Đôi đồng tính giúp làm nên quyết định lịch sử ở Mỹ
Jim Obergefell nhớ tới người chồng mất cách đây gần hai năm và chắc rằng, bạn đời sẽ vui mừng với quyết định hợp thức hóa hôn nhân đồng giới trên toàn lãnh thổ Mỹ của tòa tối cao.
Obergefell (trái) nắm chặt tay bạn đời khi hai người kết hôn trên máy bay tại sân bay ở bang Maryland năm 2013. Ảnh: The Enquirer/Glenn Hartong.
Khi cuộc chiến pháp lý kéo dài hai năm đòi quyền bình đẳng kết thúc bằng chiến thắng lịch sử: bang Ohio công nhận hôn nhân đồng giới, cảm xúc dâng trào trong Jim Obergefell và nhấn chìm gần như mọi thứ.
“Tôi nhớ chồng”, Obergefell nói.
Obergefell, nhân viên kinh doanh bất động sản, kể mình bắt đầu khóc gần như ngay khi thẩm phán Anthony Kennedy đọc phán quyết công nhận hôn nhân đồng giới là quyền lợi cơ bản trên toàn nước Mỹ. Những giọt nước mắt lăn trên má Obergefell khi ông ngồi trong phòng xử và nghĩ về John Arthur, người chồng qua đời năm 2013. Chắc chắn, Arthur sẽ tự hào và vui sướng với quyết định này của tòa.
“Quyết định ấy là dành cho anh, Arthur ạ”, Obergefell cất lời khi ông ra khỏi tòa sáng 26/6 trong sự chúc mừng của phóng viên và đám đông người ủng hộ.
“Tình yêu của chúng tôi bình đẳng”, ông Obergefell chia sẻ và nắm chặt bức ảnh Arthur trên ngực.
Trước đó, người đàn ông 48 tuổi đến từ thành phố Cincinnati, bang Ohio, trở thành biểu tượng của cuộc chiến đòi quyền lợi cho người đồng tính và anh hùng của hàng trăm nhà hoạt động, những người đứng đợi phía ngoài tòa án sáng 26/6. Tất cả vỡ òa trong vui sướng khi tòa tuyên bố hợp thức hóa hôn nhân đồng giới.
Gắn bó với nhau hơn 20 năm, năm 2013, Obergefell và Arthur muốn kết hôn nhưng bang Ohio cấm hôn nhân đồng giới. Thời điểm đó, Arthur đã ở giai đoạn cuối bệnh ALS, chứng bệnh thần kinh gây xơ cứng và teo cơ.
Video đang HOT
Jim Obergefell (phải) và John Arthur mỉm cười hạnh phúc sau khi bay tới thành phốBaltimore kết hôn năm 2013. Ảnh: AP.
Sau khi xem xét, họ quyết định chọn làm đám cưới ở thành phố Baltimore, bang Maryland, nơi cho phép người đồng tính kết hôn. Arthur quá yếu và cần được di chuyển trên máy bay y tế. Tuy nhiên, chi phí chuyến bay là cả vấn đề với họ. Chia sẻ câu chuyện trên Facebook, cả hai được bạn bè, người thân giúp đỡ để thực hiện tâm nguyện của mình.
Họ đáp chuyến bay tới thành phố Baltimore lúc 10h39 vào ngày 11/7. Trong cabin chật chội, Obergefell ngồi cạnh cáng của Arthur. Hai người quay mặt vào nhau, cùng nắm lấy tay người kia và trao nhẫn cưới.Obergefell dựa vào bạn đời và đặt lên môi chồng nụ hôn hạnh phúc. Cô của Arthur là người làm chứng cho lễ cưới dài hơn 7 phút trên máy bay.
Chồng của Obergefell qua đời sau đám cưới ba tháng. Obergefell bị bang Ohio từ chối cho đề tên lên giấy chứng tử với tư cách là vợ của Arthur. Vì vậy, ông quyết định đệ đơn kiện bang này. Cuối cùng, hành trình tìm hạnh phúc của Obergefell cũng được đền đáp xứng đáng.
Trong lá thư mở gửi Nhà Trắng, ông Obergefell cho biết bạn đời Arthur ra đi cách đây 20 tháng vì thế họ không thể cùng nhau chúc mừng quyết định của tòa.
“Tôi thấy nhẹ nhõm khi biết rằng bang Ohio không bao giờ xóa bỏ được hôn nhân của chúng tôi trên giấy chứng tử của Arthur. Chồng tôi giờ đây có thể an nghỉ. Hôm nay là một ngày quan trọng trong lịch sử của chúng ta. Đó là ngày tòa án tối cao Mỹ hành xử đúng với những từ được khắc trên lối vào: công lý bình đẳng theo pháp luật”, ông Obergefell viết.
