Độc đáo ý tưởng che chắn toàn thân 360 độ kèm diệt khuẩn bằng tia UV
Với sự giúp sức của công nghệ, chúng ta giờ đây hoàn toàn có thể chế tạo ra những thiết bị có khả năng bảo vệ, kháng khuẩn tốt hơn và toàn diện hơn so với chỉ một chiếc khẩu trang.
Một concept đầy sáng tạo và thú vị mới đây đã được Sun Dayong, kiến trúc sư người Trung Quốc nghĩ ra nhằm bảo vệ người dùng tránh khỏi sự lây nhiễm của Covid-19.
Đây về cơ bản là một lớp bảo vệ có cấu trúc giống như một tấm lá chắn bao quanh cơ thể chúng ta, giúp bảo vệ 360 độ khỏi virus corona.
Ý tưởng thú vị này đã được Sun Dayong lấy cảm hứng từ con dơi. Theo đó, thiết bị sẽ có hai lá chắn giống như hai cánh của con dơi và khi ghép lại, nó sẽ tạo ra một tấm lá chắn để bảo vệ người đeo khỏi mọi tác động của môi trường ngoài. Thậm chí, Dayong còn vui tính đặt tên nó là giáp của “Batman”.
Mặc dù trông khá cồng kềnh, nhưng người ra ý tưởng cho biết do sản phẩm được cấu thành từ vật liệu carbon fiber, nhựa PVC, nên sẽ có khối lượng nhẹ vừa đủ, có thể khoác vào vai giống như một chiếc ba lô và di chuyển một cách bình thường.
Phía bên trong lớp cánh này còn được tích hợp một hệ thống sát khuẩn bằng tia UV, giúp ngăn ngừa các loại virus có khả năng lây lan qua không khí.
“Sự bùng phát của virus Corona đã làm mọi người mất đi cảm giác an toàn và họ cần một không gian tách biệt với thế giới xung quanh”, Dayong cho biết.
Rất đáng tiếc rằng lá chắn “Batman” vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn ý tưởng. Dù vậy vị kiến trúc sư người Trung Quốc vẫn đang hoàn thiện thiết kế bản mẫu, và hy vọng một nhà sản xuất nào đó sẽ hứng thú và hiện thực hóa ý tưởng này.
Nguyễn Nguyễn (dantri.vn)
Video đang HOT
Việt kiều Ý kể từ tâm dịch Covid-19: 'Tôi đang ở nhà, tất cả rồi sẽ ổn!'
Từ nước Ý, cộng tác viên của Thanh Niên, Nguyễn Anh Huy, sống ở Roma đã gửi một bài viết tường thuật về tình hình dịch bệnh của nước Ý đang làm hơn 1.000 người tử vong và cuộc sống người Việt ở nơi đây, nơi được xem là tâm dịch Covid-19 hiện nay trên thế giới với số ca nhiễm tăng chóng mặt.
Tác giả và đường phố vắng vẻ, quảng trường rất ít người qua lại
Một đất nước nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê Covid-19 dễ khiến người ta thất vọng, cũng dễ cám dỗ người ta viết, đọc và chia sẻ fake news (tin giả).
"Io resto a casa"- Tôi đang ở nhà
Đó là tên của một sắc lệnh được ban bố trên toàn nước Ý, hay đúng hơn - một lời mời gọi trong mùa dịch: "Io resto a casa, fallo anche tu" (Tôi đang ở nhà, bạn cũng thế nhé!).
Đường phố Roma chỗ tôi ở vắng tanh, người dân hạn chế ra đường có lẽ không phải vì sợ mà vì muốn chung tay chống lây lan dịch bệnh. Người Ý ở lại nhà của họ, chứ không hốt hoảng bỏ trốn gây náo loạn. Họ chỉ ra đường khi có việc thực sự cần thiết (công việc, sức khỏe), dù là di chuyển nội thành hay liên vùng. Họ khá chủ động tránh tụ tập chỗ đông người và giữ khoảng cách cần thiết.
