Độc dược của… phim Việt
Rõ ràng, hàng loạt phim Việt trong 2 năm 2014-2015 cho thấy một xu hướng chưa rõ nét, nhưng thiếu lành mạnh trong phim Việt, bởi quá nhiều cảnh sex và bạo lực.
Độc dược hay thiếu tính nhân văn?
Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII do Bộ VHTTDL tổ chức tháng 11.2014, một câu hỏi được đặt ra: Sau 15 năm, chúng ta có những tác phẩm nào để đời, chói sáng, đạt tới đỉnh cao mà nhìn vào đó ta cảm thấy tự hào về nền nghệ thuật nước nhà?
Hy sinh đời trai – là dạng hài tạp kỹ, chưa xứng là phim điện ảnh. Ảnh: T.L
Trong lĩnh vực phim điện ảnh Việt, gần như không có tác phẩm nào chói sáng, như một tác phẩm giàu giá trị nhân văn và hướng tới hiệu quả xã hội tích cực, cho dù có khá nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Phải chăng đa phần phim Việt chưa làm tròn chức năng thẩm mỹ và nhân văn?
Nhìn lại những phim Việt được sản xuất và công chiếu trong 2 năm 2014 – 2015, thấy rõ ràng sự nghiêng lệch, ngoại trừ những phim lịch sử cách mạng hay về nhân vật lãnh tụ do Nhà nước đặt hàng, đại đa số phim nói về cái ác tồn tại qua những thể loại hài, bạo lực, kinh dị, tâm lý, viễn tưởng…
Từ tháng 1 – 9 năm 2015, gần 30 phim Việt ra rạp, và theo dự kiến đến cuối năm thêm khoảng 10 phim nữa sẽ được công chiếu trên màn ảnh rộng. Nhìn danh mục phim, có thể hình dung ra phần nào: Quý tử bất đắc dĩ, Ngày nảy ngày nay, Siêu nhân X, Hợp đồng bắt ma, Tây du ký hậu truyện, Đập cánh giữa không trung, Sơn đẹp trai, Ma dai, Oan hồn, Ngủ với hồn ma, Quyên, Bộ ba rắc rối, Hy sinh đời trai, Con ma nhà họ Vương, Tình xuyên biên giới, Em là bà nội của anh, 49 ngày…
Video đang HOT
Công thức để câu khách đến rạp, từ mấy năm trước là: Hotboy Hotgirl hài hành động tâm lý – tình cảm, sang tới 2014 – 2015 nặng đô hơn là: Sex giang hồ với chiêu dán nhãn 16 , 18 . Đầu năm 2014, danh mục phim chiếu Tết Nguyên đán 2014 và các dự án phim trong năm nổi bật vẫn là hài bạo lực kinh dị theo dòng phim thị trường. Đến gần cuối năm, gần như đồng loạt, tháng 10.2014 cả 3 phim Việt ra rạp đều dán nhãn 16 : Hương Ga, Lạc giới, Bước khẽ tới hạnh phúc. Poster in đậm chữ 16 màu đỏ, nhiều trailer PR cho phim tung ra có đến 70% thời lượng là cảnh nóng và bạo lực diễn tả những pha đánh đấm, chém giết, đấu súng, đan xen những cảnh cưỡng hiếp và làm tình…
Đến năm 2015, nhiều phim thuộc dòng nghệ thuật là những dự án phim được nhà nước đầu tư cho các ngày lễ kỷ niệm lớn, hay của một số hãng phim tư nhân sản xuất, và các phim độc lập được ghi nhận ở các liên hoan phim quốc tế. Nhưng phim mang nội dung giáo dục lịch sử thì cách làm xưa cũ, khô cứng, áp đặt, tình tiết trong phim chỉ là minh họa một số sự kiện trong lịch sử, hay miêu tả lại sự việc một cách cứng nhắc, không thích hợp với khán giả trẻ. Các phim nghệ thuật khác thì số phim sâu sắc chỉ đếm đầu ngón tay, còn thì hoặc hời hợt hoặc xa lạ không mang hồn cốt Việt. Những dự án phim khác như Nước (2030) chưa biết bao giờ ra rạp vì khó xem, kén khán giả (nhận xét của giám khảo giải Cánh diều 2014)…
