Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Số kim cương tịch thu tại tiệm vàng được xử lý thế nào?
UBND TP Cần Thơ đã ký quyết định phê duyệt phương án xử lý tang vật trong vụ anh thợ điện bị phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 USD sang tiền Việt ở tiệm vàng.
Ngày 12/10, ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ký quyết định phê duyệt phương án xử lý tang vật trong vụ anh thợ điện bị phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 USD sang tiền Việt ở tiệm vàng.
Theo đó, số tiền 2.260.000 đồng tịch thu từ anh Nguyễn Cà Rê sẽ được chuyển vào Kho bạc Nhà nước Cần Thơ. Số tiền 100 USD tịch thu của Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực, quận Ninh Kiều) sẽ được nộp vào tài khoản ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ.
Quyết định ghi rõ, số thu ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ được ghi thu quỹ ngoại tệ của ngân sách nhà nước (theo nguyên tệ); đồng thời, quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ để hạch toán thu ngân sách nhà nước theo chế độ quy định.
Một phần của quyết định phê duyệt phương án xử lý tang vật.
Cũng theo quyết định này, tổng cộng 20 viên kim cương và 19.910 viên hột đá nhân tạo (trị giá hơn 548 triệu đồng) mà cơ quan công an tịch thu tại tiệm vàng Thảo Lực sẽ chuyển vào Kho bạc Nhà nước Cần Thơ. Kho bạc Nhà nước Cần Thơ có trách nhiệm quản lý và xử lý tài sản theo đúng quy định pháp luật.
UBND TP Cần Thơ giao công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thành lập Hội đồng định giá tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước; phê duyệt giá trị tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; đồng thời, chuyển giao tài sản và hồ sơ có liên quan cho Kho bạc Nhà nước Cần Thơ theo đúng quy định.
Trước đó, vào lúc 11h15 ngày 30/1, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực (Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, tiệm vàng Thảo Lực, Ninh Kiều) đang thu mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê (thợ điện, ngụ quận Ninh Kiều) với giá 2.260.000 đồng mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Video đang HOT
Tiệm vàng Thảo Lực
Ngày 4/9, UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt anh Rê số tiền 90 triệu đồng về hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” và tịch thu tang vật là số tiền 2.260.000 đồng.
Tiệm vàng Thảo Lực bị xử phạt 295 triệu đồng do vi phạm các hành vi như: Mua bán ngoại tệ tại nơi không được thu đổi ngoại tệ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sản xuất hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định; sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Đồng thời, tịch thu 100 USD, 20 viên kim cương và 19.910 viên đá hột nhân tạo.
Trước nhiều phản ứng từ dư luận, ngày 24/10, công an TP. Cần Thơ tổ chức họp báo và thông tin chính thức về vụ việc.
Lý giải về thời điểm bắt quả tang là ngày 30/1/2018 nhưng thời điểm lập biên bản xử phạt hành chính là ngày 13/8/2018, thời gian ký quyết định xử phạt là ngày 4/9/2018, Thượng tá Trần Văn Dương – Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP. Cần Thơ khẳng định: “Các cơ quan chức năng đã thẩm định lại toàn bộ hồ sơ. Cơ quan tham mưu khẳng định trình tự, thủ tục, thẩm quyền là đúng quy định của pháp luật”.
Đồng thời, thượng tá Dương cũng khẳng định công an không “chim mồi” để bắt quả tang doanh nghiệp,
Thượng tá Trần Văn Dương – Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP. Cần Thơ (đứng) trả lời các thắc mắc của báo chí vào ngày 24/10.
Về việc nhiều người cho rằng, xử phạt anh Nguyễn Cà Rê số tiền 90 triệu đồng là quá nặng, đại diện Công an TP. Cần Thơ khẳng định đã áp dụng đúng quy định của pháp luật. Anh Nguyễn Cà Rê có hoàn cảnh khó khăn thì làm đơn gửi UBND TP. Cần Thơ xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo Công an TP. Cần Thơ, căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, tổ chức và cá nhân vi phạm có thể thực hiện các yêu cầu để giảm nhẹ việc nộp phạt như: Đề nghị tiền nộp phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 hoặc đề nghị hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76, hay đề nghị giảm, miễn tiền phạt theo quy định tại Điều 77.
Thượng tá Trần Văn Dương – Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP. Cần Thơ cho biết, qua sự việc này, phía Công an TP Cần Thơ sẽ kiến nghị cấp trên xem xét về việc xử phạt người đi đổi ngoại tệ tại cơ sở không được phép mua bán ngoại tệ.
