Độc đáo thờ hòn đá được đào lên bởi “trai chưa vợ, gái chưa chồng”
Hòn đá vía được đào lên bởi 9 chàng trai chưa vợ, 9 cô gái chưa chồng rồi rửa sạch để cúng thần linh và tục tế lễ theo thuyết ngũ hành “tương sinh tương khắc” là những nét độc đáo không thể thiếu trong lễ hội Mường Xia nổi tiếng của đồng bào Thái.
Lễ hội Mường Xia, một trong những lễ hội đã bị mai một hơn 70 năm. Cho đến năm 2010 lễ hội này mới được đồng bào Thái khôi phục lại. Đây là lễ hội mang tính văn hoá tâm linh của đồng bào các dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) nhằm tri ân với những người có công dựng Mường giữ nước đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.
Tương truyền, lễ hội Mường Xia là lễ hội thờ phụng người có công với đất nước là Tư Mã Hai Đào. Vào khoảng thế kỷ XVII tướng quân Tư Mã Hai Đào là người được giao trọng trách bảo vệ vùng biên giới suốt từ Nghệ An đến Sơn La ngày nay. Trong thời gian đánh giặc, trấn ải biên cương. Tư Mã Hai Đào đã cảm thấy gắn bó với mảnh đất vùng cao biên giới có phong cảnh sơn thủy, hữu tình nên ông quyết định chọn Mường Xia xây dựng thủ phủ sống đến cuối đời. Lúc Tư Mã Hai Đào qua đời, người dân đã thiên táng cho ông trên vách núi Pha Dùa.
Lễ tế thần Tư Mã Hai Đào theo thuyết ngũ hành tương sinh- tương khắc
Trong lễ hội Mường Xia, người dân đặc biệt không thể bỏ qua việc đào hòn đá vía trên ngọn núi Pha Dùa về thờ ở đền Tư Mã Hai Đào. Hòn đá vía là câu chuyện kể về Mường Chu Sàn là nơi giao hòa giữa dòng suối Xia, bắt nguồn từ nước bạn Lào, chảy vắt qua núi Lá Hoa hợp với sông Luồng tạo thành ngã ba sông, với cảnh quan “sơn thủy hữu tình”. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết chuyện tình Pha Dùa (giữa cô gái Lá Nọi, ở Mường Mìn và chàng trai Mường Chu Sàn), vì bị cha mẹ cấm đoán, cô gái đã cùng chàng trai trốn lên đỉnh núi Pha Dùa cắn ngón tay ăn thề và rồi hai người đã hóa thành đá về với Mường trời để được mãi mãi ở bên nhau. Lúc Tư Mã Hai Đào qua đời, người dân đã thiên táng cho ông trên vách núi Pha Dùa này.
Đối với Mường Xia, người dân vùng biên giới quan niệm rằng, khi còn ở Mường trần gian, tướng quân Tư Mã Hai Đào là người có công thu hút toàn bộ số dân bỏ Mường Xia đi nơi khác ở đều quay về xum họp tại đất Mường Xia. Bởi vậy, khi về với trời ông đã trở thành thần Mường- vị thần giữ vía chung cho cư dân của đất Mường Xia.
Người Thái ở miền Tây xứ Thanh xem lễ hội Mường Xia là lễ hội lớn của dân tộc
Từ đó, mỗi khi trong Mường có con em đi xa, theo phong tục đất mường, bà con lại đem một cái áo của người sắp đi xa đến đền thờ xin thần mường giữ vía cho người xa nhà được khỏe, vía vui, vía an lành để người đi xa được bình an nơi trận mạc. Và, như một điều lạ, tất cả những người xin thần mường giữ vía trước khi đi xa đều bình yên trở về. Cũng từ đó, tất cả mọi cư dân Mường Xia đều gửi vía chung vào một nơi, đó chính là hòn đá vía của lễ hội Mường Xia.
Để tưởng nhớ công ơn của Tư Mã Hai Đào, người dân đã lập đền thờ và tôn vinh như một vị thần giữ vía cho cả Mường. Hàng năm, cứ khoảng vào tháng 2 âm lịch, người dân nơi đây lại mở hội để tri ân. Họ làm lễ cầu mong ông phù hộ cho dân bản no ấm, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở và vui chơi các trò chơi như ném còn, khặp, khua luống.
