Độc đáo đá, suối và thác ở Đồng Nai
Nói về đá, suối và thác ở Đồng Nai phải kể đến các thắng cảnh: đá Ba Chồng, làng nghề đá ở Bửu Long, thác Trị An, thác Đá Hàn, thác Mai…
Với cảnh quan thiên nhiên đẹp kết hợp với sự đầu tư, chăm chút của con người đã tạo nên những điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách khi đến với Đồng Nai.
Quần thể đá Ba Chồng (huyện Định Quán). Ảnh tư liệu
* “Sức hút” của đá
Nằm ven quốc lộ 20, cách ngã ba Dầu Giây 50km về hướng đi Đà Lạt, có một quần thể đá độc đáo, kỳ vĩ khiến ai đi ngang đây cũng phải trầm trồ. Đó là khu danh thắng đá Ba Chồng thuộc thị trấn Định Quán (huyện Định Quán).
Quần thể đá Ba Chồng là 3 cụm đá gồm: hòn Ba Chồng, núi đá Voi, hòn Dĩa. Nổi bật nhất trong quần thể này là hòn Ba Chồng có 3 hòn đá khổng lồ chồng lên nhau với chiều cao khoảng 36m. Hòn Ba Chồng là tên gọi dân gian chỉ về ba hòn đá nằm chồng lên nhau khá chông chênh. Trải qua hàng triệu năm dãi dầu mưa nắng, hòn Ba Chồng vẫn chênh vênh, sừng sững tạo ra một cảnh quan hùng vĩ.
Về phía Tây Bắc của quần thể đá Ba Chồng là hòn Dĩa vì hòn đá này có hình dáng giống như một chiếc dĩa to. Hòn đá hình dĩa này có hình chữ nhật không đều, một đầu to, một đầu nhỏ nhưng nằm trên một tảng đá nhỏ hơn rất nhiều với độ cao hơn 43m so với mặt đất.
Trong quần thể đá Ba Chồng còn có núi đá Voi, hay còn được gọi là núi Bạch Tượng, nằm về phía Tây Nam của khu thắng cảnh. Cụm đá này có hình như 2 con voi lớn nằm cạnh nhau. Trên đỉnh của hòn đá được ví như con voi đực còn có tượng phật Thích Ca khổng lồ được xây vào những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ 20. Hòn đá kế bên gọi là voi cái. Dưới chân của voi đực còn có hang Bạch Hổ. Từ hang Bạch Hổ có một hành lang tam cấp uốn theo núi đá Voi để khách đến tham quan dễ dàng đi lên đỉnh của đá Voi, tham quan tượng Phật, phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh khu danh thắng.
Tại TP.Biên Hòa còn có làng nghề đá ở Bửu Long nổi tiếng với nghề chạm, trổ đá hơn 300 năm. Nghề đá ở Bửu Long nổi trội hơn nhiều nơi khác là nhờ vào chất liệu đá đặc biệt ở đây – một loại đá xanh rất mịn, cứng, không có hoa văn, không lấp lánh và không bị phai mờ hay hoen ố theo thời gian.
Trải qua hơn 3 thế kỷ tồn tại với nhiều thăng trầm, làng nghề đá ở Bửu Long đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa như: Hà Kiều, Dương Văn Hai, Ngụy Đức Mỹ, Phạm Thành Đầu… Sản phẩm của làng nghề đá ở Bửu Long không chỉ có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc mà còn vươn xa đến tận Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…, đã tạo nên uy tín, thương hiệu cho làng nghề đá mỹ nghệ Bửu Long.
* Trong lành suối và thác
Tại Đồng Nai có nhiều điểm tham quan suối và thác khá hấp dẫn như: thác Trị An, thác Đá Hàn, thác Mai, thác Ba Giọt, thác Ràng…
Video đang HOT
Thác Trị An nằm ở địa phận huyện Vĩnh Cửu, cách TP.Biên Hòa khoảng 30km. Đây được xem là ngọn thác cuối cùng của sông Đồng Nai với truyền thuyết về người phụ nữ biến thành đá vì khóc thương chồng. Thác Trị An hùng vĩ với những vách núi đá cheo leo, với dòng nước đập mạnh vào những khối đá giữa dòng hay rải rác dưới chân thác, tạo nên những âm thanh như tiếng khóc nỉ non. Càng về sau, dòng chảy mở rộng ra thành dòng suối hiền hòa, là nguồn nước tưới mát ruộng vườn của người dân xung quanh lưu vực.
