Độc đáo: Tắm thuốc chữa bệnh
Nghe “rủ rê” của một bác sĩ đông y, chúng tôi đến Bệnh viện Y học Cổ truyền Đồng Nai tắm thuốc chữa bệnh. Đây là cách hai trong một: thư giãn và tiêu trừ mệt mỏi, bệnh tật.
Theo lời của bác sĩ nói trên, Đông y quan niệm: cơ thể con người là một chỉnh thể, bên ngoài và bên trong liên hệ với nhau chặt chẽ qua hệ thống kinh lạc, huyệt đạo, mạch máu… Do vậy, tác động vào bên ngoài (bằng thuốc, xoa bóp – bấm huyệt…) sẽ điều chỉnh được cả sự rối loạn trong cơ thể.
Háo hức và bất ngờ vì giá rẻ
Đến khu vực tắm thuốc, xông hơi và xoa bóp của Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Nai mới thấy ở đây lời đồn không ngoa, mọi thứ đều sạch sẽ, ngăn nắp, các thầy thuốc, nhân viên y tế đón tiếp “khách hàng” niềm nở. Một vị nói nhỏ: “Ở đây không sợ phải mát xa rồi mát gần nha. Cũng không phải “bo” nữa”.
Đặc biệt, khách còn được kiểm tra sức khỏe trước khi tắm thuốc, trong đó có đo huyết áp vì người bệnh tim mạch không nên sử dụng phương pháp điều trị này.
Chúng tôi vào khu vực tắm thuốc. Ở đây có những cái bồn gỗ chứa khoảng 500 lít nước. Bồn đã được chuẩn bị nước. Một nhân viên y tế lấy bình nước sôi hòa vào bồn, dùng tay thử độ nóng. Sau đó, nhân viên này lấy chai nước thuốc hòa vào bồn. Cứ mỗi bồn là một chai.
DS. Nguyễn Đức Thu (Trưởng khoa Dược) cho biết: “Thuốc tắm chủ yếu là các loại thuốc kháng khuẩn, khu phong, hoạt huyết, bổ khí… Cụ thể: xà sàng tử 20g, phòng phong 15g, kinh giới 20g, đảng sâm 15g, quế 10g”.
Nước chuẩn bị xong, khách được nhân viên y tế chuẩn bị cho đồ tắm và hướng dẫn bước vào bồn. Tâm lý vừa thư giãn vừa chữa được bệnh khiến người tắm vô cùng thích thú, mùi dược liệu thơm rất dễ chịu. Đặc biệt là có cảm giác cơ thể nóng ấm hẳn lên, các cơ như giãn ra. Thông thường tắm khoảng 30 – 60 phút là đủ.
Một bệnh nhân đang tắm thuốc
Điều bất ngờ là cả quá trình tắm thuốc khoảng 1 tiếng đồng hồ, tính cả tiền nước, tiền điện, tiền thuốc, công phục vụ… tất tần tật chỉ 30 ngàn đồng/lượt. Hỏi: “Vậy có bị lỗ không?”. Một nhân viên cho biết đây là mức giá quy định của nhà nước và “không có lời cũng làm để đạt mục đích điều trị”.
Tương tự, giá các loại xoa bóp – bấm huyệt, xông hơi ở đây cũng vô cùng rẻ chỉ vài ba chục ngàn/lượt. Một bệnh nhân cho biết, bị đau khóp đã lâu, này vừa được các bác sĩ ở đây cho uống thuốc lại vừa tắm thuốc nên sức khỏe dần hồi phục, khớp gần như không đau nữa. Được biết, tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Nai, nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân đau khớp, cột sống…, được điều trị bằng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc, trong đó có liệu pháp độc đáo là tắm thuốc kể trên, đã cải thiện sức khỏe rõ rệt, nhiều trường hợp khỏi hẳn, bằng chi phí không cao, phù hợp với đại đa số người dân.
Tại sao tắm thuốc lại chữa được bệnh?
BS.CKI. Phạm Văn Long – Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Nai giải thích: “Thuốc thông qua sự tiếp xúc với da sẽ hấp thu vào cơ thể. Liệu pháp tắm thuốc chủ yếu được quyết định ở hiệu quả của thuốc. Thành phần có hiệu quả của thuốc thông qua sự tiếp xúc rộng rãi với da, ngâm tẩm mà thẩm thấu qua biểu bì, được da hấp thu vào trong cơ thể. Da là mô liên kết của rất nhiều mạch máu, tuần hoàn máu linh hoạt có thể nhanh chóng chuyển thành phần có hiệu quả của thuốc đến các vị trí trong cơ thể.
“Nghiên cứu cho thấy, thành phần polysaccharide chứa trong thuốc Đông y còn có tác dụng tăng cường miễn dịch; chất glycoside có thể chống viêm và điều tiết miễn dịch; loại alkaloid thì biểu hiện là có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch. Do thuốc Đông y có tác dụng điều trị 2 hướng, cho nên thông qua tắm thuốc không chỉ tăng cường chức năng miễn dịch, mà còn có thể khiến chức năng miễn dịch quá cao hạ xuống mức bình thường.
