Đổi 70 héc-ta đất ở Hà Nội lấy tuyến đường 3,5km liệu có xứng đáng?
Theo các chuyên gia xây dựng, chuyên gia giao thông cần thanh tra, kiểm tra làm rõ cơ sở nào để Hà Nội “đánh đổi” 70 héc-ta đất lấy 3,5km đường của Tasco.
Ngày 28/4 vừa qua, Thành phố Hà Nội chính thức thông xe tuyến đường dài 3,5km thuộc Dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài được xây dựng trong phạm vi quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) với điểm đầu dự án là nút giao thông với đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70 do Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư theo hình thức BT.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao BT (một dạng đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức xây dựng – chuyển giao).
Tuyến đường có quy mô 8 làn xe; trên tuyến có 2 cầu: cầu vượt sông Nhuệ dài 71m và cầu vượt đường sắt dài 365m.
Ngày 28/4 vừa qua, Thành phố Hà Nội chính thức thông xe tuyến đường dài 3,5km, để có được tuyến đường này Hà Nội phải “đánh đổi” 70 héc-ta đất – ảnh: H.Lực.
Được biết dự án này khởi công năm 2009, khi đã thi công xong 800m nối từ đường Lê Đức Thọ đến nhà thi đấu điền kinh trong nhà để kịp tổ chức đại hội thể thảo Châu Á trong nhà Asian Indoor game năm 2010. Sau đó dự án ngừng thi công.
Dự án này đã bị thanh tra và theo công bố trên báo giới vào đầu năm 2012, chủ đầu tư Tasco đã vi phạm nghiêm trọng trong tính toán áp dụng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí, khối lượng của nhiều hạng mục, tính vào giá trị công trình các khoản chi phí vô lý… khiến tổng mức đầu tư của dự án bị đội lên 437 tỷ đồng.
Từ tháng 4/2015, dự án thi công trở lại và ngày 28/4/2017 chính thức được thông xe. Để có được tuyến đường này Hà Nội phải ký với Tasco hợp đồng BT. Theo đó, Tasco sở hữu quỹ đất lên tới gần 70 héc-ta ở Hà Nội.
Ngay khi thông tin dự án hoàn thành đi vào sử dụng dư luận đặt vấn đề về xuất đầu tư dự án cũng như việc Hà Nội phải đổi gần 70 héc-ta đất lấy đoạn đường được ví “dát kim cương”.
Liên quan đến vấn đề này trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ông Nguyễn Văn Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, do hiện nay chúng ta đang thiếu nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, vì thế việc chính quyền các địa phương trong đó có Hà Nội đưa ra giải pháp đổi đất lấy hạ tầng là chính sách đúng.
“Hà Nội đang có chủ trương mở rộng về phía Tây, vì vậy việc cho phép Tasco đầu tư tuyến đường 3,5km nối từ đường Lê Đức Thọ đến Quốc lộ 70 theo hợp đồng BT – đổi đất lấy hạ tầng về mặt chủ trương chính sách là rất đúng và đột phá”, ông Điệp đánh giá.
Theo ông Điệp tuyến đường này hoàn thành sẽ tác động phát triển khu vực xã Xuân Phương, phường Cầu Diễn và phường Mỹ Đình.
Video đang HOT
Theo các chuyên gia xây dựng tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng cho 3,5km đường (tương đương suất đầu tư hơn 400 tỷ đồng/km không phải là thấp) – ảnh: H.Lực.
Tuy nhiên, ông Điệp cho rằng một dự án đường có chiều dài 3,5km nhưng mức đầu tư lên đến hơn 1.500 tỷ đồng (khoảng hơn 400 tỷ đồng/ km) không phải là nhỏ.
“Vì thế, phải kiểm tra lại các khâu xem có vấn đề gì không nhất là khi dư luận đang đặt ra nghi vấn về chi phí đầu tư cao. Qua kiểm tra nếu có sai phạm sẽ giúp củng cố về cơ chế chính sách tránh hiện tượng lợi dụng chính sách”, ông Điệp đề nghị.
