Đội cứu thương tình nguyện xông pha trên tuyến đầu Covid-19
Điện thoại liên tục đổ chuông, Levin vội vã tới đón bệnh nhân Covid-19 nhập viện, bất chấp nguy cơ nhiễm nCoV cho chính mình và bố mẹ ở nhà.
C. J. Levin, nhân viên 25 tuổi thuộc đội cứu thương tình nguyện Teaneck ở bang New Jersey, Mỹ, từng rất lo lắng lây virus cho bố mẹ, nên ngày 18/3, anh quyết định dọn đồ chuyển tạm ra ngoài sống. Nhưng cũng chính ngày hôm đó, Levin phát hiện mình bị sốt và đau nhức cơ thể. Anh vội đi xét nghiệm nCoV và nhận kết quả dương tính.
Nỗi sợ hãi của Levin trở thành hiện thực khi bố mẹ anh cũng bị nhiễm loại virus này. Họ bị đau ngực, sốt, ho và ốm khoảng hai tuần sau đó.
“Tôi bị ốm nhưng bật dậy vào giữa đêm vì sợ rằng bố mẹ sẽ chết vì tôi”, Levin, người phải ra khỏi khu cách ly dưới tầng hầm để chăm sóc bố mẹ, cho biết. “Thật đáng sợ khi tất cả chúng tôi đều mang virus”.
Nhân viên đội cứu thương Teaneck chuyển bệnh nhân lên xe hồi đầu tháng này. Ảnh: WSJ.
Đội cứu thương tình nguyện Teaneck với 120 thành viên là những người trên tuyến đầu khi Covid-19 càn quét hạt Bergen, bao gồm thị trấn Teaneck. Họ tiếp nhận tất cả cuộc gọi cấp cứu trong thị trấn này. Teaneck đã ghi nhận 560 ca nhiễm dù chỉ có 40.000 dân, tương đương 1.378 ca trên 100.000 người. Tỷ lệ này lớn hơn mức 1.044 ca của New York, tâm dịch Covid-19 của Mỹ, nơi nằm cách Teaneck khoảng 10 km về phía đông nam.
Bố mẹ Levin đã bình phục và không phải nhập viện điều trị. Levin cũng đã khỏi bệnh và trở lại làm việc hôm 10/4.
Đội cứu thương tình nguyện hoạt động dựa trên các khoản đóng góp của người dân và đội ngũ tình nguyện viên không nhận lương. Trong những ngày gần đây, số cuộc gọi cấp cứu mà họ nhận được đã tăng gần gấp đôi. Tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ trên cả nước đã buộc họ phải tự lùng sục khắp nơi để tìm nguồn cung vật tư y tế.
4 thành viên khác trong đội bị nhiễm nCoV, một người nữa vừa nhập viện và đang đợi kết quả xét nghiệm. Khoảng 40 người đang được theo dõi vì có nguy cơ nhiễm virus. Khoảng 30% số thành viên đội cứu thương không thể tham gia hoạt động vì là nhóm người có nguy cơ nhiễm cao hoặc có người thân thuộc nhóm này.
Mohammed Hameeduddin, người đứng đầu thị trấn Teaneck, cho biết đội cứu thương có tuổi đời hơn 80 năm này là một phần trong hệ thống tổ chức của thị trấn.
“Họ là tất cả đối với thị trấn này. Họ là nhóm phản ứng đầu tiên với Covid-19, phải làm việc từ ngày này qua ngày khác mà không yêu cầu một khoản tiền công nào. Chúng tôi thực sự đã đẩy họ lên tuyến đầu và khiến gia đình họ gặp nguy hiểm”, Hameeduddin nói.
Tại hạt Bergen, Covid-19 như một cơn bão càn quét, biến những thành viên của dịch vụ cấp cứu trở thành “người gác cổng” cho hệ thống bệnh viện, theo Levin.
“Công việc của chúng tôi ở đội cứu thương về cơ bản giống phòng chờ cấp cứu. Chúng tôi phải quyết định ai là người cần nhập viện ngay và ai cần phải chờ, để đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải hơn nữa”, Levin chia sẻ.
Quá trình chuyển bệnh nhân tới viện giờ cũng lâu hơn bình thường do phòng cấp cứu quá tải, theo đội trưởng đội cấp cứu Jacob Finkelstein. Điều đó đồng nghĩa mỗi ngày cần nhiều tình nguyện viên làm việc hơn.
“Thật sự kiệt sức. Tôi nghĩ chúng tôi có thể vượt qua điều đó nhờ liên tục cố gắng hoàn thành công việc, thay vì dừng lại, đánh giá những gì đang diễn ra và thấy điều đó thật điên rồ”, anh nói.
Cựu đội trưởng Ariel Douek, người lớn lên ở Teaneck và quen vợ ở cùng trong đội cứu thương, thường quay lại hỗ trợ nhiều nhất có thể, đặc biệt là thời điểm này.
Thông thường, sức khỏe của người cần giúp đỡ là mối ưu tiên hàng đầu của đội cứu thương, nhưng trong cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19, họ phải quan tâm đến cả sức khỏe của thành viên trong đội, theo tiến sĩ Eliyahu Cooper, 36 tuổi, phụ trách y khoa của đội.
Khi Covid-19 mới bắt đầu, đội cứu thương phải xác định quy mô của các nhóm, cần thêm thiết bị cần thiết gì và phải soạn thảo những hướng dẫn về cách kiểm tra các triệu chứng nghi ngờ, theo Cooper. Họ cũng bắt đầu xem bất kỳ cuộc gọi liên quan tới vấn đề hô hấp và sốt nào cũng có thể là một ca nhiễm Covid-19.
