Độc đáo làng ăn Tết lại ở xứ Thanh
Hàng năm cứ đến ngày 1/2 âm lịch, người dân làng Thiều, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa lại có tục ăn Tết lại. Dân làng mở hội ăn mừng, tổ chức ăn cái Tết lại còn to hơn Tết cổ truyền.
Theo những vị cao niên trong làng Thiều kể lại, tục lệ ăn Tết lại có từ tích: vào thời nhà Lê có một vị tướng công tài thao lược quân sự là người con của làng có tên là Lê Phúc Đồng. Ông được triều đình cử đem quân đi đánh giặc Ân xâm lược bờ cõi nước ta ở cửa biển Thần Phù. Khi đoàn quân của ông vượt qua sông Mã, đến đoạn sông Lèn (một nhánh đổ ra biển của sông Mã), qua chân núi Thiều, thì thuyền bị mắc cạn.
Tướng quân đã cho quân lính nghỉ chân ngay dưới bến của làng. Khi lên bờ dạo chơi, tướng quân gặp cái miếu nhỏ nằm dưới chân núi Thiều, liền thắp nhang khấn xin cho đoàn quân được thuận buồn xuôi gió, đánh thắng giặc Ân.
Thắp nhang xong trở lại thuyền thì bất ngờ thấy thuyền đang mắc cạn bỗng xuôi dòng tiến thẳng về phía quân giặc. Trận đó đội quân của ông đại thắng. Trên đường trở về, tướng quân Lê Phúc Đồng đã cho quân ghé vào làng Thiều làm lễ tạ ơn và mở hội cho dân làng ăn mừng chiến công. Người dân làng Thiều mở hội ăn mừng ngày 26 tháng Chạp hàng năm nên nơi đây có phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày này.
Đoàn rước bắt đầu khởi hành từ đình làng
Đến ngày 1/2 âm lịch, sau Tết Nguyên đán 1 tháng, tướng công Lê Phúc Đồng xin dân làng được làm Tết lại tạ ơn dân dân làng Thiều để trở về cung. Làng chấp thuận mở hội mừng tổ chức ăn Tết. Chính vì thế người dân làng Thiều ăn Tết lại to hơn cả Tết Nguyên đán.
Video đang HOT
Làm bánh dày
Ngày Tết lại của người dân làng Thiều được tổ chức rất lớn. Khác với Tết cổ truyền là gói bánh chưng, ngày Tết lại người người làm bánh dày. Ông Trương Ngọc Toán, một cao niên trong làng, cho biết: “Hầu hết các gia đình trong làng đến vào ngày này đều làm bánh dày để cúng ông bà tổ tiên. Các món ăn khác trong ngày Tết đều có cả”.
Nhiều người cùng tham gia giã bánh
Theo ông Toán thì trước đây, dân làng ăn Tết lại rất to. Nhiều gia đình mổ lợn, trâu bò,… Đến nay, đời sống được nâng cao nên dân làng đã giảm bớt các thủ tục về phần ăn uống nhưng vẫn không thể thiếu được món bánh dày.
Tục truyền lại, ngày ăn Tết lại của người dân làng Thiều còn được gọi là “ngày cỗ chạy”. Điều này được người dân lý giải: Xưa kia cứ đến ngày Tết lại, những gia đình có con trai dù đã lấy vợ hay chưa, đã làm con rể hay có ý định làm rể một gia đình nào đó, phải chuẩn bị một mâm cỗ để mang đến nhà thông gia.
Bánh dày được đặt lên bàn thờ để làm lễ cúng thành Hoàng làng, lễ báo công…
Những gia đình có nhiều con trai càng mất nhiều công sức chuẩn bị mâm lễ cho con mình. Có gia đình nhiều con trai còn phải bán cả ruộng đi sắm lễ. Những gia đình đông con gái thì ngược lại, bố của những cô gái này lại tổ chức cuộc thi cỗ. Anh con trai nào mang lễ đến đạt nhất sẽ đạt giải. Sau đó cả gia đình ăn uống linh đình.
Đến nay, tục “cỗ chạy” không còn nhưng thay vào đó là những người con trai trong làng phải mang một đôi bánh dày đến Tết bố vợ.