Thác Đá Hàn huyện Trảng Bom), cách TP.Hồ Chí Minh 70km. Thác Đá Hàn bao gồm 3 dòng thác: thác Chàng, thác Nàng, thác Đá Hàn. Thác Đá Hàn nằm giữa vườn cây ăn trái của người dân nên không khí xung quanh luôn mát mẻ, trong lành, là một nơi thu hút rất đông du khách đến vui chơi, giải trí vào những ngày cuối tuần, lễ, Tết.
Thác Mai thuộc huyện Định Quán, cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 128km. Thác Mai có nhiều phiến đá lớn, mặt phẳng như thạch bàn, đủ để du khách tung tăng, chơi đùa. Với không gian rộng lớn, xung quanh là rừng cây nên thác Mai còn là nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động ngoài trời, cắm trại…
Thác Ba Giọt thuộc huyện Định Quán, nằm cách TP.Hồ Chí Minh 140km về phía Đông. Thác nằm ẩn sau những vườn điều, tiêu, cà phê của người dân nên không khí luôn trong lành, mát rượi. Nhìn từ trên cao xuống, thác có 3 dòng chính và nhiều dòng nhỏ xung quanh, trông như 3 giọt nước khổng lồ đang rơi xuống giữa núi rừng Định Quán.
Thác Ràng thuộc địa phận xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Do chưa được biết đến nhiều nên cảnh quan nơi đây còn hoang sơ, là địa điểm tuyệt vời cho những ai yêu thích du lịch sinh thái, thích khám phá. Với độ cao gần 5m, thác có nước quanh năm, bao quanh thác là rừng cây cổ thụ đan xen với rừng lồ ô tạo nên cảnh quan rất lý tưởng cho các chuyến tham quan, dã ngoại vào mùa hè.
Đoàn Phú
Theo baodongnai.com.vn
Khám phá ngôi làng cổ thơ mộng dưới chân núi Phú Sĩ
Trở về từ xứ sở mặt trời mọc, tất cả còn đọng lại trong tôi nguyên vẹn nhất là cảm giác bình yên một chiều cuối thu nắng rưới vàng như mật trên những tàn cây, mái nhà cổ khi dạo bước trên con đường làng cổ Oshino Hakkai dưới chân núi Phú Sĩ.
Cách thủ đô Tokyo chưa đầy 100 km, làng Oshino Hakkai là điểm đến thú vị đối với những du khách thích khám phá nếp sống xưa cũ còn vẹn nguyên của người dân Nhật Bản.
Trước đây khi đang còn phụ trách biên tập cho một tờ tạp chí, tôi nhận được chùm ảnh của một CTV về ngôi làng cổ Oshino Hakkai được chụp vào mùa đông. Tôi đã rất ấn tượng và có một cảm xúc rất mạnh khi nhìn những ngôi nhà cổ với những tàn cây trụi lá mùa đông phủ đặc tuyết trắng bên những hồ nước như một bức tranh thủy mặc. Cảm giác cả ngôi làng đang ngủ đông, tách biệt hẳn với sự sầm uất, huyên náo của thủ đô Kyoto. Tôi đã ước một lần đặt chân đến ngồi dưới những tán cây bên những hồ nước, bình yên ngắm những góc nhà cổ xưa...
Và tôi đã đến...
Một ngôi làng nép mình dưới chân núi Phú Sĩ. Đứng ở một nơi cao ráo trong làng, bạn có thể nhìn thấy đỉnh núi Phú Sĩ phủ tuyết trắng phía xa xa - ngọn núi biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất, sự tốt lành.