Riêng phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được quảng bá rầm rộ, làm nổi sóng phòng vé thì đang gây tranh cãi về đạo đức tuổi vị thành niên, bởi trong phim nhiều cái ác. Thiều là nhân vật trung tâm, được xây dựng với hình ảnh ác độc, nhỏ nhen, tàn nhẫn, ích kỷ. Đặc biệt, 3 màn ác nhất có thể làm khán giả phải rùng mình: Khi Thiều thua trong trò chơi ném đá của bọn trẻ làng quê, bèn bày mưu cho em trai đến gần rồi ném viên đá vào trán khiến thằng em chảy máu; Khi Thiều để ông hàng xóm bắt mất con cóc – thế giới tưởng tượng tuổi thơ của đứa em trai, chỉ vì nó đố kị và ghen tức; Khi Thiều ra đồng mót khoai trở về trong trận đói sau cơn lũ và tình cờ nghe lỏm cuộc đối thoại giữa Tường và Mận đang chia nhau mấy miếng thịt gà (trong tưởng tượng), dường như không còn chút lí trí, lao vào nhà vác cái gậy gỗ rồi phang tới tấp vào lưng em trai…
Nhiều phim Việt như một loại độc dược
Rõ ràng, hàng loạt phim Việt trong 2 năm 2014-2015 cho thấy một xu hướng chưa rõ nét, nhưng thiếu lành mạnh trong phim Việt, bởi quá nhiều cảnh sex và bạo lực. Phim hành động Việt thường có một nội dung rất sơ sài, ý tưởng nhạt nhòa, cũng theo kiểu Thiện – Ác và cái Thiện sẽ thắng cái Ác, nhưng nó không đi đến tận cùng, mà cứ nửa vời, để rồi kết của phim gây cho người xem cảm giác bất an thường trực một khi ra khỏi nhà, bởi con người hành xử bằng luật giang hồ mà chẳng có ai có thể bảo vệ.
Thiếu đi tính nhân văn, người xem chỉ cảm thấy ghê sợ mà không thấy được tình người trong đó. Còn những cảnh sex trong phim Việt càng ngày càng bạo liệt, trần trụi, rơi vào chủ nghĩa tự nhiên thô thiển, kể cả những cảnh sex đồng tính cũng bị lạm dụng trong nhiều phim như một trào lưu đang mốt, chưa kể những cảnh tình dục có tính bệnh hoạn, ẩn ức giới tính không bình thường…
Nếu nhìn vào phần lớn phim Việt hiện tại, khó nói điện ảnh nước nhà có tính thẩm mỹ cao, mang tính nhân văn, giáo dục chân – thiện – mỹ cho cộng đồng. Ngược lại, có thể nói, nhiều phim Việt như một loại độc dược dù độc tính không cao, nhưng nếu cứ mãi đầu độc bằng các loại phim theo công thức sex giang hồ hài nhảm kinh dị… như hiện tại, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, nhân cách văn hóa cộng đồng, nhất là giới trẻ – những người chiếm đại đa số khán giả phim Việt.
Theo Nhóm phóng viên/Báo Lao Động
Dòng chảy lạc của phim nghiêm túc
Đã qua rồi thời phim Việt hễ ra rạp phải là những tác phẩm điện ảnh thực thụ, nhiều phim giờ đây đem lại cảm giác chỉ là "phim chiếu rạp" bởi sự đơn giản, hời hợt..
Sự ra đời của những bộ phim được đầu tư công phu, đàng hoàng nhưNước 2030, Quyên hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trở nên lẻ loi giữa dòng chảy.
Sau nhiều lần dời lịch phát hành, bộ phim Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) đã ra mắt công chúng ngày 19/6 vừa qua. Tuy chưa chuyển tải hết cái hay, cái khốc liệt mà người ta trông chờ từ tiểu thuyết Quyêncủa nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhưng Quyên là một bộ phim đàng hoàng, đúng nghĩa một tác phẩm điện ảnh chứ không phải là những sản phẩm "truyền hình hóa" phim rạp ra mắt nhan nhản thời gian qua.
Quyên đã ngốn mất của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và nhà đầu tư BHD không ít thời gian và tiền của: gần bốn năm đi về giữa Viêt Nam và Đức để thu thập thực tế, ghi hình gần hai tháng, trong đó có hai tuần quay ở Đức, hơn 20 tỷ đồng đã bỏ ra. Những con số này quả thật rất xa xỉ so với nhiều bộ phim chiếu rạp có tốc độ ghi hình gói gọn chỉ một tháng, vốn đầu tư dưới chục tỷ đồng.
