Độc đáo hai mộ cổ xây bằng đá cẩm thạch nhập từ Pháp
Nằm tọa lạc số 122 đường Thoại Ngọc Hầu (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) có hai ngôi mộ cổ được xây bằng đá cẩm thạch gần 100 năm còn tồn tại đến ngày nay.
Ngôi mộ tọa lạc trên khu đất rộng gần 1000 mét vuông. Ngày 17-2-2011, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 697/QĐ-UBND về xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố đối với di tích lịch sử Mộ ông Nguyễn Quý Anh và bà Lý Thu Liên.
Xung quanh khuôn viên ngôi mộ có tường rào bằng gạch cao hơn 2m. Phía Tây Bắc giáp đường Thoại Ngọc Hầu, phía Bắc giáp đường Nguyễn Sơn, mộ xây theo hướng Đông Nam và là mộ song táng.
Nhà mồ hình bát giác khá cao, trên tường đính nhiều hoa văn trang trí.
Cổng vào nhà mồ, bên trong là hai ngôi mộ song táng bằng đá cẩm thạch.
Hai con kỳ lân chắn giữ trước cổng nhà mồ.
Hai ngôi mộ bằng đá cẩm thạch được mài bóng láng các mặt. Ngôi mộ bên phải của ông Nguyễn Quý Anh được xây dựng năm 1938. Ngôi mộ của bà Lý Thu Liên xây dựng vào năm 1954 nằm bên trái. Mỗi mộ dài gần 2,5m và rộng khoảng 1m, hai mộ cách nhau gần 1m.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Quý Anh (1883-1938), hiệu Nhụ Khanh, tục gọi là Ấm Bảy; là một nhà cải cách duy tân Việt Nam thời cận đại, và là một trong sáu thành viên sáng lập trường Dục Thanh và lãnh đạo công ty Liên Thành hồi đầu thế kỷ XX.
Ông sinh tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Cha ông là danh sĩ Nguyễn Thông (1827-1884), quan triều Nguyễn. Thời trẻ, ông ra học ở Quảng Nam với thầy Trần Quý Cáp. Năm 1905, ông theo Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp vào Nam cổ động phong trào Duy Tân. Trong ảnh: Thành mộ ốp đá cẩm thạch, đá có chạm khắc ốp viền xung quanh như những chiếc đai ôm cứng cho phần mộ.
Sau khi gặp gỡ ba nhà yêu nước ấy, hưởng ứng phong trào, Nguyễn Trọng Lội (anh ruột Nguyễn Quý Anh), Nguyễn Hiệt Chi, Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất, Ngô Văn Nhượng và Nguyễn Quý Anh lần lượt thành lập: Liên Thành thư xã, Liên Thành thương quán (tức công ty Liên Thành), Dục Thanh học hiệu (tức trường Dục Thanh).
Theo sự phân công, Nguyễn Quý Anh được đặc trách trông nom trường Dục Thanh (Giám hiệu) cho đến khi trường đóng cửa vào năm 1912. Năm 1917, ông được cử làm Tổng lý (Giám đốc) thay cho Hồ Tá Bang, để ông này lãnh nhiệm vụ Nghị trưởng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị). Sau đó, Tổng cuộc công ty Liên Thành chính thức dời vào Chợ Lớn, và Nguyễn Quý Anh giữ chức vụ trên cho đến khi mất. Năm Mậu Dần (1938), ông qua đời tại Chợ Lớn lúc 55 tuổi. Trong ảnh: Trên nắp mỗi ngôi mộ có khắc 3 hoa văn hình tròn.
Bà là Phạm Thị Loan (74 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), người cháu trông coi ngôi mộ này cho biết giai đoạn khoảng năm 1968, trong lúc giao tranh, đạn quân địch nã vào trúng nhà mồ khiến cho một số góc của nhà mồ bị vỡ. Mặt mộ bằng đá cẩm thạch bị bắn vỡ, chỉ mới được dán lại cách đây khoảng 10 năm.
