Đội cứu hỏa đặc biệt của nhóm “lão nông chi điền”
Xót xa khi thấy nhà cửa, tài sản của bà con bị lửa thiêu rụi, phải sống cảnh màn trời chiếu đất, một nhóm lão nông ở cù lao Phú Tân ( huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã hùn tiền làm ra 2 chiếc xe chữa cháy để kịp thời cứu giúp người dân.
Đội cứu hỏa “Hai Lúa” của nhóm “lão nông chi điền”. Ảnh: Thanh Niên
Được con sông Tiền, sông Hậu bao bọc, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang mang đến một cảm giác yên bình, nồng ấm của thôn quê vùng sông nước. Tuy nhiên, cũng chính bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt khiến việc đi lại rất khó khăn. Khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng cứu hộ khó tiếp cận đám cháy để khống chế lửa.
Ông Huỳnh Bảo Ý (66 tuổi, ngụ tại ấp Hòa Hưng 1, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) tân sự trên báo Thanh Niên, năm 2015, sau khi chứng kiến trận cháy kinh hoàng làm 4 căn nhà tại ấp Hòa Hưng 1 bị thiêu rụi, nhiều người sống cảnh màn trời chiếu đất khiến ông trằn trọc không thôi. “Xót xa khi thấy bà con bị cháy nhà, thiệt hại quá nhiều trong khi phương tiện chữa cháy không có, chỉ dập lửa bằng cách thủ công nên tôi khởi xướng ý tưởng tạo ra xe chữa cháy phòng khi sự cố xảy ra có thể giúp đỡ kịp thời cho bà con”, ông Ý nói.
Quyết tâm thực hiện được dự định đó, ông Ý cùng một số người bạn hùn tiền mua chiếc xe chữa cháy đẩy tay lưu động và thành lập đội chữa cháy. Đội chữa cháy “Hai Lúa” đã ra đời từ cái tâm thiện này của nhóm lão nông chi điền như thế.
Tiếng lành đồn xa, dần dần có nhiều thành viên đến xin tham gia. Hiện đội chữa cháy “Hai Lúa” có 20 thành viên, trong đó có 6 thành viên nòng cốt với tuổi đời trên 60, đa phần làm nghề nông.
Năm 2018, để nâng cao hiệu quả phòng cháy chữa cháy, đội chữa cháy tự bỏ tiền túi và kêu gọi các nhà hảo tâm để mua một chiếc xe tải cũ và tận dụng một chiếc máy suốt lúa.
Xe tải sau khi mua về được cả đội nghiên cứu và cải tiến thành xe chữa cháy. Bồn chứa được chế thành từng ngăn và trang bị thêm một chiếc máy dầu nhỏ để bơm nước trực tiếp từ sông lên bồn chứa nước của xe. Ngoài ra, còn trang bị thêm ống dẫn nước dài hơn 100m, lực nước bắn xa hơn 30m.
Video đang HOT
Ông Trần Lạc Hồng (65 tuổi)- một thành viên nòng cốt của đội chữa cháy, nói: “Những lúc người dân báo có cháy, anh em tụi tôi dù đang bận làm việc ở ngoài đồng, ngoài vườn cũng lập tức bỏ công việc để nhanh chóng lái xe đến hiện trường dập lửa”.
Từ khi 2 chiếc xe phòng cháy chữa cháy tự chế được đưa vào hoạt động, đội chữa cháy “Hai Lúa” này đã kịp thời dập tắt 4 vụ hỏa hoạn, bảo toàn tài sản cho người dân địa phương.
Bạch Hiền (t/h)
Theo ĐS&PL
An Giang: Nhờ cá tra thành tỷ phú, có miếng ăn lại lo cho dân nghèo
"Là một nông dân cần cù, chịu khó và luôn hết lòng với hoạt động từ thiện nhân đạo tại địa phương"... Đó là nhận xét của nhân dân xã Phú Thành khi nhắc tới người nông dân Ngô Văn Đậu (Tám Đậu), sinh năm 1963, ở ấp Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân (An Giang).
Hiện nay, gia đình ông Ngô Văn Đậu có thu nhập từ nghề trồng lúa và nuôi cá trên 2 tỷ đồng/năm, đồng thời giải quyết việc làm ổn định cho 18 lao động tại địa phương với mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, mỗi năm, mô hình sản xuất của gia đình ông còn tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động tại địa phương. Đặc biệt, ông Đậu đã dành 9 ha đất trồng lúa để cho thuê, lấy tiền làm Quỹ từ thiện của gia đình.
Ông Ngô Văn Đậu đang kiểm tra lại các thiết bị hỗ trợ cấp cứu trên xe chuyển viện do ông và gia đình mua trị giá 700 triệu đồng để vận chuyển bệnh nhân miễn phí.
Ông Ngô Văn Đậu cho biết, bản thân sinh ra trong một gia đình nghèo, phải bươn chải nhiều nơi, làm nhiều nghề để kiếm sống. Sau khi lập gia đình ở Cà Mau, ông cùng vợ trở về quê ở ấp Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân (An Giang) sinh sống.
Quá trình lao động, ông cùng gia đình chịu khó tích góp và khi chỉ mới vừa "đủ ăn đủ mặc" ông đã nghĩ đến chuyện giúp đỡ người nghèo. Thời gian đầu, ông giúp một số bà con xung quanh khi bị ốm đau, hoạn nạn bằng gạo hoặc tiền mặt...
Năm 2009, nhận thấy bà con trong xã mỗi khi ốm đau, bệnh tật không có xe cấp cứu chuyên dụng để đưa đi bệnh viện; có trường hợp nhà xa quá, khi đưa được bệnh nhân tới bệnh viện đã quá muộn. Vì vậy, ông đã bàn với hai người anh của mình góp tiền mua chiếc xe cấp cứu chuyên dụng trị giá 540 triệu đồng để vận chuyển miễn phí người bệnh, đây là chiếc xe chuyển viện đầu tiên ở xã Phú Thành.
