“Độc đạo” kết buồn gây tiếc nuối, biên kịch: “Tôi sai lầm nên phải trả giá”
“Lẽ ra Hồng nên “tà” hơn, bớt đáng yêu hơn, và như thế cái kết sẽ bớt đau đớn hơn. Rõ ràng là tôi sai lầm, thế nên cũng như Hồng, tôi phải trả giá”, biên kịch phim “Độc đạo” chia sẻ.
Kết phim không thỏa đáng?
Tối 20/11, tập 36 (tập cuối) của phim hình sự Độc đạo đã lên sóng, khép lại hành trình gần 3 tháng đồng hành cùng khán giả với những diễn biến bất ngờ nhưng cũng nhiều tiếc nuối.
Theo đó, trong tập cuối, Hồng (Doãn Quốc Đam) đã phối hợp với công an để triệt phá đường dây buôn ma túy khét tiếng ở bản Mây. Trong lúc Quân “Già” (Vĩnh Xương) định kết liễu Hồng, Long (Hà Việt Dũng) đã bắn hạ hắn, kết thúc cuộc đối đầu sinh tử.
Trích đoạn tập cuối phim “Độc đạo” ( Video:VTV)
Trong khi đó, Phùng (Bảo Anh) đã thú nhận mọi lỗi lầm với Long. Anh tiết lộ nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã nhúng chàm.
Long thuyết phục lãnh đạo sử dụng Phùng cho chuyên án, tiếc nuối vì Phùng vốn là một cán bộ giỏi. Sau khi phá án thành công, Phùng chấp nhận chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng vẫn đau đáu vì đánh mất danh dự và lý tưởng.
Hồng trở về nhà nhưng sau mọi hi sinh anh lại bị cả gia đình quay lưng: Tuyết (Thanh Huế) và bà Mộc (NSƯT Nguyệt Hằng) giận dữ, Khương (Duy Hưng) cũng tuyên bố đoạn tuyệt tình anh em vì những sai lầm của Hồng.
Trong lúc đau khổ, Hồng viết thư cho Thanh – em trai của mình – kể lại mọi chuyện. Hồng thừa nhận bản thân mình kể từ khi quyết định đi tìm kiếm sự thật, anh đã để hận thù và mục tiêu trả thù chiếm lĩnh cuộc đời mình.
Hồng hy vọng dù hai anh em có gặp hay không gặp thì em trai cũng sống cuộc đời tự do và thảnh thơi nhất.
Sau tất cả, Hồng tìm về vùng quê gặp Diễm (Việt Hoa) – người anh yêu – như đã hứa, Hồng tưởng sẽ tìm được hạnh phúc. Tuy nhiên, Hồng bất ngờ bị Tân “Khẹc” (Duy Nam) tới đâm trọng thương, khiến anh gục ngã tại cổng nhà Diễm.
Trong phút nguy kịch, Hồng nghĩ nếu ngày đó mình chấp nhận nỗi đau, buông được căm hận, tin rằng ông trời có mắt… thì có thể cuộc đời anh đã khác. Hồng nhận ra những sai lầm và nuối tiếc khi chọn con đường thù hận.
“Những kẻ như tôi, bất cứ lúc nào cũng có thể nằm xuống… Điều nuối tiếc lớn nhất vẫn là nỗi đau khi tôi đánh mất sự tự do và tử tế. Mãi mãi chỉ còn độc đạo trong bóng tối”, Hồng gục ngã trong vòng tay của Diễm.
Cuối cùng, Quân “Già”, Hưng “Khẹc” (NSƯT Chí Trung), Tiến “Tỉa” chịu án tử hình. Dương “Cơ bắp” (NSƯT Hồ Phong), ông Cừ (NSND Bùi Bài Bình) đi tù chung thân. Khương “Liều” chịu mức án 12 tháng tù giam và bồi thường thiệt hại cho Dương “Cơ bắp”.
Phùng (Bảo Anh) nhận hình phạt 2 năm tù do có hành vi tiếp tay cho tội phạm. Tân “Khẹc” bị kết án 3 năm tù và buộc phải bồi thường viện phí cho Hồng. Nhiều khán giả cho rằng, Hồng đã qua cơn nguy kịch và còn sống.
