Độc đáo món lưỡi heo sốt pa-tê ở quận 3
Sự kết hợp của lưỡi heo, pa-tê ăn kèm bánh mì mang đến cho thực khách những trải nghiệm vừa quen vừa lạ.
Quán Mây Bốn Phương ẩn mình trong một căn biệt thự cổ kiểu Pháp trên đường Vườn Chuối, quận 3, TPHCM. Khuôn viên của quán ẩn sau cánh cổng lớn nên những ai đến lần đầu đều bất ngờ vì… tìm không thấy quán.
Lưỡi heo sốt pate ăn kèm bánh mì nóng hổi.
Quán phục vụ hơn 100 món phong vị Việt từ cua, tôm, thịt bò… trong đó, nổi bật nhất phải kể đến món lưỡi heo sốt pa-tê ăn kèm bánh mì.
Một phần lưỡi heo sốt pa-tê có “ngoại hình” khá bắt mắt với màu đặc trưng, hương thơm của pa-tê đi kèm những lát lưỡi heo tươi ngon, đẫm vị. Xé miếng bánh mì, chấm vào nước sốt, cho vào miệng, bánh mì thơm hòa quyện cùng vị ngon, béo của pa-tê; nhấn nhá thêm vị tươi, giòn của lưỡi heo, xanh ngọt của những hạt đậu, giòn giòn của cà rốt… khá hấp dẫn.
Bên cạnh pa-tê, món ăn còn tạo sự khác biệt nhờ cách chọn, xử lý lưỡi heo bao gồm cả luộc và hầm cùng pa-tê.
Anh Huấn, đầu bếp đời thứ hai của quán kể, món ăn này người sáng lập ra quán… tìm ra. Anh kể, ý định ban đầu của đầu bếp là tìm ra một loại pa-tê ngon, lạ riêng cho quán nên trong lúc mọi người chỉ dùng gan heo cho món ăn này thì đầu bếp của gia đình lại tìm tòi rồi giới thiệu món pa-tê làm từ gan heo và gan gà. Ngay khi giới thiệu, món pa-tê có phần khác biệt của quán nhanh chóng nhận được sự yêu thích của thực khách. “Thừa thắng xông lên”, lần này, người đầu bếp ấy quyết tâm chế biến món ăn dựa trên nền pa-tê thay vì dùng để “ăn vả” hay ăn kèm bánh mì như thường thấy.
Sau nhiều lần thử kết hợp với nhiều loại nguyên liệu khác nhau, cuối cùng lưỡi heo với các đặc trưng giòn, dai, săn chắc đã được lựa chọn để giới thiệu cùng thực khách.
Nguyên liệu và cách chế biến lưỡi heo sốt pa-tê khá đơn giản. Lưỡi heo mua về, làm sạch, xử lý kỹ với muối và rượu, luộc chín sơ, ngâm trong nước đá lạnh, xắt miếng vừa ăn. Pa-tê rã đông ở nhiệt độ phòng. Nấu pa-tê với nước lạnh theo tỷ lệ nhất định. Khi nước sôi, cho lưỡi heo vào, nấu tiếp khoảng năm phút thì cho đậu và cà rốt vào. Nêm vừa ăn, là có thể múc phục vụ khách.
Gỏi cá bớp cũng là “best-seller” (món đắt khách nhất) của quán.
Món ăn dọn kèm bánh mì nên nhiều thực khách xem món ăn như một biến tấu mới của pa-tê. Do tính chất nhẹ, hương và vị đặc trưng, bạn có thể dùng lưỡi heo sốt pa-tê như món ăn buổi sáng hay tối đều được.
Anh Thành, nhà ở quận 3, TPHCM cho biết: “Cả công thức và nguyên liệu của món ăn đều đơn giản và bạn đều có thể tìm thấy ở mọi chợ. Nhưng có hai yếu tố để khiến món ăn tại đây được lòng nhiều người. Đầu tiên là công thức pa-tê bí mật, tiếp đó là cách chọn và xử lý lưỡi heo. Lưỡi heo phải tươi, phải được xử lý hết mùi. Thời gian luộc và thời gian hầm cùng pa-tê cũng phải chuẩn từng phút. Đó là lý do, tôi ghiền món ăn này tại đây nhiều năm. Vợ tôi cũng nấu nhiều lần, nhưng lâu lâu, phải ăn tại đây mới đã thèm”.
Theo Sgtiepthi
Video đang HOT
Những loại bánh có tên gọi cực kỳ lạ và độc đáo ở Việt Nam
Trên khắp các vùng miền Việt Nam, đâu đâu cũng có nhiều loại bánh ngon. Trong đó không thể không nhắc đến những chiếc bánh có tên độc đáo, gây ấn tượng cho thực khách bốn phương cần khám phá.
