Đôi chân diệu kỳ của cậu học sinh không tay
Do ảnh hưởng của chất độc da cam em không có hai tay. Song, với đôi chân của mình, em đã luyện tập không mệt mỏi để tự lo cho bản thân và phụ giúp một phần cho bố mẹ.
Hồ Hữu Hạnh, con của anh chị Hồ Hữu Thân và Bùi Thị Hợp, tại ấp 2, xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Hạnh sinh năm 2000, hiện đang học lớp 7 Trường Trung học Cơ sở Lê Thánh Tông, xã Gia Canh. Dù không có tay nhưng trong sáu năm học vừa qua, Hạnh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi hoặc tiên tiến.
Ở nhà hay ở lớp, Hạnh đều tự mình làm việc bằng đôi chân của mình, rất ít khi em cần đến sự giúp đỡ của người khác. Hạnh dí dỏm: “Em có đôi chân hai trong một, là chân nhưng cũng vừa là tay”.
Sáng dậy, Hạnh tự đi lấy kem và đánh răng cho mình bằng chân.
Đôi chân của Hạnh với qua đầu một cách dễ dàng để chải đầu trước khi đi học.
Trong lớp, Hạnh luôn ngồi đầu và bàn học của em cũng đặc biệt nhất trong lớp. Chiếc bàn học này được đóng từ khi Hạnh còn học cấp một
Thầy Trần Thanh Trà, giáo viên môn lý trả vở cho Hạnh sau khi kiểm tra bài cũ
Hạnh cho biết, lúc làm bài trên bảng, em sợ nhất là… rách quần
Giờ ra chơi sau tiết học thứ hai, Hạnh tham gia đá cầu với các bạn và em chơi khá hay. Hạnh cho biết, trong các môn thể thao, ngoài đá cầu em còn có thể chơi bóng đá và bơi lội khá cừ. “Em biết bơi được nhờ một lần rớt ao suýt chết đuối”, Hạnh nói.
Hai người bạn thân Phạm Minh Trung và Trương Minh Tú, giúp Hạnh mang cặp trước khi ra về.
Video đang HOT
Ngoài dùng muỗng, đôi chân của Hạnh còn dùng đũa một cách thuần thục
Dù bố mẹ không bắt phải rửa chén bát, nhưng Hạnh chia sẻ: “Thấy bố mẹ quá bận nên em vẫn làm”
Hạnh khá rành về vi tính và thành thạo nhiều kỹ năng. Chiếc máy vi tính em đang sử dụng do một nhà hảo tâm tại TP.HCM tặng. Hạnh gõ bàn phím và dùng chuột bằng ngón chân cái và ngón trỏ. Hạnh mơ ước sau này trở thành kỹ sư công nghệ thông tin để tự lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình.
Chiếc xe điện này do một người mẫu tặng cho Hạnh cách đây ba tháng. Hạnh dùng chiếc xe này để đi học và chở hai đứa em đi học vào buổi chiều khi bố mẹ bận việc. Trước đó, Hạnh đi học băng xe đạp ba bánh cũng do một nhà hảo tâm tặng. Hạnh cho biết em đi được xe đạp hai bánh từ mùa hè chuẩn bị sang lớp hai. Tập xe đạp lúc đó rất khó với em và để lại nhiều sẹo nhất.
Biết Hạnh có sở thích nuôi gà, những người bạn thân đã tặng cho em bốn con gà tre. Hạnh luôn lo lắng khi có ai đó đùa sẽ làm thịt con gà của mình.
Không chỉ làm việc nhà, Hạnh còn giúp bố mẹ nhổ cỏ, nhổ rau, cắt rau… Hạnh chia sẻ: “Em tập để có thể làm được tất cả mọi việc và cũng để chứng tỏ mình không phải là người vô dụng”.
Quét nhà, quét sân là công việc em thích làm nhất.
Hạnh chưa có bàn học riêng nên em phải học bài dưới đất.
Theo TTVN
Câu chuyện cảm động nữ sinh tài hoa bị ung thư máu
Hoàng Thị Diệu Thuần nổi tiếng ngay từ thời còn là nữ sinh chuyên Nga của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (TP. Vinh - Nghệ An). Không chỉ là một học sinh giỏi, Thuần còn có biệt tài chơi đàn guitar.
Sức sống kỳ diệu của cô gái trẻ
Với nhiều học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, hình ảnh cô nữ sinh phiêu bên cạnh cây đàn guitar không còn xa lạ. Bây giờ, Diệu Thuận còn nổi tiếng hơn ngày đó nhiều lần. Mọi người không chỉ biết em là cựu nữ sinh trường chuyên danh tiếng, cựu sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng của Đại học Quốc gia mà họ nhớ đến cô bé với câu chuyện đẫm nước mắt.
Thuần nổi tiếng trên khắp các diễn đàn, báo chí, truyền hình bởi nghị lực mà em đã dùng để chống chọi với những cơn đau từ bạo bệnh.
Diệu Thuần trước khi bị cơn bạo bệnh hành hạ.
Hoàng Thị Diệu Thuần sinh năm 1987, tại xã Xuân Nghĩa (Quỳ Hợp - Nghệ An). Niềm vui được là sinh viên chưa bao lâu thì một ngày giữa tháng 9/2005, Thuần nhập viện vì mắc căn bệnh "Bạch cầu kinh dòng tủy" (một căn bệnh cực hiếm tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương)
Từ một cô gái năng động, em buộc phải rời KTX trường Đại học Quốc gia Hà Nội để đến với bệnh viện. Bốn năm đại học của Thuần là những ngày tháng gắn liền với giường bệnh, với những lần chọc tủy buốt nhói.
