Đôi đũa lệch…
Tại sao anh không về nhà? Tại sao anh để cho người phụ nữ đó gọi điện mà không thèm nói gì với nó? Để xem lần này anh giải thích sao đây. Cơ mà anh có nói gì đi nữa thì nó cũng chẳng còn tin anh. Với nó, mọi chuyện đều có thể vì tình yêu mà cho qua. Nhưng riêng chuyện đi đêm với người phụ nữ khác là điều không thể nào tha thứ.
Đôi đũa lệch
***
– Sau này em sẽ không ân hận vì lấy anh chứ?
– Đây là lần thứ mười sáu anh hỏi em câu này. Em mà còn nghe thêm lần nữa là em cho anh thành thầy tu luônnnn. – Nó di di ngón trỏ vào trán anh, cái mặt vênh lên phụng phịu khiến anh phì cười.
– Thôi được rồi, thôi được rồi. Một câu cuối cùng nhé. Em sẽ không ngại khi đi chung với anh tới những chỗ đông người chứ?
– Sao em lại phải ngại khi đi cùng anh? – Đang ngồi lọt thỏm trong lòng anh, nó bỗng nhiên chồm dậy, ánh mắt nhìn anh đầy vẻ tố cáo.
– Biết đâu được. – Anh cười cười – Chẳng hạn, nhỡ may ai đó không biết chúng ta với nhau, hoặc giả kẻ đó ác ý mà hỏi em một câu: “Bố cậu đấy à?” Thì em sẽ trả lời sao?
Đang lúc chăm chú hếch mặt đợi câu trả lời của anh, nó bỗng phá lên cười sặc sụa, mặc cho vẻ mặt anh cứ nghệt ra, trông đến thương. Nó làm điệu bộ nhăn mặt, khẽ lườm yêu anh một cái:
– Anh chẳng hiểu gì em cả. Đứa nào dám động đến người thương của em, em sẽ quay ra mà đay tận mặt nó rằng: “Này, thế mày đã bao giờ nghe chuyện một ông bố mười hai tuổi mà có thể sinh con chưa? Hả hả hả?” cho chúng nó khiếp ấy chứ. – môi nó cong cong sau cái giọng điệu chua hơn giấm và cay hơn ớt ấy.
Anh phì cười:
– Khiếp em quá cơ! Người yêu anh đanh đá quá!
Nó “hứ” một tiếng rõ dài rồi lấy chân huých nhẹ vào chân anh:
– Em chỉ đanh thôi, không có đá. Nãy giờ em có đá anh cái nào đâu?
– Ừ, ừ, chỉ đanh thôi, không đá. Chắc tại đá trong em đã tan chảy vì anh mất rồi. – Anh nhìn nó âu yếm. Được thể, nó lấn lướt:
– Bây giờ đến em nhá?
– Sẵn sàng! – Anh giơ tay chếch chếch trên trán làm điệu bộ cúi chào quân phép. Nó ngồi thẳng dậy, tựa đầu vào vai anh rồi cất giọng nghiêm túc:
– Thứ nhất, anh không được đùa cợt với bọn con gái trên facebook.
– Không được. – Anh phản đối – Anh chỉ đùa vui đôi ba câu thì ảnh hưởng gì đâu? Không lẽ người ta đùa mình, mình cứ im im. Chẳng phải em cũng nói chuyện phiếm với bọn con trai trên đó sao?
– Em khác, anh khác. – Nó nghiêm giọng – Em chỉ nói chuyện thôi chứ không có tán tỉnh cợt nhả. Với lại, em biết đâu là giới hạn của mình. Còn đàn ông các anh, không tin được, miệng đùa cợt, lòng lại nghĩ thật. Nếu anh không làm được thì thôi vậy.
– Hmm, vậy anh sẽ hạn chế. – Anh nhăn mặt khổ sở.
– Thôi được rồi. – Nó cười tủm tỉm – Em tin anh, miễn anh đừng đi quá giới hạn và nhớ là trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến em ngay cả khi đang đùa với người ta.
– Tuân lệnh!
– Những lúc cãi nhau, anh phải nhường nhịn em. Nếu em sai thì anh phải nói cho em biết, chỉ cho em thấy, chứ đừng lầm lì im lặng để cố chấp và hiểu lầm nhau.
– Em thật giống một bà cụ non. – Mắt anh không rời nó và tay nắm chặt tay nó.