Đường phố Roma chỗ tôi ở vắng tanh, người dân hạn chế ra đường có lẽ không phải vì sợ mà vì muốn chung tay chống lây lan dịch bệnh
Hình như người Ý có kiểu lo lắng riêng và cũng có kiểu lạc quan riêng. Hiếm khi thấy họ chen lấn hay tranh giành. Họ trữ đồ đủ dùng chứ không gom hàng, đầu cơ.
Dạo đầu hầu như không ai đeo khẩu trang. Một số cho rằng ai bệnh thì mang khẩu trang để tránh lây cho người khác, ai không bệnh thì được quyền tự do hít thở, rửa tay sạch đủ rồi. Họ lạc quan đến mức bỏ qua trường hợp "xui xui" có ai đó đứng gần quên mang khẩu trang hắt xì hơi thẳng vào mặt không kịp che chắn.
Chính quyền ra những quy định khắt khe hơn để quản lý việc đi lại và tụ tập, họ khá dứt khoát, nhanh nhạy và mạnh tay, nhưng vẫn chừa chỗ cho tự do của người dân. Hoạt động nào cần ngưng thì ngưng (lễ hội, trường lớp, hòa nhạc...) chỗ nào cần đóng cửa thì đóng (bar, pub, thẩm mỹ viện, tiệm kem, nhà hàng, chợ trời, tiệm hớt tóc...).
Cái gì vẫn nên duy trì thì duy trì (cửa hàng lương thực, nhà thuốc, sạp báo, cửa hàng nhu yếu phẩm; dịch vụ giặt ủi, ma chay; căn tin, trạm xăng...). Giao thông, nông nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm và dịch vụ bưu chính được đảm bảo hoạt động bình thường.
Giáo hội Công giáo cũng hợp tác tối đa trong khả năng có thể: Tạm ngưng Thánh lễ và các hoạt động tập trung đông giáo dân. Đức Thánh Cha Phanxicô dâng Thánh lễ hằng ngày tại Nhà nguyện Thánh Marta và cho phép lên sóng trực tiếp cho các tín hữu gần xa thông qua mạng. Giáo phận Roma cũng đã ban hành chỉ thị riêng, tuyên bố đóng cửa tất cả các nhà thờ, ngay cả để cầu nguyện riêng, cho đến ngày 3.4.2020.
Đức Hồng y khuyến khích tín hữu tuân thủ các biện pháp cách ly của chính phủ Ý và ở trong nhà. Luật buộc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật được miễn trừ. Các Thánh lễ vẫn bị đình chỉ.
Trong đêm, người Ý rủ nhau ra đứng ở cửa sổ hay ban công, thay vì kêu la hay ta thán, họ hát hò, đàn địch kèn sáo cùng nhau. Họ rủ nhau vỗ tay để cảm ơn và chúc mừng nỗ lực của bao người, đặc biệt là lực lượng y tế trong những ngày gian khó đang qua.
Lệnh phong tỏa khiến người dân ý thức và tin tưởng hơn là bức bối và rối bời. Họ an ủi và giúp đỡ nhau bao nhiêu có thể. Họ biết tâm lý ổn định và tinh thần thoải mái tác động tốt thế nào đến hệ miễn dịch và việc phòng chữa bệnh.
Trong khi lệnh phong tỏa về mặt địa lý tưởng chừng khiến các vùng miền trên nước Ý thêm xa cách, thì trong tâm hồn họ, người ở Roma, Milano, Sicilia, Napoli, Venezia, Firenze, Toscana, Genova... đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Có vẻ như người Ý đang bắt đầu có và sống cảm thức thuộc về một mái nhà chung mang tên Italia - "Io resto a casa" (Tôi đang ở nhà).
