Độc đáo hệ thống hang động xuyên thủy ở Tam Cốc-Bích Động
Dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua những ngọn núi đá vôi, tạo nên hệ thống hang xuyên thủy mát lạnh với những khối thạch nhũ kỳ lạ, kể những câu chuyện hàng triệu năm trước, khi nơi đây còn là biển cả.
Tam Cốc-Bích Động là quần thể hang động tuyệt đẹp nằm trong danh thắng Tràng An – khu du lịch trọng điểm Quốc gia Việt Nam.
Đây là quần thể danh thắng được Thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt và đã được tổ chức UNESCO xếp hạng Di sản Thế giới năm 2014.
Tọa lạc tại Ngũ Nhạc Sơn, thuộc thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, quần thể danh thắng Tam Cốc-Bích Động có diện tích tự nhiên lên tới 350,3 hecta, sở hữu cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ thiên tạo với hệ thống hang động cả trên cạn và dưới nước, kết hợp hài hòa với các công trình kiến trúc tôn giáo cổ, các di tích lịch sử liên quan đến hành cung Vũ Lâm của triều đại nhà Trần cách đây gần 1.000 năm.
Vào năm 2015, Tam Cốc đã lọt vào danh sách “địa danh tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến” do tờ Telegraph (Anh) bình chọn.
Đầu năm 2018, Tam Cốc tiếp tục xuất hiện trên Tạp chí Business Insider ở vị trí đứng đầu danh sách 50 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh với hình ảnh dòng sông Ngô Đồng như dải lụa mềm mại, vắt lên thảm lúa vàng óng, uốn lượn quanh những dãy núi đá vôi.
Tam Cốc được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn. Từ xa xưa, vùng này là biển cả, qua hàng trăm triệu năm sóng vỗ đã bào mòn, khoét sâu núi đá, tạo nên những tuyệt tác hang động như ngày nay.
Để khám phá Tam Cốc, du khách sẽ di chuyển bằng thuyền xuôi dòng sông Ngô Đồng uốn lượn qua các vách núi đá, hang xuyên thủy, và cánh đồng lúa rập rờn ven chân núi, mỗi thời điểm trong năm lại mang một màu sắc khác nhau khiến du khách choáng ngợp.
Tam Cốc, có nghĩa là 3 hang, gồm Hang Cả, Hang Hai và Hang Ba. Cả 3 hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng chảy xuyên qua núi.
Trong 3 hang động, Hang Cả lớn nhất với chiều dài khoảng 127m, xuyên qua một quả núi lớn, vòm trần có độ cao khoảng 20m.
Khi thuyền vào trong hang, du khách sẽ cảm nhận rõ sự trong trẻo mát mẻ của không gian nơi đây, chỉ có tiếng mái chèo khua nước róc rách nhè nhẹ và tiếng người lái đò kể những huyền tích xa xưa về những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng ẩn hiện trong hang.
Qua khỏi Hang Cả, thuyền đưa du khách đi khoảng 1km nữa là đến Hang Hai. Hang Hai có chiều dài 60m và cũng tương tự Hang Cả, không khí trong hang rất mát mẻ dễ chịu với những khối thạch nhũ kỳ lạ, mang trong mình những câu chuyện kỳ bí từ trí tưởng tượng của người dân địa phương.
Hang Ba nằm khá gần Hang Hai, ngắn hơn, chỉ dài khoảng 50m, vòm hang cũng thấp hơn so với Hang Cả và Hang Hai. Du khách đôi khi phải cúi thấp đầu để không va phải trần đá phía trên.
Hành trình đi thuyền khám phá 3 hang xuyên thủy ở Tam Cốc kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, bao gồm cả lượt đi và lượt về. Sau đó, du khách sẽ khám phá động khô Thiên Hương và thăm viếng Di tích lịch sử Đền Thái Vi.
Xưa kia, vùng núi Tam Cốc là nơi nhà Trần dựng hành cung Vũ Lâm trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Đền Thái Vi là nơi thờ các Vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, các Tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và Hoàng hậu Trần Thị Dung, cách bến thuyền Tam Cốc 2km.
Trước khi vào Đền, du khách sẽ dừng chân ở Động Thiên Hương, một động khô và sáng nằm ở lưng chừng núi có độ cao so với mặt đất khoảng 15m.
Động có chiều cao khoảng 60m, sâu 40m, rộng 20m. Đỉnh động rỗng nên động còn có tên là Động Trời.
Video đang HOT
Nằm gọn trong động là miếu thờ Hoàng hậu Trần Thị Dung, vợ Vua Lý Huệ Tông, người đã truyền nghề thêu ren cho người dân xã Ninh Hải.