Video đang HOT
“Trong quá trình tắm thuốc, nhiệt độ của nước khá cao có thể khiến các mao mạch của cơ thể trương phồng ra, tuần hoàn máu nhanh hơn, nâng cao sự chuyển hóa của cơ thể. Và biểu hiện kích thích cơ giới của nước là sự tăng cường vận động hô hấp và chuyển hóa của thể khí. Khi ngâm tắm dùng áp lực thích hợp của nước đè lên mạch máu và ống lympho ở bề mặt cơ thể, có thể khiến lượng thể dịch hồi lưu tăng lên, dẫn đến sự tái phân phối của nước, cho đến tác dụng của sự điều chỉnh sự chuyển hóa ở cục bộ”.
BS.CKII. Huỳnh Tấn Vũ (giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết thêm: “Theo y học hiện đại khi cơ thể được ngâm nước nóng thì xảy ra các tác dụng sau: mồ hôi tiết ra nhiều, tăng cường sự bài tiết nước tiểu do giãn mạch ngoại vi; nhịp tim tăng lên thông qua sự kích thích các cơ quan thụ cảm ở da làm tăng cường lưu thông máu trong cơ thể; huyết áp giảm, nhịp thở tăng lên; giảm hưng phấn của hệ thần kinh.
“Ngâm thuốc có tác dụng kích thích hệ tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hóa, chống viêm, chống stress và điều hòa cơ thể. Đặc biệt, ngâm thuốc giải phóng cho cơ thể khỏi những cơn đau do co gân cơ, cứng khớp”.
Khác với kiểu ngâm thuốc “gia truyền”, ngâm thuốc ở bệnh viện được chú ý về mọi thứ: sức khỏe người ngâm và bệnh tật nếu có ở họ, chất lượng và tác dụng của dược liệu, hiệu quả điều trị nếu tham gia đủ liệu trình theo chỉ định của thầy thuốc… Thêm vào đó là sự thư giãn, giải tỏa stress sau những ngày làm việc mệt nhọc. Mô hình tắm thuốc ở cơ sở y tế do đó cần được nhân rộng, để tất cả người lao động có thể được áp dụng điều trị.
Chỉ định chung trong ngâm thuốc:
Ngâm thuốc toàn thân:
- Viêm khớp và viêm đa khớp dạng thấp mạn.
- Đau và viêm dây thần kinh mạn.
- Đau lưng, đau dây thần kinh tọa cấp, mạn.
- Đau do co thắt cơ quan tiêu hoá và tiết niệu, sinh dục.
- Sẹo co kéo, mỏm cụt đau.
- Chống stress, an thần, điều trị mất ngủ.
- Giảm béo, giải độc.
Ngâm thuốc cục bộ:
- Bong gân, cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động.
- Chấn thương chi giai đoạn cấp, mạn, sẹo co cứng.
- Đau dây thần kinh.
- Viêm khớp: viêm đa khớp dạng thấp, gút…
- Một số bệnh rối loạn vận mạch.
- Tăng huyết áp, mất ngủ…
- Bệnh ngoài da: viêm da dị ứng, tổ đỉa, nấm, chàm…
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Bài, ảnh: Nguyễn Hưng
Theo SK&ĐS
Điều trị thoái hóa cột sống không dùng thuốc
Do tuổi già hoặc phải ngồi làm việc nhiều, ít có thời gian đi lại, vận động nên nhiều người đang bị căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ và thoái hóa cột sống thắt lưng "dày vò". Các nghiên cứu chỉ ra rằng, có hơn 85% số người trên 60 tuổi bị thoái hóa đốt sống cổ.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Vinh, Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai đang tác động cột sống cho một bệnh nhân bị thoái hóa cột sống lưng lâu năm. Ảnh: H.Dung
Có nhiều phương pháp để điều trị 2 bệnh này, trong đó phương pháp tác động cột sống, không dùng thuốc đang được các bác sĩ của Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai thực hiện đạt hiệu quả cao.
* Khổ sở vì đau lưng
Anh N.V.Đ. (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) là nhân viên văn phòng tại một công ty trên địa bàn tỉnh. Do tính chất công việc phải ngồi nhiều, ít vận động nên vài tháng gần đây, anh Đ. cảm thấy đau lưng nhiều, đi lại khó khăn, hạn chế vận động.
Còn chị N.T.L. (ngụ phường Trảng Dài, làm việc tại một công ty đóng ở Khu công nghiệp Amata) đã có thâm niên hơn 10 năm làm công nhân may. Chị L. cho hay, mỗi ngày chị phải ngồi may 8 giờ, chưa kể những ngày tăng ca. Do ít được vận động, cứ tối về chị L. cảm thấy đau cổ, mỏi 2 vai, tê tay, nhiều khi có cảm giác đau lan lên đầu.
Trong khi đó, bà N.T.L. (60 tuổi, ngụ phường Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) đã có 10 năm sống chung với bệnh thoái hóa cột sống, thoái hóa cổ. Bà L. phải thường xuyên uống thuốc kết hợp với tập vật lý trị liệu để đỡ đau nhức và có thể vận động được.
Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Vinh, Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, những người bị thoái hóa đốt sống cổ và thoái hóa cột sống lưng thường có biểu hiện đau theo cường độ tăng dần, đau theo hướng lan rộng, ảnh hưởng đến chức năng vận động khiến người bệnh xoay trở kém. Nếu chụp X-quang, bác sĩ có thể phát hiện bệnh nhân bị hẹp các khớp, mọc các gai xương. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chụp MRI để đánh giá mức độ tổn thương của đốt sống cổ và đốt sống lưng.
Nguyên nhân của thoái hóa cột sống thắt lưng là do sụn khớp và đĩa đệm phải chịu áp lực lớn thường xuyên và diễn ra trong một thời gian dài. Hậu quả là sụn, phần xương dưới sụn bị tổn thương, giảm hoặc mất tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chằng.
Các triệu chứng phổ biến của thoái hóa cột sống là cứng khớp, mức độ đau tăng dần, hạn chế cử vận động. Ở mức độ nặng hơn, người bệnh có những biểu hiện như: yếu ở tay hoặc chân, tay và chân phối hợp kém, co thắt cơ bắp và đau, đau đầu, mất thăng bằng, khó đi lại, mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột.
Những người làm văn phòng thường có thói quen lắc cổ, bẻ cổ mỗi khi thấy cổ mỏi. Đây là thói quen không tốt và rất nguy hiểm vì sẽ khiến khớp cổ hoạt động nhiều gây khô khớp. Nếu thực hiện bẻ, lắc cổ liên tục, đốt sống cổ chỗ lắc sẽ thay đổi hình dạng.
* Tác động cột sống không cần dùng thuốc
Hiện nay, có nhiều phương pháp để điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa cột sống lưng như: điều trị bằng Đông y (kết hợp dùng thuốc và không dùng thuốc); điều trị bằng các bài thuốc của Đông y như quyên tý thang, đột hoạt tang ký sinh, lục vị, bát vị...; điều trị không dùng thuốc (xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu); kết hợp y học cổ truyền hiện đại (kéo giãn đốt sống cổ và cột sống thắt lưng).
Riêng với phương pháp tác động cột sống không dùng thuốc đang được các bác sĩ y học cổ truyền sử dụng rất nhiều và đem lại hiệu quả tích cực.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Vinh cho hay, với phương pháp này, thầy thuốc sẽ dùng các đầu ngón tay tác động vào hệ cột sống theo những nguyên tắc thủ thuật, các đặc trưng để phát hiện sự bình thường, bất bình thường của cột sống. Sau đó đưa ra các chẩn đoán, tiên lượng, phương thức điều trị phù hợp.
Các đặc trưng của cột sống bao gồm: lớp cơ, nhiệt độ, cảm giác, cột sống (đường cong sinh lý). Những thủ thuật hay dùng là: vuốt, vê ấn. Các phương thức để tác động lên cột sống gồm: day day, xoay xoay, song chỉnh, đơn chỉnh lên hệ cơ.
"Tùy theo mức độ nặng nhẹ của thoái hóa mà từ 5-7 ngày sau khi điều trị bằng phương pháp tác động cột sống, người bệnh sẽ cảm nhận thấy hiệu quả rõ rệt, các triệu chứng đau giảm hẳn" - bác sĩ Nguyễn Phúc Vinh cho hay.
Bệnh nhân N.T.L. (ngụ phường Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) chia sẻ, nhờ được bác sĩ điều trị bằng phương pháp tác động cột sống mà sau gần 1 tháng, bà đã giảm hẳn các triệu chứng đau, có thể vận động, đi lại bình thường.
Các bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế tình trạng bị thoái hóa đốt sống cổ, cột sống thắt lưng, khi ngồi làm việc trong thời gian dài, người dân cần đứng dậy vận động, đi lại để giãn cơ, khớp. Đồng thời, nên có chế độ dinh dưỡng điều độ, tránh thừa cân vì nếu nặng cân, cơ thể sẽ đè lên các ổ khớp gây ra đau, chèn ép các dây thần kinh. Không nên ngồi nhiều trong môi trường máy lạnh, nếu sử dụng máy lạnh thì nên mở từ 26OC trở lên. Khi đi ngủ không nên kê gối cao vì gối cao thường xuyên sẽ làm giảm lượng máu lên não gây đau đầu, đau nửa đầu; không nên nằm ngủ trên nền đất lạnh vì sẽ gây ra hiện tượng co cơ. Khi ngồi học, làm việc cần ngồi đúng tư thế, tránh cong vẹo cột sống, hình thành thói quen tập thể dục 30 phút mỗi ngày.
Hạnh Dung
Theo baodongnai
Xoa bóp, bấm huyệt gan bàn chân phòng chữa bệnh thông thường Xoa bóp và bấm huyệt gan bàn chân là một trong nhiều phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, là xu hướng được ưa chuộng của thế giới hiện nay. Ta có thể tự chẩn đoán và chữa trị được một số bệnh thông thường. Có thể dễ dàng thực hiện bất kỳ chỗ nào, lúc nào: lúc nghỉ giải lao, lúc ngồi...