Đối diện cái chết, nhiều thủy thủ muốn đoạn tuyệt với nghề
Ngoài cướp biển, thủy thủ viễn dương phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, thậm chí mất mạng, mất xác. Và trên tất cả là nỗi lo tan vỡ gia đình, con cái không được dạy dỗ khi vắng bóng trụ cột.
Được đào tạo bài bản tại ĐH Hàng hải và các trung tâm huấn luyện thuyền viên, thủy thủ viễn dương phải đạt những yêu cầu về thể lực, chiều cao, đặc biệt là về thị giác và tim mạch. Trong quá trình đào tạo tại ĐH Hàng hải, họ được học các môn thể thao như cầu sóng, quay vòng, bơi lội để quen với biển cả. Tuy nhiên, khi trực tiếp đối diện với giông gió giữa biển cả, không ít người muốn bỏ nghề.
Tàu Sơn Lộc chuyên tuyến trong nước Hải Phòng – Sài Gòn với biên chế 12 thủy thủ. Trước khi vào ca làm việc mới, thủy thủ ngồi xem tivi. Nhiều người chia sẻ, không ai thích nghề lính tàu cả, ai cũng muốn gần vợ con, nhưng chỉ vì miếng cơm, manh áo nên đành… Ảnh: Giang Chinh.
Nhớ lại lần xuống tàu đi biển đầu tiên vào giáp Tết năm 2008, thợ máy Văn Thức (32 tuổi, quê Hải An, Hải Phòng) kể, khi đó anh “đánh thuê” với lương 8 triệu đồng/tháng. Chuyến biển này, anh phải bay sang Hàn Quốc để nhận tàu. Tàu anh Thức đi có tên Sunny Viship, chủ tàu là người Việt Nam nhưng thuê người Singapore quản lý, chở hàng tuyến Trung Quốc – Nam Mỹ.
Sang đến nơi, Thức xuống tàu và được bố trí tại buồng Pilot (buồng hoa tiêu) chỉ cao sau buồng lái. Tàu vừa rời khỏi biển Hàn Quốc thì đụng ngay sóng lớn, Thức bị say ói cả “mật xanh, mật vàng”, nhưng vẫn không được phép rời buồng máy. Một thuyền viên người Philippines cùng đi vội dí vào tay anh cái xô. Không còn lựa chọn nào khác, anh đeo xô vào cổ để nôn luôn vào đó. Sau ca trực 4 giờ, Thức chui vào nhà vệ sinh nôn khan và gục xuống bệ cửa ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết cho đến sáng.
Trên hải trình sang Mexico nhận dầu, tàu bắt buộc phải qua mũi Hảo Vọng, thuộc vùng biển Nam Phi. Đây là điểm đen đối với tất cả tàu thuyền mỗi khi qua lại. Không nằm ngoài dự đoán, thời điểm tàu Sunny Viship chạm tới mũi Hảo Vọng, thời tiết thay đổi bất thường, sóng lớn ùn ùn kéo tới. Trước tình thế nguy cấp, tàu đang chạy không có hàng có thể bị sóng đánh chìm bất cứ lúc nào, thuyền trưởng phải thông tin khẩn về cho chủ tàu người Việt Nam.
“Tất cả thuyền viên trên tàu đến từ Trung Quốc, Phillipines, Việt Nam nhìn nhau hoang mang và cảm thấy cái chết như cận kề. Rất may sau nửa ngày vật lộn với sóng gió, Sunny Viship đã vượt qua lưỡi hái tử thần, đưa các thuyền viên đến bến bờ an toàn”, thủy thủ Thức kể.
Nghĩ lại cảnh đeo xô vào cổ để nôn, rồi lại suýt mất mạng ở mũi Hảo Vọng, đến giờ anh Thức vẫn rùng mình cho biết, khi đó có tiền núi đặt trước mặt cũng không màng. “Nếu không phải vì kinh tế khó khăn, không phải vì cái nghề đã chọn, đã học và không phải vì chuyện kiếm việc trên bờ đâu đâu cũng đòi phải có tiền lót tay thì tôi đã giải nghệ từ lâu”, Văn Thức nói.