Ngoài bánh dày, trên bàn thờ mỗi gia đình còn có nhiều loại bánh khác như bánh chưng, bánh lá, hoa quả… Mâm cỗ được bày lên cúng chính thức tầm giờ trưa ngày 1/2 âm lịch. Đây là thời điểm các hoạt động lễ tế ở ngoài đình làng đã xong. Làng cho dân ai về nhà nấy cúng cỗ và ăn cơm trưa trong gia đình.
Các lễ chính trong ngày Tết lại được tổ chức trọn một ngày. Từ sáng, dân làng tổ chức lễ rước kiệu từ đình làng đến các chùa và miếu xung quanh làng cuối cùng quay về đình chính nằm giữa làng để làm các lễ tế thành hoàng làng, dâng lễ vật báo công, lễ tế nữ quan…
Phần hội được tổ chức các trò chơi truyền thống dân gian cho dân làng vui chơi trong ngày Tết như: Thi nấu giã bánh dày, kéo co, đấu vật, bóng chuyền… Lễ ăn Tết lại diễn ra trong một ngày, sau đó cuộc sống người dân lại trở lại nhịp sống thường ngày…
Theo Dantri
Đến làng Sình xem làm tranh cổ
"Xóm Lại Ân canh gà xào xạc /Giục khách thương mua một bán mười... "Câu thơ chừng ấy cũng đủ nói lên sự phát triển trù phú một thời của làng Sình. Làng nằm bên bờ tả sông Thanh Hà - một bến nhỏ, còn có tên là Phố Lở. Sình hay Sinh là tên nôm của làng Lại Ân, cách Huế chừng 7km về phía Đông Bắc.
Làng Sình nổi tiếng bởi nghề làm tranh khắc phục vụ tín ngưỡng và thờ cúng. Tranh làng Sình có thể sánh với các dòng tranh dân gian miền Bắc như Ðông Hồ, Hàng Trống... một thời đã lưu hành khắp vùng Thuận Quảng. Ðể làm tranh, người làm tranh có khi phải lên tận rừng già phía Tây. Các màu trong tranh đều được tạo ra từ chính những cây cỏ hoặc là có sẵn trong vùng. Vì thế, màu sắc của tranh cũng vô cùng đặc biệt, không trùng lặp với màu sắc của dòng tranh truyền thống nào.
Người làm tranh ở Làng Sình từ lâu đã biết dùng cây cỏ trong vườn để tô màu, hạt mồng tơi cho màu xanh dương, hạt hòe cho màu vàng đỏ, muốn màu đỏ sẫm hơn thì pha thêm nước lá bàng. Ngoài ra người làng Sình còn dùng đá son để lấy màu đỏ, bột gạch để có màu đơn. Màu đen được dùng nhiều nhất, để tạo ra màu đen cũng phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, người ta lấy rơm gạo nếp đốt cháy thành tro, sau đó hòa tan trong nước, lọc sạch để lấy một thứ nước đen, đem cô lại thành một thứ mực đen bóng. Những màu sắc được các nghệ nhân tranh làng Sình quen sử dụng là các màu xanh dương, vàng, đơn, đỏ, đen, lục.
Du khách bốn phương, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đặc biệt yêu thích tranh làng Sình. Những năm trở lại đây, ngày nào làng cũng đón tiếp khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu nét đẹp văn hóa và mua tranh làm quà lưu niệm. Đến với làng Sình, du khách còn thử tự vẽ cho mình những bức tranh riêng rồi mang về làm quà kỷ niệm. Bởi vậy mà làng nghề không những được bảo tồn mà còn ngày càng phát triển. Đây cũng là mong ước của những người dân làng Sình để có cơ hội gìn giữ, quảng bá và phát triển nghề cũ cha ông mà còn là cơ hội để cho người dân làng Sình có thể sống mãi với nghề truyền thống.
Theo ANTD
Làng mật mía xứ Thanh đón Tết Nổi tiếng bởi độ thơm ngon và màu sắc đẹp, mật mía Đồng Trạ (Thanh Hóa) được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cận Tết, dân làng tất bật sản xuất để kịp ra lò hàng nghìn tấn mật phục vụ người dân. Với người dân miền Trung, đặc biệt là ở Thanh Hóa, mật mía không thể thiếu trong những ngày Tết...