Phía sau hai mộ xây một bàn hương án bằng đá mài, trên bàn hương án đặt một lư hương và bình hoa cùng bài vị thờ bà họ Lý. Trên bài vị khắc chữ “Nơi an giấc nghìn thu của bà Lý Thu Liên sinh năm 1888, qua đời ngày 02 tháng 05 năm Giáp Ngọ (2-6-1954) tại Chợ Lớn”. Trên vách tường sau có gắn một tấm bia đá cẩm thạch cao lớn, khắc chữ Quốc ngữ ghi lại thân thế và công đức người quá cố.
Theo bà Loan, toàn bộ đá cẩm thạch xây mộ đều từ Pháp đóng gói gửi về, sau đó được các thợ ở Việt Nam lắp ráp thành ngôi mộ.
Ngôi mộ cổ năm nay đã có 78 năm tuổi. Đây là hai ngôi mộ cổ làm bằng đá cẩm thạch hiếm hoi còn sót lại và được xếp vào hạng mộ cổ bằng đá cẩm thạch đẹp bậc nhất ở Sài Gòn.
Để ghi công một danh nhân của đất Việt, tháng 6-2012, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã đặt tên Nguyễn Qúy Anh cho một con đường tại phường Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú.
Theo Hoàng Giang ( Pháp Luật TPHCM)
Ngôi mộ "lạ" trước khu vực di chỉ văn hóa đình làng Khuê Bắc
Có ý kiến cho rằng ngôi mộ "lạ" mới được phát hiện ở khu vực trước di sản văn hóa đình làng Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là một ngôi mộ cổ có niên đại hơn 300 năm. Thực hư vấn đề này ra sao?
Phát hiện ngôi mộ "cổ" hơn 300 năm?
Ngày 27/9, UBND quận Ngũ Hành Sơn cho hay, trong quá trình khắc phục sự cố sạt lở tại tuyến đường Sơn Thủy, UBND phường Hòa Hải đã phát hiện một ngôi mộ "lạ" ở khu vực trước di chỉ văn hóa đình làng Khuê Bắc. Một số ý kiến cho rằng đây là ngôi mộ cổ có niên đại hơn 300 năm. Thực hư ra sao?
Ngôi mộ "lạ" mới được phát hiện ở khu vực trước di chỉ văn hóa đình làng Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) - Ảnh do quận Ngũ Hành Sơn cung cấp
Được biết, tại khuôn viên di chỉ đình làng Khuê Bắc, các nhà nghiên cứu từng tiến hành 2 đợt khai quật khảo cổ học vào năm 2001 và 2015. Kết quả khai quật năm 2015 trên diện tích 100m2 (5mx20m), cách di chỉ khai quật lần đầu tiên vào năm 2001 khoảng 10m về hướng Nam, đã phát hiện 4.554 hiện vật, gồm 13 đồng tiền, 25 mảnh nhuyễn thể, 207 hiện vật đá và 4.309 hiện vật gốm. Thậm chí các nhà nghiên cứu còn phát hiện cả cụm san hô hóa thạch, góp thêm bằng chứng về cư dân Sa Huỳnh gắn liền với kinh tế biển.
Sau khi nghiên cứu các hiện vật thu thập, địa tầng văn hóa, các nhà nghiên cứu nhận xét di chỉ đình làng Khuê Bắc gồm 2 lớp văn hóa. Lớp văn hóa 1 bắt đầu từ khoảng thế kỷ 2 và kéo dài liên tục đến thế kỷ 19-20, trực tiếp trên địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh. Lớp văn hóa 2, địa tầng hố khai quật và các di tích, di vật phát hiện được cho thấy đây là lớp văn hóa Sa Huỳnh, thuộc giai đoạn văn hóa Long Thạnh, có nhiều nét tương đồng với Bãi Ông (Cù Lao Chàm), Long Thạnh (Quảng Ngãi), niên đại khoảng hơn 3.000 năm.