Cảnh U Mộc đau xé lòng khi Hồng nói lời vĩnh biệt trong tập cuối phim “Độc đạo” đã lấy nước mắt của nhiều khán giả (Ảnh: VTV).
Ngay khi kết thúc, cái kết của Độc đạo trở thành đề tài bàn tán xôn xao trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều.
Bạn Nguyễn Liễu cho rằng: “Cái kết không thỏa đáng. Hồng – một đứa trẻ đáng thương tận mắt chứng kiến cha bị giết hại, sợ hãi gặp ác mộng mỗi đêm. Về nhà Lê Toàn bị đối xử khắc nghiệt.
Hồng tốt với gia đình U Mộc như thế mà cuối cùng bị cả gia đình quay lưng tàn nhẫn… Sau này, nhờ Hồng thông minh, dũng cảm thì công an mới phá án thành công. Vẫn biết là Hồng không chết nhưng từ đầu đến kết phim đẩy hết sự thiệt thòi cho Hồng”.
Khán giả Thy Sương bình luận: ” Độc đạo kết thúc, điều mình tiếc nhất là tình cảm gia đình, tình anh em đẹp với Khương bị đổ vỡ”. Đồng quan điểm, bạn Lê Minh Quang cũng cho rằng: “Kết phim buồn về tình cảm gia đình đổ vỡ sau bao nhiêu ân tình”.
Nhà báo Chiến Văn – một khán giả trung thành, không bỏ sót tập nào của Độc Đạo - cũng bày tỏ không hài lòng trước cái kết của phim.
“Tôi thấy kết hơi bất nhẫn với Hồng và Tân “Khẹc” nhất là với Hồng. Bởi từ đầu phim đến cuối, anh ấy chỉ làm việc tốt, có trả thù thì cũng chưa đạt được và đã bị trả giá về cái chết của ông bố nuôi là Lê Toàn rồi.
Còn lại, việc Hồng bị cuốn theo, lún sâu vào mối quan hệ kia cũng một phần do Long nhờ phối hợp. Ở khía cạnh nào đó, sự thông minh, xuất sắc của Hồng còn giúp lực lượng công an phá án rất nhiều.
Đoạn kết muốn tuyên truyền, giáo dục con người sống theo pháp luật nhưng vì điều đó mà lại đẩy Hồng vào sự cô đơn, đón nhận sự bạc bẽo từ chính người mình đã hi sinh hết thảy… Chưa kể, đã muốn cái kết không thù hận lại để Tân “Khẹc” đâm Hồng rồi lĩnh án.
Cả phim Hồng đều sống và nghĩ về gia đình. Lúc về còn bị băng bó. Vậy mà cuối cùng… bị quay lưng”, nhà báo Chiến Văn chia sẻ.
Trong khi đó, khán giả Lam Anh bình luận: “Mình thấy kết mở rất hay mà. Đoạn tự sự cuối phim của Hồng đã nói lên tất cả. Hồng đương nhiên không chết nhưng cái giá Hồng phải trả cho sự hận thù của mình là luôn đơn phương độc mã.
Bộ phim truyền tải thông điệp đừng sống trong hận thù, ai sai đã có pháp luật và phải họ trả giá cho những sai lầm của mình.
Trong cuộc sống, mọi việc sẽ dẫn đến kết quả hay hậu quả đều do sự lựa chọn của chính bản thân mình. Bởi Hồng đã chọn đi trên con đường độc đạo trong bóng tối của lòng thù hận nên hậu quả Hồng phải nhận là sự cô đơn cùng cực, thiệt thòi là điều dĩ nhiên thôi. Thương Hồng!”.
Bạn Đan Trường đồng tình: “Cái kết mở khá hay. Bản án của Tân “Khẹc” chứng tỏ Hồng chưa chết và rồi lại hạnh phúc với Diễm. 30 giây cuối phim Hồng nằm xuống là cảnh tỉnh cho việc mang hận thù quá sâu.
Hồng đáng trách khi không cứu Lê Toàn, đáng thương khi cuối phim đã mất hết tình nghĩa gia đình… Đạo diễn lột tả được nội tâm nhân vật quá sâu sắc. Nói chung phim hay”.
