Độc đáo men rượu cần ‘trống mái’ của người Ba Na
Vào các dịp lễ, việc lớn, đặc biệt mùa Xuân, trong bữa cơm đãi khách của người Ba Na ở làng Dêr Tul Đoa (xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) không thể thiếu bình rượu cần được làm từ men “trống mái” thơm ngon tuyệt hảo.
Chị Y Thu (bên trái) nặn men rượu cần
Chị Y Thu (36 tuổi, làng Dêr Tul Đoa) chia sẻ, để làm được loại men này phải có cây hyam, củ riềng dại, ớt, gạo… Cây hyam chỉ được tìm thấy trong rừng có 2 loại, một cho nhựa trắng và một cho nhựa vàng. Tuy nhiên, chỉ loại cho nhựa vàng mới làm được men rượu ngon, còn loại nhựa trắng có vị chua, không làm được men. Nguyên liệu trên sẽ được những người phụ nữ dùng chày giã nát trong cối gỗ. “Việc giã nguyên liệu rất quan trọng, quyết định đến chất lượng men. Giã phải đều tay, nhịp nhàng. Bí quyết làm men ngon, cho rượu không đau cái đầu là phải làm nhiều người, nếu làm một mình sẽ không ngon đâu”- Chị Thu nói.
Hỗn hợp vừa giã nát sẽ được trộn với nước, nặn thành từng miếng. Trong một mẻ men, người Ba Na sẽ nặn một bánh men có hình dạng chữ nhật được gọi là men trống, một bánh men có hình tròn được gọi là men mai. Người nơi đây quan niệm, Yàng (thần linh) tạo ra vạn vật đều có đôi, có cặp, men rượu cũng vậy.
Video đang HOT
Nặn bánh men xong, bà Hyơih (60 tuổi) được mời đến khấn, gọi ông Nhức về. Mặc trang phục truyền thống, bà Hyơih đứng trước những bánh men nói “Ơi ông Nhức ơi, ông dậy đi, đừng ngủ nữa. Dậy để làm rượu cho nó ngon, để dân làng mình uống cho nó vui vẻ, cả dân cả làng tụ tập cho vui, để dân làng làm ăn ngày càng tiến tới. Dậy đi để cho dân làng được ấm no, hạnh phúc, dậy đi đánh thức cho dân làng phát triển…Dậy đi ông Nhức ơi”. Theo bà Hyơih, ông Nhức được người dân xem là thành viên tâm linh của làng, có tính chịu khó, khi say luôn ca hát, khiến mọi người vui tươi, quên đi vất vả mệt nhọc.
Sau công đoạn này, men tiếp tục được phủ lá dưới và vỏ cây hyam bên trên, để trong thời gian 3 ngày. Cuối cùng men được gác lên trên bếp lửa, tạo hương vị khói củi. Sau một tuần thì sử dụng được. Men rượu có thể trộn với nhiều nguyên liệu khác nhau như bo bo, nếp trắng, củ mì…để tạo ra một bình rượu cần thơm ngon.
“Bình rượu của người Ba Na có rất nhiều lớp. Dưới đáy là trấu. Tới lá hyam. Lớp nguyên liệu ở giữ quan trọng nhất là men rượu trống mái được trộn với nguyên liệu. Sau đó tiếp tục phủ lên một lớp lá chuối. Cuối cùng là dùng bì ni lông đạy kín. Rượu cần được ủ càng lâu thì càng thơm ngon” – Chị Y Thu chia sẻ.
Theo Tienphong
Món ăn lam của người Pa Cô
Khi còn sống du canh, du cư trên khắp sườn đồi, hang đá, chưa có sự giao lưu văn hoá, không có mua bán, thực phẩm của người Pa Cô (nhóm địa phương của dân tộc Tà Ôi) chủ yếu là những sản phẩm săn, bắt, hái lượm được từ núi rừng.
Không có nồi niêu soong chảo, đồng bào lấy ống nứa tươi thay nồi, bỏ thức ăn vào và hơ chín trên lửa, gọi là lam.
Sau này, khi đã sống định cư, tập tục nấu thức ăn trong ống nứa không mất đi mà trở thành một món ăn truyền thống không thể thiếu trong những dịp lễ, tết, là đặc trưng trong nghệ thuật ẩm thực của vùng cao Quảng Trị. Theo quan niệm của người Pa Cô, thần linh và ông bà, tổ tiên đã quen dùng những món ăn này nên vào dịp lễ, tết nên họ phải bày cúng mời ông bà.
