Đời cay đắng của người mẹ phơi nắng con
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bị phụ tình nên người phụ nữ mới ngoài đôi mươi một mình nuôi hai con nhỏ. Hàng ngày chị phải bế theo con “phơi nắng” bên đường để bán vé số mưu sinh.
Nhiều người đi trên những con đường trục chính trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) chẳng còn lạ gì hình ảnh đáng thương của một người phụ nữ mới ngoài đôi mươi với dáng người nhỏ bé, đen xạm, vẻ mặt mỏi mệt bế một bé gái vài tháng tuổi ngồi giữa trời nắng để bán vé số. Nhiều lúc đứa trẻ có dấu hiệu kiệt sức nên người phụ nữ này lại phải “tiếp nước” khiến những người đi đường quặn lòng thương xót.
Qua cuộc trò chuyện, người phụ nữ bán vé số cho biết tên là Nguyễn Thị Bé (SN 1991, quê huyện Sơn Định, Quảng Ngãi). Khi thấy có người hỏi mình, chị Bé tỏ ra dè dặt: “Cứ nghĩ là công an lại đuổi không cho tôi bán vé số ở khu vực này nữa nên sợ thôi. Mấy ngày trước bị mời lên công an phường vì họ thấy tôi ẵm đứa bé ngồi giữa trưa nắng bán vé số. Họ tưởng đứa trẻ đó không phải là con tôi, tôi lợi dụng đứa bé để lấy lòng thương hại. Có ai muốn đày con mình ngoài trời nắng mưa, khói bụi đâu nhưng hoàn cảnh đưa đẩy phải chịu thôi…”.
Người mẹ liên tục “tiếp nước” cho con nhỏ của mình vì bị phơi nắng. Ảnh: Người Lao Động
Khi hỏi về hoàn cảnh, người phụ nữ với nước da cháy xạm, mái tóc khô mùi mồ hôi bết vào nhau xõa xuống như đang muốn che lấp đi ánh mắt buồn rười rượi, cố cúi mặt xuống nhìn vào bàn tay với những ngón to kệch đang xen vào nhau như cố giữ bình tĩnh. Sau tiếng thở dài, giọng trầm buồn, chị cho biết, là con duy nhất sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Mới chào đời được 3 tháng thì người mẹ đã nhẫn tâm bỏ đi theo tiếng gọi của tình nhân, chị sống với cha.
Khát sữa mẹ, không có cái ăn nên chị ốm yếu còi quặt. Tưởng rằng mẹ đã bỏ đi thì người cha sẽ gắng nuôi con nên người nhưng một thời gian sau, cha chị lại đi thêm bước nữa. Sống với dì ghẻ, ba thì không quan tâm đến đứa con gái của người vợ bạc tình, chuỗi ngày tuổi thơ của chị thấm đẫm nước mắt. Đến năm Bé 6 tuổi thì ba bị bệnh rồi qua đời.
Từ đó Bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chị sống cùng với ông bà nội. Tưởng rằng những đau khổ sẽ không tìm đến đứa trẻ tội nghiệp này nữa nhưng không ngờ đến năm 14 tuổi thì cả ông và bà lần lượt khuất núi. Cô chú bên nội, bên ngoại đều có gia đình riêng, kinh tế cũng khó khăn nên chẳng ai dám nhận Bé về nuôi. Không còn chỗ dựa nữa nên Bé đành bỏ học rồi vào Sài Gòn để kiếm việc làm.
Sau nhiều ngày lang thang, cuối cùng Bé cũng xin vào làm phụ cho một công ty may chỉ để kiếm được miếng ăn và chỗ ngủ qua ngày. Sau vài tháng thử việc, ông chủ trả thêm 100 ngàn đồng một tháng. Rồi thời gian cứ trôi đi, đến năm 17 tuổi, Bé thuê nhà trọ ở thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) rồi đi xin vào làm công ty may mặc. Cũng từ đây, cô gái quen biết Huỳnh Quang Thắng (SN 1983, thường trú Bình Dương).