Trước ngày tổ chức lễ hội người dân trong vùng thường có tục phải đào hòn đá vía lên tắm rửa sạch sẽ và rước về đền để cúng thần linh. Các con dâng lễ gồm 1 con trâu trắng, 2 con bò, 1 con lợn, 3 con vịt cùng vải vóc thổ cẩm, vòng bạc, bạc nén, rượu cần… chia ra thành 13 mâm lễ để cúng các vị thần linh gồm 5 điểm cúng, mỗi điểm có một nội dung khác nhau nhưng điểm cúng chính là đền Tư Mã Hai Đào.
Video đang HOT
Những điệu múa gắn liền với chuyện tình của đôi trai gái ở ngọn núi Pha Dùa
Trong không gian linh thiêng của đền thờ và các điểm dâng lễ của lễ hội, dưới ánh đuốc bập bùng, mọi người dân và du khách lần lượt tham quan, dâng lễ, đồng thời nghe các lời khấn kèm theo những động tác múa quạt, loan kiếm và những động tác múa uyển chuyển với các dải lụa ngũ sắc, giống như Tướng quân Tư Mã hiện cùng với quân sĩ đang luyện tập binh đao, tả xung hữu đột… để bảo vệ cho Mường xa bản gần có cuộc sống ấm êm hạnh phúc.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì điều đặc biệt của Lễ hội Mường Xia là tế lễ theo thuyết ngũ hành “tương sinh, tương khắc”. Tức tế lễ ở 5 điểm khác nhau, mỗi điểm gắn với một lễ vật, một câu chuyện kỳ bí.
Điểm thứ nhất, ứng với hành kim, được tế lễ dưới chân núi Pha Dùa – nơi nàng Lá Nọi và chàng trai Chu Sàn đã hóa đá về với Mường trời. Điểm hai, ứng với hành mộc, được tế lễ ngay dưới gốc cây gạo cổ thụ trước đền thờ Tư Mã Hai Đào. Đây chính là nơi mà binh lính Tư Mã Hai Đào nghỉ ngơi mỗi khi luyện tập binh mã. Điểm ba, ứng với hành Thủy – nơi giao nhau giữa suối Xia và sông Luồng. Nơi mà Tư Mã Hai Đào cho chôn cất những binh lính đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ biên giới, với mong muốn linh hồn được siêu thoát, mát mẻ… Điểm thứ tư, tương ứng hành Hỏa, cúng tại thao trường nơi binh lính luyện tập võ nghệ, cúng Thần Mường, tức Tư Mã Hai Đào. Điểm cuối cùng mang hành Thổ, cúng tại nơi chôn hòn đá vía của cả Mường.
Tại nơi chôn hòn đá vía, khi hòn đá vía được đào lên phải có đủ chín chàng trai chưa vợ và 9 cô gái chưa chồng rửa đá, rồi bọc vào tấm vải đỏ rước về đền. Sau khi làm lễ xong, chín đôi nam thanh, nữ tú này lại khiêng về chôn ở vị trí cũ và lấy cây xương rồng trồng xung quanh để bảo vệ hòn đá vía và chờ mùa lễ hội năm sau.
Sau phần lễ cúng ở đền, các du khách tập trung tại khu trung tâm lễ hội trước cửa đền để cùng tham gia các trò chơi, trò diễn mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc Thái. Mở đầu phần hội, hát múa quanh cây hoa. Cây hoa làm thành nhiều tầng, nhiều màu sắc. Trên cây hoa gắn các hình nông cụ đan bằng tre nứa và hình con chẫu chàng, con cá, ve sầu… Cây hoa là biểu tượng của cây vũ trụ có nhiều tầng mong ước cho vạn vật sinh sôi nảy nở.
Ngoài các trò chơi trò diễn, tục chơi Pha Dùa gắn với truyền thuyết chuyện tình Pha Dùa đã trở thành một nét đẹp truyền thống. Trong hội, trai gái Mường Xia và các Mường khác kéo nhau về dự hội đông vui. Họ đi hội vừa là để tri ân người có công và đây cũng là dịp để tìm hiểu nhau, cầu duyên cầu phúc.
Trong Pha Dùa, từng đôi nam, nữ tay trong tay cùng nhau tâm sự bằng lời khắp tâm tình thủ thỉ mà nồng say như men rượu. Gặp gỡ lần đầu và ưng nhau, họ cùng ra bãi rộng tham dự hội ném còn, trao cho nhau quả còn làm tin, gửi thương gửi nhớ. Tình yêu nhen lên trong ngày hội mở và đã có bao lứa đôi thành vợ, thành chồng. Không chỉ có trai thanh, nữ tú tham dự lễ hội và chơi Pha Dùa, các ông già, bà lão cũng đến đây để cùng nhau ôn kỷ niệm.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Người du kích Tây Tiến và những kỷ vật không thể quên
Gần 70 năm trôi qua, trên đỉnh Mường Lát, chàng du kích dẫn đường cho bộ đội năm xưa đã quá tuổi xưa nay hiếm. Nhắc lại ký ức một thời oai hùng cùng đoàn quân Tây Tiến xẻ núi băng rừng, người du kích già Lường Văn Pém vẫn không khỏi bồi hồi.