Đông bao Pa Cô bên che rươu cân
Không cầu kỳ như những món ăn ở miền xuôi, món ăn lam của đồng bào miền núi giản đơn có nguồn gốc từ cuộc sống hoang dã từ ngàn xưa. Tuy nhiên, vẫn có những quy định riêng trong cách chế biến. Ống nứa (thuộc loại cây họ tre) được chọn để lam phải là ống có lóng dài (khoảng 50-70 cm), còn tươi non, để khi lam, chỉ cháy được ở phần ngoài. Cơm lam (Đooi Yhoor), cơm nếp lam (Đooi chot) là món lam phổ biến nhất của người Pa Cô. Bà con thường dùng nếp than để nấu món này. Đây là loại nếp hạt nhỏ, dẻo, mềm...
Trước khi nấu, bà con lấy gạo nếp bỏ vào ống nứa đã rửa sạch, rồi đổ nước vào ngập miệng ống, ngâm một đêm cho gạo mềm. Hôm sau, người ta đổ nước ra, lấy lá chuối bịt miệng ống và đặt trên bếp than. Người nấu ngồi bên bếp lửa cầm ống nứa trở qua, trở lại, nấu từ đáy ống dần lên miệng ống. Nếu nấu ở miệng ống trước thì hơi sẽ bị nén làm ống bị nứt. Khi mùi thơm của cơm nếp lam tỏa ra, ống nứa mềm thì cơm chín tới. Cách bóc cơm lam cũng phải đúng kiểu, bóc làm sao cho còn lớp vỏ lụa trắng mỏng mảnh của cây nứa thì mới cảm nhận hết chất thơm ngon, dẻo ngọt của xôi nếp.
Trong mâm cỗ của người Pa Cô, không thể thiếu món thịt nấu trong ống (Pâr Hoor), cá nấu trong ống (Boaiq Yhoor). Theo quan niệm của người Pa Cô, thịt, cá tượng trưng cho núi rừng, sông suối. Người ta thường dùng thịt rừng để nấu. Khi chế biến, họ cắt thịt thành từng khúc vừa, trộn đều với gia vị và bỏ vào ống nứa rồi nướng cho đến khi nào vỏ nứa bên ngoài cháy đều, nước trong ống đã cạn khô là chín ngon. Hoặc khi săn được nhiều thú rừng, thịt rừng được đồng bào phơi khô, gác trên giàn bếp để dành đến lúc mang xuống nướng thơm phức ăn với cơm lam. Thưởng thức các món cá, thịt nấu trong ống nứa, mọi người sẽ cảm nhận được vị cay của ớt, vị thơm của lá kiệu, nước ngọt của cây nứa ngấm vào thức ăn...
Món Pâr-ruk cũng là món ăn đặc sản, quý hiếm của người Pa Cô. Món này được chế biến từ chuột rừng và củ sắn, bỏ vào ống nứa. Sau khi cho gia vị vào, trộn đều, gồm tiêu, ngò tây, kiệu... người ta đun chín rồi lấy gai mây cho vào ống thọt cho đến khi thịt, sắn nhuyễn, quyện vào nhau tạo thành chất dẻo. Món này thường được dùng cùng với xôi, cơm.
Các món ăn lam thường được bày trên lá mây hoặc lá chuối tươi sạch. Cái ngon của nó là giữ được nguyên vẹn hương vị tự nhiên của thực phẩm. Nó không đơn thuần chỉ là món ăn mà cao hơn còn chứa cả yếu tố văn hoá, nghệ thuật. Món ăn lam còn được dùng để biểu hiện cho tình thương, sự quý trọng.
Vào dịp cúng Aza, những vị khách dù không mời mà đến sẽ trở thành khách quý, nên ngoài cúng thần linh, ông bà, món ăn lam được dùng để đãi khách, vì theo quan niệm của người Pa Cô, họ sẽ đem lại nhiều may mắn trong vụ mùa tới.
Theo DTMN
Những món đặc sản của Đắk Nông thử một lần là mê Du lịch tại Đắk Nông, ngoài bị ấn tượng bởi cảnh sắc thiên nhiên, núi non trùng điệp, du khách cũng sẽ khó quên với những món đặc sản tại đây. Các món đặc sản của Đắk Nông mang hương vị đặc trưng, khiến du khách ăn một lần là nhớ mãi Đặc sản của Đắk Nông mang hương vị đặc trưng của...