Dốc sức cứu hầm lò
Trong khi hàng ngàn công nhân đang làm việc không kể ngày đêm giải cứu các khai trường, hầm mỏ thì dự báo Quảng Ninh tiếp tục đón mưa lớn trong những ngày tới.
Công nhân vận chuyển đường ống bơm nước, cây gỗ để giải cứu và gia cố hầm lò – Ảnh: P.Hậu
Gần một tuần sau trận mưa lớn, khung cảnh tan hoang vẫn bao trùm lên toàn bộ khai trường khai thác than của Công ty CP than Cọc Sáu (P.Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Moong than chìm trong biển nước
Anh Nguyễn Khoa Bằng, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty CP than Cọc Sáu, nói với giọng buồn bã: “Ngày 1.8 hằng năm luôn là ngày vui trọng đại của toàn thể công ty. Theo kế hoạch năm nay, công nhân được phát tiền và dự liên hoan mừng sinh nhật 55 năm ngày thành lập công ty. Trận mưa lớn đã phá hỏng tất cả khiến không còn ai tâm trí nhắc đến bữa tiệc vui vẻ ấy nữa, thay vào đó là sự lo lắng hoang mang. Bởi khi khai trường chưa thể hoạt động đồng nghĩa công nhân không có việc làm, thu nhập”.
Xe chở chúng tôi dừng lại ở mạn phía bắc của moong than, nhìn xuống toàn cảnh khai trường chìm trong biển nước. Phía xung quanh, gần như toàn bộ hệ thống đường sá bị mưa lũ phá hủy. Đoạn bị cuốn trôi, đoạn bị xói lở, đứt gãy. Còn ở những đoạn kiên cố thì bùn đất chảy thành dòng bít lối đi khiến xe không thể vượt qua. Nhiều máy móc bị bùn đất đẩy trôi, nằm chênh vênh bên mép đường chỉ chực chờ rơi xuống biển nước dưới moong than.
Anh Nguyễn Văn Linh, Phó trưởng phòng Kỹ thuật khai thác, cho biết mưa lũ khiến toàn bộ hệ thống phà bơm thoát nước, bơm chuyển tiếp bị hỏng hóc, không thể vận hành. Trong khi đó, đường xuống khu vực đặt phà bơm, bùn đất lấp đầy. Chưa thể khôi phục sản xuất, toàn bộ máy móc thiết bị được trưng dụng làm việc hết công suất để san gạt mở đường, mục tiêu đầu tiên là sửa chữa khôi phục hệ thống phà bơm. “Đáng lo nhất là moong than ở khai trường bị ngập sâu trong nước, hiện mực nước đang ở mức -130 m, theo ước tính tương đương 4,5 triệu m3 nước và phải mất hàng tháng bơm liên tục mới tiêu thoát hết số nước này, đưa các hoạt động khai thác trở lại bình thường”, anh Linh nói.
Xe goòng chứa bao tải cát liên tục được chuyển xuống đường hầm để đắp đập ngăn nước
Phải mất hàng tháng mới khôi phục được hầm lò
Theo báo cáo thiệt hại của Công ty CP than Mông Dương, mưa lũ khiến hàng chục tấn máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ hiện đại phục vụ khai thác than vẫn chìm nghỉm trong các đường hầm và trên 3.000 m đường lò cần phải xử lý khắc phục… Ước tính thiệt hại sơ bộ đã lên tới 670 tỉ đồng.
Trực tiếp chỉ huy công nhân làm việc khắc phục hậu quả mưa lũ, anh Vũ Văn Nam, Phó quản đốc Công trường khai thác 8, Công ty CP than Mông Dương, cho hay dù đã kiểm soát được tình hình phía dưới các hầm lò nhưng cũng không thể chủ quan, vì nước trên bề mặt vẫn chảy xuống đường hầm trong khi dự báo vẫn còn mưa lớn trong những ngày tới.