Nói về nghề đi biển, ông Mười, người thân của thuyền viên Hùng (36 tuổi, ở quận Hải An, Hải Phòng) chép miệng bảo cái nghề sống chết chẳng biết thế nào. Tốt nghiệp ĐH Hàng hải, Hùng xuống tàu, đi biền biệt. Vợ và 2 con nhỏ ở nhà đều phải cậy nhờ vào người thân. Đồng lương tạm ổn, tuy nhiên cảnh xa gia đình đã khiến Hùng quyết định đi chuyến cuối cùng để lên bờ, xin vào công ty của bố làm việc.
Chuyến đó vào năm 2012, khi tàu đang di chuyển qua vùng biển châu Âu, Hùng gặp tai nạn lao động, rơi xuống dưới hầm hàng, tử vong. Do tàu cách rất xa đất liền, hàng chưa đến bến nên các thủy thủ trên tàu buộc lòng đưa thi hài Hùng vào kho lạnh bảo quản và tiếp tục cuộc hành trình. Một tháng sau, thi thể Hùng mới được chủ tàu và cơ quan chức năng chuyển về tới quê hương.
Đau khổ hơn gia đình ông Mười, chị Thư (39 tuổi, trú tại quận Hải An, Hải Phòng) đang mỏi mòn ngóng tin chồng trong sự vô vọng. Đến nay đã hơn 20 ngày kể từ khi chủ tàu báo tin dữ anh Hùng chồng chị mất tích trong đêm tại cửa eo biển Malacca, thuộc vùng biển Indonesia. Phía công ty, chủ tàu, bạn bè, thuyền viên liên tục đến nhà động viên chia sẻ.
“Mặc dù đã ngoài 40 tuổi, với gần 20 năm đi biển nhưng khi biết tin con lớn đỗ đại học, chủ tàu điện mời xuống tàu, anh Hùng vui lắm, nhận lời ngay. Trước khi đi, anh còn dặn dò người cha già cố giữ gìn sức khỏe, con đi sẽ sớm về…”, chị Thư ngậm ngùi kể lại. Đến nay, cái chết của anh Hùng vẫn còn là bài toán đầy bí ẩn mà gia đình chị Thư đang đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.
Video đang HOT
Với thủy thủ, chỉ đến khi tàu cập cảng, chuyến hải trình đó mới thực sự được an toàn. Ảnh: Giang Chinh.
Đời thủy thủ thường xuyên xa nhà, có chuyến đi cả năm mới về. Nỗi lo lớn nhất của họ là hậu phương ở nhà có được yên bình. Nếu xảy ra chuyện, thủy thủ cũng đành chịu. Thậm chí bố mẹ qua đời, đến khi họ về thì nấm mồ cỏ đã tốt ngập đầu gối. Chuyện gia đình tan vỡ, con cái dính vào tệ nạn xã hội vì thiếu sự dạy dỗ của người cha… không còn hiếm. Nhiều thủy thủ vì chuyện gia đình trở nên trầm cảm, hoặc lao vào cờ bạc, rượu chè, gái gú để giải khuây…
Trong câu chuyện chia sẻ với báo giới, ông Lê Văn Thắng, Phó giám đốc Công ty vận tải biển Lê Thắng cung cấp, công ty ông có thuyền viên tên Tuấn (quê Hà Tĩnh) cưới vợ được vài hôm đành phải xa vợ cho kịp chuyến biển. Vài tháng Tuấn mới gọi điện về cho cô vợ một lần, biền biệt một năm rưỡi mới về nhà. Tiền lương của Tuấn vợ vẫn nhận hàng tháng do công ty gửi. 2 năm sau ngày cưới, cô vợ trẻ không chịu đựng thêm cảnh giường đơn gối chiếc đã bỏ đi theo người đàn ông khác, mang theo toàn bộ số tài sản mà Tuấn vất vả mới có được.
Sau 10 năm lênh đênh trên biển, phấn đấu có được chứng chỉ “Thuyền phó 1″, kiếm được một khoản tiền kha khá về xây cất được ngôi nhà, mua sắm nhiều đồ gia dụng đắt tiền, thủy thủ Đức (quê Hải An, Hải Phòng) đã đoạn tuyệt với biển. “Đi tàu thế là quá đủ rồi. Nếu đi nữa không khéo vợ chán bỏ về quê, hoặc lại tìm trai lạ, 2 đứa con ngày một lớn lấy ai dạy bảo. Có lần tôi về đến nhà sau một năm đi làm thuê cho chủ tàu nước ngoài, nhìn chẳng khác nào người rừng, đến con chó thấy lạ cắn sủa ầm ĩ”, Đức hóm hỉnh kể.