Bích Động – Nam thiên đệ nhị động
Nằm cách bến Tam Cốc tầm 2km, Bích Động gồm một động khô nằm trên lưng chừng núi và phía trước là Xuyên thủy động – một động nước xuyên qua lòng núi.
Chính bởi vẻ đẹp độc đáo được thiên nhiên ban tặng kết hợp giữa đá và nước đã khiến Bích Động được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động,” nghĩa là động đẹp thứ nhì trời Nam, chỉ sau động Hương Tích ở vùng Hương Sơn.
Bích Động có nghĩa là Hang Xanh, tên do Tể tướng Nguyễn Khiêm, cha của đại thi hào Nguyễn Du đặt cho danh thắng này khi ông đến đây vào năm 1773.
Trước khi vào động khô, du khách sẽ ngồi thuyền đi qua Xuyên thủy động – một động tối ngập nước, có hình dạng tựa như đường ống bán nguyệt, chiều dài khoảng 350m, chiều rộng khoảng 6m. Trần và vách động khá bằng bằng, có hình vòm cung với vô số nhũ đá rủ xuống rất đẹp.
Điểm độc đáo ở Xuyên thủy động là phía trong động có một vòm cổng tự nhiên hình chữ M chia thành 2 lối đi, được người dân địa phương giải thích rằng đó là cửa Cha và cửa Mẹ, vì thế có câu nói khi vào Xuyên thủy động: “đi vào cửa Cha – đi ra cửa Mẹ.”
Trên đường đi vào, thuyền đi qua cửa Cha cao và hẹp hơn, còn đường đi ra qua cửa Mẹ thì thấp nhưng rất rộng. Thế mới thấy tạo hóa tự nhiên mà cũng thật hữu ý.
Chùa Bích Động nằm ở phía sau núi, đối diện lối vào Xuyên thủy động. Khi quay trở ra kết thúc hành trình Xuyên thủy động, du khách tiếp tục leo núi để tới động và Chùa Bích Động.
Chùa Bích Động là ngôi chùa cổ được xây dựng trên dãy núi đá vôi Trường Yên từ năm 1428 đầu thời Hậu Lê. Ngày nay, trong chùa vẫn còn đó một quả chuông lớn được đúc từ thời vua Lê Thái Tổ, mộ tháp các vị hòa thượng có công xây dựng chùa.
Đến thời Lê Hiển Tông (1740-1786) chùa được trùng tu mở rộng thêm, bao gồm Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, trải ra trên ba tầng núi.
Di tích lịch sử Chùa Bích Động và danh lam thắng cảnh Bích Động là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh đẹp kỳ vĩ của hang động, núi non với sự tài hoa, khéo léo của con người… Các kiến trúc ở đây chủ yếu dựa vào vách đá, hang động, tạo thành một khối thống nhất, vững chắc.
Trong quần thể hang động Tràng An và khu vực Tam Cốc-Bích Động hiện vẫn còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật, bằng các chất liệu, như đá, đồng, gỗ… có niên đại chủ yếu từ thời Nguyễn.
Cảnh sắc của Tam Cốc-Bích Động được cho là đẹp nhất vào mùa Hè, khoảng cuối tháng Năm đầu tháng Sáu. Lúc này, cánh đồng lúa hai bên sông Ngô Đồng chín vàng rực, tô điểm cho danh thắng thêm vẻ lộng lẫy.
Đây cũng là thời gian mà những đầm sen, đầm súng ở gần Tam Cốc nở rộ. Giữa khung cảnh non nước hữu tình, những đầm sen hồng-trắng và hoa súng tím biếc xòe cánh tỏa hương thơm ngây ngất – là những điểm check-in khó cưỡng đối với nhiều du khách.
Không chỉ mùa Hè, Tam Cốc-Bích Động ở những thời điểm khác trong năm cũng vẫn mang vẻ quyến rũ riêng. Chẳng hạn vào mùa Xuân từ tháng Một đến tháng Ba, là khoảng thời gian lý tưởng để khám phá nhiều lễ hội lớn nổi tiếng tại Ninh Bình, như lễ hội Trường Yên tại Hoa Lư diễn ra vào 8/-10/3 âm lịch.
Thời tiết tại Ninh Bình lúc này mát mẻ, không khí trong lành, du khách có thể vừa tham gia vào lễ hội, chèo thuyền quanh sông Ngô Đồng, vừa tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp khoáng đạt, sơn thủy hữu tình.
Tam Cốc - Bích Động vào mùa lúa mới
Được ví như 'Hạ Long trên cạn', Tam Cốc-Bích Động là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài.