Andy Rudin, chủ tịch đội cứu thương tình nguyện Teaneck, phụ trách việc tìm mua các thiết bị bảo hộ cho các thành viên nhưng vẫn phải xử lý các cuộc gọi cấp cứu. Giống như các tình nguyện viên khác, anh luôn trở về nhà trong lo lắng rằng không biết mình có lây nhiễm nCoV cho vợ và con gái 7 tuổi hay không.
“Tôi thật sự sợ rằng một lúc nào đó tôi sẽ mang theo nCoV trở về nhà”, Rudi, 33 tuổi, người lớn lên ở Teaneck và sống ở Mahattan, chia sẻ.
Đội trưởng Jacob Finkelstein khử trùng cáng cứu thương sau khi chuyển bệnh nhân tới viện ở Teaneck, hạt Bergen, bang New Jersey. Ảnh: WSJ.
Khi Levin quay lại làm việc vào ngày 10/4, anh vẫn thấy sợ hãi, không chỉ bởi vì căn bệnh này vẫn có nguy cơ tái nhiễm mà còn bởi anh không muốn làm hỏng kế hoạch nhập học Trường Y Wood Johnson thuộc Đại học Rutgers Robert vào tháng 7 tới.
“Nếu tôi chết, có phải tôi sẽ bỏ lỡ giấc mơ làm bác sĩ sau này không? Nhưng đồng thời, tôi cũng tự hỏi liệu tôi có thể tha thứ cho chính mình nếu tôi không làm công việc này khi biết mình có thể giúp đỡ?”, Levin nói.
Thanh Tâm
Số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ vượt 500.000
Số ca nhiễm virus corona ở Mỹ vượt 500.000 ngày 10/4, theo các thống kê, tuy nhiên có dấu hiệu cho thấy các lệnh phong tỏa, ở nhà diện rộng đang giúp kiềm chế số ca nhiễm mới.
Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã tăng 30.000-35.000 ca mỗi ngày sau khi xét nghiệm được tiến hành rộng rãi. Tính đến 9h sáng 11/4, tổng số ca nhiễm ở Mỹ là 500.399 ca.
Về số ca tử vong, Mỹ trở thành nước đầu tiên ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong vì virus corona trong một ngày, khi có 2.108 ca tử vong trong 24 giờ qua, theo thống kê của Đại học John Hopkins.
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm ở Jersey City, bang New Jersey ngày 10/4. Ảnh: AFP.
Tổng số ca tử vong ở Mỹ đã lên tới 18.568, tính đến sáng sớm 11/4, gần bằng nước đứng đầu là Italy. Các quan chức cảnh báo số ca tử vong nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trong tuần này, sau đó giảm đi, giữa các dấu hiệu cho thấy giãn cách xã hội có thể đang "san phẳng" số ca nhiễm mới, theo Reuters.
Giữa những bình luận của Tổng thống Trump nóng lòng mở lại nền kinh tế, có những ước tính mới của chính phủ cho thấy số ca tử vong ở Mỹ có thể lên tới 200.000 nếu tổng thống bỏ đi hướng dẫn phong tỏa khi hết hạn vào ngày 30/4, theo New York Times.
Thương thảo vẫn đang diễn ra tại Quốc hội Mỹ nhằm có thêm gói hỗ trợ nền kinh tế có nguy cơ suy thoái vì đại dịch. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của bang New York, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số trong Thượng viện, ngày 10/4 cho biết chính quyền Trump đã đồng ý với một đề xuất của cả hai đảng về khoản 250 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ vay, theo New York Times.
Sau khi chậm trễ trong xét nghiệm diện rộng, Mỹ đã đẩy nhanh sản xuất bộ xét nghiệm và đã xét nghiệm gần 2,5 triệu người, theo AFP.
Dù số ca tử vong mỗi ngày của Mỹ vẫn ở mức cao kỷ lục, số ca nhiễm mới đang giảm ở những nơi phong tỏa nghiêm ngặt, đem lại dấu hiệu hy vọng.
Thống đốc New York Andrew Cuomo nói số ca tử vong trên là những ca nhiễm và nhập viện kỷ lục từ những tuần trước, mà sau đó không qua khỏi.
Trên toàn thế giới, số ca nhiễm đã vượt quá 1,6 triệu. Ít nhất 177 nước đã có ca nhiễm.
Nước mới nhất có ca nhiễm là Yemen, giữa lúc các nhóm cứu trợ đang gồng mình lo ngại dịch bệnh bùng phát ở một đất nước mà chiến tranh đã tàn phá hệ thống y tế và reo rắc đói kém, bệnh tật.
Vì sao người phương Tây trữ giấy vệ sinh trong dịch Covid-19
Trong mùa dịch Covid-19, giấy vệ sinh luôn được bán hết ở nhiều siêu thị. Các nhà tâm lý học giải thích hiện tượng này là vì con người có xu hướng bắt chước những người xung quanh.
Trọng Thuấn
Lầu Năm Góc xác nhận quân nhân Mỹ đầu tiên chết vì Covid-19 Đó là Đại úy Douglas Linn Hickok, một thành viên của Lực lượng Vệ binh quốc gia ở bang New Jersey. Thông tin trên vừa được Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận, theo hãng tin RT. Đại úy Hickok đã nhập viện sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) ngày 21/3...