Dẫu còn nhiều tranh cãi về cái kết song không ít người đều cho rằng, bộ phim Độc đạo đã chạm tới cảm xúc của khán giả. Họ tiếc nuối nhưng cũng cảm thấy hụt hẫng khi phim kết thúc mở và mong chờ phim sẽ có phần 2.
Doãn Quốc Đam đăng ảnh hậu trường khi nhân vật Hồng bị Tân “Khẹc” đâm trọng thương trong tập cuối phim (Ảnh: Facebook nhân vật).
“Có những thứ cần phải nhớ để sống cho tử tế”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, biên kịch Phạm Đình Hải cho hay, anh là một trong 3 người theo nhân vật Hồng từ 5 năm trước. Anh đã phải chỉnh sửa từng câu thoại, từng cử chỉ, thậm chí tưởng tượng ra từng suy nghĩ tính toán và cảm thấy từng cảm xúc, cảm giác của Hồng.
Với cái kết phim hiện tại, biên kịch bày tỏ: “Tôi còn khó chịu hơn khán giả rất nhiều, còn stress mất mấy tuần khi viết những dòng đó. Những người khác trong đoàn phim, sau quãng thời gian gắn bó với các nhân vật, có lẽ cũng buồn như tôi.
Song, cuộc đời là như thế, có những thứ cần phải nhớ để sống cho tử tế, và nỗi đau sẽ dễ nhớ hơn niềm vui”.
Biên kịch Phạm Đình Hải cũng bộc bạch, dù có yêu thương Hồng đến bao nhiêu thì anh cũng không thể phủ nhận rằng, nếu trên đời này có kẻ muốn thao túng tất cả mọi người, tính toán đến tận cùng của thế gian thì kẻ đó chắc chắn sẽ thất bại thảm hại.
Cho dù thao túng một người thô kệch và đơn giản như Khương “Liều” thôi, cũng vẫn sẽ có lúc mọi chuyện vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
“Đoạn kết còn phá vỡ hết những thiện cảm của khán giả với các nhân vật mà tôi cũng dồn rất nhiều tâm sức: Khương “Liều”, U Mộc, Tuyết.
Điều này tôi cũng cân nhắc rất nhiều cho các câu thoại. Tôi thấy khán giả mắng Khương vô ơn, mắng U Mộc vô lý, mắng Tuyết láo toét không có tư cách mắng Hồng. Tôi rất thương các nhân vật, tôi thấy có lỗi với diễn viên nhưng cái gì cần làm vẫn phải làm thôi.
Đối với tôi, giây phút U Mộc đẩy Hồng ra khỏi nhà, nó còn đau đớn hơn giây phút Hồng bị đâm rất nhiều, bởi chính bà là người đã nhặt thằng bé năm xưa về”, biên kịch giãi bày.
Anh kể, mình từng viết một đoạn nhưng về sau bị cắt đi, đó là sau khi ra khỏi nhà thì Hồng lang thang vô định, cuối cùng nhận ra là mình đang đứng ở góc chợ năm xưa.
Về mặt cảm xúc, đó là nơi mà Hồng được cứu vớt, chạm tới kỷ niệm quý giá nhất. Về mặt hình ảnh, đó là biểu hiện của việc Hồng trở lại như trước khi được U Mộc nhặt về, lại là cái cây không rễ. Khi bị dồn đến đáy, Hồng sẽ chỉ còn mỗi một việc là leo lên thôi.
Thế nên, Hồng đi tìm Diễm và Thanh, một cách thản nhiên lạnh lùng với gia đình hiện tại. Không thể chấp nhận được sự có mặt của nhau được nữa thì cũng đành buông ra, dù yêu thương đến đâu.
Cảnh phim Thanh (Tô Dũng) – em trai thất lạc năm xưa của Hồng – đọc bức thư đầy nước mắt Hồng gửi cũng chạm đến cảm xúc cho khán giả (Ảnh: VTV).
Phạm Đình Hải thừa nhận, đó là cách viết của anh 20 năm trước, không phải là cách viết bây giờ.