Bạn anh bảo, đàn ông lấy vợ trẻ chỉ chiều được ngày một ngày hai, không qua ngày thứ ba. Nhất là những lúc cãi nhau, cô nàng chẳng khác gì đứa trẻ con cứng đầu, khó bảo, chỉ có thể nhường thôi chứ không thể nhịn được, rồi đến ức chế mà vỡ tim mất thôi. Nhưng lúc này, khi nó ngồi gọn trong vòng tay anh, anh cảm tưởng mình đang ôm cả một bầu trời hạnh phúc trong tim.
Những điều khoản sau hôn nhân đã được thông qua. Ai cũng bảo anh và nó là một đôi đũa lệch.
Còn anh, mỗi khi nhớ đến câu hát của một nhạc sĩ nào đó đã viết, anh không khỏi chạnh lòng: “Em và tôi, một bông hoa sắc thắm, một cành khô không chồi…”
Video đang HOT
Anh hơn nó hẳn một con giáp, đôi lúc anh cảm tưởng anh và nó giống như người anh cả và cô em út. Nhưng nó là đứa em ngoan. Anh tin bằng tình yêu của mình, anh có thể đồng hành bên nó suốt cuộc đời này.
Sự hạnh phúc luôn xuất phát từ trong trái tim
***
Một đêm, nó đánh thức anh, phụng phịu:
– Anh ơi, con thèm kim chi.
Anh cười, ôm ấp nó:
– Mẹ gì xấu thế. Mẹ thèm còn đổ cho con. Thôi ngủ đi, muộn rồi. Mai anh mua kim chi cho hai mẹ con.
– Ứ, – nó đẩy anh ra. Anh muốn em ngủ với cơn thèm cả đêm à? Đi mua cho em đi. Đi chồnggg… – Nó bỗng đổi tông giọng nài nỉ.
– Em biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Một giờ sáng rồi đấy. Ai người ta bán kim chi cho em vào giờ này. Thôi ngủ đi, anh hứa mai mua đền.
– Ứ, ứ. – Nó nện chân thùm thùm xuống giường – Anh làm bố mà chẳng thương con gì cả.
– Thôi, cho anh xin. Khổ quá cơ. Mọi lần em có ăn đêm bao giờ đâu.
– Em mới nhờ anh có chút mà anh kêu khổ ư? – Nó lay lay anh, không cho anh ngủ.
– Nào, lại cãi nhau bây giờ. – Anh càu nhàu. – Mà cũng tại em cơ. Xem phim Hàn cho lắm vào, giờ lại thèm kim chi.
– Tóm lại là anh có đi mua cho em không thì bảo? Anh không đi thì tự em sẽ đi. – Nó nói và xốc váy đứng lên.
– Thôi được rồi, em ngồi yên đấy, anh đi. – Anh ngồi dậy, lẳng lặng mở cửa rồi dắt xe đi trước ánh nhìn ngơ ngác của nó. Nó định gọi anh lại, nhưng niềm kiêu hãnh kéo nó về thực tại. Anh đi rồi, cơn thèm kim chi dần qua. Nó nằm ôm gối, lặng thầm nguyền rủa mình quá đáng với anh.
Bốn giờ sáng, nó giật mình tỉnh giấc. Quờ tay sang cạnh không thấy anh. Nó choàng dậy, chạy ra phòng khách. Cửa vẫn khóa, không có xe của anh. Lâu quá rồi, sao anh chưa về? Anh có thể đi đâu được ngoài mấy cái quán ăn quanh đây chứ? Hay anh không mua được kim chi nên không quay về với nó. Bỗng nhiên lòng nó hoang mang. Điện thoại đổ chuông, nó nhấc máy.
– Xin lỗi làm phiền chị. Chị có phải là vợ anh Huy không? – Giọng một phụ nữ.
– Phải phải, có chuyện gì với anh ấy ư? – Nó hoảng hốt.
Đầu giây bên kia lặng yên một lúc rồi chậm rãi:
– Không, anh Huy không làm sao. Chỉ là… anh ấy chưa về ngay được thôi. Tôi gọi điện để chị yên tâm.
“Bụp”. Nó lia cái điện thoại vào góc tường rồi òa khóc ngon lành. Này thì kim chi này, này thì nói dối để đi với gái này. Này thì qua đêm ở ngoài này… Chuyến này về anh sẽ biết tay với nó.
