Độc lạ những đặc sản ngon khó cưỡng từ ngô của người Mông ở Cao Bằng
Đối với đồng bào vùng cao, ngô là cây lương thực chính. Từ hạt ngô, người Mông đã chế biến thành nhiều món ăn độc đáo với hương vị đậm đà, khó quên.
Mèn mén là món ăn chính hằng ngày của người Mông.
Là một trong những món ăn phổ biến và đặc trưng nhất, được coi như đặc sản trong văn hóa ẩm thực của người Mông, đó là mèn mén. Để có được món mèn mén thơm ngon phải trải qua khá nhiều thời gian và công đoạn phức tạp. Ngô sau khi thu hoạch về được tách lấy hạt, rồi đem xay, dùng sàng lọc bỏ các hạt ngô to và vỏ ra ngoài chỉ lấy bột mịn.
Để trộn được bột ngon, đủ độ không bị vón hay quá khô, người Mông phải tính toán lượng nước cho phù hợp, vì nếu như bột khô quá khi hấp sẽ rất khó chín, còn nếu như bột quá vón thì món ăn trở lên nát, không ngon miệng. Bột ngô sau khi được trộn đều, tơi cho vào chõ hấp hai lần. Thời gian hấp lần thứ nhất tùy vào từng loại ngô, nếu là ngô non thì chỉ sau khi nước trong chảo sôi, hơi bốc nhiều trên miệng chõ là được, nếu là bột ngô già thì cần thời gian lâu hơn. Do đồ lần đầu tiên chưa chín hẳn nên vẫn phải cho thêm một lượng nước vừa đủ và đảo đều tay để bột không bị vón. Khi thấy bột tơi trở lại thì tiếp tục cho vào chõ để đồ lần hai, cũng là lần cuối cùng, giữ lửa vừa đủ để mèn mén chín đều.
Mèn mén khi chín có hương vị thơm ngon đậm đà. Do là món ăn khô (khá giống bột làm bánh khảo) nên mèn mén thường được ăn kèm với một số món canh, như: rau bí, rau cải, canh xương, canh gà, canh bò… tạo hương vị thơm ngon, đậm đà. Mèn mén được người Mông làm quanh năm, là món ăn chính tại phần lớn các gia đình người Mông.Ngoài mèn mén, bánh dày ngô cũng là món ẩm thực đặc trưng của người Mông. Để làm bánh, đem hạt ngô già ngâm trong nước khoảng 30 phút, sau đó xay nhỏ, tách bỏ vỏ và mày ngô. Tiếp đó mang đi đồ chín rồi đem giã, khi ngô vẫn còn nóng thì nặn bánh thành miếng hình tròn to bằng bàn tay. Để tạo vị thơm ngon, lấy vừng rửa sạch, rang trên chảo gang, đem về giã qua rồi lăn chung vào bánh. Bánh ăn ngon khi còn nóng, có thể chấm với đường phên đun tan chảy tạo thành hương vị rất riêng biệt không lẫn với loại bánh nào khác.
Video đang HOT
Độc đáo bánh dày ngô của người Mông.
Nói đến ẩm thực của người Mông không thể không nhắc đến rượu ngô. Người Mông thường dùng các giống ngô địa phương, chủ yếu là ngô tẻ để nấu rượu.
Chính nhờ hương vị đặc trưng của giống ngô địa phương, kết hợp loại men lá đặc biệt, cùng với kỹ thuật ủ rượu, chưng cất rượu được đúc kết qua nhiều thế hệ mà người Mông đã cho ra một loại rượu có hương vị đậm đà riêng của mình, không lẫn với các loại rượu khác.
Rượu ngô là thức uống được người Mông sử dụng hằng ngày và không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết để cúng tổ tiên, mời anh em, con cháu, bạn bè đến chơi nhà.