Obergefell chưa bao giờ tưởng tượng được niềm vui to lớn khi Tổng thống Obama gọi điện cảm ơn vì ông đã dũng cảm bắt đầu cuộc chiến pháp lý để giành hạnh phúc. Không lâu sau cuộc gọi này, điện thoại của ông Obergefell lại đổ chuông. Đó là Phó tổng thống Joe Biden.
Bức ảnh chụp chung của Jim Obergefell (trái) và John Arthur năm 1993. Ảnh: NBC News.
Bình Minh
Theo USA Today, Business Insider
Cộng đồng LBGT ăn mừng ngày Mỹ chấp nhận hôn nhân đồng giới
Từ ngày 26/6, các cặp đồng tính nam hay đồng tính nữ trên toàn nước Mỹ đã có thể bình đẳng đăng ký kết hôn và được hưởng mọi quyền lợi về hôn nhân.
Thứ sáu vừa qua, theo giờ của nước Mỹ, Tòa án tối cao quốc gia Mỹ đã chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trên toàn nước Mỹ. Bloomberg và The Guardian đưa tin với tỷ lệ bỏ phiếu 5 - 4, các thẩm phán Tòa án tối cao không có bất cứ lý do gì để tước đoạt quyền kết hôn của các cặp đồng tính trên cả nước.
Theo Hiến pháp, những người đồng tính có thể được đăng ký kết hôn và hưởng mọi quyền lợi về hôn nhân như những người bình thường. Ngay cả việc sau này nếu họ li dị thì việc chia tài sản và quyền nuôi con cũng được phán quyết như những cặp đôi bình thường khác.
Theo một số thăm dò của cục dân số Mỹ thì đa số người dân đã chấp nhận hôn nhân đồng giới và coi đó là điều "Hết sức bình thường trong xã hội hiện đại, ai cũng có quyền được yêu và có một gia đình".
Tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu rằng đây là một thắng lợi cho nước Mỹ. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhận định rằng luật hôn nhân đồng giới là "một bước tiến vĩ đại của quyền con người".
Bên ngoài Tòa án tối cao quốc gia, rất nhiều người đồng tính đã tập trung lại và ăn mừng trước quyết định lịch sử này. Họ đều hy vọng điều luật này sẽ là một bước đệm giúp cho những người đồng tính ở Mỹ có một cuộc sống bình đẳng, hạnh phúc và thoải mái hơn so với trước đây.
Phán quyết này được cho là một cột mốc pháp lý ngang với sự kiện diễn ra vào năm 1967, khi Tòa án tối cao cho phép các cặp đôi khác chủng tộc được kết hôn. Nó cũng nhấn mạnh sự thay đổi lớn về quyền của những cặp đồng tính Mỹ sau 11 năm kể từ khi Massachusetts trở thành bang đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Từ con số 37 bang chấp nhận, nay cả 50 bang ở Mỹ đều hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Tuy nhiên quyết định này có thể vấp phải sự phản đối ở một số vùng và châm ngòi cho cuộc chiến pháp lý mới. Bang Bắc Carolina có một đạo luật mới cho phép quan chức tòa án từ chối làm lễ kết hôn cho các cặp đồng tính.
Facebook ngập tràn màu cờ lục sắc
Để hưởng ứng quyết định mang tính lịch sử của nước Mỹ, Facebook hôm qua cũng cho ra đời một ứng dụng mới giúp người dùng có thể thay đổi avatar trên nền lá cờ lục sắc (Biểu tượng của cộng đồng LBGT) và được người dùng khắp nơi ủng hộ.
Trang Facebook của Nhà Trắng, một loạt trang báo lớn như Buzzfeed, Huffingtonpost, các công ty công nghệ lớn như Twitter, Spotify, Square hay cả Uber đều sử dụng lá cờ lục sắc cho sản phẩm của mình....
Tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ, hot teen, người nổi tiếng cũng nhiệt tình hưởng ứng việc avatar này trong đêm 26/6 cùng nhiều lời kêu gọi bình đẳng hôn nhân.
Cộng đồng LGBT Việt hy vọng một ngày sớm nhất, họ sẽ được công nhận và hợp pháp hóa hôn nhân để có thể sống hạnh phúc như những người dị tính khác.
LINH AN (Tổng hợp)
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Sắc màu lễ hội người đồng tính ở Mỹ Người đồng tính tự do đi lại, tự do thể hiện tình cảm trên đường phố San Francisco (Mỹ) nhân ngày Pride Parade (hay còn gọi lễ hội cộng đồng LGBT) từ 27 - 28.6. Khắp nơi tràn ngập hình ảnh các cặp đôi với trang phục đủ màu sắc, thậm chí cả trong trang phục... Adam, Eva, ghi nhận của phóng viên...