Tiếp chúng tôi bên bếp lửa dưới chân căn nhà sàn người Thái, bên dòng suối Sim đang cuộn nước về xuôi, cụ Lương Văn Pém, 84 tuổi (bản Sim, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát)- người du kích dẫn đoàn quân Tây Tiến năm xưa vẫn nhớ như in những ngày xẻ núi băng rừng cùng đoàn quân "không mọc tóc".
Không biết tiếng Kinh cũng làm cách mạng
Năm 1947, Pháp kéo về các bản ở Mường Lát, đám quan làng lại cấu kết với chúng. Đi đến đâu, chúng cướp bóc trâu bò, giết người, hãm hiếp phụ nữ... khiến người dân vô cùng khốn khổ, căm hận.
Khi ấy, chàng thanh niên người dân tộc Thái, Lương Văn Pém mới 17 tuổi, "khỏe như con trâu, nhanh như con sóc, thạo đường rừng như dê núi" được bộ đội chọn làm người du kích liên lạc dẫn đường.
Cụ Pém cùng vợ.
Với chàng thanh niên ấy, thì địa bàn Mường Lát từ xã Tam Trung lên Pù Nhi, Tén Tằn, Quang Chiểu sang tới Lào, chỗ nào anh cũng thạo. Bởi thế mà khi được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội thì anh không ngần ngại. Cụ bảo, lúc đó thấy bọn giặc tàn ác quá cũng sợ nhưng cách mạng bảo thì mình tin chứ.
Mặc dù, ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Thái ra cụ còn biết tiếng Lào, tiếng Mông, Khơ Mú, Dao, Mường... nhưng tiếng Kinh thì cụ lại không biết thế nhưng khi được giao nhiệm vụ, không cần suy nghĩ, cụ đã đồng ý ngay.
Cụ Pém nhớ lại: "Hồi đó tôi cùng với khoảng 20 người nữa tham gia vào đội du kích Tây Tiến, tôi được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội, truyền thông tin, cất giấu muối, tiếp tế lương thực. Bộ đội Tây Tiến mới về đây không ở với dân bản mà ở sâu trong rừng để tránh sự càn quét của thực dân Pháp và đám tay sai trong bản".
Có những chuyến đi kéo dài tới hàng chục ngày hay nửa tháng trời. Không có đường cố định, Cụ Pém cứ dẫn bộ đội men theo suối, theo sông Mã, băng rừng mà đi, vừa đi vừa xóa dấu vết.
"Nhiều hôm giữa đêm khuya tôi một mình đi trong rừng già, bên người chỉ có một con dao nhỏ làm bạn, nghe tiếng cọp rừng gầm rú mà lạnh cả người. Lúc đó, cũng thấy hơi sợ, nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng nên quên hết cả sợ, cứ thế mà đi" - cụ Pém kể. Tại các lán trại, đêm đến, cụ Pém lại được bộ đội dạy chữ, bồi dưỡng văn hóa. Ngày ấy không có giấy bút, cụ phải dùng bút chì tập viết vào từng miếng gỗ, viết xong lại mài miếng gỗ thật nhẵn rồi viết lại. Đêm nào cũng phải học nên chỉ hai tháng sau, cụ đã có thể đọc, viết được tiếng Kinh dù còn chưa thành thạo. Tuy nhiên, việc chàng thanh niên này biết đọc văn bản lúc đó như một "sợi dây liên lạc" truyền tin tức đến cán bộ ở các lán trại bí mật không chỉ trong các cánh rừng nguyên sinh của Mường Lát mà còn trao đổi giữa Trung đoàn Tây Tiến với các đơn vị bộ đội đóng quân trên miền Tây biên giới Việt - Lào trải dài từ Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Thông tin giữ được bí mật, đến đúng cán bộ, đúng địa chỉ một cách an toàn.
Mỗi kỷ niệm như một phần ký ức đáng tự hào
Đường Tây Tiến vẫn trùng điệp như ngày nào.