Một lúc, như sực nhớ ra, nó chợt sờ tay vào bụng, thủ thỉ: “Mẹ xin lỗi con yêu! Tại bố con hư nên mẹ phải phạt. Mẹ yêu con, yêu con mà. Mẹ con mình không cần bố nữa, con ha.” Cơn buồn ngủ lại đến, nó ngả người ra ghế và thiếp đi.
***
Anh mở mắt, mình đau ê ẩm. Chiếc xe quệt anh đã chạy từ đời tám hoánh. Anh ngồi dậy, bỗng thấy tê nhức ở chân. Nước ở đâu thấm ướt cái ống quần dài. Anh đưa tay sờ và soi tận mặt.
Máu. Máu ra nhiều quá. Chân trái anh bị thương khi anh ngã xuống đường và bị con suzuki đè lên. May nhờ chiếc mũ bảo hiểm nên anh không bị ở đầu. Nhưng anh ngã sấp, mặt úp xuống đường, găm vào mấy viên sỏi sắc cạnh.
Người phụ nữ lao công tốt bụng phát hiện anh nằm quằn quại khi anh lết đến bên vỉa hè. Chị đỡ chiếc xe dậy rồi dìu anh về nhà mình gần đó. Đêm hôm, chắc người nhà anh rất lo lắng. Chị gọi điện giúp anh, nhưng anh nhờ chị đừng nói anh gặp nạn. Anh sợ nó lo lắng mà ngất xỉu mất.
Anh biết có thể nó sẽ tức tối mà hiểu lầm anh. Nhưng như thế vẫn hơn là làm hại tinh thần nó. Anh hiểu nó yêu anh nhiều lắm. Nó sẽ không tha thứ cho mình nếu biết anh vì nó mà ra nông nổi đó.
***
Sáu giờ sáng. Nó ngồi dậy, phờ phạc như người mất hồn. Nó đi xuống bếp bật ấm nước sôi chờ pha sữa. Nếu không vì đứa con trong bụng thì nó đã không buồn ăn sáng. Mọi chuyện diễn ra nhanh quá, nó không lường hết được.
Tại sao anh không về nhà? Tại sao anh để cho người phụ nữ đó gọi điện mà không thèm nói gì với nó? Để xem lần này anh giải thích sao đây. Cơ mà anh có nói gì đi nữa thì nó cũng chẳng còn tin anh. Với nó, mọi chuyện đều có thể vì tình yêu mà cho qua. Nhưng riêng chuyện đi đêm với người phụ nữ khác là điều không thể nào tha thứ.
Chuông điện thoại. Số máy hôm qua. Nó ngần ngừ rồi bắt máy. Không kịp chỉnh lại đầu tóc, nó vớ lấy chiếc chìa khóa xe rồi lao vội ra đường, đến bệnh viện. Người ta bảo anh đang được khâu vết thương ở đó. Vì sao bị thương thì nó không kịp hỏi.
– Mặt anh làm sao thế kia? – Nó xót xa khi trông thấy anh.
Anh cười cười, cầm lấy tay nó:
– Anh bị người ta đánh ghen đêm qua. Cũng tại anh…
– Gì cơ? – Giọng nó ứ nghẹn. Nó vùng vằng xô anh ra, mắt ngân ngấn nước.
– Thôi mà, anh xin lỗi…
– Thôi đi về, về nhà chúng ta sẽ nói chuyện. – Nó đứng lên, vội vã tiến về phòng hành chính bệnh viện thanh toán mọi thứ. Nó phải cam kết sẽ chăm sóc vết thương cho anh cẩn thận, người ta mới để nó đón anh về.
Nó gọi taxi đưa anh lên xe. Suốt dọc đường, nó không nói với anh câu nào. Về đến nhà, nó lẳng lặng xuống bếp làm cơm. Anh ngồi sofa bật ti vi xem tin tức.
“Đừng giận anh làm chi cho mắt em buồn nước mắt em tuôn. Giờ anh nhận ra anh đã yêu em ngàn lần em hỡi…”. Đang hé môi nếm canh, tiếng hát rống lên của anh từ nhà trên bỗng làm nó suýt sặc vì cười.