Từ cơ sở này, một số ý kiến cho rằng ngôi mộ vừa được UBND phường Hòa Hải phát hiện ở khu vực trước di chỉ văn hóa đình làng Khuê Bắc là một ngôi mộ "cổ", có niên đại khoảng hơn 300. Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Ngũ Hành Sơn, phường Hòa Hải đã tiến hành khơi thông rộng rãi khu vực này, phân công lực lượng dân quân tiến hành đào định hình vị trí của ngôi mộ. Đồng thời bố trí lực lượng công an bảo vệ hiện trường nghiêm ngặt trước khi bàn giao cho đơn vị có liên quan tiến hành khai quật xác định giá trị lịch sử.
Chỉ là ngôi mộ bình thường?
Ngày 20/9, UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng đã có văn bản 1554/UBND-PVHTT gửi Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng), đề nghị phối hợp giám định, xử lý ngôi mộ phát hiện tại phường Hòa Hải. Ngày 26/9, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng đã có văn bản 135/TTQLDSVH-QLDSVH trả lời UBND quận Ngũ Hành Sơn về vấn đề này.
Theo đó, qua theo dõi quá trình dón lớp đất cát bao phủ ngôi mộ tại hiện trường cho thấy ngôi mộ được phát hiện còn khá nguyên vẹn, có kích thước tổng thể 6,8m x 4,1m. Vật liệu xây dựng ngôi mộ chủ yếu là vữa đá vôi. Dựa vào tổng mặt bằng xây dựng, cách bố trí cũng như kiến trúc xây dựng (hoa văn, các chi tiết trên các bộ phận...) có thể sơ bộ xác định được đây là ngôi mộ của người Việt.
"Nhưng do không tìm thấy được văn bia của ngôi mộ nên không thể xác định được niên đại chính xác của ngôi mộ nói trên. Do ngôi mộ có kiến trúc đơn giản, đồng thời cũng không tìm thấy bia ký, tài liệu liên quan nên xét về mặt lịch sử, khoa học cũng như mỹ thuật thì ngôi mộ này không mang nhiều giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu!" - Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng cho hay.
Tuy nhiên, để đảm bảo cơ sở pháp lý, khách quan, đúng quy trình và quy định của Luật Di sản văn hóa, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng đề nghị UBND quận Ngũ Hành Sơn mời chuyên gia Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, có ý kiến thẩm định niên đại, nguồn gốc cũng như giá trị của ngôi mộ nói trên. Đồng thời chỉ đạo UBND phường Hòa Hải tổ chức họp với Ban đại diện các chư phái tộc của phường để thông báo và tìm hiểu ngôi mộ kể trên thuộc về gia tộc nào? Có ai là thân nhân của ngôi mộ hay không?
"Sau khi họp các chư phái tộc trong phường mà không có thân nhân đứng ra nhận ngôi mộ nói trên là của tộc mình thì đề nghị UBND quận Ngũ Hành Sơn chỉ đạo UBND phường Hòa Hải và các phòng, ban chuyên môn thực hiện việc cải táng ngôi mộ lên nghĩa trang Hòa Sơn theo đúng quy định!" - văn bản 135/TTQLDSVH-QLDSVH của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng nêu.
Nếu là mộ cổ, có giá trị nhưng không có gia tộc nào đứng ra nhận thì sao?
PV Infonet đặt thêm câu hỏi với ông Hồ Tấn Tuấn: "Trong trường hợp chuyên gia có ý kiến thẩm định đây là ngôi mộ cổ, có giá trị nhưng lại không có chư phái tộc nào ở phường Hòa Hải đứng ra nhận đây là ngôi mộ thuộc gia tộc mình thì sẽ xử lý như thế nào?".
Ông Hồ Tấn Tuấn cho hay, qua nhiều năm phối hợp với các nhà nghiên cứu ở trung ương, trong đó có cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, tiến hành nghiên cứu trên địa bàn, ông tin rằng ý kiến thẩm định của chuyên gia Hồ Xuân Tịnh sẽ không khác với ý kiến của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng về ngôi mộ mới phát hiện ở phường Hòa Hải, nhưng do quận Ngũ Hành Sơn có yêu cầu nên Trung tâm đề nghị mời chuyên gia này có ý kiến thẩm định thêm.