Theo ông Đỗ Ngọc Hoài, Giám đốc Trung tâm thuyền viên VOSCO, đặc trưng nổi bật nhất của thuyền viên làm việc trên tàu là cùng một lúc phải chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống luật pháp: pháp luật của nước tàu treo cờ, của nước có cảng tàu ghé qua và của nước mà thuyền viên mang quốc tịch. Thêm vào đó là một loạt quy định của các Công ước Hàng hải quốc tế, của các công ty chủ tàu, thuê tàu và đại lý thuyền viên.
Thuyền viên phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về mặt pháp lý như bị lạm dụng, bị phạt, thậm chí bị bắt và giam giữ. Ngoài ra, thuyền viên cũng phải chịu nguy cơ bị bóc lột sức lao động, phân biệt đối xử, lạm dụng, ngược đãi, những điều kiện làm việc bất công và nguy cơ bệnh tật, tai nạn nghề nghiệp. Và đây chính là lý do ngày càng nhiều thuyền viên không muốn gắn bó lâu dài với nghề.
Thuyền viên tàu vận tải hầu hết học các hệ cao đẳng và đại học của ĐH Hàng hải. Ngay từ khâu dự tuyển vào trường, tất cả thi sinh dự thi vào các khoa liên quan đến tàu biển bắt buộc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về thể lực, chiều cao, đặc biệt là về thị giác và tim mạch. Khi đã trúng tuyển, nhập học, nhà trường kiểm tra trực tiếp, nếu sinh viên nào không đủ điều kiện sẽ cho chuyển ngành trên bờ. Riêng các ngành đi biển chỉ lấy nam giới.
Quá trình học tập và rèn luyện tại ĐH Hàng hải như môi trường quân đội: bắt buộc các sinh viên ăn mặc đồng phục, ở nội trú 2 năm. Thời gian này, ngoài học kiến thức, các sinh viên còn phải học các môn thể thao chuyên ngành: cầu sóng, quay vòng, bơi lội.
Đối với các tàu vận tải chạy tuyến nội địa thì yêu cầu xử lý cắt bỏ ruột thừa không được các chủ tàu lưu tâm, nhưng đối với các chủ tàu người nước ngoài, tàu lại chạy dài ngày trên biển thì bắt buộc các thuyền viên phải cắt ruột thừa trước khi xuống tàu.
* Tên thủy thủ đã được thay đổi.
Giang Chinh
Theo VNE
Cướp biển - nỗi ám ảnh của thủy thủ viễn dương
Trang bị vũ khí mạnh, sẵn sàng nhả đạn hung hãn, cướp biển là nỗi kinh hoàng với nhiều thủy thủ viễn dương, nghề từng là mơ ước của nhiều người một thời.
Thủy thủ Nguyễn Quyết Thắng (33 tuổi, quê Hải Phòng) là trường hợp hiếm hoi 2 lần bị cướp biển tấn công chỉ trong vòng 4 năm. Ngoài vụ tàu Sunrise 689 do anh làm thuyền trưởng bị cướp tấn công, cướp dầu vào ngày 3/10 trên hành trình từ Singapore về Việt Nam vừa qua, anh còn là nạn nhân của cướp biển Somalia.
Tháng 1/2011, tàu Hoàng Sơn Sun tải trọng 22.800 tấn chuyên chở hàng rời lưu thông tuyến quốc tế, trên hành trình từ Iran về cảng Xiamen (Trung Quốc), khi đến gần vùng biển Ấn Độ thì bị hải tặc Somalia bắt cóc. Thuyền phó 1 Nguyễn Quyết Thắng cùng 23 thuyền viên đã bị cướp biển Somalia giam giữ đòi tiền chuộc.
"8 tên cướp hùng hổ lao lên mạn tàu, tên nào cũng được trang bị súng tiểu liên AK, B 41... Chúng vừa đi vừa bắn chỉ thiên loạn xạ để uy hiếp tinh thần", anh Thắng kể. Khi lên đến buồng lái, chúng yêu cầu tàu dừng máy, dồn tất cả thuyền viên vào bên trong. Sau đó, khoảng 20 tên cướp biển khác từ một tàu cá leo lên canh giữ thủy thủ đoàn. Toán cướp biển yêu cầu tàu chuyển hướng chạy về phía bờ biển Somalia khi bóng đêm ập đến.