Trong suốt hành trình những năm làm du kích, có biết bao kỷ niệm, biết bao lần suýt chết, bao lần suýt bị địch phát hiện nhưng rồi cũng qua. Mỗi kỷ niệm với cụ như một phần ký ức đáng tự hào, không thể nào quên. Rồi cụ cười bảo mình cao số chứ nhiều lần suýt chết rồi mà cuối cùng vẫn thoát. Có một lần cụ từ bên Lào về mang theo 2 quả lựu đạn, đi dọc suối Sim về tới khu Chòm Sáng (Quang Chiểu) thì dừng lại nghỉ trưa. Đang nằm trong lán, thì bất ngờ thấy tiếng quân giặc quát tháo, cụ bật dậy dựa lưng vào tảng đá, để giấu 2 quả lựu đạn tránh bị chúng phát hiện. Trong đoàn quân đi càn, có ông Hà Văn Liễn, người tham gia du kích cùng cụ Pém đang bị bắt giải đi.
"Lúc đó, tôi lo lắm, chỉ cần anh Liễn lên tiếng hoặc có hành động, cử chỉ gì là tôi sẽ bị bắt ngay, nên tôi đặt tay sẵn lên 2 quả lựu đạn để sẵn sàng sống chết. Nhưng rất may bọn chúng không phát hiện ra tôi. Hai quả lựu đạn sau đó được đưa về tay bộ đội an toàn" - cụ Pém nhớ lại. Kể đến đó, giọng cụ chùng xuống, những nếp nhăn trên gương
mặt như xô lại, cụ xúc động tâm sự: "Cả xã có 20 thanh niên tham gia Đội du kích Tây Tiến thì phần lớn đều đã hi sinh tại chiến trường. Ông nhà thơ Quang Dũng đã nói rất đúng khi viết câu thơ "Rải rác biên cương mồ viễn xứ - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh..."
Được gặp Bác Hồ và những kỷ vật không thể quên
Năm 1952, bộ đội lại hành quân Tây Tiến, cụ không những tiếp tục tham gia du kích mà còn vận động được 22 thanh niên địa phương giác ngộ Cách mạng, đi theo bộ đội. Cuối năm đó, cụ được giao nhiệm vụ làm Phó Công an xã liên tục trong nhiều năm liền, sau đó làm Chủ tịch xã và được đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số biên giới phía Tây Thanh Hóa ra Thủ đô Hà Nội dự mít tinh Quốc khánh.
Năm 1963, khi về Hà Nội dự Đại hội "Bảo vệ trị an toàn miền Bắc năm 1963 - 1964", cụ Pém vinh dự được gặp Bác Hồ. Ông cụ phấn khởi kể lại: "Lúc tôi được mời đi dự Đại hội, tôi không nghĩ lại vinh dự được gặp Bác, nên khi bất ngờ thấy Bác Hồ xuất hiện, tôi vui mừng, hạnh phúc và xúc động lắm. Không những được gặp Bác, mà lại còn được Bác khen nữa. Trong Đại hội, Bác khen xã Quang Chiểu đoàn kết tốt. Một xã biên giới xa huyện, xa tỉnh, xa Trung ương, nhưng cán bộ một lòng theo Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số với bộ đội, với công an đoàn kết tốt giúp đỡ lẫn nhau. Bác vừa dứt lời, các đại biểu trong hội trường đều vỗ tay hoan hô".
"Rồi bất ngờ Bác hỏi có ai ở Quang Chiểu không? Tôi liền đứng lên nói to: Thưa Bác có con! Bác hỏi thăm, tuyên dương tôi ngay giữa hội trường trước những tràng vỗ tay không ngớt làm tôi vui quá đỏ hết cả mặt".
"Khi rời Thủ đô, tôi còn được Bác tặng cho một túi quà gồm có 1 chiếc đèn pin, 2 đôi pin và 4m vải lụa đỏ. Hôm tôi về, cả xã kéo đến hội trường rất đông để nghe tôi kể chuyện được gặp Bác Hồ. Những món quà Bác tặng tôi đã dành tặng lại 4m vải lụa cho mẹ già, người đã sinh và nuôi tôi khôn lớn. Mẹ tôi cũng không dùng tấm vải đó để may quần áo hay làm gì mà giữ nó rất cẩn thận. Ngày mẹ qua đời, gia đình đã dùng tấm vải quý đó để khâm liệm cho mẹ" - cụ Pém xúc động nhớ lại...
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Phát hiện chiêng đồng cổ trong hang đá ở Thanh Hóa Trong khi đi chơi, một người dân xã Trung Xuân (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) đã tình cờ nhặt được một chiếc chiêng đồng cổ trong hang đá. Chiếc chiêng này còn tương đối nguyên vẹn, có đường kính 34,5cm, nặng gần 2kg, núm giữa chiêng to bằng nắm tay người lớn. Người may mắn tìm được chiếc chiêng cổ này là anh...