Bánh gật gù
Đây là đặc sản của Quảng Ninh. Bánh gật gù được làm từ bột gạo có bề ngoài gần giống bánh phở, bánh cuốn. Thường thì gạo được ngâm qua đêm cho ngấm đủ nước, vớt ra để ráo rồi nghiền thành bột. Lúc nghiền bột cho thêm một ít cơm nguội vào để khi tráng bánh vừa phồng xốp, dẻo lại vừa mềm mịn. Miếng bánh dẻo quẹo, ăn ngon nhất khi còn nóng và chấm cùng nước mắm
Người dân vùng này truyền lại rằng, ngày xưa khi thưởng thức những chiếc bánh đậm đà, phồng xốp và dẻo mịn thì cứ phải tấm tắc gật lên gật xuống khen ngon. Bởi thế mà từ ấy, cái tên bánh gật gù xuất hiện và được phổ biến cho đến hiện nay.
Bánh đập
Bánh đập hay có vùng còn gọi là bánh chập, một món bánh đơn sơ, giản dị nhưng lại làm nên tên tuổi cho ẩm thực Hội An. Đây là sự kết hợp đặc biệt giữa bánh ướt và bánh tráng nướng tạo nên một món ăn vừa gion giòn, vừa dẻo thơm. Tráng đều bên trong là lớp mỡ hành beo béo, còn nếu muốn ăn no thì cứ thêm thịt nướng, lòng lợn...
Nhưng không thể nào bỏ qua chén mắm nêm đặc trưng của người miền Trung. Chiếc bánh tròn được "đập" làm đôi cứ thế mà lan toả vị giòn, dẻo và đậm đà khắp khuôn miệng, làm thực khách cứ mãi vấn vương.
Bánh uôi
Chiếc bánh uôi giản dị được làm bằng bột nếp nhưng là món đặc sản của người Mường và không thể thiếu được trong mâm cỗ của người nhiều gia đình ở Hòa Bình. Người xứ Mường quan niệm, bánh uôi tượng trưng cho tình yêu, tình vợ chồng hay tình đoàn kết nên thường được gọi với nhiều tên gọi khác nhau: bánh tình yêu, bánh cặp...
Bánh rất thơm, dẻo, vỏ bánh trắng ngần, nhân bánh ngọt mát từ đậu xanh hay hạt nho nhe. Nếu thưởng thức những chiếc bánh mặn, bạn sẽ thấm được hương sắc núi rừng trong từng chút thịt được gói trong bánh.
Bánh cóng
Bánh cóng (hay còn gọi bánh cống) là một món ăn khá nổi tiếng được bán ở hầu khắp chín tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Người Nam Bộ đều gọi là bánh cóng cho dễ nhớ do khuôn bánh có hình dạng giống như chiếc cóng - một dụng cụ dùng để đong chất lỏng của các quầy tạp hóa ngày trước.
Hương vị đặc trưng đầy nét cuốn hút của bánh cóng làm bất cứ ai cũng phải mê mẩn: béo mỡ, bùi đậu xanh, đậu nành, ngọt tôm, thơm thịt, đậm đà gia vị lại còn man mát cay cay hăng hăng các loại rau.
Bánh ít
Một món bánh có tên ngộ nghĩnh không kém là bánh ít, món ăn phổ biến ở cả ba miền. Mặc dù hình dáng và nhân có thay đổi chút ít khi "ngao du" khắp nơi nhưng điểm chung của chúng là vỏ bánh làm từ bột nếp và bột đậu xanh. Bên trong lớp vỏ dẻo mịn ấy có thể là nhân ngọt với đậu xanh, dừa... hoặc đậm đà vị mặn của thịt, trứng, lạp xưởng...
Nếu người miền Bắc gói bánh bằng lá gai và có hình tam giác hay vuông thì bánh ít của người miền Trung lại mang dáng trụ dài. Còn về miền Nam, lá chuối tươi sẽ được dùng để làm vỏ bánh và chúng có kiểu tháp to và đầy đặn hơn. Bánh ít có thể ăn chơi tiếp vị nhưng vào những ngày lễ Tết thì đây lại là món đồ cúng truyền thống trên mâm cỗ.
Bánh hỏi
Bánh hỏi là một món ăn đặc sản có rất nhiều ở Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định của Việt Nam, bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ.
Bánh hỏi thường ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi, lễ cúng ở đình, chùa của người dân và là một nét văn hóa ẩm thực của địa phương.
Bánh vạc
Bánh vạc là một món ăn đặc trưng Hội An (Quảng Nam). Do có hình dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh và có màu trắng trông như những đoá hoa hồng nên bánh vạc còn có tên gọi là White Rose (hoa hồng trắng). Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An.