Nếu như cả năm 2014, tổng số phim Việt phát hành vào khoảng hơn 20 phim thì chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm nay, đã có 20 phim nội ra rạp. Hơn phân nửa số đó là phim hài, 1/4 là phim có yếu tố kinh dị, ma quái. Yếu tố điện ảnh trong những tác phẩm hài, ma này gần như không có, thể hiện rõ nét nhất ở việc cảnh trí sơ sài, góc máy nghèo nàn, ánh sáng kiểu "sáng mặt ăn tiền", âm thanh "có gì xài nấy", thoại áp đảo ngôn ngữ hình ảnh.Dù vậy, nhiều phim lại đạt doanh thu khả quan như Ma dai thu hơn 20 tỷ đồng sau một tuần trình chiếu, Lật mặt thu 25 tỷ đồng cũng trong ngần ấy thời gian, Hợp đồng bắt ma cũng dễ dàng chạm mốc 20 tỷ đồng...
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, một trong những phim được mong chờ trong năm nay.
Sự gia tăng các cụm rạp tư nhân, quy định tỷ lệ phim Việt chiếu rạp khiến phim nội giờ đây dễ dàng tìm được đầu ra chứ không còn chật vật như trước, kéo theo phong trào "nhà nhà làm phim, người người làm phim".
Ca sĩ, người mẫu, danh hài, ai cũng có thể bỏ tiền ra làm phim, nhiều hãng phim mới ra đời, nhiều đạo diễn tên tuổi lần đầu mới nghe. Mẫu số chung của những sản phẩm này là kinh phí khiêm tốn, hướng đến thể loại ăn khách hoặc hài hoặc kinh dị miễn rút ngắn thời gian, thu hồi vốn càng nhanh càng tốt.
Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó giám đốc Công ty BHD: "Ở nước ngoài, doanh thu phòng vé chiếm 60-70% tổng doanh thu, còn lại đến từ DVD, phát sóng trên truyền hình, nhưng ở Viêt Nam doanh thu nằm 100% ở chuyện bán vé".
Đó cũng là lời giải đáp cho câu hỏi vì sao ngoài rạp tràn ngập những phim Việt theo ba tiêu chí: dễ làm, dễ xem và dễ quên. Chỉ những đơn vị đầu tư nào nếu không thuộc hạng "đại gia" thì hoặc phải thực sự tâm huyết hoặc muốn lấy tiếng, mới đủ dũng khí bỏ qua những phim hài nhảm, nặng tính giải trí để tập trung cho dự án "đinh", khó làm, khó bán vé.
Nếu đạo diễn của phim Quyên không phải là ông chủ của đơn vị đầu tư BHD, hẳn còn lâu công chúng mới được thưởng thức cuốn tiểu thuyết này qua ngôn ngữ hình ảnh. Nếu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không phải do Cục Điện ảnh bỏ tiền đặt hàng Galaxy sản xuất, có lẽ khó có hãng phim nào dám chi hơn 20 tỷ đồng để chuyển thể cuốn truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những nhà sản xuất nhỏ như Saigon Media làm phim Nước 2030 hay Coco Paris làm phim Dịu dàng là những trường hợp hiếm hoi, đáng trân trọng.
Sự xuất hiện của Dịu dàng, Nước 2030, Quyên, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh phần nào làm sáng sủa thêm cho bộ mặt điện ảnh Việt nhưng vẫn chưa thể làm người ta yên tâm. Ngoại trừ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhđến tháng 10 ra mắt, những phim nghiêm túc đã công chiếu như Dịu dàng hay Quyên có đời sống khá lặng lẽ ở các cụm rạp, thể hiện qua số suất chiếu thưa thớt.
Phim Nước 2030 dù đã hoàn tất khá lâu và chu du qua nhiều liên hoan phim quốc tế nhưng đến giờ vẫn chưa có lịch phát hành ở Viêt Nam. Một khi những bộ phim đàng hoàng, được đầu tư lớn không thể trụ được lâu ở rạp chiếu thì rất khó để kích thích sự làm nghề tự trọng, sáng tạo của những người làm phim.
Theo Hương Nhu/Phụ Nữ Thành Phố
Sau 'Hoa vàng cỏ xanh', phim Việt sẽ đẹp theo cách mới? Quay phim nổi tiếng Lý Thái Dũng cho biết, trong bộ phim "Cha cõng con" vừa hoàn tất, anh có nhiều quan điểm tương đồng về mặt hình ảnh với "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". - Xin được bắt đầu câu chuyện bằng bộ phim Việt đang được nói đến nhiều nhất, đang có doanh thu hứa hẹn nhất đó là,...