“Nó rất tàn nhẫn và tăm tối, nên tôi đã bỏ đi không dùng nữa, nhưng lần này lại nhặt lên”, anh nói.
Biên kịch chia sẻ thêm, với anh, sai lầm lớn nhất là sau giây phút Hồng tiếp nhận lời dặn của ông Toàn: “Công an sẽ là vũ khí của anh!”, vì quá yêu nhân vật mà anh vẫn cố gắng giữ cho Hồng một hình ảnh đẹp đẽ, sạch sẽ – ít ra ở bề ngoài.
Biên kịch Phạm Đình Hải tâm sự: “Lẽ ra Hồng nên “tà” hơn, bớt đáng yêu hơn, và như thế cái kết sẽ bớt đau đớn hơn.
Tôi đã xây dựng một kẻ thánh thiện cool ngầu, khiến tất cả khán giả yêu quý, rồi lại cho hắn dắt mũi cả những tay sừng sỏ nhất, ngầm điều khiển cả công an, dù có gây ra hậu quả gì thì chính tôi lại tìm đủ mọi cách để biện minh cho hắn.
Tôi cũng từng tự hỏi: “Mình đang muốn tuyên truyền cái gì vậy? Đang muốn làm gương gì cho bọn trẻ vậy?”
Rõ ràng là tôi sai lầm, thế nên cũng như Hồng, tôi phải trả giá. Mặt khác, dù tôi không viết tiếp thì cũng có người khác viết, thế nên tôi viết”.
Anh nói, bản thân đã từng không đồng ý với cái kết nhưng cuối cùng lại chấp nhận. Anh chấp nhận “những đau đớn và không vui này, thậm chí sẵn sàng vi phạm vào tư duy kể chuyện, gạt đi những lý thuyết sáng tác mà mình dạy cho học trò của mình”.
“Phim cũng đã hết, rồi dần dần sẽ chìm vào quên lãng nhưng có những vết hằn trong cuộc đời sáng tác mãi mãi không bao giờ phai được.
Tôi hiểu ra rằng: Mỗi cuộc chơi có một luật chơi, mỗi tổ chức có một quy tắc, mỗi dự án lại có một tiêu chí khác nhau. Muốn thay đổi cũng cần có tư cách, muốn từ chối cũng cần phải có tư cách. Đơn giản vậy thôi”, biên kịch bày tỏ.
Biên kịch Phạm Đình Hải chia sẻ: “”Lẽ ra Hồng nên “tà” hơn, bớt đáng yêu hơn, và như thế cái kết sẽ bớt đau đớn hơn” (Ảnh: VTV).
Còn đạo diễn Trần Trọng Khôi cho rằng, cho đến thời điểm này khi bộ phim kết thúc, anh thấy có nhiều thứ để tiếc nuối.
Theo anh, điều tiếc nuối đầu tiên là về bối cảnh phim, có những bối cảnh địa điểm quay rất đẹp và độc đáo nhưng trong điều kiện sản xuất phim của VTV vẫn còn eo hẹp nên ê-kíp chưa làm được theo ý muốn.
Điều thứ hai, đó là trong phim có rất nhiều cảnh hành động và võ thuật mà nếu như có nhiều thời gian, không vừa quay vừa phát sóng thì có lẽ sẽ còn làm tốt hơn và có tính thuyết phục cao hơn.
Ngoài ra, việc chuẩn bị những cảnh cháy nổ, cảnh quay phải sử dụng ô tô sang, du thuyền… ê-kíp đều phải sử dụng các mối quan hệ cá nhân đi mượn hoặc thuê.
Nếu có điều kiện tốt hơn thì họa sĩ sẽ có sự chuẩn bị và sáng tạo hơn nữa cho những cảnh quay này, từ đó có nhiều góc máy và hình ảnh hấp dẫn hơn cho bộ phim.
“Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chúng tôi cảm thấy rất hài lòng. Nhờ vào nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả mọi người, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, ê-kíp đã làm được bộ phim chất lượng, nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả”, nam đạo diễn chia sẻ với VTV.
Khán giả bình phim Việt: Hồng trong 'Độc đạo' của Doãn Quốc Đam quá 'dễ thở'
Nhiều người khen vai diễn của Doãn Quốc Đam trong phim Độc đạo, nhưng theo tôi, đây là vai diễn khá 'dễ thở' so với năng lực diễn xuất của anh.
Tôi là khán giả rất thích xem phim truyền hình và phim Độc đạo cũng là phim mà tôi đánh giá cao về chất lượng cũng như dàn diễn viên, trong đó có Doãn Quốc Đam.
Đến hiện tại, có thể nói, Doãn Quốc Đam là gương mặt thực lực nổi bật của màn ảnh phía Bắc. Bởi khả năng biến hóa qua từng vai diễn nên nhiều người mới gọi anh là "tắc kè hoa".
Hồng trong phim Độc đạo là vai diễn quá "dễ thở" với Doãn Quốc Đam. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Mỗi vai diễn, Doãn Quốc Đam đều để lại dấu ấn riêng, bằng năng lực và bản năng diễn xuất, nam diễn viên gốc Thái Nguyên dường như luôn tạo ra nét quái từ vai nhỏ, vai phụ, vai thứ và đến Độc đạo là vai chính của phim giờ vàng. Nếu ai từng xem Doãn Quốc Đam diễn vai Fedora trong Mê cung sẽ thấy nét diễn khiến nhân vật trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi cho người xem ở mỗi cảnh có hắn xuất hiện. Từ tạo hình, ánh mắt, nét mặt, cử chỉ chân tay đều toát lên sự bệnh hoạn, kỳ quái của tên sát thủ.
Hay Mến của Phố trong làng cũng là một nhân vật rất thành công của Doãn Quốc Đam. Anh Mến "nát rượu", vũ phu với tạo hình là cái đầu trọc. Doãn Quốc Đam đã thực sự tạo ra một gã "chí phèo" thời hiện đại theo cách riêng khiến người xem thực sự bị "đóng đinh" với nhân vật. Sau này khi xem Doãn Quốc Đam trong Đấu trí với vai Tuấn "nháy" tôi cũng rất ấn tượng. Cái tật nháy mắt của Tuấn mỗi khi nói chuyện lại tạo nên sự đặc biệt trên màn ảnh nhỏ. Mà theo tôi đoán, chỉ có Doãn Quốc Đam mới nghĩ ra "trò diễn" này để tạo sự "quái đản" đặc trưng cho nhân vật.
Tạo hình của Hồng trong phim Độc đạo. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Đến phim Độc đạo, vào vai Hồng, Doãn Quốc Đam đang thể hiện tính cách của người đàn ông trưởng thành, thông minh và luôn đứng giữa ranh giới thiện - ác, quân tử và tiểu nhân... Nhưng rõ ràng phần quân tử nhiều hơn trong con người này. Nếu có gì đó xấu xa thì chắc chỉ do thù hận làm mờ mắt.
Trong phim này, tôi thấy Doãn Quốc Đam không biến hóa gì nhiều, chỉ thể hiện tâm lý, cảm xúc của nhân vật qua ánh mắt, cử chỉ và thoại... Hồng vẫn điềm tĩnh, lặng lẽ và thắt ẩn thoắt hiện trong câu chuyện của phim Độc đạo. Ngoại hình và phục trang của nhân vật Hồng cũng không đặc sắc, chủ yếu áo sơ mi và quần tây, mái tóc dài cột lại. Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng diễn bằng mắt, nét mặt để lột tả được thần thái, tâm lý nhân vật là rất khó. Nhưng với một diễn viên "nặng ký" như Doãn Quốc Đam thì chắc không. Hơn nữa tôi thích sự "biến hóa" của anh hơn là kiểu trầm tĩnh, nhẹ nhàng như trong Độc đạo. Nên với tôi, vai diễn này quá "dễ thở" với Doãn Quốc Đam.
Doãn Quốc Đam hé lộ 'trận đánh' cuối của Độc đạo? Hậu trường cảnh quay tại một hang động với lực lượng cảnh sát đông đảo được dự đoán là phân cảnh quan trọng ở những tập cuối Độc đạo. Độc đạo - bộ phim gây sốt trên sóng truyền hình và mạng xã hội ở thời điểm hiện tại - đang đi đến những tập cuối cùng. Hiếm có một bộ phim nào...