Sống trong “địa ngục trần gian”
Video đang HOT
Vì sống trong sự cô đơn nhiều năm, không có người thân nên khi thấy Thắng quan tâm đến mình, Bé xúc động. Lúc này cô nghĩ rằng Thắng biết hoàn cảnh éo le của mình thì sẽ yêu thương thật lòng. Nhưng không ngờ sau nhiều ngày nài nỉ bạn trai đưa về nhà chơi thăm gia đình thì cũng là lúc Bé biết được cuộc đời mình đã trao thân gửi phận nhầm cho một kẻ sở khanh. Thắng đã có vợ con và còn là người đàn ông vũ phu, lăng nhăng.
Nỗi tuyệt vọng ê chề cứ mỗi lúc một nhiều hơn khiến Bé khóc rất nhiều và muốn cắt đứt mối quan hệ tình cảm với Thắng. Nhưng một sợi dây gắn kết buộc chặt chị lại với gã là chiếc thai đang lớn lên từng ngày trong bụng và đã 4 tháng. “Lúc đó mình chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Cuộc sống đã khó khăn giờ lại bụng mang dạ chửa, khi sinh ai chăm sóc cho mình? Nghĩ đến đây tôi đành chấp nhận kiếp chồng chung mong sau này khi mình ở cữ không đi làm được thì có người phụ giúp…”, chị tâm sự.
Chị Bé tâm sự về cuộc đời đẫm nước mắt của mình
Chẳng cưới xin, chẳng giấy hôn thú, hai người thuê nhà trọ sống với nhau. Cứ năm bữa nửa tháng, Thắng lại ghé về chỗ “vợ” sống hai ba ngày rồi lại đi. Cuộc sống vốn đã vất vả nhưng chồng hờ lại liên tục uống rượu, bồ bịch khiến hai người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn cãi nhau. Mỗi lần Bé khuyên ngăn, Thắng lại túm tóc, giật đầu rồi thẳng tay đánh đập “vợ” mặc dù người phụ nữ này đang mang thai. Tủi phận, chị có ý định cắt đứt tình cảm nhưng bị hăm dọa rồi “dạy” cho một trận thừa sống thiếu chết.
“Khi tôi sinh đứa con đầu lòng, hắn cũng chẳng thèm quan tâm chăm sóc bỏ mặc hai mẹ con côi cút trên giường bệnh. Biết được hoàn cảnh của tôi, nhiều người đã giúp đỡ. Tủi phận lắm nhưng chẳng dám than vãn với Thắng vì biết rằng chỉ cần có một câu phản đối là sẽ bị hắn đánh đập ngay”, người phụ nữ nghẹn ngào kể lại.
Vì không có tiền nên sinh con chưa hết ở cữ, chị Bé đã phải đi bán vé số. Hàng ngày chị ẵm theo đứa con trên tay để đi bán. Nhiều hôm mệt lả vì ảnh hưởng của việc sinh nở nhưng không đi bán thì chẳng biết lấy đâu ra vài chục ngàn để đong gạo, thương con chị lại cố gắng đi thêm mấy chặng đường dưới cái nắng cháy da cháy thịt để bán cho hết mới về.
Nhưng bi kịch của cuộc đời vẫn cứ đeo bám chị. Sau hơn một năm sinh con, người phụ nữ này lại có thai với gã chồng vũ phu lần nữa. Khó khăn chồng chất khó khăn đè lên đôi vai nhỏ bé của người phụ nữ mới ngoài đôi mươi. Tuy bụng mang dạ chửa kềnh càng nhưng hàng ngày chị vẫn phải bế theo đứa con hơn một tuổi đi bán vé số. Rồi cũng như lần trước, vào bệnh viện sinh con chị cũng cô đơn một mình khi mà Thắng vẫn đang vui vẻ với mấy cô gái khác.
Để mưu sinh, chị phải gửi đứa con lớn của mình cho người giữ trẻ trong khu trọ rồi ẵm theo đứa thứ hai mới sinh đi bán vé số. Thấy hoàn cảnh đáng thương, bà chủ đại lý cho chị lấy thiếu để đến chiều bán xong mang trả. Số tiền ít ỏi kiếm được phải trang trải mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày, vậy mà nhiều khi chồng còn về lấy tiền của chị để đi ăn nhậu.