– Hôm nay vợ anh nấu món gì thơm thế? – Anh hít hà cà nhắc đến chỗ nó. Nó quay đi, vẫn cặm cụi dọn mâm như không có anh bên cạnh. Bữa cơm diễn ra lặng lẽ. Thỉnh thoảng anh gắp thức ăn vào bát nó. Nó gắp bỏ ra. Anh lại gắp tiếp và thủ thỉ:
– Cái này cho thằng cu.
Miếng cơm vừa và vào miệng nó bỗng phì cả ra. Nó nén cười nhưng không được. Nó ngước lên, lườm anh một cái tưởng đứt đôi con ruồi bay ngang.
– Em giận gì mà dai thế? Đừng làm anh sợ. – Anh nắm lấy tay nó, kéo nó vào lòng khi nó định bước về phòng.
– Em có giận anh đâu. Là em tự giận mình đấy chứ. – Nó cúi gằm mặt, thủ thỉ.
Anh đẩy nó ra và nhìn vào mắt nó:
– Em không giận anh thật à? Thề không giận?
Nó gật đầu, rồi lại lắc đầu, ý muốn nói nó không giận anh, thề không giận.
– Thế sao em không nói gì làm anh sợ? Em thậm chí không thèm tra đêm qua anh đi đâu? Vì sao anh bị người ta đánh ghen ư?
Nó bỗng đấm vào vai anh thùm thụp, thùm thụp:
– Cho anh chừa cái tội lừa em đi. Em nghe chị ấy kể hết rồi.
– Chị nào cơ? – Anh nhìn nó với gương mặt của một cậu bé.
– Còn chị nào nữa. Cái chị mà cứu anh íiiiiiiii… – Nó kéo dài chữ “í” và cái môi lại cong lên khiến anh không nén được cười, chỉ muốn véo yêu một cái vào mũi nó.
– Em xin lỗi, tại em cả. Anh có còn đau không? Em gặp chị ấy lúc quay ra thanh toán viện phí. – Nó nhìn anh với đôi mắt xót xa.
– Có, anh đau lắm. – Anh nói với vẻ mặt nhăn nhó.
– Anh đau ở đâu? Ở chân hả? Hay ở mặt? Họ nói với em là anh phải khâu sáu mũi. – Giọng nó đầy lo lắng.
– Không, anh đau ở đây nè. Giờ vẫn đau. – Anh dịu dàng cầm tay nó áp lên phía trái ngực mình. Nó dụi đầu vào ngực anh, cười khúc khích.
– Ai bảo anh ngốc cơ. Cưới một cô vợ người lớn, hết cái tính vòi vĩnh nhõng nhẽo thì đâu có ra nông nổi này.
Anh phì cười:
– Cơ mà anh thích thế cơ. Thích em cơ.
– Anh nè, em có một ý này.
– Được rồi, em nói đi, gì anh cũng chiều, miễn đừng bắt anh xa em lúc nửa đêm là được.
Nó mỉm cười, ghé sát tai anh thì thầm:
– Sau này… nếu em sinh con gái, mình đặt tên con là Kim Chi anh nhé.
Anh chẳng còn biết nói gì hơn ngoài cái gật đầu tắp lự. Anh choàng tay ôm “Kim Chi mẹ” vào lòng. Đôi mắt trong veo của nó nhìn anh trông yêu đến lạ. Ngỡ như anh đang chết đuối trong đôi mắt ấy.
Theo Nhipsongphunu
Vợ mất, tôi phải giả gái làm mẹ của con gái
Không biết tôi phải giả gái nên con gái tôi thường hỏi: "Sao mẹ không có nhà vào buổi sáng" hay "Bố đi đâu vào buổi tối thế ạ, bố không ngủ hả mẹ?". Tôi nói dối con rằng ban ngày mẹ phải đi làm, còn buổi tối bố đi trực.
Cách đây 4 năm, vợ tôi qua đời vì một tai nạn giao thông khi con gái vừa tròn 3 tháng tuổi. Nỗi đau mất vợ in sâu vào trong tim tôi, tôi tự hứa với vợ sẽ chăm sóc cho con gái thật tốt. Lúc đó con còn quá nhỏ, chưa hiểu nỗi mất mát người thân là thế nào.