Video đang HOT
Dốc sức giải cứu các hầm lò, anh em công nhân chia ca làm việc liên tục, không kể ngày đêm với quyết tâm khắc phục thiệt hại với tiến độ nhanh nhất. Nhưng trên thực tế, lượng nước trong hầm lò ngập sâu từ vị trí -250 m đến vị trí -155 m tương đương với độ sâu khoảng 100 m nước. “Dù công nhân đã làm việc cật lực không kể ngày đêm nhưng cũng phải mất hàng tháng để sửa chữa, khôi phục lại hoạt động”, anh Linh nói.
Phan Hậu
Theo Thanhnien
Người dân Quảng Ninh 'oằn mình' sống khổ bởi mưa lụt lịch sử
Trận mưa lụt lịch sử kéo dài trong nhiều ngày ở Quảng Ninh khiến người dân đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn: nhiều người thiệt mạng và bị thương, ô nhiễm môi trường, nhà cửa có nguy cơ mất trắng, đồ đạc hỏng hóc... Điều đáng nói là nguy hiểm về sạt lở đất đá, lụt lội vẫn đang đe dọa do trời tiếp tục mưa.
Bà cụ già hơn 80 tuổi, phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả phải rời ngôi nhà của mình đến tá túc tại địa điểm do chính quyền bố trí và chưa biết ngày nào mới được trở về nhà
Bùi thải ập xuống
Sau trận lũ, đất đá cùng bùn từ bãi thải thuộc công ty CP than Cọc sáu ập xuống phủ kín cả khu dân cư gồm 94 hộ dân (tổ 1 và 2, khu 4, phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả) vào tối ngày 26.7. Mặc dù đều đã thoát chết trong gang tấc nhưng những người dân nơi đây đang phải sống trong tận cùng của lo lắng.
Đang tá túc trong Nhà văn hóa của khu, bà Lê Thị Loan (64 tuổi, ở tổ 1) buồn rầu nói, cả nhà bà 5 người chỉ kịp chạy ra ngoài, toàn bộ đồ đạc, cả tài sản quí giá tích cóp bao năm bị bùn, đất đá chôn vùi hết.
Bùn thải tràn xuống tại tổ 12, khu 2, phường Hà Khánh, TP. Hạ Long khiến người dân nơi đây phải đối mặt với dịch bệnh
Người dân phải sống trong ô nhiễm và bùn thải ngập nhà. Trong ảnh là: Bà nguyễn Thị Minh (53 tuổi, ở tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP. Hạ Long) đang cố dọn dẹp đất đá trước sân nhà
Ông Nguyễn Văn Tâm (74 tuổi, ở tổ 2), cho biết nhà ông gồm 8 người, mấy ngày nay đã đến ở nhờ nhà người em. Hôm xảy ra trận lụt đất đá, ông được các con đưa ra ngoài kịp thời. Các con ông cũng may mắn hơn nhiều nhà khi mang kịp 3 chiếc xe máy trước khi bùn đất vùi lấp tất cả.
"Giờ chúng nó mới có xe mà đi làm không thì khốn khổ", ông Tâm nói!
Sáng 30.7, hai ngày sau khi nước rút, toàn bộ khu dân với vài trăm hộ dân tại tổ 12, khu 2, phường Hà Khánh, TP.Hạ Long lại phải sống chung với bùn đất. Bùn bám dầy trên mặt đường khiến xe máy chạy qua bị ngã liên tục, người đi bộ thì khổ sở vì độ trơn trượt. Bùn đọng đầy trong các nhà dân, bùn phủ lên đồ đạc...
Anh Tô Văn Bình (32 tuổi), phàn nàn, đồ đạc của nhà hỏng sạch, nước rút nhưng bùn kèm rác đọng lại bốc mùi hôi thối kinh khủng. Cũng theo anh Bình, cả nhà anh đã phải... sơ tán ra quán hàng tại khu vực khác.
Người thoát chết, người... đại tang
Trò chuyện cùng phóng viên trong ngôi nhà còn ngập lưng nước, đất đá phủ đầy trước cửa, bà Nguyễn Thị Minh (53 tuổi, ở tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP. Hạ Long) vẫn chưa hết hoảng sợ.
Rạng sáng 28.7, khoảng hơn 4 giờ bà nghe thấy một tiếng động rất lớn tại phía nhà hàng xóm là bà Nguyễn Thị Thược (gia đình có 8 người chết, 1 người bị thương do đất đá đổ xuống làm sập nhà). Bà chạy ra mở cửa nhưng không thể mở được do đất đá đổ xuống chặn ngay cổng ra vào. Nước cũng bắt đầu dâng lên ngập ngang ngực.
Bà hoảng hốt gọi chồng và con trai dậy đồng thời gọi cho hàng xóm đến trợ giúp. Những người xóm phải mất gần 1 giờ đồng hồ mới mở được cửa đưa cả 3 người nhà bà thoát ra ngoài. Theo bà Minh, tuy may mắn thoát chết nhưng ngôi nhà bà ở bị nứt toác, nước vẫn ngập trong nhà nên cả gia đình phải đi ở nhờ hàng xóm.
Chỉ lên dòng nước vẫn đang ào ào chảy xuống từ trên đồi và đất đá lấp đầy đường đi, bà Minh lo sợ nếu mưa xuống nữa nhà bà sẽ sập hoàn toàn. Và dù chỉ là ngôi nhà nhỏ nhưng đó là thànnh quả của bao năm cần cù làm việc của vợ chồng bà. Mất nhà, gia đình bà sẽ chẳng biết đi về đâu.
Người dân ở tổ 1 và 2, khu 4, phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả đang cố mang theo các vật dụng gia đình ra khỏi nhà dù chẳng được là bao
Chiều 29.7, Nhà tang lễ của bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chật kín người đến viếng 8 nạn nhân trong gia đình bà Nguyễn Thị Thược. Ai cũng xót xa khi nhìn 8 di ảnh đạt cạnh 8 chiếc quan tài. Người con trai út của bà Thược là người duy nhất còn sống là anh Cao Sĩ Tiến đã không đến được đám tang vì đang bị thương tích nặng phải điều trị tại bệnh viện.
Anh cũng chưa hề biết cả gia đình đã chết thảm trong đống đất đá do họ hàng giấu vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Không chỉ gia đình bà Thược, một số gia đình khác cũng đã chịu cảnh đau thương do người thân thiệt mạng và bị thương do trận mưa lụt gây ra.
Nhiều người dân đã rơi nước mắt tại đám tang tập thể 8 người trong một gia đình
Người duy nhất sống sót trong vụ sập 3 ngôi nhà, 8 người bị thiệt mạng tại tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng đang điều trị tại bệnh viện ĐK tỉnh
Em Phạm Văn Tuấn (16 tuổi, ở phường Cao Xanh, TP. Hạ Long) đã phải nhập viện do đất đá sạt lở tràn vào nhà đè xuống chiếc giường em đang ngủ khiến em bị thương vào đêm 27.7
Bùn đất phủ hết đường đi, tràn cả vào nhà dân tại tổ 1 và 2, khu 4 phường Mông Dương
Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này (30.7), tổng số người chết trên địa bàn tỉnh là 17 người. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra tính đến nay ước trên 1.500 tỷ đồng, trong đó ngành Than thiệt hại 500 tỷ đồng.
Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trích ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. Hỗ trợ các trường hợp bị chết do ảnh hưởng của mưa lũ theo mức 6 triệu đồng/người chết; hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng và hỗ trợ 3 triệu đồng/người .định hỗ trợ 50 triệu đồng/1 hộ, đồng thời ưu tiên trước đối với những gia đình hộ nghèo bị sập nhà hoàn toàn.
Chiều 29.7, tại TP Hạ Long, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức phát động ủng hộ khắc phục thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh những ngày qua.
Linh Linh
Theo Thanhnien
Tình người trong mưa lũ ở đảo Cô Tô Vẫn mắc kẹt trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) sau 7 ngày mưa gió, nhưng với Phương Mai chuyến du lịch đầu đời này thật ý nghĩa bởi lúc khó khăn cô đã nhận được sự giúp đỡ chân tình từ chủ nhà trọ và cư dân trên đảo. Mưa to, gió mạnh liên tục chia cắt huyện đảo Cô Tô với đất...