Đến năm 2017, gia đình ông tiếp tục tích lũy và mua thêm một chiếc xe cấp cứu mới trị giá 700 triệu đồng dùng để vận chuyển miễn phí người bệnh.
Trải qua nhiều khó khăn, hơn ai hết ông Ngô Văn Đậu rất thấm thía nỗi cơ cực của cảnh nghèo và giúp ông cảm nhận được hết giá trị của sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ từ những người thân và bạn bè dành cho mình. Ông Đậu cho biết: Lúc nghèo khổ, phải tha phương kiếm sống, ông cũng từng được nhiều người giúp đỡ.
Chính vì lẽ đó, ông luôn tâm nguyện là làm những việc thiết thực để giúp đỡ bà con trong lúc khó khăn như mua xe chuyển người bệnh miễn phí và làm nghĩa trang cho người nghèo... Hơn nữa, thông qua việc làm của mình, các con noi gương theo cha mẹ, luôn sống hướng thiện, giúp đỡ mọi người xung quanh.
Đến năm 2017, ông mua thêm 50 công đất (5 ha). Đến nay, gia đình ông có tổng cộng 9 ha đất ruộng để cho thuê. Tiền cho thuê từ các công đất trên được gần 300 triệu đồng/năm, được gia đình ông dành riêng nhằm thực hiện công tác từ thiện.
Với quan niệm "cho đi là nhận lại", hơn 20 năm qua, nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp... đều đã in dấu chân thiện nguyện của ông Tám Đậu. "Học tập Bác Hồ ở đức tính cần kiệm, luôn sẻ chia với người yếu thế, nên mỗi dịp đi về Cà Mau, Kiên Giang... thăm bạn bè, người thân, trên đường đi, gặp trường hợp nào khó khăn, trong khả năng có thể giúp được là mình giúp ngay" - ông Đậu chia sẻ.
Bằng những nghĩa cử cao đẹp, trao tặng quà cho người nghèo, người tàn tật, người già neo đơn, trợ giúp vật chất lẫn tinh thần cho những người hoạn nạn, ốm đau... ông Tám Đậu đã và đang tô thắm thêm tấm lòng nhân ái bao là của dân tộc Việt Nam, góp phần thắp lên "ngọn lửa" phong trào từ thiện xã hội ở An Giang nói riêng và cả nước nói chung, để nhân lên sức mạnh của lòng nhân ái.
Dù muốn làm việc gì cũng phải thuận vợ thuận chồng. "Hơn 20 năm gắn bó với công tác từ thiện xã hội điều hạnh phúc nhất đối với tôi là được sự san sẻ ủng hộ của vợ và các con; sự tin yêu, quý mến của bà con nhân dân. Nhất là qua những việc mình làm, các con thấy được ý nghĩa và noi theo, học tập cha mẹ sống hướng thiện, làm việc thiện vì xã hội. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với "việc tử tế" này" - ông Đậu tâm sự.
Bà Trần Thị Nguyệt, vợ ông Đậu cho biết, sống với nhau mấy chục năm, bà rất hiểu tính tình chồng. Hơn nữa, ông Đậu làm gì cũng bàn với gia đình nên bà và các con rất ủng hộ. "Nhiều lúc, ông lo làm công việc xã hội mà không nghĩ tới bản thân, tôi phải "nhắc khéo" với ông là phải giữ gìn sức khỏe, để còn sức lo cho nhiều việc nữa" bà Nguyệt kể.
Với nguồn thu từ nghề nuôi cá tra, môi năm mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng cho gia đình ông Đậu.
Ngoài việc vận chuyển người bệnh đi viện miễn phí, gia đình ông Tám Đậu còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như xây cầu, làm đường bê tông ở trong và ngoài xã; hỗ trợ thân nhân người bệnh; tặng quà người nghèo nhân các dịp lễ, Tết...
Ông Dương Bảo Lộc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Thành, huyện Phú Tân (An Giang) cho biết: Ông Ngô Văn Đậu không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi của địa phương trong nhiều năm qua mà còn là một "mạnh thường quân" luôn tham gia tích cực các chương trình an sinh xã hội do địa phương phát động. Mỗi năm, gia đình ông Tám Đậu đều tham gia đóng góp gần 300 triệu để cùng với địa phương hỗ trợ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, cũng như xây dựng các công trình công cộng...
Ngoài ra, ông Tám Đậu còn vận động cả gia đình, vợ, con cùng tham gia công tác từ thiện xã hội. Mới đây, gia đình ông đã hiến hơn 1.000 m2 đất và 500 triệu đồng để nâng cấp hoàn chỉnh nghĩa trang của địa phương, góp phần cùng với xã hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND xã Phú Thành cho biết thêm: Với những đóng góp thầm lặng của mình, ông Ngô Văn Đậu đã 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2007 và 2017), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen cùng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh An Giang về thành tích sản xuất - kinh doanh giỏi; học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đóng góp quỹ Vì người nghèo... Đặc biệt, ông Tám Đậu vinh dự là một trong các điển hình tiên tiến toàn quốc được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Theo Công Mạo (TTXVN)
Cà Mau: Thả cua trong đầm tôm bị bỏ hoang, nhàn mà lời lớn Anh Hồng Văn Lâu, 32 tuổi, ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau là một điển hình thả nuôi cua trong đầm tôm công nghiệp bị bỏ hoang. Với 1.700m2 mặt nước đầm, sau 3 tháng thả cua giống, anh Lâu bắt lên toàn cua bự bán lời tới 70 triệu đồng. Anh Lâu cho biết, sau...