Khi vợ tôi mới mất, cuộc sống của tôi như đảo lộn. Mỗi tối là 1 cuộc chiến của hai cha con khi con cứ quấy khóc liên tục vì thiếu hơi ấm của mẹ. Mẹ tôi phải bỏ hết mọi việc ở quê ra chăm sóc cháu giúp tôi. Dù rất đau đớn vì sự ra đi đột ngột của vợ, dù rất mệt mỏi khi kiêm hết việc nhà lại kiêm việc làm mẹ của con nhưng tôi vẫn phải vực mình dậy để lo cho con nhiều hơn.
Đến khi con được 9 tháng tuổi, thì mẹ tôi phải về quê. Tôi phải cho chấu đi gửi trẻ. Hàng ngày, tôi chở con tới một nhà trẻ gần công ty, chiều lại bế con về. Mẹ khuyên tôi thuê cô trông trẻ tại nhà, nhưng tôi từ chối. Vợ tôi vừa mất, tôi không muốn có bước chân của bất kỳ một người phụ nữ nào bước vào căn nhà của vợ chồng tôi. Huống chi, tôi có thể chăm sóc con được. Bên cạnh đó, mỗi tuần tôi thường ghi lại rất nhiều khoảnh khắc của con vào một cuốn album nhật ký mà tôi viết cho vợ.
Thời gian vùn vụt trôi, đến khi con tôi biết đi và học nói, tôi mới nhận ra, con toàn bắt chước tôi từ dáng đi đến hành động nam tính, mạnh mẽ. Con thường nhảy xổ vào chỗ tôi làm việc để bấm chuột, đập phá bàn phím hoặc xé tung những con thú nhồi bông nhỏ. Con thường thể hiện bất mãn bằng cách la hét, hét đến mức khàn cổ như một thằng con trai.
Con cũng không thích mặc váy đầm, thường giằng xé váy áo vì nó cảm thấy vướng víu, khó chịu. Nhưng câu đầu tiên con nói không phải là ba hay bà, mà là mẹ. Điều này khiến tôi rất xúc động và ngạc nhiên. Bởi từ ngày vợ mất, lâu rồi không nghe thấy tiếng mẹ. Trừ khi thỉnh thoảng tôi gọi điện nói chuyện với mẹ đẻ hoặc mẹ vợ.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định sẽ đóng vai một người mẹ để dạy con dịu dàng và "nữ tính". Tôi học hỏi rất nhiều điều từ trên mạng. Tôi mua sách kỹ năng dạy con và đọc gần như thuộc lòng. Cuối cùng, tôi lục lại tủ đồ của vợ để tìm váy bầu và đặt mua một bộ tóc giả trên mạng.
Hàng ngày, mỗi khi ở nhà, tôi đều cạo râu, mặc váy, đội tóc giả, thậm chí tô chút son môi để trông giống phụ nữ nhất có thể. Mới đầu nhìn thấy tôi, con gái khóc thét lên vì tưởng người lạ. Tôi phải vừa ôm con vừa dỗ "Mẹ đây, mẹ đây mà, con ngoan nào". Một tuần sau, con mới chịu chấp nhận "người mẹ là tôi" xuất hiện buổi tối và biến mất vào buổi sáng sớm.
Vì buổi sáng tôi phải đi làm, nên trước khi ra cửa, tôi lại phải lén đi thay đồ nam. Bế con gửi nhà trẻ, buổi chiều trở về nhà, tôi lại trốn con đi thay đồ nữ. Sau đó nấu cơm, tắm cho con, cho con ăn, chơi với con rồi ru con ngủ. Mỗi khi đóng giả mẹ nó, tôi cố gắng nói nhẹ nhàng, cử chỉ thật dịu dàng để con học theo.
Trong khi ban ngày, tôi phải thể hiện thật mạnh mẽ để con phân biệt được sự khác nhau của bố và mẹ. Tôi kiên nhẫn mặc váy hoa để con không còn ghét những bộ váy nữa. Tôi mua rất nhiều búp bê, thỏ bông về và thường dạy con chơi với chúng, cưng nựng chúng như mẹ cưng con vậy.
Tôi bỏ hết mọi sở thích sưu tầm các loại bóng chày, bóng ném, trò chơi game... trước kia, thay vào đó là trang hoàng nhà như vương quốc của một công chúa. Tôi thay thế những chai rượu trong tủ bằng búp bê đáng yêu. Tôi bỏ sở thích xem bóng đá rồi dành thời gian kiên nhẫn ngồi xem hoạt hình với con. Tôi muốn con không cảm thấy thiếu vắng mẹ hay bố.
