Độc đáo: Nuôi loài tôm hung dữ trong lồng nhựa, bán 1,2 triệu/kg
Với sự sáng tạo tuyệt vời của mình, nhiều nông dân ở ấp Nà Chim, xã Lâm Hải (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) đã nghiên cứu và nuôi thành công tôm tích trong lồng nhựa đặt dưới vuông tôm.
Tôm tích là loài thủy sản đặc trưng và được chế biến thành các món ăn đặc sản của xứ Đất Mũi. Với chất lượng thịt ngon đặc trưng, hiện tôm tích có giá bán khá cao tại các nhà hàng, quán ăn. Thời gian trước, tôm tích chỉ sống trong tự nhiên, về sau nhiều người đã nghiên cứu nuôi trong vuông, đặc biệt là nuôi trong lồng nhựa.
Người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi tôm tích lồng là ông Vũ Văn Hiện, ấp Nà Chim, xã Lâm Hải. Theo ông Hiện, tháng cuối năm 2017, ông bắt đầu triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm tích trong lồng nhựa. Ban đầu ông nuôi thử nghiệm 50 con tôm tích giống, giá bình quân khoảng 18.000 đồng/con.
Ông Hiện là người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi tôm tích lồng nhựa ở xứ Đất Mũi. (Ảnh: Chúc Ly).
“Qua tìm hiểu thì tôi thấy có nhiều người đã nuôi tôm tích trong vuông tôm, với dạng thả lan. Ngoài ra, có một số người nuôi tôm tích trong những ống nhựa nhưng không hiệu quả. Sau đó, về nhà tôi nghĩ ra cách nuôi tôm tích trồng lồng nhựa, và đã đạt hiệu quả cao, với tỉ lệ thành công từ 80-90%” – ông Hiện cho biết.
Theo ông Hiện, ưu thế của việc nuôi tôm tích trong lồng nhựa là con tôm phát triển tự nhiên với môi trường. Ngoài ra, tôm sống trong lồng thì tránh được các con vật gây hại, việc cho ăn và quản lý cũng dễ dàng hơn.
Video đang HOT
Lồng nuôi tôm tích được thiết kế khá đơn giản và đặt trong vuông tôm. (Ảnh: Chúc Ly).
Ông Hiện chia sẻ: “Tôm tích rất dễ nuôi, không cần cho ăn kích thích gì hết, chỉ nuôi tự nhiên. Qua thời gian nuôi từ 3-4 tháng thả nuôi, có thể tuyển bán dần những con tôm tích lớn. Hiện nay, giá tôm tích thịt loại I gần 1,2 triệu đồng/kg (từ 150gr trở lên), loại 2 từ 450-500 ngàn đồng/kg. Vụ đầu, trừ các khoản chi phí, tôi thu lãi 21 triệu đồng”.
Với những kết quả đạt được từ vụ nuôi đầu, đầu tháng 5.2018, ông Hiện tiếp tục thả nuôi vụ 2 với 200 con. Hiện nay số tôm này cũng đang được thu hoạch dần.
Tôm tích nuôi trong lồng phát triển tốt, ít rủi ro hơn cách nuôi truyền thống. (Ảnh: Chúc Ly).
Thấy được những hiệu quả mang lại từ mô hình, hiện nay tại ấp Nà Chim, xã Lâm Hải có hơn 10 hộ thực hiện theo. Ông Huỳnh Văn Hái, cho hay: “Hiện tôi có 145 con tôm tích nuôi trong lồng, cũng sắp đến ngày thu hoạch. Tôm tích rất dễ nuôi do nguồn thức ăn có sẵn, mỗi ngày chỉ cho ăn một lần là đủ”.
“Ngoài ra, đặc tính loài tôm tích là phải ăn các loài cá đã bị ươn, nên bà con nuôi cần lưu ý. Khi nuôi tôm tích lồng nhựa bà con cũng nên chú ý vệ sinh lồng thường xuyên để tránh đóng rong, tôm chậm phát triển. Tuy nhiên, tôm tích là loài rất hung dữ, người nuôi phải biết cách bắt nó nếu không khi bị tôm búng trúng rất đau, có thể bị chảy máu” – ông Hái cho biết.
Nhiều nông dân khác đã áp dụng mô hình nuôi tôm tích trong lồng. (Ảnh: Chúc Ly).
Theo những hộ thực hiện mô hình nuôi tôm tích trong lồng nhựa, hiện nguồn con giống cho mô hình khá ổn định với giá cả phải chăng, lại được bắt tại địa phương nên môi trường thả nuôi rất phù hợp. Trong khi đó, những chiếc lồng tự chế này có thể tiếp tục sử dụng trong nhiều vụ tiếp theo. Hiệu quả kinh tế lại cao hơn so với cách nuôi thả lan trong vuông tôm.