Vẻ đẹp của dòng sông Ngô Đồng vào mùa lúa chín. (Ảnh: An Bình)
Một ngày cuối tháng Năm, chúng tôi xuôi theo thuyền chị lái đò tên Thu, thả mình theo dòng sông Ngô Đồng để về với Tam Cốc-Bích Động. Chiếc thuyền nhỏ, lượn êm ru theo dòng sông được ví như tấm dải lụa mềm mại, uốn lượn những vách núi, hang động hùng vĩ cùng với một màu vàng bạt ngàn của cánh đồng lúa chín.
Không phải vô cớ tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn Ninh Bình là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023, cũng như được du khách của Booking.com bình chọn đứng thứ bảy trong top 10 những điểm đến thân thiện nhất thế giới của giải thưởng thường niên lần thứ 11 của Traveller Review Awards.
Là một phần trong Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới (năm 2014), Tam Cốc-Bích Động là điểm đến hoàn hảo cho những ai muốn khám phá trọn vẹn vẻ đẹp non sông cùng với hệ thống hang động núi đá vôi ấn tượng và phong cảnh làng quê yên bình.
Ở nơi đây, mỗi mùa đều có một vẻ đẹp riêng nhưng có lẽ mùa mãn nhãn nhất không nên bỏ qua chính là mùa lúa chín.
Mỗi năm, người dân địa phương chỉ có một mùa vụ duy nhất vào khoảng giữa tháng Năm đến hết tháng Sáu với thành quả là những thửa ruộng chín vàng óng ả, tỏa ngát hương bên hai triền sông Ngô Đồng...
Nâng tầm giá trị của nông nghiệp
Không phải lần đầu đặt chân đến, nhưng sau nhiều năm trở lại địa danh này, tôi đã cảm nhận thấy rõ một sắc màu mới của mùa vàng Tam Cốc-Bích Động cùng với sự chuyển mình ấn tượng của du lịch Ninh Bình.
Năm nay, để chào đón những vị khách đầu tiên đến trải nghiệm mùa vàng, cánh đồng lúa được tạo hình nghệ thuật khắc họa bức tranh "Lý ngư vọng nguyệt" với mong muốn nâng tầm giá trị của hoạt động nông nghiệp thông qua hình ảnh cây lúa và gửi gắm mong ước quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đồng thời, bức tranh còn mang thông điệp nông dân hãy cùng với chính quyền tham gia gìn giữ các giá trị văn hóa, thiên nhiên để khai thác du lịch cộng đồng.
Với những ai chưa hiểu được ý nghĩa của cái tên Tam Cốc, nó đơn giản có nghĩa "ba hang": hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang này đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi với nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng.
Được trồng dọc tuyến đường thủy từ Hang Cả-Hang Hai-Hang Ba, cánh đồng lúa được gieo cấy từ cuối tháng Giêng đến đầu tháng Sáu cho thu hoạch.
Chị lái đò cho chúng tôi biết vào mùa thu hoạch, khách du lịch về đây có dịp được hòa mình vào không khí mùa gặt, tận mắt thấy những hình ảnh chân thực của nông dân như chèo thuyền, gặt lúa, chở lúa và tuốt lúa.
Thời gian thu hoạch lúa kéo dài trong hai tuần, cũng là khoảng thời gian mà dòng sông Ngô Đồng nhộn nhịp nhất. Thuyền thì đưa đón du khách tham quan, thuyền lại chở những niềm vui của một mùa vàng bội thu.
Không chỉ được đi thuyền trên dòng Ngô Đồng, về Tam Cốc-Bích Động còn có thể khám phá hang Múa - nơi có tầm nhìn bao quát Tam Cốc, hay đạp xe vòng quanh các thửa ruộng chín vàng. Ngoài ra, khoảng tháng Năm đến tháng Sáu cũng là thời gian đầm sen ở gần Tam Cốc nở rực rỡ, giữa khung cảnh núi non trùng điệp.
Lạc vào những câu chuyện lịch sử
Điều thú vị trong suốt hành trình khám phá Tam Cốc - Bích Động là chúng tôi được lạc vào không gian của những câu chuyện xa xưa, như tại Đền Thái Vi-nơi thờ phượng các vị vua, tướng lĩnh thời Trần tại Tam Cốc Bích Động.
Trước kia, vùng núi Tràng An-Tam Cốc chính là nơi vua tôi nhà Trần lựa chọn làm nơi xây dựng căn cứ quân sự Hành cung Vũ Lâm để củng cố lực lượng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai.
Nằm yên bình nơi lưng chừng núi Đồng Võ, động Thiên Hương cũng là một trong những địa điểm được nhiều người yêu thích với chiều cao gần 60m, động dài 40m và rộng 20m, có phần vòm động tựa quả chuông lớn.