Những năm gần đây, khi kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của đồng bào Mông trong tỉnh cũng dần đổi thay và được nâng cao hơn. Nhiều gia đình người Mông đã dùng gạo làm lương thực nhiều hơn để thay cho ngô nhưng với đồng bào Mông, các món ăn chế biến từ hạt ngô vẫn là những món ăn truyền thống khẳng định giá trị văn hóa độc đáo từ lâu đời và là thứ không thể thiếu được trong các dịp lễ, Tết hay vào các buổi chợ phiên.
Theo Trúc Linh (Báo Cao Bằng)
Thông điệp từ Lũng Cú
Có người từng bảo, chưa lên cao nguyên đá thì xem như chưa đến Hà Giang
Còn tôi lại cho rằng, chưa lên Lũng Cú, chưa được chạm tay vào cột mốc quốc gia thiêng liêng nơi cực Bắc Tổ quốc thì coi như chưa đến cao nguyên đá. Nói vậy để thấy rằng, Lũng Cú có ý nghĩa đặc biệt, là điểm hẹn kỳ diệu đối với muôn dân đất Việt.
Tháng 10, đất trời cao nguyên đá dường như lúc nào cũng phủ màn sương mù đặc quánh, đến độ chỉ cách nhau vài mét mà không thể nhìn rõ mặt nhau. Chúng tôi nghỉ đêm ở thị trấn Đồng Văn sau hành trình dài vượt dốc, đổ đèo với cả nghìn khúc cua tay áo. Đoàn lên kế hoạch hôm sau đi Lũng Cú từ sớm để chứng kiến chợ phiên Ma Lé họp ven đường với đủ sắc màu của đồng bào các dân tộc nên ai cũng háo hức và rất đúng hẹn.
Quãng đường từ Đồng Văn lên Lũng Cú dài chừng 24 cây số, chiếc xe dò dẫm từng mét đường trong sương sớm. Mải mê với văn hóa chợ phiên ở Ma Lé nên đoàn đặt chân đến Lũng Cú khi trời đã hửng nắng, sương tan dần và cái giá lạnh miền sơn cước cũng phần nào vơi bớt.
Cột cờ Lũng Cú nhìn từ trên cao.
Du khách chụp ảnh kỷ niệm trên cột cờ Lũng Cú.
Nhìn từ xa, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió đầy kiêu hãnh trên cột cờ Lũng Cú, tâm trạng ai cũng thấy xúc động và quá đỗi tự hào, đó như một phần thưởng, sự đền đáp xứng đáng sau hành trình gian nan bởi đèo cao, vực thẳm. Thì ra Lũng Cú là đây, cột cờ sừng sững trên đỉnh núi Rồng là đây-nơi mà biết bao người từng ước ao một lần được đến.
Xung quanh núi Rồng là các bản làng của người Lô Lô, người Mông, người Giáy ẩn hiện qua lớp sương mờ, những nếp nhà trình đất, lợp ngói âm dương nâu trầm óng ả, một khung cảnh thật yên bình biết mấy. Bếp khói ngút lên từ các gia đình đồng bào tạo cho du khách thêm cảm giác ấm áp ở miền biên viễn vốn rất lạnh vào mỗi mùa đông.
Cô gái dân tộc Giáy thuyết minh tại Di tích quốc gia cột cờ Lũng Cú có tên là Lục Quỳnh Anh còn rất trẻ và duyên dáng. Quỳnh Anh mới tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhận công tác về đây chưa lâu. Vừa dẫn đoàn leo qua những bậc đá, cô gái trẻ vừa hăng say giới thiệu về truyền thống, những phong tục tập quán, cội nguồn bản sắc, về quê hương và đặc biệt là cột cờ Lũng Cú.
Cô gái tự hào kể: Lũng Cú tiếng Mông gọi là Lũng Ngô (tiếng Mông "cú" có nghĩa là "ngô"). Còn đồng bào Lô Lô thì gọi Lũng Cú là Long Cư-nơi rồng ở (theo phiên âm tiếng Hán). Đồng bào còn âm vang mãi những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại rằng: Khi xưa, thấy nơi đây non cao cảnh đẹp, rồng tiên xuống thưởng lãm nhưng vì chứng kiến cuộc sống của người dân còn nhọc nhằn, phải canh tác trên núi đá tai mèo, nước ăn cho con người không đủ huống chi nước sản xuất cho cây trồng, vật nuôi.
