Độc đáo làng nghề gốm đỏ Cổ Chiên
Nép mình bên dòng Cổ Chiên thơ mộng, đỏ nặng phù sa của tỉnh Vĩnh Long là những lò gốm mọc lên san sát trông như một “thành phố cổ”, thu hút du khách thập phương mỗi khi tới nơi đây.
Gạch được công nhân xếp vào lò nung.
“Vương quốc gốm đỏ”
Từ cầu Mỹ Thuận, chúng tôi men theo quốc lộ 53 bên sông Cổ Chiên để tìm về những lò gạch gốm của Vĩnh Long. Từ phía xa, các lò nung màu đỏ au dần hiện rõ.
Với lợi thế nguyên liệu sẵn có là những mỏ đất sét bên bờ sông Cổ Chiên, từ hơn thế kỷ trước người dân Vĩnh Long đã biết khai thác nguồn tài nguyên này để sản xuất gạch ngói. Thương hiệu gạch ngói Vĩnh Long một thời vang tiếng khắp vùng. Sau khi thị trường gạch ngói Vĩnh Long bị mai một, khoảng những năm 80, người dân bắt đầu tìm đến với sản phẩm gốm và sau này khá phát triển với những sản phẩm gốm rất đặc trưng.
Do các lò gốm nằm cạnh bờ sông nên việc vận chuyển đất sét thường bằng ghe thuyền, một loại phương tiện rất phổ biến ở vùng sông nước Vĩnh Long. Tùy theo mặt hàng mà người ta pha đất theo kỹ thuật riêng.
Các sản phẩm gốm đỏ đặc trưng được hình thành qua bàn tay người thợ Cổ Chiên.
Vào thăm làng gốm, du khách sẽ có dịp nhìn thấy tận mắt những công đoạn làm nên sản phẩm gốm đỏ. Đất sét nguyên liệu chuyển từ ghe lên xưởng bằng băng chuyền và được phân loại. Tùy theo mặt hàng mà người ta pha đất theo kỹ thuật riêng. Công đoạn này rất quan trọng, quyết định sự thành công của mẻ gốm. Pha đất xong phải nhào nặn nhiều lần cho đất thật mịn, chạm tay vào đất pha không dính thì mới đạt. Sau đó tới công đoạn in, “xu”, cuối cùng là nung.
Video đang HOT
Kỹ thuật tài hoa của người thợ Cổ Chiên
Riêng việc tạo mẫu phải có bàn tay của những họa sĩ, nhà điêu khắc. Các mẫu gốm được họ tạo bằng thạch cao sao y, dựa theo nguyên mẫu. Có mẫu rồi đổ khuôn thạch cao, tiếp đến là in. Ở công đoạn in, thợ dùng đất ép vào khuôn. Khuôn có thể có nhiều mảnh ghép lại. Người thợ phải ép đất vào từng mảnh, cuối cùng ráp nối dính lại thành một sản phẩm thô (mộc). Sản phẩm thô sau khi in, ép để cho ráo mới dỡ khuôn ra và cho thợ “xu”. Xu là làm “bóng” sản phẩm bằng cách nhúng nước mướp lau bảng chà, vuốt lên sản phẩm. Khâu này làm cho các hoa văn, họa tiết của vật nung được tỉ mỉ, tinh xảo hơn và làm tăng thêm giá trị của sản phẩm.
Cuối cùng quyết định sự thành bại của mẻ gốm là “lửa” cùng với kỹ thuật nung. Người thợ lửa thường có rất nhiều năm kinh nghiệm. Sắp lò cũng là kỹ thuật, người thợ sắp lò biết chỗ nào “lửa áp”, chỗ nào lửa yếu, chỗ nào lửa ổn định mà sắp xếp từng loại sản phẩm có kích cỡ khác nhau.
Lò gốm Vĩnh Long – nét đặc trưng của vùng đất này.
Gốm được nung đốt trong lò 7 ngày. Bốn ngày đầu đốt lò từ từ, hun hơi nóng làm khô sản phẩm mộc, với nhiệt độ từ 100 – 2000C. Ngày thứ năm tăng lửa, ngày thứ sáu “siết lửa” để đến ngày cuối cùng đạt được nhiệt độ 9000C. Sản phẩm mộc sẽ kết khối khi đã được nung đến độ chín cần thiết, người thợ lửa sẽ ngưng đốt, trám kín lò bằng đất sét và để cho lò nguội dần, rồi ra lò, tuyển chọn sản phẩm.