Động Thiên Hương có phần đỉnh rộng nên mọi người còn thường gọi đây là Động Trời. Đặc biệt, phía trong động là miếu thờ bà Trần Thị Dung-vợ vua Lý Huệ Tông ngày trước, người đã truyền cho nhân dân xã Ninh Hải nghề thêu ren nên mọi người đã dựng miếu thờ cho bà để bày tỏ lòng biết ơn.
Nằm cách bến thuyền Tam Cốc tầm 2km, Bích Động là một động khô nằm trên lưng chừng núi, do tể tướng Nguyễn Khiêm-cha của đại thi hào Nguyễn Du, đặt tên vào năm 1773. Nơi này được ưu ái gọi là "Nam thiên đệ nhị động", tức động đẹp thứ nhì trời Nam, chỉ xếp sau động Hương Tích.
Đến nơi này cũng không nên bỏ lỡ Động Tiên-một hệ thống gồm ba hang lớn với hệ thống nhũ đá huyền ảo như cây tiên, cây thóc, ông tiên, cô tiên, con voi, sư tử, hổ, kỳ đà, rồng, đại bàng và những đám mây ngũ sắc...
Trải nghiệm chèo thuyền tại Tam Cốc-Bích Động. (Ảnh: An Bình)
Chuyên nghiệp và thân thiện
Có thể thấy, sự phát triển của du lịch đã làm thay đổi cuộc sống của những người dân xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, trong đó có nghề chèo thuyền.
Đội ngũ chèo thuyền ở đây hội tụ tất cả hộ dân trong xã từ những người đàn ông, phụ nữ đến những thanh niên trẻ, người già... Để được chèo thuyền trên sông Ngô Đồng, họ phải có hộ khẩu ở địa phương, tự làm thuyền và được Ban quản lý đánh số thứ tự. Cứ lần lượt theo số, tất cả gia đình trong xã đều được quay vòng chèo thuyền phục vụ khách du lịch.
Vừa chèo thuyền, chị Thu cho biết, ngày thường chị đi làm công nhân, chỉ khi nào gia đình đến lượt và vào ngày nghỉ, chị mới có cơ hội đi chở khách du lịch.
Nếu đông khách, chị chèo thuyền thường được khoảng ba chuyến mỗi tháng, mỗi chuyến được khoảng 150.000 đồng. Thu nhập không nhiều nhưng cũng giúp chị cùng những người dân ở đây có thêm niềm vui và thu nhập trang trải cuộc sống lúc nông nhàn.
Có một điều thú vị là khi tới Tam Cốc sẽ nhìn thấy người dân chèo thuyền bằng chân điêu luyện. Từ con nước chảy ngược, tới những nơi lắm ghềnh đá, hay chui qua hang đá hiểm hóc... họ đều có thể dùng đôi chân để điều khiển con thuyền lao đi nhẹ nhàng trên nước.
Hỏi chị lái đò về kỹ năng này, chị chia sẻ: "Tổng chiều dài cả đi và về tham quan dài tới gần 20km. Nếu chỉ chèo bằng tay sẽ rất mệt và mỏi nên thi thoảng chúng tôi đã dùng chân để đỡ vất vả hơn".
Ngoài kỹ năng chèo thuyền, người dân vùng Tam Cốc - Bích Động còn giỏi nghề chụp ảnh trên sông nước. Những ai kinh doanh chụp ảnh tại khu du lịch phải đăng ký và sẽ được chụp ảnh theo giờ, theo ngày và tùy vào lượng khách ít hay nhiều.
Để tránh tình trạng tranh giành khách, Ban quản lý khu du lịch đã chia ra nhiều địa điểm cho người dân được chụp ảnh trên sông Ngô Đồng. Mỗi một điểm như thế thường có hai đến ba người thợ chụp ảnh dùng thuyền đi lại để mời khách chụp ảnh.
Theo quy định, khi tiếp cận thuyền, những người chụp ảnh chỉ được chụp khi khách du lịch đồng ý, nếu có hành vi chèo kéo và ép khác sẽ bị xử lý rất nghiêm. Vì thế, dọc sông Ngô Đồng dù có tới năm đến bảy điểm chụp ảnh, nhưng ai cũng hoạt động rất chuyên nghiệp và thân thiện.
Chia tay địa danh được ví như "Hạ Long trên cạn" với tấm hình khá ưng ý được một chị thợ ảnh trả ngay tại bến thuyền, mỗi chúng tôi đều cảm thấy vui và có những ấn tượng đặc biệt về địa danh này cùng sự nhiệt tình và hồn hậu của người dân địa phương...
Chiêm ngưỡng khu bảo tồn đất ngập nước Đầm Vân Long Đầm Vân Long là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ với diện tích trên 3.000 ha. Không chỉ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, nơi đây còn quy tụ nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long...