Thương cảm với đồng bào, rồng tiên đã để hai con mắt tại nơi này. Và hai mắt rồng đã hóa thành hai hồ nước ở chân núi, người dân vẫn gọi là "long nhãn" (mắt rồng). Một hồ nước của làng Thèn Pả (làng của dân tộc Mông) và một hồ của làng Lô Lô Chải (của người Lô Lô). Điều kỳ diệu là nước ở hai hồ này không bao giờ cạn, nguồn nước ấy tiếp thêm sức sống mạnh mẽ hơn cho đồng bào trên miền đá quanh năm khô cằn.
Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng, bước qua 839 bậc đá, đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt thấy cả một vùng giang sơn cẩm tú của Việt Nam. Ngước nhìn lên, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc đang tung bay trong gió-biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Một cảm giác đầy tự hào, xúc động đến khó tả khi được chạm tay vào cột mốc quốc gia nơi cực Bắc biên cương được mệnh danh là "nóc nhà của Việt Nam".
Tương truyền rằng khi xưa, Lý Thường Kiệt hội quân về trấn ải vùng đất biên thùy này, đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền. Sử cũ cũng chép: Thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược phương Bắc đã nhận ra tầm quan trọng của vùng đất này nên cho xây dựng đồn gác, ông cho đặt một trống đồng, mỗi canh giờ được đánh lên 3 hồi, tiếng trống vang xa để khẳng định chủ quyền.
Sau này, lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam cho cắm cột cờ trên đỉnh núi Rồng bằng cây sa mộc và kiên cường ngày đêm đóng chốt, thầm lặng bảo vệ từng tấc đất của cha ông để lại. Sau nhiều lần trùng tu, cột cờ ngày nay được xây dựng hình bát giác, có chiều cao 33,15m, xung quanh thân cột gắn hình 8 mặt trống đồng ông Sơn và dưới chân cột cờ là 8 tấm phù điêu minh họa cho các thời kỳ lịch sử của đất nước.
Ngày nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách, đầu tư hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hồ nước thủy lợi, bể nước sinh hoạt tại các gia đình... cuộc sống của đồng bào vùng cao nguyên đá nói chung, ở Lũng Cú nói riêng phần nào bớt đi những nhọc nhằn. Cái đói, cái nghèo rồi sẽ dần đi vào quá khứ.
Đặc biệt, đồng bào Mông, Lô Lô, Giáy... vốn chỉ quen gắn bó với nương ngô trên núi đá tai mèo thì nay bắt đầu biết chuyển sang làm du lịch cộng đồng để khơi dậy tiềm năng mạnh mẽ. Ở bản Lô Lô Chải, nhiều gia đình đã đầu tư và cung cấp dịch vụ homestay. Ngoài cho thuê phòng nghỉ, một số gia đình còn nấu các món ăn truyền thống phục vụ du khách, họ trồng hoa tam giác mạch để du khách chụp ảnh...
Chúng tôi hiểu rằng, để lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trên đỉnh núi Rồng là biết bao giọt mồ hôi, sự mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và người dân nơi đây. Lá cờ ấy luôn gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân nơi đây, góp phần mang lại bình yên, bảo vệ vững chắc bờ cõi mà cha ông bao đời gây dựng, giữ gìn.
Bài và ảnh: ĐÔNG KHÁNH
Theo qdnd.vn
Nam thanh nữ tú tái hiện tục vỗ mông tỏ tình của người Mông "Vỗ mông" là một phong tục văn hóa có từ lâu đời của đồng bào Mông huyện Mèo Vạc, Hà Giang, phong tục này được tái hiện ở Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Theo vtc.vn