Ông Điệp nhấn mạnh, Hà Nội là trái tim của cả nước để phát triển thủ đô cần kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, trong đó huy động vốn xã hội hóa là cần thiết để kết cấu hạ tầng nâng lên.
“Tuy nhiên chúng ta phải đánh giá đúng, công bằng phải xem việc đổi đất cho Tasco đầu tư dự án như vậy đã xứng đáng chưa? Hay có sự xông xênh, tạo điệu kiện cho nhà đầu tư”, ông Điệp nói.
Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, xuất đầu tư 3,5km từ đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70 là quá cao.
Với mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng cho 3,5 Km có nghĩa mỗi Ki-lô-mét đường đầu tư hơn 400 tỷ đồng (tương đương gần 20 triệu USD/km), mức đầu tư này cao hơn ở các nước.
Nêu ví dụ, ông Liên cho biết: 1 km đường cao tốc 4 làn được tại 25 bang ở Mỹ chỉ có giá 7 triệu USD, tại Ả Rập Thống Nhất cao tốc 12 làn xe không hạn chế tốc độ chi phí xây dựng chỉ 4 triệu USD/km.
Mặt khác, trong thu hút đầu tư hạ tầng giao thông tại Hà Nội không nên lấy đất đổi bởi đất ở khu vực như Hà Nội có giá trị cao, việc lấy đất cũng dễ dẫn đến khiếu kiện gây bất ổn về an ninh trật tự.
“Cần thẩm định dự án này xem trong suất đầu tư lên đến hơn 400 tỷ đồng/km bao nhiêu chi cho giải phóng mặt bằng, bao nhiêu chi cho xây dựng. Đồng thời phải làm rõ việc vì sao phải dành 70 héc-ta đất cho Tasco, con số 70 héc-ta đất dựa trên tính toán nào”, ông Liên cho biết.
(Theo Giáo Dục)
Chuyển hồ sơ tòa nhà 18 tầng không phép sang Công an Hà Nội để điều tra làm rõ
Phòng PC45, Công an thành phố Hà Nội đã yêu cầu quận Nam Từ Liêm chuyển hồ sơ liên quan đến tòa nhà xây dựng 18 tầng không phép để phục vụ công tác điều tra.
Ngày 27/04/2017, trao đổi với phóng viên, ông Chu Văn Đức, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm xác nhận: "Quận đã yêu cầu Đội Thanh tra xây dựng cung cấp hồ sơ để quận làm việc trực tiếp với cơ quan Công an. Đến nay, việc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an đã được quận thực hiện rồi".
Trước đó, trả lời trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Chu Văn Đức cũng thông tin về dự án xây dựng tòa nhà chung cư 18 tầng không phép thuộc Dự án khu chức năng đô thị Đại Mỗ, do Công ty Cổ phần địa ốc Alaska làm chủ đầu tư đã bị niêm phong.
Với việc ngang nhiên xây dựng tòa nhà 18 tầng không phép của Công ty Alaska cho thấy sự coi thường pháp luật và đồng thời buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại.
"Về công trình 18 tầng không phép của Công ty Alaska chúng tôi đã cho niêm phong công trình, máy móc, thiết bị,... đối với Tòa HH-01 và Tòa 04 của HH-02, không cho chủ đầu tư thi công nữa, chúng tôi cũng đã có những xử phạt và Bộ Xây dựng cũng đã vào cuộc xử phạt.
Hiện tại, tất cả mọi việc đã có đề xuất lên cấp trên nhưng chúng tôi chưa nhận được quyết định, xử lý.
Được biết, Thành phố cũng đã cấp cho chủ đầu tư các thủ tục rồi, như giấy phép xây dựng chỉ là thủ tục cuối cùng thôi.
Họ đang xây dựng theo đúng quy hoạch tổng mặt bằng được duyệt, và thẩm định của Bộ Xây dựng, chỉ còn có thủ tục hành chính.