Theo bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện huyết học, tại Việt Nam, số lượng người mắc bệnh "Bạch cầu kinh dòng tủy" như Diệu Thuần rất ít. Đây là một trong những căn bệnh rất khó chữa trị và tốn kém.
"Bệnh nhân khi mắc vào chứng bệnh này thì chỉ sống được từ 3-5 năm, thường thì 4 năm là tử vong. Có lẽ, đây là lần đầu tiên các bác sĩ ở Viện mới điều trị một bệnh nhân mắc bệnh "Bạch cầu kinh dòng tủy" mà sống đến bảy năm như Thuần. Điều đó cho thấy Thuần có một nghị lực và sức sống diệu kỳ để chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo đó" - bác sĩ Khánh cho biết.
Vượt qua "cửa tử" của căn bệnh hiểm nghèo là một kỳ tích của Diệu Thuần và cũng là niềm hạnh phúc của rất nhiều người. Sau bảy năm đối mặt với những cơn đau thắt lòng, tháng 7 vừa qua, Viện đã tiến hành ghép tủy của anh trai vào cơ thể Diệu Thuần.
Bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Tế bào gốc, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho Diệu Thuần chia sẻ, Diệu Thuần không chỉ là bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo này lâu nhất ở Việt Nam mà cô còn có những khó khăn khác ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của việc ghép tủy như tiền sử mắc bệnh viêm gan C, sức khỏe đang rất yếu. Mặt khác tủy của anh trai và tủy Diệu Thuận chỉ thích ứng được 5/6 tiêu chuẩn.
"Với những yếu tố như vậy, nếu tiến hành phẫu thuật thì rất khó khăn và khả năng thành công không cao. Nhưng nếu không ghép thì sợ rằng cô bé khó vượt qua được. Có lẽ, thần may mắn đã đứng về phía Diệu Thuần. Sức sống kỳ diệu đã đưa cô bé vượt qua tất cả" - bác sĩ Bình cho biết.
Khát khao được đi làm để... trả nợ đời
Đến thăm Thuần tại căn phòng nhỏ bé của khu tập thể Bưu Điện (đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội), Thuần đã hoàn toàn khác xưa. Mái tóc phiêu bồng ngày nào của cô giờ đã không còn vì ảnh hưởng từ những lần truyền hóa chất.
Căn phòng nhỏ nằm ở phía cuối tầng 5 của khu tập thể bị nắng cuối mùa rọi chiếu nóng bức nhưng Thuần vẫn phải cố chịu. Bởi cô phải kiêng gió để đảm bảo sức khỏe. Trò chuyện với Thuần, nhìn vóc dáng gầy gò khiến chúng tôi không khỏi xót xa, chạnh lòng.
Nghị lực sống phi thường đã đưa cô gái thoát khỏi bàn tay tử thần.
Mặc dù mới từ viện về, sức khỏe còn yếu nhưng Thuần vẫn giữ được nét tươi vui trên khuôn mặt của mình. Thuần cho biết, cô xuất viện từ hôm thứ 6.
Hiện tại Thuần về trọ ở phòng của anh họ, còn bố mẹ thì đang về quê để thu xếp việc gia đình. Một mình cô gái ở đây với sự đùm bọc, yêu thương của bạn bè.
"Sau bao nhiêu năm lăn lộn cùng con, ở bên con để chống lại bệnh tật, mẹ em cũng đã quá mệt mỏi và gầy đi nhiều. Dịp này sức khỏe đã tốt hơn, em muốn mẹ về quê nghỉ ngơi một thời gian, trước khi em bước vào cuộc "chiến đấu" mới. Cuối tháng này em lại nhập viện để tiếp tục theo dõi và điều trị" - Diệu Thuần tâm sự.
Nhớ lại những ngày tháng "làm bạn" với giường bệnh, Diệu Thuần rùng mình với những cơn đau xé lòng và những cơn sốt hành hạ vào ban đêm. Thế nhưng, vượt qua những cơn đau, cô gái này vẫn cố gắng để lấy được tấm bằng đại học ngành Tài chính - Ngân hàng với tấm bằng loại khá. Đây là việc không phải sinh viên bình thường nào cũng làm được.
Sau khi tốt nghiệp, dù vẫn bị căn bệnh quái ác hành hạ nhưng Thuần vẫn cố nén đau để đi tìm cho mình một công việc phù hợp với chuyên môn. Mỗi khi đi phỏng vấn, cô cũng không muốn giấu giếm bệnh tật của mình với nhà tuyển dụng. Và sau đó, Thuần lại cầm hồ sơ ra về.
Diệu Thuần chia sẻ: "Cứ mỗi khi ai hỏi đã đi làm ở đâu chưa là tim em lại nhói đau. Bạn bè em giờ công việc cũng đã ổn định rồi nên em thấy chạnh lòng lắm. Em mong sẽ nhanh khỏi bệnh để có thể đi làm giúp bố mẹ, để "trả nợ" với đời. Em thấy mình nợ cuộc đời này nhiều lắm".
Theo người đưa tin
Việc làm cho người khuyết tật: Phải gắn đào tạo với việc làm Số liệu của Bộ LĐTBXH, cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật (NKT). Đời sống vật chất, tinh thần của NKT ngày càng được cải thiện bởi sự quan tâm của Nhà nước, xã hội và các tổ chức quốc tế. Ban nhạc NKT - thuộc Trung tâm Hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hoà nhập - biểu diễn. Ảnh:...