp sắm vai ngôi sao điện ảnh George Valentin. Anh trao cho Peppy Miller một nụ hôn, khiến nàng fan xinh đẹp trở thành tâm điểm chú ý của công chúng, còn mình kể từ đó thì cứ thế lụn bại. Bản thân The Artist cũng giành được giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2012.
Christoph Waltz trong Inglourious Basterds (2009): Gã phát xít máu lạnh Hans Landa trong bộ phim của đạo diễn Quentin Tarantino tới nay được đánh giá là một trong những vai phản diện xuất sắc mọi thời đại. Ban giám khảo Cannes và Oscar hoàn toàn đồng tình với điều đó khi từng trao cho tài tử người Áo lần lượt giải Nam diễn viên xuất sắc và Nam diễn viên phụ xuất sắc.
Holly Hunter trong The Piano (1993): Vai diễn người phụ nữ câm di cư tới New Zealand cùng con gái vào giữa thế kỷ XIX giúp Holly Hunter trở thành tâm điểm của báo giới vào năm 1993. Cả Cannes lẫn Oscar đều trao cho cô giải Nữ diễn viên chính xuất sắc như sự ghi nhận cho nỗ lực vượt bậc của minh tinh. Ngoài ra, The Piano còn giúp Jane Campion nâng cao giải Cành cọ vàng và bà đến nay vẫn là nữ đạo diễn duy nhất có được vinh dự đó.
Pelle the Conqueror (1988): Bộ phim của điện ảnh Đan Mạch cũng đạt thành tích tương tự như Amour. Pelle the Conqueror lấy bối cảnh cuối thế kỷ XIX, xoay quanh chuyện hai cha con Lasse - Pelle di cư từ Thụy Điển đến hòn đảo Bornholm của Đan Mạch. Cuộc sống tại mảnh đất mới không hề dễ dàng khi người bản địa luôn tỏ thái độ thù địch với họ.
William Hurt trong Kiss of the Spider Woman (1985): Sắm vai gã tù nhân đồng tính Luis Molina giúp huyền thoại William Hurt ẵm giải thưởng tại cả Cannes lẫn Oscar. Đây là nhân vật sở hữu nội tâm rất phức tạp. Mối tình giữa anh và bạn cùng phòng giam Valentin Arregui - một tù nhân chính trị, từng cướp đi không ít nước mắt của khán giả.
The Tin Drum (1979): Dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của Gunter Grass, The Tin Drum sở hữu giải Cành cọ vàng của Cannes và Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar. Song, tại thời điểm ra mắt, tác phẩm gây ra không ít tranh cãi bởi nhiều cảnh quay nhạy cảm, như khi để nhân vật chính Oskar Matzerath trong thân xác cậu bé 3 tuổi úp mặt trực diện vào bộ phận sinh dục nữ của một thiếu nữ 16 tuổi...
Sally Field trong Norma Rae (1979): Vai chính Norma Rae giúp Sally Field chinh phục cả Cannes lẫn Oscar, qua đó trở thành minh tinh hạng A sau quãng thời gian dài gắn liền với màn ảnh nhỏ. Trong phim, nhân vật của bà là một công nhân dệt may, sẵn sàng đứng lên để đòi quyền lợi cho bản thân và đồng nghiệp, bất chấp mọi nguy hiểm.
Jon Voight trong Coming Home (1978): Cha của Angelina Jolie cũng đứng trong hàng ngũ những diễn viên hiếm hoi chinh phục được cả hai hội đồng giám khảo danh tiếng. TrongComing Home, ông vào vai một người lính chiến tranh Việt Nam bị thương nặng và phải ngồi xe lăn. Chàng trai nảy sinh tình cảm với Sally - người phụ nữ chăm sóc mình tại bệnh viện, vốn có chồng cũng đang tham gia cuộc chiến ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương. Ngoài Jon Voight, Coming Home còn có sự góp mặt của hai huyền thoại điện ảnh khác là Jane Fonda và Bruce Dern.
A Man and a Woman (1966): Sử dụng rất ít lời thoại, tác phẩm lãng mạn của điện ảnh Pháp là câu chuyện tình giữa một quan phu và một quả phụ. A Man and a Woman chinh phục ban giám khảo của cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng cũng chỉ dừng lại ở giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar.
Sophia Loren trong Two Women (1961): Quả phụ xinh đẹp Cesira có một cửa hàng nhỏ đông khách tại thủ đô Rome, Italy. Nhưng khi Thế chiến thứ II ập đến, quãng thời gian hạnh phúc của cô với con gái Rosetta không còn nữa. Vai diễn phức tạp và đầy bi kịch ấy đã giúp huyền thoại Sophia Loren thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Cannes và Oscar. Đến giờ, Cesira ở Two Women vẫn là điểm sáng lớn nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của minh tinh người Italy.
Simone Signoret trong Room at the Top (1959): Bộ phim tâm lý lãng mạn dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của John Braine mang về cho Simone Signoret tượng vàng Oscar duy nhất trong sự nghiệp. Trước đó, minh tinh người Pháp cũng đã chinh phục được cả ban giám khảo khó tính của Cannes. Trong Room at the Top, bà vào vai Alice - một phụ nữ đã có gia đình nhưng vẫn đem lòng yêu một chàng trai trẻ đầy hoài bão. Có điều, gã trai còn nhắm đến cô con gái của ông chủ mình để có thể leo lên những nấc thang danh vọng.
Marty (1955): Sau 60 năm, đây vẫn là bộ phim duy nhất giành giải Cành cọ vàng, rồi sau đó thắng tiếp giải Phim truyện xuất sắc của Oscar. Marty là câu chuyện tình hài hước lãng mạn giữa một anh chàng đồ tể ngại giao tiếp và một cô nàng giáo viên cô đơn. Trên thực tế, Viện hàn lâm rất ưu ái Marty khi còn trao cho nó giải Nam diễn viên chính (Ernest Borginine), Đạo diễn (Delbert Mann) và Kịch bản chuyển thể xuất sắc.
Shirley Booth trong Come Back, Little Sheba (1953): Huyền thoại Shirley Booth giành chiến thắng kép tại Cannes và Oscar khi sắm vai Lola Delaney - người vợ bị sảy thai và sau đó dành hết tình cảm cho chú chó Sheba. Chồng Lola không ngừng đổ lỗi cho cô và câu chuyện càng trở nên phức tạp khi cô gái trẻ Marie đến thuê một căn phòng trong biệt thự của hai người.
Theo Zing
Muốn ly hôn vì vợ và tôi là "Đôi đũa lệch" Bộ quần áo thì xộc xệch, tóc nhuộm màu đỏ, môi xăm đỏ sẫm, hàng lông mày săm ngang nhìn thật khó coi. Hai vợ chồng tôi lấy nhau được 12 năm, tôi làm giáo viên còn vợ tôi buôn bán ngoài chợ. Cô ấy được bố mẹ đẻ cho một sạp hàng để kinh doanh đồ tạp hóa. Tôi làm giáo viên,...