Khi được hỏi: “Mỗi lần bị đánh như vậy sao chị không báo công an?”. Người phụ nữ này chỉ biết thốt lên vẻ hoảng hốt: “Trời! báo được thì tôi đã báo rồi. Hắn mà biết tôi có ý định báo công an thì hắn giết ngay. Hắn nói là nếu có bị bắt thì cùng lắm chỉ ngồi tù xong rồi lại ra. Lúc đó hắn tìm đến trả thù. Thôi đành cố gắng chịu đựng biết sao giờ…”.
Trung tá Hà Văn Thanh, Trưởng Công an phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, mấy ngày trước nhận được thông tin phản ánh của người dân báo có một phụ nữ bé đứa trẻ mới vài tháng tuổi ngồi dưới trời nắng bên đường bán vé số trên địa bàn nên đã chỉ đạo thuộc cấp tới hiện trường đưa người mẹ trẻ và đứa bé về trụ sở làm rõ vụ việc.
“Qua điều tra, tìm hiểu xác định thì đúng đứa trẻ là con gái của người phụ nữ này. Do quá nghèo lại bị chồng phụ bạc nên phải ẵm con nhỏ đi bán vé số suốt một tháng qua. Chúng tôi đã yêu cầu chị không được phơi nắng đứa trẻ”, Trung tá Thanh nói.
Theo H. Thu (Tri thức trực tuyến)
34 năm truy tìm tên tội phạm phản động nguy hiểm
"Lưới trời lồng lộng" sau 34 năm lẩn trốn và mạo danh tên tuổi khác, giờ đây Lê Văn Khiêm đã bị bắt và sẽ phải đền tội trước pháp luật.
Năm 1977, lực lượng An ninh Công an tỉnh Nghĩa Bình đã phá vụ án phản cách mạng với cái tên "Lực lượng phục quốc" tại Quảng Ngãi. Vụ án có hàng trăm đối tượng tham gia với âm mưu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền cách mạng.
Sau khi kết thúc điều tra, vụ án đưa ra xét xử tại thị xã Quảng Ngãi. Bốn bị cáo cầm đầu đều bị tuyên án tử hình vì tội "Âm mưu lật đổ chính quyền Cách mạng". 16 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 5 năm tù giam đến tù chung thân; hàng trăm đối tượng còn lại bị đưa đi tập trung cải tạo. Riêng Lê Văn Khiêm (SN 1956, thường trú xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa) là một trong những đối tượng cầm đầu, cốt cán của tổ chức phản cách mạng đã trốn thoát. Công an tỉnh Nghĩa Bình đã ra lệnh truy nã toàn quốc.
Với chức vụ như Quận trưởng quận Tư Nghĩa, Phó tỉnh trưởng, Lê Văn Khiêm trực tiếp gây dựng móc nối các phần tử phản cách mạng vào tổ chức, trực tiếp cấp giấy chứng minh, gửi tài liệu phản động và chỉ chỉ đạo các quận Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và Minh Long.
Đối tượng Lê Văn Khiêm
Quyết tâm bắt cho được tên tội phạm nguy hiểm đang lẩn trốn, Cơ quan An ninh điều tra Nghĩa Bình, đến nay là Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi, đã bỏ không biết bao công sức lần tìm. Nguồn tin duy nhất, đối tượng Lê Văn Khiêm đã thay tên đổi họ và đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh.
Giữa hàng triệu người nhập cư tại Tp.HCM, thật không hề đơn giản để tìm ra đối tượng Lê Văn Khiêm. Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin liên quan về đối tượng. Nhận định Lê Văn Khiêm không có giấy tờ, sống trốn tránh ở những khu vực bến tàu xe, hoặc nhưng khu kinh tế mới, Cơ quan an ninh điều tra tập trung sàng lọc đối tượng.
Sau một thời gian phối hợp, năm 2006 Công an Tp.HCM cung cấp thông tin cho Công an Quảng Ngãi về việc phát hiện người có tên Trần Ngọc Lộc, hiện đang sinh sống tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, Tp.HCM, giống với đối tượng truy nã Lê Văn Khiêm.
Đối tượng Trần Ngọc Lộc được bà con hàng xóm kính trọng, quý mến và thường gọi ông là "Sáu Sâm" (bán nước sâm). Ông cũng được chính quyền sở tại tặng nhiều giấy khen "gia đình văn hóa", "gia đình hiếu học", "người cao tuổi mẫu mực"... Không ai nghĩ rằng ông Sáu sâm lại là người nghi vấn đang trốn truy nã trên 30 năm.
Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Phòng An ninh điều tra lập kế hoạch thu thập tài liệu, chứng cứ để đấu tranh Trần Ngọc Lộc có phải là Lê Văn Khiêm. Cuối năm 2010, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Công an huyện Bình Chánh và các phòng nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh kết luận, dấu vân tay mười ngón trên chỉ bản của CMND do Công an TP.HCM lập ngày 14/2/2006 mang trên Trần Ngọc Lộc, trùng giống với dấu vân tay mười ngón trên căn cước dân sự do chính quyền chế độ cũ lập ngày 24/1/1969 mang tên Lê Văn Khiêm, sinh ngày 18/2/1953.
Qua nhiều ngày đấu tranh, cuối cùng Trần Ngọc Lộc phải khai nhận chính là Lê Văn Khiêm và thừa nhận đã tham gia vào tổ chức "Lực lượng phục quốc".
Trả lời với Cơ quan an ninh điều tra về việc liên hệ với người thân ở quê. Lê Văn Khiêm cho biết, với tội âm mưu lật đổ chính quyền, nhẹ cũng bị tù chung thân, nên xác định bỏ trốn và không bao giờ liên hệ người thân. Đến người con ruột gặp nhau Lê Văn Thiêm cũng không dám nhận. Khoảng năm 2004, trong lúc Lê Văn Khiêm bán nước thì gặp một cô gái bán vé số dạo ghé vào quán uống nước. Nghe giọng nói ở Quảng Ngãi, bắt chuyện hỏi thăm hoàn cảnh. Lê Văn Khiêm bất ngờ khi biết, cô gái bán vé số tên Trưng, chính là con ruột của mình (con vợ trước) ở quê Quảng Ngãi vào. Tình cờ gặp lại con ruột, mừng khôn xiết, nhưng Lê Văn Khiêm cố nén lòng không nói ra sự thật. Lê Văn Khiêm nhận Trưng ở lại phụ giúp việc trả lương hàng tháng. Rồi người con ruột (của vợ trước) tên Ân đến thăm chị Trưng, Lê Văn Khiêm cũng không dám nhận con ruột.
Khi những người con của Lê Văn Khiêm và người vợ sau thắc mắc hỏi quê hương cội nguồn ở đâu. Lê Văn Khiêm lảng tránh hoặc bảo rằng ông bỏ xứ đi từ nhỏ, nên bây giờ không còn nhớ quê, người thân ở đâu. Chính vì nhờ sự lạnh lùng, tuyệt đối không nhận người thân, Lê Văn Khiêm trốn hàng chục năm không bị phát hiện.
"Lưới trời lồng lộng" sau 34 năm lẩn trốn và mạo danh tên tuổi khác, giờ đây Lê Văn Khiêm đã bị bắt và sẽ phải đền tội trước pháp luật. Hiện vụ việc Cơ quan an ninh điều tra chuyển vụ việc cho cơ quan chức năng khác để trừng trị nghiêm khắc đối với Lê Văn Khiêm.
Thái Thụy
Theo ANTD
Mẹ mù lòa bán vé số nuôi 4 con ăn học Dù mù cả đôi mắt và thường xuyên bị những cơn đau do di chứng chất độc da cam hành hạ, nhưng vì nghèo khó nên chị Thanh không thể đến bệnh viện để điều trị. Bị mù cả hai mắt nhưng chị Trần Thị Thanh vẫn đi bán vé số, nuôi 4 người con ăn học Bao năm qua, chị lặng lẽ...