Theo Danviet
Lạ mà hay: Chán tôm sú, bán 1,4 triệu/kg
Đứng trước thực trạng khó khăn của nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ truyền thống, một số hộ dân trên địa bàn ấp Nà Chim, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn (Cà Mau) tự tìm tòi, nghiên cứu và nuôi thành công tôm tích lồng đặt trong vuông tôm.
Người đầu tiên thực hiện mô hình này là ông Vũ Văn Hiện, ấp Nà Chim, xã Lâm Hải. Tháng 11/2017, ông bắt đầu triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm tích trong lồng.
Ban đầu ông nuôi thử nghiệm 50 con giống, bình quân khoảng 18.000 đồng/con. Lồng là những cái rổ buộc lại với nhau hoặc tận dụng từ những cái can nhựa sẵn có trong gia đình để bỏ con giống vào bên trong và thả nuôi trong vuông tôm. Qua 2 tháng thả nuôi, tôm tích đạt trọng lượng từ 150g/con trở lên. Hiện nay, giá tôm tích thịt khoảng 1,4 triệu đồng/kg. Vụ đầu, trừ các khoản chi phí, ông thu lãi trên 10 triệu đồng.
Tôm tích 2 tháng đạt trọng lượng 150g/con.
Ông Hiện chia sẻ: "Tôm tích rất dễ nuôi, không cần phân, thuốc hoá học gì hết, chỉ nuôi tự nhiên. Khoảng 2 tháng thì trọng lượng tôm đạt khoảng 150 gram, có thể bán được rồi. Nếu không bán có thể đào ao thả vô đợi thêm 1-2 tháng nữa, trọng lượng tôm tăng lên gấp 2, gấp 3 lần, lúc này tôm tích lên đủ gạch, khách hàng rất ưa chuộng".
Với những kết quả đạt được từ vụ nuôi đầu, đầu tháng 5/2018, ông tiếp tục thả nuôi vụ 2 với 200 con. Hiện nay số tôm này phát triển tốt. Thấy được những hiệu quả mang lại từ mô hình này, hiện nay tại ấp Nà Chim, xã Lâm Hải có hơn 10 hộ thực hiện theo. Ông Huỳnh Văn Hái vừa mới thả 100 con tôm tích giống, chia sẻ: "Thấy anh Hiện nuôi hiệu quả nên tôi làm theo. Tôm tích rất dễ nuôi do nguồn thức ăn có sẵn, mỗi ngày chỉ cho ăn một lần là đủ, thời gian còn lại có thể làm nhiều công việc khác".
Lồng nuôi tôm tích được ông Hiện làm từ những cái rổ úp lại với nhau hoặc từ những can nhựa.
Nguồn tôm tích giống có giá cả phải chăng, lại được bắt tại địa phương nên môi trường thả nuôi rất phù hợp. Trong khi đó, thức ăn có thể tận dụng từ cá tạp trong vuông tôm, tỷ lệ đạt đầu con rất cao và đầu ra luôn ổn định. Đặc biệt, những chiếc lồng tự chế này có thể tiếp tục sử dụng trong nhiều vụ tiếp theo. Từ những yếu tố nêu trên, mô hình nuôi tôm tích trong lồng hứa hẹn mang lại hiệu quả bền vững trong tương lai.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Hải Trần Quốc Lâm cho biết: "Để mô hình này phát triển bền vững cần phải có nguồn vốn, mà muốn có nguồn vốn hỗ trợ thì phải thành lập tổ hợp tác. Hội Nông dân xã Lâm Hải đã kiến nghị với Hội Nông dân huyện Năm Căn và được sự thống nhất của Hội Nông dân huyện thành lập tổ hợp tác. Sau khi tổ hợp tác được thành lập, chúng tôi sẽ ưu tiên hỗ trợ để giúp người dân phát triển sản xuất".
Thời gian qua, trên địa bàn xã Lâm Hải nói riêng, huyện Năm Căn nói chung, có nhiều cách làm mới trong sản xuất phù hợp với kinh tế và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Riêng mô hình nuôi tôm tích lồng đã mở ra hướng đi mới, góp phần tăng thêm lựa chọn về ngành nghề sản xuất của nông dân./.
Theo Thành Vũ (Báo Cà Mau)
Cùng nông dân tìm cách làm giàu ở vùng đất mũi Cà Mau Những năm qua, Hội Nông dân (ND) huyện Năm Căn (Cà Mau) tiếp tục phát động và duy trì hiệu quả các phong trào thi đua trong hội viên, ND, trong đó trọng tâm là phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm giàu bền vững... Vào tổ hợp tác để thoát nghèo Chủ tịch Hội ND huyện Năm Căn, Hồ Thị Út Lùng...