Bao bọc quanh làng là rải rác 7,8 chiếc hồ nhỏ có nước chảy trong vắt soi bóng mặt người.
Khi bước vào làng Oshino Hakkai, bạn phải làm một thủ tục vào làng, đó chính là đến chỗ bể chứa nguồn nước ở giữa hồ làm nghi thức rửa tay. Bạn phải dùng gáo bằng ống tre hứng dòng nước chảy qua khe nhỏ để rửa sạch hai bàn tay theo quy tắc. Sau đó xoa nhẹ lên mặt. Bạn cũng có thể hứng thêm một chút nước mát lạnh để uống trước khi cầm vào chuôi gáo, xối ngược gáo nước để rửa tay cầm và trao lại cho người kế tiếp. Đây là một nghi thức quen thuộc thường thấy khi đến bất cứ một đền, chùa nào ở Nhật Bản.
Dòng nước trong mát dùng để rửa tay và uống, được biết là nguồn nước chảy về từ đỉnh núi Phú Sĩ. Đó là nước từ những mảng băng, tuyết tan ra, ngấm vào mạch ngầm trong lòng đất và đổ về. Người Nhật tin rằng nước từ núi Phú Sĩ sẽ đem lại cho họ nhiều may mắn và sức khỏe. Bởi thế nên ai đến đây cũng chuẩn bị một chai nước (không có chai thì mua chai) để lấy một ít nước mang về.
Người Nhật cao tuổi đặc biệt yêu thích Oshino Hakkai còn bởi ngôi làng cổ còn lưu giữ những cách làm nghề nông theo kiểu truyền thống - một cách tự hào về góc xưa cũ còn nguyên vẹn cách Tokyo hiện đại hơn 100 km.
Là một vùng nông thôn nên những món ăn địa phương tại Oshino Hakkai thường gắn với các loại nông sản như: khoai lang, đậu đỏ, đậu xanh và các loại nấm. Những món đặc sản độc đáo không thể không thử là đậu hũ mát lạnh ngâm trong bể nước chảy từ núi Phú Sĩ, bánh mochi, trà nấm hương và bánh nướng trà xanh tốt cho sức khỏe. Tại các quầy hàng, bạn có thể được chiêm ngưỡng cách người nội trợ Nhật Bản trổ tài làm các món ăn mời khách.
Đến với khu làng cổ Oshino Hakkai, bạn sẽ được tận hưởng không gian êm đềm của làng quê và khám phá lối kiến trúc truyền thống ở xứ sở hoa anh đào. Những ngôi nhà cổ xưa rêu phủ đầy mái, bức tường phủ kín trái bắp khô và những guồng nước gỗ róc rách, thùng quạt gió bằng gỗ chính là công cụ lao động mà hơn 100 năm trước, người dân vẫn sử dụng để phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Tôi men theo lối nhỏ dọc bên kinh nước, mùa thu lá hai bên đường phủ rợp một màu vàng thấp thoáng xen những bóng nhà cổ như một bức tranh thu thanh tịnh và bình yên. Nhìn ngắm, ngó nghiêng và hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành.
Thỉnh thoảng tôi đứng lặng dưới tán cây để suy tư vẩn vơ - một nước Nhật với nhiều điều làm thế giới nghiêng mình sửng sốt nhưng cũng còn đó nhiều vấn đề xã hội. Nơi để ta học hỏi vạn điều hay nhưng cũng cần nhìn vào đó để học cách cân bằng. Và làng cổ Oshino Hakkai là nơi để cho bạn đến để cân bằng và để bỏ lại mọi bon chen ở đời sống thường nhật này.
Bài và ảnh: Tịnh Thu
Theo motthegioi.vn
Lên Cấm Sơn theo câu hát Tìm theo câu hát "Núi (ư) núi, thuyền (ư) thuyền.../ Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi..." của Nhạc sĩ Phó Đức Phương Mới đây, chúng tôi ngược đường lên hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) - nơi năm 1971 người nhạc sĩ tài hoa đã tức cảnh sinh tình, sáng tác nên ca khúc "Hồ trên...