Độc đáo giếng Chăm cổ ở Gio An
Trải dài khắp các thôn An Nha, An Hương, Hảo Sơn, Long Sơn… thuộc xã Gio An, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có hơn 20 giếng Chăm cổ độc đáo và kỳ lạ…
Độc đáo là bởi hệ thống giếng cổ này nằm dưới chân những quả đồi ở độ dốc khác nhau đã được người xưa khai mương, xếp đá theo ý đồ của mình để tận dụng những mạch nước ngầm trong lòng đồi chảy ra phục vụ cho ăn uống và tưới tiêu. Kỳ lạ là ở kỹ thuật lập bể, ngăn dòng hoàn hảo của người Chăm khiến hàng nghìn năm nay dù trời có hạn hán đến đâu thì nguồn nước thuộc hệ thống giếng cổ Gio An cũng không bao giờ vơi cạn, vẫn trong xanh, mát rượi và được dân làng xem như báu vật.
Máng nước giếng cổ.
Theo các nhà khảo cổ, hệ thống giếng cổ Gio An ra đời vào cuối thời đại đồ đá mới, cách đây khoảng 5.000 năm. Tùy vào mạch nước, độ chênh lệch của các triền đồi và dụng ý sử dụng mà người Chăm đã tạo nên hai loại giếng khác nhau ở Gio An. Loại thứ nhất là dựa hoàn toàn vào mạch nước tự nhiên để tạo nên những giếng nước với cấu trúc gồm phần tầng đá gia cố, bể lắng rồi sau đó tràn vào hồ chứa…
Cụ thể, bất cứ giếng nước nào cũng được khơi nguồn từ mội nước (mạch nước); xung quanh mội nước những hòn đá được chọn lựa và ghè đẽo vuông vức để xếp chồng lên nhau nhằm bảo vệ bề mặt thành mạch không bị lở lói. Phía trước mội nước là bể lắng, thường hẹp và sâu, quanh bể lắng cũng được gia cố bằng đá xếp lớp, dưới đáy bể có rải một lớp đá cuội nhỏ (sỏi). Nước từ bể lắng theo các máng nước (vòi nước bằng đá nặng hàng tạ) chảy xuống bể chứa – thường có độ sâu dưới 50 cm, rộng hẹp tùy mức độ nhỏ to của mội nước phun ra. Thành bể, đáy bể cũng được gia cố bằng đá tương tự như bể lắng… Người dân dùng gàu, gáo để múc nước uống, tắm giặt trực tiếp từ bể chứa, còn nước để phục vụ chăn nuôi được ngăn thành một bể chứa khác. Những lúc không ai dùng, nước trong bể chứa dâng cao, chảy tràn ra mương nước bên ngoài để tưới cho ruộng. Loại giếng cổ khai thác nguồn nước từ mạch cạn này phân bố nhiều ở thôn Hảo Sơn, vùng đất có những ruộng rau liệt (xà lách xoong) quanh năm tươi tốt, loại rau đặc sản thích nghi với môi trường nước chảy.
Loại thứ hai là giếng đào. Người Chăm bằng kinh nghiệm tìm nguồn nước sạch, nước ngọt từ lòng đất một cách bền bỉ, có chiến lược và không ngừng sáng tạo đã lần ra vị trí có nguồn nước ngầm mạnh. Từ đây họ sẽ đào giếng, khuôn giếng là những khối đá đã chế tác thành hình trụ rỗng được chồng lần lượt lên nhau. Mạch nước mạnh, các khuôn đá xếp lên nhau một cách kín kẽ sẽ tạo điều kiện cho mực nước trong giếng nâng hẳn lên, có khi tràn ra ngoài miệng giếng.Các khuôn giếng phía trên mặt đất có các lỗ khoét, nước sẽ theo đó chảy ra mương dẫn, đổ về đồng ruộng. Giếng đào ở thôn An Nha hiện còn cấu trúc hoàn chỉnh nhất và có thể xem đây là công trình khai thác nước tiêu biểu ở những khu đông người và có nguồn nước tự nhiên dồi dào.
Từng giếng cổ gắn với những tên gọi thân thuộc, nằm lòng trong tiềm thức của người Gio An. Xã Gio An có tám thôn, chỉ có hai thôn An Bình và Xuân Hòa là không có giếng cổ nào, sáu thôn còn lại nằm dọc dài khoảng hai cây số hai bên Tỉnh lộ 75 đều có hệ thống giếng cổ. Ngay đầu thôn Long Sơn rẽ phải chừng 50 m sẽ gặp giếng Máng, rồi từ cổng chào thôn Hảo Sơn đi khoảng 500 m là gặp cụm ba giếng nằm gần nhau: giếng Gái, giếng Ông và giếng Bà… Sở dĩ có tên gọi giếng Gái là vì người xưa quy định giếng tắm rửa giành cho ông, cho bà và cho các cô trinh nữ nên mới dùng các danh xưng này để phân biệt? Cũng có người gọi là giếng Gai là bởi cây lá gai (một loại thực vật mà người dân hay trồng trong vườn nhà để lấy lá làm bánh gai hay tước sợi để dệt lưới đánh cá) mọc đầy xung quanh giếng.