“Cơ quan Công an TP. Cần Thơ cũng là cơ quan chấp hành pháp luật. Qua sự việc này, chúng tôi sẽ báo cáo về Bộ Công an để có những kiến nghị, bổ sung cho phù hợp đối với hành vị đem bán ngoại tệ ở những cơ sở không được phép mua. Công an TP. Cần Thơ sẽ kết hợp với Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông báo các điểm thu đổi ngoại tệ để người dân biết, tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra”, Thượng tá Dương nói.
THANH TIẾN
Theo VTC
Cái lý 100 USD, cái tình 90 triệu đồng
Quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) của UBND TP. Cần Thơ vì đã đổi 100 USD tại một tiệm vàng không sai về lý. Nhưng còn cái tình?
Đổi ngoại tệ. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Với mức lương thợ điện khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng của mình, ông Rê chưa biết lấy đâu ra 90 triệu đồng để nộp phạt! Mà chẳng riêng gì ông Rê, hàng triệu người sẽ nghĩ rất giản đơn: Bước vào tiệm vàng hay điểm thu đổi nào đó, đưa tờ 100 USD cầm 2,3 triệu đi ra là xong. Chẳng mấy ai biết và dám hỏi tiệm hoặc nơi thu đổi ấy có giấy phép hay không. Trên thực tế, chuyện ấy thường như người ta ra chợ mua rau mua cá.
Một luật sư nói với người viết "Đổi 100 USD được hơn hai triệu đồng mà bị xử phạt 90 triệu, mặc dù đúng về mặt pháp luật nhưng thực sự là chưa hợp lý". Chưa hợp lý đến mức dư luận xôn xao như câu chuyện hài.
Đành rằng quy định nếu vi phạm như ông Rê phải nộp phạt từ 80 đến 100 triệu và ông ấy đã được "xem xét" để ấn định mức 90 triệu nhưng "pháp luật thực tiễn" rất khó chấp nhận người dân phải nộp số tiền quá lớn cho một hành vi không đáng.
Cách đây không lâu, một vụ kiện tranh chấp trong giao dịch ngoại hối giữa hai doanh nghiệp. Trong vụ kiện đó, hai bên doanh nghiệp thỏa thuận giá trị hàng hóa bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng tiền đồng, đây là một cách trao đổi ngoại tệ gián tiếp và vi phạm Pháp lệnh ngoại hối. Tuy nhiên, giao dịch đó sau cùng lại không bị toà án tuyên vô hiệu và họ chẳng bị phạt đồng nào nhưng ông Rê thì mất 90 triệu đồng nếu quyết định trên không thay đổi!?
Luật pháp phải nghiêm minh nhưng hình phạt cũng cần tương xứng. Không thể gộp chung chung trong khung từ 80-100 triệu đồng. Điều đó vừa không sát thực tế, chưa hợp tình và cực kì khó thực thi với những trường hợp như ông Rê. Chỉ có người ít tiền, lâu lâu mới có khoản ai cho tặng mới làm như ông ấy, chứ đại gia hoặc đổi số lượng lớn thì họ đã đến ngân hàng hay dịch vụ đem đến tận nhà.
Giờ đây, 90 triệu đồng đối với người làm công vỏn vẹn 3-4 triệu/ tháng, đó lại là nỗi ám ảnh và chưa chắc gì cơ quan công quyền đã dễ dàng thu được tiền phạt. Mà càng để lâu, càng khó thu và phi thực tế thì sự nghiêm minh của luật pháp càng tổn hại.
Cấm giao dịch ngọai tệ là điều cần thiết với bất cứ quốc gia nào nhưng cần xây dựng những chế tài xử lý, những khung hình phạt với từng hành vi và quy mô giao dịch cụ thể thay vì gộp chung lại trong một quy định xử phạt hành chính như trường hợp ông Rê. Điều ấy cần thiết không chỉ để hợp lý, hợp tình mà còn đảm bảo pháp luật công bằng, nghiêm minh và nhân văn.
ANH ĐÀO
Theo LĐO
Vì sao anh thợ điện đổi 100 đô bị phạt 90 triệu? Ngày 23/10, UBND TP Cần Thơ đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã mang đổi 100 USD tại tiệm vàng. Đồng thời, ông Rê còn bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được. Ông Rê cho biết 100...