Những con tàu biển có trọng tải vài chục nghìn tấn, tuy nhiên khi ra đến biển cũng chỉ là "chiếc lá tre". Gặp phải cướp, số phận tàu, hàng và đoàn thuyền viên trở nên rất mong manh. Ảnh: Giang Chinh.
Để uy hiếp tạo áp lực đòi tiền chuộc, nhóm cướp biển bắt thủy thủ đoàn ra nắp hầm hàng phơi nắng trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C. May mắn cho các thủy thủ là trước kia tàu Hoàng Sơn Sun chở gạo xuất khẩu nên còn sót lại một ít gạo ở dưới 2 khoang hàng. Đó là số lương thực hiếm hoi để phục vụ cho mọi người trong suốt 240 ngày bị giam giữ. Thức ăn hàng ngày chỉ là mấy con cá nhỏ do thủy thủ trưởng câu được.
Thiếu nước ngọt, các thủy thủ phải đánh răng, tắm bằng nước biển. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, máy trưởng Bùi Thái Hùng chợt nhớ đến chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt vốn được trang bị trên tàu, nhưng anh em ít khi sử dụng. Sau nhiều lần bàn bạc, thử nghiệm với anh em thợ máy, kỹ sư Hùng đã vận hành được hệ thống lọc nước biển đủ cho mọi người trên tàu sử dụng.
Suốt thời gian bị giam giữ, bữa ăn thịnh soạn nhất với các thủy thủ là vào dịp Tết Tân Mão (tháng 2/2011). Khi đó, nhóm cướp làm thịt 2 con dê và cho nhóm thủy thủ 2 bộ da. Anh em đầu bếp phải dùng đèn khò (lửa hàn xì) thui da dê cho sạch lông, sau đó luộc thật kỹ và chế biến thành món ăn, cùng với ít miến, ít măng khô, cá biển... để cả đoàn đón Tết cổ truyền.
"Những ngày tháng sống trên tàu không khác gì bị cầm tù, tương lai, số phận đều không thể đoán định. Một số anh em đã bị khủng hoảng tinh thần khi việc đàm phán giải cứu đi vào bế tắc, nhất là khi nghe tin trên một tàu con tin khác của Đức đã có thủy thủ tự tử do không chịu được đòn roi của cướp biển", anh Thắng kể và cho hay, sau nhiều nỗ lực thương thảo, ngày 15/9/2011 thủy thủ đoàn cùng tàu được phóng thích.
8 năm đi biển, lênh đênh khắp các châu lục, thủy thủ Văn Thức (32 tuổi, quê Hải An, Hải Phòng) từng gặp cướp biển. Năm 2011, anh Thức đi trên con tàu chở hàng rời mang tên Vinalines Star có trọng tải hơn 26.000 tấn. Tàu cập cảng Singapore nhận dầu, thay máy trưởng và máy 2, sau đó rời cảng lúc 24h đêm. Đến 4h sáng hôm sau, khi tàu đang ở vùng biển quốc tế thì bất ngờ bị toán cướp gần 10 người đi thuyền gỗ cao tốc bất ngờ cập mạn.
Chúng mang theo vũ khí tấn công thẳng vào buồng lái, khống chế đại phó 2 cùng các thuyền viên trong kíp trực, rồi vào buồng thuyền trưởng. Lúc này, thuyền trưởng đang ngủ đã bị chúng dựng dậy đánh dằn mặt, kề dao vào cổ dọa giết, đồng thời yêu cầu mở két lấy đi 30.000 USD tiền làm hàng, tiền chi phí đi lại mà thuyền trưởng vừa nhận tại đại lý của công ty tại Singapore vào chiều hôm trước.