Mấy tuần nay, người Việt ở Ý người chia sẻ vật chất lẫn thông tin, nâng đỡ nhau nhiều hơn - Ảnh: Nguyễn Anh Huy
Người Việt ở Ý: Đồng sức, đồng lòng
Mấy tuần nay, người Việt ở Ý người chia sẻ vật chất lẫn thông tin, nâng đỡ nhau nhiều hơn. Chẳng hạn, Hiệp hội Doanh nhân Người Việt tại Ý (Assoevi) tặng 1.000 khẩu trang cho cộng đồng người Việt, sẵn sàng hỗ trợ về mặt vật chất cho du học sinh Việt Nam khó khăn, cung cấp thêm hotline 39 389 2842999 để đồng hành về thủ tục pháp lý...
Trên dưới 4.000 người Việt, chủ yếu là du học sinh, Việt kiều và tu sĩ, sống ở khắp miền nước Ý dành cho "đất nước hình chiếc ủng" tấm thịnh tình đáng cảm động như đang ở tại nhà mình! "Io resto a casa" (Tôi đang ở nhà) - Ý đã và đang trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi.
Tôi tin, với ý thức và tấm lòng của người dân, nước Ý sẽ kiên cường vượt qua đại dịch - Ảnh: Nguyễn Anh Huy
Thật đáng trân trọng những nỗ lực dịch thuật tự nguyện đóng góp thông tin về tình hình nước Ý cho cộng đồng người Việt xa quê, cũng như cho giới truyền thông quê hương; phải kể đến Hội Sinh viên Việt Nam tại Italia (ASVI), hay Group "Cập nhật tin tức COVID-19 tại Ý" - nơi tôi vẫn theo dõi, cộng tác và cập nhật thông tin.
Thế mới thấy dù thân xác có đặt trên đất Ý, trái tim anh chị em vẫn hướng về Việt Nam, hiệp thông với nỗi bận tâm, lo lắng của quê hương - "Io resto a casa" (Tôi đang ở nhà).
"Andrà tutto bene"- Tất cả rồi sẽ ổn!
Tôi tin, với ý thức và tấm lòng của người dân, nước Ý sẽ kiên cường vượt qua đại dịch. Trong gian lao Ý sẽ học được nhiều bài học và có quyền tự hào. Thông tin chính thống từ các bác sĩ và bệnh viện Ý cho thấy tình hình không tàn khốc và tàn nhẫn như các "fake news" cố gắng diễn tả.
Ngành y tế Ý xem ra đủ căn cơ và xử trí khá điềm tĩnh, dù khó tránh khỏi tình trạng thiếu nhân lực và phương tiện. Việc nghiên cứu thuốc men đang có nhiều tín hiệu đáng mừng.
Khi ra đường, người dân sẽ được cảnh sát hỏi xét lý do, kèm theo việc xuất trình tờ khai "tự xác nhận" (auto-certificazione) với những thông tin cá nhân có thể kiểm chứng.
Không chỉ ra luật, chính phủ còn quan tâm hỗ trợ rất nhiều cho những người có nguy cơ thất nghiệp, mất lương do dịch bệnh. Chẳng hạn, chính phủ Ý tài trợ 25 tỷ Euro cho những công ty tạm thời đóng cửa, nhân viên được lĩnh lương đầy đủ; nếu ai bị mất việc, đang trả góp tiền vay ngân hàng mua nhà, sẽ được hoãn thời hạn.
Bộ Nội vụ Ý cũng gia hạn đăng ký lại giấy phép cư trú (permesso di soggiorno) cho những ai đã hết hạn mà không thể tiến hành thủ tục. Có thể nói, người Ý có "cái đầu lạnh và trái tim nóng".
Tính đến ngày sáng 16.3, Ý đã có 24.747 ca nhiễm Covid-19, 1.809 người chết và 2.335 ca bình phục.
Theo thanhnien.vn
Ngồi san sát cà phê, trà sữa, ăn hàng ở Sài Gòn hết sức lưu ý dịch Covid-19 Dù được khuyến cáo hạn chế đến nơi đông người vì dịch Covid-19 có nguy cơ lây lan nhưng một số hàng quán ở TP.HCM vẫn thu hút đông nghịt khách. Đa số do phải ăn uống và trò chuyện nên không thể mang khẩu trang. Việc ngồi san sát nhau cũng cần phải chú ý để bảo vệ mình giữa dịch Covid-19....