Video đang HOT
Tại thôn Gia Bình (cũng bên trái Tỉnh lộ 75) đi vào khoảng 500 m có giếng Đìa (cạnh giếng có đìa nuôi cá lấy nguồn nước từ giếng) nằm trong khuôn viên ngôi đình làng Gia Bình. Từ trung tâm xã Gio An, rẽ trái khoảng một cây số vào thôn An Nha có giếng Trạng, giếng Búng, giếng Phường gần di tích chùa Long Phước thờ chúa Nguyễn Hoàng với kiến trúc cảnh quan bền vững và đi lại thuận tiện. Cuối cùng là thôn An Hướng nằm vị trí cuối xã có các giếng Gái, giếng Côi (trên), giếng Dưới, giếng Nậy (lớn)…
Hệ thống giếng cổ Gio An là một loại hình di tích quý hiếm có giá trị dân sinh, khảo cổ, văn hóa nghệ thuật, là tài nguyên du lịch sinh thái độc đáo và tinh tế do người Chăm sáng tạo và được người Việt giữ gìn cho đến ngày nay. Giếng cổ Gio An đang ngày càng được nhiều người biết đến, đã và đang trở thành một địa chỉ du lịch ở Quảng Trị hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Báo Đắk Lắk Điện tử
Theo dulich.petrotimes.vn
Chiêm ngưỡng kiến trúc Chăm đẹp mê hồn tại tháp Mỹ Khánh ở Huế
Với kiến trúc nghệ thuật được xây dựng từ thế kỷ VIII và mang nhiều giá trị văn hóa nên sau khi phát hiện, tháp Chăm Mỹ Khánh (xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia.
Tháp Mỹ Khánh hay còn gọi là tháp Phú Diên (nằm ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được một đơn vị khai thác quặng tình cờ phát hiện vào tháng 4/2001. Tháp nằm sâu trong lòng đất khoảng chừng 5 - 7m, thấp hơn mực nước biển hiện tại 3 - 4m và chỉ cách mép biển khoảng 120m.
Tháp Mỹ Khánh nằm sâu dưới lòng đất ở xã Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Tháp Mỹ Khánh có hình chữ nhật, hai mặt chính theo hướng Đông - Tây. Mặt bằng lớp dưới cùng của tháp dài 8,22m, rộng 7,12m và càng lên cao càng giật cấp thu nhỏ dần như những tháp Chăm cùng thời kì. Cụ thể, Tháp cũng có các phần khác nhau gồm: móng, chân tháp, thân và diềm mái được trang trí khác nhau.
Hiện nay, toàn bộ chiều cao tháp Mỹ Khánh còn lại từ 3,1-3,26m do tháp bị lún nghiêng bởi tác động của thời gian. Năm 2005, tháp Mỹ Khánh được bảo tồn tu bổ gia cố xung quanh rất chắc chắn bằng bê tông để ngăn tình trạng cát lún và tháp được bao bọc bằng nhà kính.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tháp Mỹ Khánh có niên đại sớm nhất trong những tháp Chăm còn sót lại hiện nay, được xây dựng từ thế kỷ VIII và thuộc dạng tháp Lùn trong nghệ thuật xây dựng kiến trúc tháp của người Chăm.
Ngày 28/12/2011, tháp Mỹ Khánh được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.
*Những hình ảnh PV Infonet ghi nhận ở tháp Mỹ Khánh:
Phía trước tháp Mỹ Khánh.
Sau khi được trùng tu, bao quah tháp có đường đi xung quanh để chống cát lún xuống tháp.
Tháp Mỹ Khánh tình cờ được phát hiện bởi một đơn vị khai khoáng.
Kiến trúc bên trong tháp Mỹ Khánh.
Tháp Mỹ Khánh được xây dựng khá lâu nên nhiều hạng mục đã bị xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian.
Nhiều phần phía trên của tháp đã bị phá hủy bởi mưa nắng, chiến tranh.
Toàn bộ nhà kính bao bộc tháp Mỹ Khánh.
Lối vào mới được xây dựng sau khi phát hiện tháp Mỹ Khánh.
Ngoài ra, bên cạnh tháp Mỹ Khánh chính còn có các dấu tích chân tháp phụ khác cũng được xây dựng nhưng nay chỉ còn nền móng sót lại.
Hà Oai
Theo infonet.vn
Có gì ở vùng đất Ninh Thuận "gió như phang, nắng như rang" Vịnh biển xanh ngắt kề bên sa mạc, vườn nho ngọt mát dưới chân tháp chàm trầm mặc...Đó là những đặc sản của Ninh Thuận, một vùng đất tuyệt đẹp. Ninh Thuận nằm ở duyên hải Nam Trung bộ, thuận tiện di chuyển bằng đường bộ, tàu hỏa hoặc máy bay. Thủ phủ của tỉnh là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm,...