Nhóm cướp trói và dẫn giải thuyền trưởng đến buồng đại phó, máy trưởng. Đại phó vừa mở cửa thì bị một tên cướp cầm vũ khí co chân đạp mạnh vào bụng khiến anh ngã bắn vào thành giường. Sau khi cướp sạch tiền và trói thuyền trưởng, đại phó, máy trưởng, bọn cướp khống chế đưa mọi người ra ngoài boong, rồi nhảy xuống xuồng gỗ cặp mạn bỏ đi. Trước khi đi, một tên dùng cán dao đập vào gáy, dúi thuyền trưởng ngã xuống sàn tàu.
Theo các thủy thủ, mỗi khi tấn công, cướp biển đều lên phương án khá bài bản và thường chọn thời điểm ban đêm, vùng biển vắng bóng dáng lực lượng chức năng, sau đó sử dụng tàu, xuồng cao tốc mang theo súng, dao, kiếm, thậm chí cả súng chống tăng B41 tấn công chớp nhoáng.
"Một khi chúng đặt được chân lên tàu coi như xong. Các thuyền viên sẽ phải đối mặt 2 tình huống xấu nhất: Một là chịu trói, để chúng cướp tiền, cướp hàng; hai là chống cự. Phương án chống cự không được thuyền viên thực hiện bởi lý do cướp biển rất manh động, có vũ khí", anh Thức chia sẻ.
Tàu Sơn Lộc 09 có trọng tải hơn 3.000 tấn, chạy chuyên tuyến trong nước Hải Phòng - Sài Gòn. Không chỉ lái tàu, chạy máy, một số thuyền viên tàu Sơn Lộc 09 còn kiêm cả nghề lái máy ủi thực hiện công việc ngay dưới hầm hàng. Ảnh: Giang Chinh.
Ông Nguyễn Đức Khiêm, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Hàng hải Việt Nam cho biết, mấy năm gần đây ngành vận tải biển Việt Nam đứng trước khó khăn khiến nhiều sinh viên quay lưng với nghề. Số thí sinh dự thi đầu vào đối với khoa điều khiển tàu biển giảm hẳn so với trước đây.
Những năm 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ chọi của thí sinh khoa điều khiển tàu thường là 1/40, điểm chuẩn luôn là 23-24, nhưng nay tỷ lệ chọi chỉ 1/4, điểm chuẩn giảm xuống còn 15-16. Lý do ông Khiêm đưa ra là nạn cướp biển hoành hành dữ tợn trên các tuyến đường hàng hải huyết mạch khiến nhiều thuyền viên không chỉ của Việt Nam mà cả nước ngoài bị bắt cóc, tống tiền, bị đánh, bị giết.
Do vậy, để trang bị những kiến thức cơ bản cần thiết nhất cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, phòng chống cướp biển tấn công, ĐH Hàng hải Việt Nam mở hẳn khóa đào tạo an ninh hàng hải ngắn hạn với thời gian học 15 ngày. Các học viên được học kỹ năng xử lý tình huống trên biển, trên bờ, khi cập cảng..., trong đó nhấn mạnh cách phòng chống cướp biển.
Đối với các tàu hàng cỡ lớn đi qua eo biển có xác suất cướp biển cao, nhiệm vụ đầu tiên các thuyền viên phải làm là liên tục phun vòi rồng trên mặt boong, chung quanh tàu để tạo độ trơn chượt, tạo áp lực không cho cướp biển có cơ hội tiếp cận mạn tàu, quăng dây trèo lên. Còn với những tàu bé hơn, có mạn thấp như các tàu chở dầu, cần phải tăng cường ca kíp trực, tăng số lượng thuyền viên trực và sẵn sàng phát tín hiệu khẩn nếu phát hiện cướp biển đang đến gần.
Thống kê của Tổ chức chia sẻ thông tin hàng hải quốc tế (ReAAP) cho thấy, từ năm 2011 đến tháng 7/2014, vùng biển châu Á xảy ra 11 vụ cướp dầu, riêng năm 2014 có 7 vụ. Trong đó, khu vực biển Đông xảy ra 7 vụ cướp.
*Tên một số thủy thủ đã được thay đổi.
Giang Chinh
Theo VNE
Bộ trưởng Thăng: 'Sân bay Long Thành lỡ nhịp vì nỗi lo nợ công' Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông - Đinh La Thăng thừa nhận một trong những bất lợi của dự án Sân bay Long Thành là được xem xét khi mối lo về nợ công đang dâng cao. - Thay vì xem xét thông qua dự án Sân bay Long Thành tại kỳ họp này như...