Độc đáo chợ lợn lớn nhất Việt Nam
Cách Hà Nội khoảng 80 cây số theo quốc lộ 21A có một chợ lợn nhộn nhịp suốt ngày đêm. Lái buôn từ khắp các tỉnh thành từ Nam chí Bắc kéo về kẻ mua người bán khiến một vùng quê yên bình luôn huyên náo.
Tứ xứ đổ về
Nằm trên đường giao thông 975 thuộc thôn An Nội, xã An Nội ( Bình Lục – Hà Nam), phố lợn hay còn gọi là chợ lợn, tuy mới hình thành hơn chục năm nay nhưng quy mô rất lớn và thu hút được đông đảo các lái buôn từ khắp các vùng miền đến thông thương.
Ông Cù Văn Thực – Trưởng thôn An Nội cho biết, phố lợn chỉ nhộn nhịp từ 1 giờ trưa đến tối mịt mới tan. Mỗi ngày, phố lợn đón ít nhất 300 lái buôn đến từ khắp các vùng miền nhưng nhiều nhất là các lái lợn ở Hà Nội, Yên Bái, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh… Ngày cao điểm, phố lợn có sự góp mặt của trên 1.000 lái buôn với các loại xe tải cỡ lớn.
Do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên thị trường ngày càng lớn nên mấy năm qua, người dân An Nội đã hợp sức thành lập hội thương lái khá quy mô. Cả thôn An Nội có hàng trăm hộ gia đình tham gia vào công việc này. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, người dân phố lợn không hề nuôi lợn mà chỉ tham gia vào việc buôn bán, tìm nguồn lợn tốt từ địa phương lân cận hoặc các tỉnh thành rồi đưa về “đánh dấu” trao hàng.
Mới chỉ giữa trưa phố lợn đã rất tấp nập
Chúng tôi có mặt tại phố chợ lợn An Nội vào lúc 12 giờ trưa đã thấy hàng trăm lái buôn từ Hà Tĩnh, Quảng Bình có mặt chờ giờ đẹp “hốt” lợn lên những chiếc xe tải lớn đưa đi tiêu thụ. Anh Trần Hồng Việt – lái buôn từ Hà Tĩnh cho hay: “Trung bình mỗi tuần, tôi lấy khoảng 300 lợn siêu nạc từ An Nội đưa về Hà Tĩnh giao cho các đại lý đầu mối”.
Theo trưởng thôn Cù Văn Thực, chợ lợn An Nội mỗi ngày tiêu thụ không dưới 5.000 con các loại. Để có một số lượng lớn như vậy giao cho lái buôn, các tay “săn lợn” tại An Nội đã phải rất vất vả mới gom đủ hàng. Họ đến khắp các vùng miền, đặt hàng các chủ trang trại lợn ở miền Bắc để đảm bảo số lượng tiêu thụ.
Anh Nguyễn Văn Chí – một tay “săn lợn” có thâm niên tại An Nội cho biết: “Nghề săn lợn không hề đơn giản, không có vốn hoặc ít mối quan hệ thì coi như thất bại. