Độc đáo hồ trữ nước trên miệng núi lửa lớn nhất tại đảo Lý Sơn
Hồ trữ nước ở miệng núi lửa lớn nhất trên đảo, nơi từ hàng triệu năm về trước đã phun trào những dòng nham thạch góp phần hình thành diện mạo độc đáo của Lý Sơn ngày nay.
Huyện Lý Sơn bao gồm đảo Lớn và đảo Bé. Khu vực này có vết tích của 10 miệng núi lửa, trong đó có 3 miệng núi lửa nằm dưới đáy biển. (Nguồn: Dân trí)
Tọa lạc tại xã An Hải, Thới Lới là ngọn núi lửa lớn nhất trên đảo Lý Sơn với đỉnh cao hơn 149 m so mực nước biển và cũng là điểm cao nhất trên đảo. Hành trình khám phá đỉnh núi sẽ thú vị hơn khi bạn đi qua hồ nước ngọt lớn nhất trên đảo.
Đây cũng là nguồn nước cung cấp tưới tiêu cho cánh đồng hành, tỏi và phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Con đường bộ đưa du khách từ vị trí cột cờ, theo hướng Nam, leo dần lên đỉnh núi để tới lòng hồ tự nhiên trông như chiếc phễu khổng lồ. Đây cũng chính là miệng núi lửa từ hàng triệu năm về trước đã phun trào những dòng nham thạch góp phần hình thành diện mạo độc đáo của Lý Sơn ngày nay.
Hồ chứa nước là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho hoạt động trồng trọt trên đảo. (Nguồn: Thanh Niên)
Vào mỗi thời điểm trong ngày, mặt hồ mang những vẻ đẹp riêng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đa sắc. Buổi sáng, khi mặt trời bắt đầu nhô lên từ phía Đông, ánh sáng dịu nhẹ phủ lên mặt nước hồ Thới Lới, tạo nên một mầu xanh biếc trong lành.
Những tia nắng sớm chiếu xuống, khiến mặt nước lấp lánh như được rải bạc. Không gian chung quanh yên tĩnh, chỉ có tiếng chim hót và gió nhẹ thổi qua những ngọn cỏ ven hồ, tạo nên một khung cảnh tươi mát, thanh bình.
Video đang HOT
Miệng núi lửa Thới Lới nhìn từ trên cao. (Nguồn: Nhân dân)
Trưa đến, dưới ánh nắng gay gắt, hồ trở nên rực rỡ hơn với sắc xanh thẫm. Ánh nắng chiếu thẳng đứng làm nổi bật từng gợn sóng nhỏ. Mặt nước phản chiếu bầu trời xanh cùng với những đám mây trắng bay lơ lửng, tạo ra một bức tranh sống động. Vào thời điểm này, không khí có phần nóng bức nhưng mầu xanh thẳm của hồ lại mang đến cảm giác dịu mát, thư thái.
Những cánh đồng trồng hành, tỏi xanh mướt trên đảo Lý Sơn. (Nguồn: Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi)
Buổi tối, khi mặt trời đã lặn, mặt nước hồ chuyển sắc gần như đen. Khung cảnh tĩnh mịch, chỉ còn lại tiếng rì rào của gió và tiếng sóng biển xa xăm. Mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương lớn phản chiếu bầu trời đêm mang đến cảm giác bình yên, sâu lắng.
Trong bóng tối, hồ Thới Lới như chìm vào giấc ngủ, chờ đón ánh sáng của ngày mới. Công trình thủy lợi đầu tiên trên đảo không chỉ có ý nghĩa kinh tế và đời sống của người địa phương mà còn thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, trở thành một điểm đến hấp dẫn của đảo.
Ngỡ ngàng vẻ đẹp Lý Sơn
Những ai xa Lý Sơn (Quảng Ngãi) chừng mười năm, giờ trở lại sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự lột xác của một hòn đảo từng ngủ vùi trong nghèo khó và quên lãng.
Chính du lịch đã đánh thức hòn đảo xinh đẹp này trong những năm qua.
NƠI TRẦM TÍCH VỀ VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ
Người Việt đã có mặt trên đảo Lý Sơn vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, khi 15 tộc họ tiền hiền của 2 huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) chính thức đặt chân lên đảo và bắt đầu khai phá rồi sinh cơ lập nghiệp tại đây.
Dù cách trở với đất liền, lại luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió nhưng "chiến hạm nổi giữa Biển Đông" ấy luôn biết cách để tồn tại và vượt qua. Chưa thấy nơi đâu mà diện tích chỉ vỏn vẹn 10 cây số vuông nhưng các di tích văn hóa, lịch sử lại đậm đặc và độc đáo như ở Lý Sơn.
Một chùa Hang mang đậm vẻ hoang sơ huyền bí. Một bãi Tắm Tiên nơi đảo Bé gợi nhớ thời hồng hoang nguyên thủy gắn liền với những truyền thuyết đậm chất liêu trai. Một cổng Tò Vò vô cùng lạ lẫm - dấu vết còn lại của những đợt phun trào núi lửa từ hàng triệu năm trước. Một miệng núi lửa khổng lồ trên đỉnh Thới Lới. Hai bộ xương cá voi được coi là lớn nhất Việt Nam được người dân làng chài gìn giữ mấy trăm năm nay. Một miếu thờ "chiến sĩ trận vong" luôn khói hương nghi ngút như một lời nhắc các thế hệ con cháu đừng quên sự hy sinh vô bờ của tiền nhân để bảo vệ chủ quyền lãnh hải... Đặc biệt, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - một lễ hội duy nhất ở Việt Nam tri ân những binh phu đã hy sinh nơi Hoàng Sa suốt 300 năm giữ đảo.
Theo thống kê của ngành văn hóa, đảo Lý Sơn hiện có 4 di tích văn hóa cấp quốc gia, 14 di tích văn hóa cấp tỉnh và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc khác. Các cuộc khai quật di chỉ khảo cổ tại Suối Chình - Lý Sơn cho thấy đây là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt. Vì vậy, mỗi di tích lịch sử, văn hóa ở đây đều cho thấy sự kế thừa và giao thoa những tinh hoa của mỗi nền văn hóa đã từng tồn tại trên đảo Lý Sơn suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm.
Miệng núi lửa trên đỉnh Thới Lới, đảo Lý Sơn Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Người dân Lý Sơn, dù phải đương đầu với nhiều khó khăn do cách trở về địa lý và sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng luôn biết nâng niu, gìn giữ những di sản mà tiền nhân để lại. Đó chính là "của để dành" mà con cháu họ hôm nay thừa hưởng thông qua các hoạt động kinh doanh du lịch.
THOÁT CẢNH "THÁO CHẠY"
Lý Sơn được coi như "vương quốc tỏi" nổi tiếng trên cả nước, song 300 ha đất canh tác cây tỏi, cây hành không nuôi nổi 2 vạn dân trên đảo. Lý Sơn đã "tự cứu" mình bằng công thức "chân đồng - chân biển", tức một nửa làm nghề nông, một nửa tham gia đánh bắt hải sản ngoài biển. Tuy nhiên, cái đói, cái nghèo vẫn không buông tha hòn đảo này. Thế rồi, một phép màu đã đến: điện cao thế đã theo cáp ngầm ra đảo, bắt đầu từ năm 2014. Có thể nói đây là bước đột phá để thay đổi toàn bộ bộ mặt của Lý Sơn suốt 10 năm qua.
Cũng cần nhắc lại điều này: trước năm 2014, du khách cũng có tham quan đảo Lý Sơn nhưng quá ít ỏi. Họ chỉ ở một đêm là "tháo chạy" ngay và không bao giờ trở lại nữa vì điện bằng máy nổ chỉ từ 17 - 21 giờ là cắt nguồn. Không một khách sạn, nhà nghỉ nào được xây dựng ở Lý Sơn cũng bắt nguồn từ việc không có điện này.
Lại nữa, cách đất liền chỉ 18 hải lý nhưng khách ra đảo phải mất 2 - 3 tiếng đồng hồ mới đặt chân lên đảo vì phải đi bằng những chiếc tàu khách cũ kỹ hoặc "đu càng" tàu chở vật liệu xây dựng. Còn bây giờ, cứ 30 phút là có một chuyến tàu cao tốc ra đảo, chỉ mất 40 phút là đã có thể đặt chân đến nơi cần đến rồi.
Bãi biển Lý Sơn tuyệt đẹp Ảnh: TRẦN ĐĂNG
SỐNG NHỜ VÀO DU LỊCH
Từ khi có điện lưới quốc gia, các nhà hàng, khách sạn bắt đầu mọc lên trên đảo Lý Sơn ngày một nhiều hơn, nhiều doanh nghiệp đã bỏ hàng chục tỉ đồng để mua sắm những con tàu cao tốc đưa đón khách ra đảo. Tiện nghi đầy đủ, đi lại dễ dàng, Lý Sơn đã thay đổi từng ngày.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho hay hiện trên đảo có 130 cơ sở lưu trú với 1.100 phòng, trong đó có 23 khách sạn từ 1 - 4 sao, đó là chưa kể 55 homestay được người dân tận dụng một số phòng trong gia đình. Dù vậy, nếu những ngày bình thường thì sẽ chứa hết số khách du lịch ra đảo, còn những ngày lễ hoặc mỗi khi có các sự kiện như chạy marathon toàn quốc, thi dù lượn, bóng chuyền bãi biển, bơi vượt biển ra đảo Bé như vừa rồi thì "cháy" phòng vì mỗi dịp như thế, sẽ có trên 3.000 du khách có mặt trên đảo.
Dù diện tích khá eo hẹp nhưng Lý Sơn vẫn dành đất để có một quảng trường bề thế, gần sát cảng Bến Đình. Đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ và cảnh buôn bán các loại đặc sản của đảo cho khách suốt đêm. Hơn 10 năm trước, nơi đây đìu hiu bao nhiêu thì hiện nay vui nhộn bấy nhiêu do khách du lịch mang lại.
Cũng theo thống kê của huyện Lý Sơn, hiện có khoảng 7.000 gia đình tham gia các dịch vụ du lịch, chiếm 30% dân số của Lý Sơn hiện nay. Cũng dễ hiểu thôi, vì mỗi năm hòn đảo này đón 170.000 du khách khắp trong nước và nước ngoài đến tham quan đảo, nếu không chuẩn bị cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ thì không thể đáp ứng ngần ấy khách. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên đảo cũng được nâng lên rõ rệt.
Dẫu còn nhiều ngổn ngang phía trước như nạn ô nhiễm môi trường, nhà cửa lộn xộn, tính chuyên nghiệp trong việc phục vụ du khách chưa cao... nhưng những gì mà Lý Sơn làm được trong 10 năm qua đã biến hòn đảo đìu hiu này thành một địa chỉ hấp dẫn của du khách gần xa.
Đảo nào của Việt Nam có 2 ngọn núi lửa đã tắt? Trên thế giới, có không ít các hòn đảo vốn được hình thành từ những ngọn núi lửa đã tắt, Việt Nam cũng có một hòn đảo như vậy. Hòn đảo này ở Việt Nam thậm chí còn có đến 2 ngọn núi lửa đã tắt - đó chính là đảo Lý Sơn. Ngoài thưởng ngoạn cảnh biển nguyên sơ, du khách đến...