Những ngày con bị ốm, tôi thất thểu trông con trong viện. Tôi rơi nước mắt khi con khóc gọi mẹ mà chỉ được gặp bố. Bà ngoại dỗ con cũng không nghe. Vì thế, tôi phải mang theo váy và tóc giả vào viện, chờ đến đêm khi những người khác ngủ thì mặc vào để dỗ con. Trong cơn sốt, con luôn ôm chặt tôi.
Ngày qua ngày, con tôi đã hơn 3 tuổi, bắt đầu hỏi tôi nhiều thứ. Và có rất nhiều câu con hỏi tôi không biết phải trả lời như thế nào như: "Sao mẹ không có nhà vào buổi sáng" hay "Bố đi đâu vào buổi tối thế ạ, bố không ngủ hả mẹ?". Tôi nói dối con rằng ban ngày mẹ phải đi làm, còn buổi tối thì bố đi trực. Vì thế mà bố mẹ không thể cùng lúc ở bên con được. Tôi hỏi con có buồn không? Con ngân ngấn nước mắt chực rơi nhưng vẫn lắc đầu nói không buồn.
Có lần con hỏi tôi: "Mẹ ơi, sao mẹ các bạn con không có lông chân mà chân mẹ lại có". Tôi không biết trả lời sao, đành mua tất đi vào mặc dù ngày hè nóng nực. Hay có lần ngủ quên, sáng ra chưa kịp trang hoàng lại thì con gái đã dậy trước, chỉ vào mớ tóc giả bên cạnh. Con nói "Mẹ rơi mất tóc rồi kìa!". Sau đó còn rất lịch sự đưa lại cho tôi khiến tôi dở khóc dở cười.
Giờ, bé đã hơn 4 tuổi, nghe được bạn khác nói mình không có mẹ. Con đánh nhau với bạn rồi tức tối nhờ cô giáo gọi điện bảo mẹ đến đón con. Nhận được điện thoại của cô giáo, tôi vội vã đến lớp. Con không nghe tôi, khóc váng lên nằng nặc đòi mẹ đến. Tôi dỗ dành mãi, cuối cùng phải nói dối con rằng mẹ đang chờ ở nhà, mai mẹ sẽ đưa con đến trường. Con mới chịu về.
Sáng hôm sau, tôi trang điểm giả gái làm mẹ con tôi, cố gắng làm mình giống nữ nhất có thể. Sau đó mặc một chiếc váy hoa mới mua, đội tóc giả. Ngắm đi ngắm lại trước gương và thầm hy vọng không có bất kỳ người quen nào nhận ra tôi.
Vì trang điểm giả gái nên tôi đeo khẩu trang và mắt kính, dẫn con đi thẳng vào lớp. Tôi biết xung quanh có rất nhiều phụ huynh và giáo viên nhìn theo, nhưng tôi bất chấp tất cả vì con. Tôi gật đầu chào cô giáo của con, nhưng không dám tháo khẩu trang và kính ra. Trong khi con rất vui, gọi oang oang các bạn trong lớp ra nhìn mặt mẹ nó.
Tôi còn nghe thấy tụi nhóc chế nhạo điều gì đó thì con tôi lập tức bênh vực "Mẹ tớ đẹp lắm!". Sau đó chúng bắt đầu cãi cọ và cô giáo phải ra can. Tôi vội vã rút lui khỏi hiện trường, chạy về nhà thay đồ rồi mới đi làm.
Từ ngày đó, tôi biết con gái đã lớn và nhận thức được rất nhiều điều. Tôi không biết mình có thể nói dối con đến bao giờ. Tôi rất lo một ngày nào đó con biết sự thật nó sẽ nghĩ rằng tôi là kẻ nói dối. Tôi nên làm như thế nào để nói cho con hiểu mẹ đã qua đời và hiện tại con chỉ có bố thôi?
Theo Nhipsongphunu
Cuộc đời tôi trở nên bi kịch sau khi lấy chồng Tôi từ bỏ cơ hội làm việc ở quê, theo anh về làm dâu cùng đứa con trong bụng. Chuỗi ngày toàn là bi kịch của tôi cũng bắt đầu. Tốt nghiệp đại học xong, tôi xin vào làm lễ tân trong một nhà hàng ăn, tranh thủ thời gian chờ đợi xin việc ở quê. Trong thời gian làm việc, tôi quen...