Một điều đặc biệt thú vị là chỉ duy nhất gốm Cổ Chiên mới có những sản phẩm gốm thô không men màu, nhưng vẫn ánh lên sắc đỏ pha mốc trắng rất đặc trưng. Chính điều này đã tạo cho gốm Cổ Chiên một vẻ đẹp rất riêng, và ấn tượng mà không sản phẩm gốm nào có được. Có lẽ vì thế mà tên gọi “Vương quốc gốm đỏ” đã được hình thành.
Nghề sản xuất gốm đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động có thu nhập ổn định và là chiếc nôi đào tạo nên những người thợ có tay nghề cao, tâm huyết với nghề. Sản phẩm của làng nghề đã có mặt tại các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và một số nước châu Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản… sản lượng ngày càng tăng. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, làng nghề gốm đỏ Cổ Chiên sẽ sánh vai với các làng gốm trong cả nước sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế, mang nét tài hoa của người thợ Cổ Chiên, mang tâm hồn Việt, mang nét văn hóa phương Đông đến với bạn bè trên thế giới.
Nguồn: langvietonline.vn
Theo vanhien.vn
Nước mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu, miền Tây dốc sức ứng phó
Nước mặn đã xuất hiện rất sớm và đang xâm nhập sâu vào địa bàn một số địa phương ở ĐBSCL. Hiện ngành chức năng và người dân nơi đây đang triển khai nhiều giải pháp để ứng phó.
Diễn biến phức tạp ở Bến Tre
Sáng 16/12, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho hay, khoảng 1 tuần nay, mặn đã xâm nhập vào địa bàn huyện Chợ Lách. Hiện ngành nông nghiệp đang cùng bà con khẩn trương ứng phó.
Mặn xuất hiện sớm ở Vĩnh Long (Cống ngăn mặn, trữ ngọt ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) Ảnh: Huỳnh Xây
Trước đó, ngày 10/12, độ mặn cao nhất ở huyện Chợ Lách là 6,65 (đo tại Vàm Cái Hàn, ấp Phú Hòa, Xã Hưng Khánh Trung B), nhưng sau đó giảm dần. Đến nay, độ mặn cao nhất chỉ ở mức 1,3. Theo ông Liêm, do độ mặn được phát hiện sớm, người dân có sự chủ động, chuẩn bị nên chưa có có bị thiệt hại về cây ăn trái và hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán. Về độ mặn giảm, ông Liêm cho rằng, chỉ là tạm thời và sẽ tăng trở lại khi có gió chướng và triều cường.
"Hầu hết tất cả các nhánh sông trên địa bàn huyện đều có khả năng lấy nước được nên chúng tôi đang chỉ đạo bà con tranh thủ trữ và sử dụng dần. Để hỗ trợ người dân ứng phó với hạn mặn trong thời gian tới, Phòng NNPTNT huyện đã và đang hướng dẫn người dân thử nghiệm một số dụng cụ trữ nước ngọt tưới cho vườn cây ăn trái và hoa kiểng" - ông Liêm nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước diễn biến khó lường của tình trạng xâm nhập mặn, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Chợ Lách đã nhanh chóng tổ chức họp bàn phương án ứng phó. Tại cuộc họp, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo ngành chức năng phải đo độ mặn hàng ngày, tổ chức các điểm đo độ mặn miễn phí cho người dân có nhu cầu. Đồng thời, xây dựng các khu vực trữ nước ngọt ở các xã, mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt cho các xã bị ảnh hưởng do mặn.
Không chỉ ở Chợ Lách, trên các sông chính đi qua nhiều địa phương khác ở Bến Tre cũng đột ngột xuất hiện nước mặn. Mới đây, độ mặn cao nhất đo được trên sông Cửa Đại tại trạm Giao Hòa có lúc lên đến 10,6 (cách cửa sông 39km), trên sông Cổ Chiên tại trạm Cân Sơn 8,19 (cách cửa sông 36km), trên sông Hàm Luông tại trạm Mỹ Hóa 4,4 (cách cửa sông 48km).