Nguyên liệu chính để làm bánh vạc là tinh bột gạo. Nhân bánh chủ yếu làm từ tôm tươi, hay thịt xay nhuyễn trộn với tiêu, hành, nấm mèo, muối, nước mắm. Bột lấy lượng vừa khéo, cán mỏng, rồi cho nhân lên trên, ấn nhẹ để nhân dính chặt vào vỏ bánh. Xếp bánh vào vỉ hấp khoảng 5 đến 7 phút, bánh chín sẽ trắng trong trông rất hấp dẫn.
Bánh tai
Bánh tai là tên gọi loại bánh nổi tiếng của tỉnh miền núi Phú Thọ - món bánh làm nức lòng bao khách phương xa thưởng thức. Nghe nói, bánh tai trước kia được gọi là bánh trai vì bánh được nặn theo hình con trai, sau đó được gọi tắt là bánh tai. Bánh được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn với công thức và những nguyên liệu đặc biệt khác.
Khi ăn, phải nếm chậm rãi, cắn từng miếng nhỏ mới có thể cảm nhận hết được hương vị trong từng miếng bánh. Thưởng thức xong rồi mà mùi thơm của bánh vẫn còn phảng phất đâu đây mãi chẳng rời.
Bánh tro
Bánh tro còn được biết đến với cái tên khác như là bánh gio, bánh nẳng, thường được bày bán trong các dịp Tết Đoan Ngọ bởi người ta luôn tin rằng khi ăn bánh tro, cũng như hoa quả và rượu nếp vào ngày này, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết.
Người ta phải rất tỉ mỉ, kỹ càng từ khâu chọn loại nếp đều hạt, thơm, đến cách gạn nước tro được đốt từ những cây rơm nếp vàng óng, đã được rửa sạch và gói, luộc, rồi cuối cùng mới có thứ bánh thơm nồng mùi khói bếp. Bánh mềm mịn, man mát hòa quyện với vị ngọt của mật mía rồi tan ra, ôm trộn cả vị giác.
Bánh ướt
Nghe nói, nguồn gốc xuất xứ của bánh là từ Trung Quốc, nhưng khi vào Việt Nam ở từng vùng khác nhau, bánh ướt lại được chế biến rất sáng tạo và mang từng hương vị độc đáo riêng. Ở ngoài Bắc thì bánh ướt chính là bánh cuốn.
Bánh ướt có đặc điểm thường là không có nhân được bán rất nhiều trong các chợ của Huế. Bánh được chấm với nước mắm chua ngọt. Tuy nhiên, vì thơm ngon nên thứ bánh này được du nhập tới nhiều nơi, nhất là Sài Gòn.
Bánh răng bừa
Bánh răng bừa (có nơi gọi là bánh tẻ hoặc bánh lá), riêng người Thanh Hóa gọi tên như thế vì hình dạng chiếc bánh trông giống cái răng bừa. Đây là loại bánh truyền thống của người xứ Thanh thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc.
Bánh răng bừa nóng hổi, cùng lớp bột tẻ mềm, mịn trắng pha lẫn chút màu xanh của lá với phần nhân hành thịt thơm nức mũi chấm chìm vào nước pha loãng rồi chậm rãi cho lên miệng thưởng thức. Có lẽ, lúc ấy bạn sẽ cảm nhận được bao nhiêu tinh hoa của đất, của trời được tích tụ trong chiếc bánh.
Bánh ngải
Món bánh nghe có vẻ "bùa ngải" như thế nhưng lại là một món ăn rất hấp dẫn và lạ vị của dân tộc Tày (Lạng Sơn). Hương vị tạo nên điểm nhấn của bánh ngải chính là lá ngải cứu được đun trong nước tro bếp và trộn cùng gạo. Đi cùng với lớp vỏ dẻo dai, thơm lừng là nhân vừng đen bùi ngọt khi kết hợp với đường phèn.
Bánh ngải có hình tròn và dẹt, bắt mắt trong màu xanh thẫm. Không chỉ đem lại hương vị thơm lừng, mát lành mà món bánh còn có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. Bởi vì, ngải cứu luôn là một bài thuốc thiên nhiên được người Tày vận dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Theo Giadinh
Chàng đầu bếp tại gia sở hữu trăm công thức độc đáo và những bức ảnh siêu khơi gợi vị giác Hãy yêu một chàng trai nấu ăn ngon vì anh ta sẽ hiểu bạn như hiểu những món ăn. Hãy yêu một chàng trai chụp ảnh đẹp vì anh ta sẽ chăm chút cho bạn như từng khung hình. Bạn đã bao giờ chợt lên cơn đói bụng và thèm thuồng bất chấp chỉ vì nhìn vào những bức ảnh chụp thức ăn?...