Theo ông Hồ Tấn Tuấn, hiện ở Đà Nẵng có một số ngôi mộ cổ từ thời Chúa Nguyễn rất có giá trị và Trung tâm Quản lý di sản văn hóa đã đề nghị giữ lại. Đó là ngôi mộ ở dưới chân núi Mộc Sơn (khu danh thắng Ngũ Hành Sơn) của một viên quan thuộc cơ quan Ngoại ty; mộ thứ hai là của bà Phan Thị Hy (1792); mộ thứ ba là của một người họ Phan ở phường Nại Hiên Đông đã được đề nghị chuyển về đình làng Nại Hiên Đông; mộ thứ tư là của một người họ Lê ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), lập năm Minh Mạng thứ 29...
Đó là những ngôi mộ hết sức tiêu biểu của từng giai đoạn lịch sử. Có ngôi mộ xây theo hình yên ngựa bằng đá cẩm thạch, sa thạch rất đẹp, bia rất chuẩn, còn chữ, ghi rõ tên, chung quanh là các khối đá... Còn ngôi mộ ở phường Hòa Hải không có gì cả, chỉ là vôi vữa bình thường. Nhưng dù chuyên gia có ý kiến thẩm định đây là mộ cổ thì vẫn phải chuyển đi vì nó nằm trên tuyến đường giao thông. Tương tự như ngôi mộ từ thế kỷ thứ 18 của ông họ Phan, khi mở khu dân cư Nại Hiên Đông thì vẫn chuyển từ khu giải tỏa vô đình làng Nại Hiên Đông.
"Mộ của những người có chức tước thời Chúa Nguyễn được xây rất bề thế, xây theo hình yên ngựa, bia còn nguyên. Còn trường hợp ngôi mộ ở phường Hòa Hải là không có bia, không có tên tuổi và không có chức tước gì đâu mà chỉ là dân thường thôi, nên phải chuyển về nghĩa trang Hòa Sơn chứ không đưa vô đình làng được.
Chuyển vô đình làng phải là tiền hiền, hậu hiền có công khai phá, lập làng hoặc là người có bia ký và có chức tước. Bất khả kháng lắm mới chuyển vô vườn của đình làng để tu bổ phần mộ và thắp hương hàng năm, chứ đình làng không bao giờ chôn mộ. Còn ngôi mộ mới phát hiện ở phường Hòa Hải là mộ của người không có danh phận, kiến trúc của ngôi mộ rất bình thường nên chúng tôi không ghi nhận đây là mộ cổ!" - ông Hồ Tấn Tuấn nói.
Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng cũng cho biết thêm, trong trường hợp ngôi mộ mới phát hiện ở phường Hòa Hải được chuyên gia thẩm định là mộ cổ thì sẽ được di dời nguyên trạng vào nghĩa trang Hòa Sơn, chuyển từng khối đá đến địa điểm mới đắp lại y như cũ.
Được biết, sáng 27/9, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã có giấy mời Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng tham dự cuộc họp vào chiều 28/9 với Ban đại diện các chư phái tộc trên địa bàn phường Hòa Hải để thông báo về ngôi mộ mới được phát hiện tại phường này.
Theo Hải Châu (Infonet.vn)
Hai lần di dời ngôi mộ cổ Thượng thư Ngô Nhân Tịnh Nằm tọa lạc trong khuôn viên chùa Giác Lâm (đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM) hiện có lăng mộ Thượng thư Bộ Công Ngô Nhân Tịnh. Ngô Nhân Tịnh (1761 - 1813) còn gọi là Ngô Nhân Tĩnh, Ngô Nhơn Tịnh, tên tự là Nhữ Sơn, tiên tổ là người Quảng Đông (Trung Quốc) sang nước Nam đến Gia Định (Trong ảnh:...