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bến Tre đã đề nghị các ngành chức năng và người dân sử dụng tiết kiệm nước, thực hiện các giải pháp trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô tới. UBND các địa phương triển khai thực hiện ngay việc đắp đập thời vụ ngăn mặn cục bộ đối với những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Các huyện khu vực thượng nguồn (Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc...) chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái, tổ chức đo kiểm tra độ mặn khi có diễn biến gay gắt để kịp thời khuyên cáo người dân lây nước tưới cho phù hợp, hạn chế xảy ra thiệt hại.
Mặn xuất hiện rất sớm tại Vĩnh Long
Trong khi đó, ở tỉnh Vĩnh Long, nước mặn cũng xuất hiện rất sớm. "Theo quy luật nhiều năm, Vĩnh Long chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn từ tháng 2 đến tháng 5, cao điểm nhất là tháng 3 và tháng 4. Nhưng quy luật này đã thay đổi, mặn xuất hiện sớm hơn và độ mặn cao hơn. Cụ thể, chưa năm nào trong tháng 12 tại cống Nàng Âm, độ mặn cao tới 8,2; tại Vàm Vũng Liêm cao 6,6" - ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Người dân huyện Chợ Lách (Bến Tre) sử dụng tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất hoa kiểng. Ảnh: H.X
Theo ông Lợi, ông công tác ở Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Long đến nay đã 38 năm nhưng chưa thấy có năm nào, Vĩnh Long chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn như năm nay. Theo cơ sở dữ liệu có được, có thể nhận định, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 ở Vĩnh Long sẽ diễn ra gay gắt, bằng hoặc cao hơn năm 2016.
Ông Lê Văn Phương (64 tuổi, nông dân ngụ xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) lo lắng nói: "Mấy năm trước, qua Tết Nguyên đán, mặn mới xuất hiện và không đáng kể, nhưng năm nay đã khác rồi nên tôi rất lo. Rất may tôi đã trữ nước trong vườn cam, nếu không là sẽ bị thiệt hại rồi".
Ông Lê Thanh Vũ - Phó Bí thư thường trực huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) nói: "Xâm nhập mặn đợt này về sớm khiến địa phương bị động. Với diễn biến này, nếu không ứng phó kịp, đóng các cống, trữ nước ngọt thì coi như lúa của bà con sẽ bị lép hạt, cây ăn trái mất mùa và thậm chí sẽ chết hết. Tời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng thông báo cho bà con biết diễn biến mặn trong thời gian sớm nhất".
Hướng xâm nhập mặn chủ yếu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là sông Cổ Chiên và sông Hậu, gây ảnh hưởng đến sản xuất lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản ở huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn và Tam Bình. Do đó, ông Trần Hoàng Tựu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã chủ đạo các ngành chức năng xây dựng 3 phương án ứng phó với đợt hạn mặn từ nay kéo dài cho đến đầu năm 2020. Kịch bản ứng phó nặng nề nhất là hạn mặn sẽ gây nhiễm mặn, thiếu nước cho gần 100.000ha hoa màu, lúa, cây ăn trái, cuộc sống của hàng chục nghìn hộ gia đình gặp khó khăn.
Các biện pháp ứng phó được đưa ra là đóng cống ngăn mặn khi triều cường cao, ngừng bơm nước cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt. Khi triều xuống, bơm nước vào vùng trữ ngọt để phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt cho người dân. Đồng thời chỉ đạo tất cả các địa phương phải trực chiến 24/24 giờ để có thông tin xâm nhập mặn mới nhất và liên tục gửi cảnh báo đến người dân thông qua tin nhắn trên điện thoại.
Theo Danviet
1001 thắc mắc: Vì sao lông chim quý thường có màu xanh? Màu xanh tươi trên lông các loài chim quý không phải là màu tự nhiên của lông vũ mà là do hiệu ứng ánh sáng tạo ra khi bị phân tán trên bề mặt các lớp lông của chim. Làm thế nào để chúng có màu lông quý phái như vậy? Những loài chim nào được coi là 'Quốc điểu' của một số...