Chúng tôi cũng đã yêu cầu chủ đầu tư xuất trình thủ tục giấy phép xây dựng nhưng hiện tại họ chưa có.
Còn toàn bộ vụ việc chúng tôi đã chuyển hết lên Sở Xây dựng Hà Nội", ông Chu Văn Đức, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết.
Về phía Sở Xây dựng Hà Nội, ngày 20/4, phóng viên Báo điện tử Giáo dục
Việt Nam đã đặt lịch làm việc về công trình xây dựng không phép trên.
Phóng viên cũng đã liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh thanh tra xây dựng Sở Xây dựng Hà Nội nhưng ông từ chối trả lời trực tiếp mà yêu cầu phóng viên "cứ lên Sở đặt lịch".
Như trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, tòa nhà chung cư HH-01 thuộc Dự án khu chức năng đô thị Đại Mỗ do Công ty cổ phần địa ốc Alaska (Công ty Alaska) làm chủ đầu tư.
Dự án được UBND huyện Từ Liêm (trước đây) phê duyệt, quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại Quyết định số 5979/QĐ-UBND ngày 06/07/2011 và UBND quận Nam Từ Liêm chấp thuận điều chỉnh phương án kiến trúc sơ bộ dự án tại Văn bản số 1537/UBND-QLĐT ngày 20/10/2015.
Dự án có quy mô 7,895 ha với tổng mức đầu tư là 3.500 tỷ đồng. Dự án này gồm khu nhà liền kề, biệt thự và chung cư cao tầng.
Để giảm thủ tục cho doanh nghiệp, khu nhà liền kề, biệt thự, theo quy định được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, đối với khu nhà cao tầng phải có giấy phép xây dựng.
Ngày 07/3/2016, Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm đã xuống kiểm tra và lập biên bản số 29/BB-VPHC về việc vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm.
Cụ thể, chủ đầu tư dự án đã có hành vi sai phạm là xây dựng không phép, đang thi công tầng hầm khu vực HH-01; Đang thi công khoan cọc nhồi đại trà khu vực HH-02.
Trước sai phạm trên, Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm đã yêu cầu
chủ đầu tư dự án hoàn thiện hồ sơ, giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản.
Ngày 08/07/2016, Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm lại tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công công trình vi phạm số 132/BB-VPHC với hành vi tái vi phạm. Khi đó, khu HH-01 đang thi công ở tầng số 9.
Do công trình này tiếp tục được xây dựng nên ngày 3/10/2016, Đội Trật tự xây dựng quận Nam Từ Liêm đã lập biên bản số 196/BB-VPHC với hành vi tái vi phạm.
Ngày 3/12/2016, Tổ công tác quản lý đất đai trật tự xây dựng phường Đại Mỗ đã lập biên bản khi công trình HH-01 thi công không phép ở tầng 16.
Tiếp đó, ngày 09/01/2017, UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Đại Mỗ đã ra quyết định số 02/QĐ-TGTVVP về việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với Công ty AlasKa.
Lý do tạm giữ là do công ty này không chấp hành những yêu cầu của UBND phường Đại Mỗ tại Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 của Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tạm giữ gồm 03 xe cải tiến chở vật liệu xây dựng cũ đã qua sử dụng.
Được biết, trước đó phía Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm đã phạt tổng cộng 120 triệu đồng đối với chủ đầu tư.
Trong đó, 80 triệu đồng là hành vi xây dựng không phép ở tòa HH-01, 40 triệu đồng đối với việc xây dựng tòa HH-02.
Theo Giáo Dục
Nhà kho đổ sập sau đám cháy ở Nam Từ Liêm Đám cháy bùng phát từ khu nhà kho rộng hàng trăm mét vuông của một công trình xây dựng ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), thiêu rụi nhiều đồ đạc, hàng hóa. Khoảng 13h20 ngày 7/4, đám cháy bùng phát tại khu nhà kho và văn phòng điều hành Công ty cổ phần địa ốc dầu khí viễn thông (Nam Từ Liêm,...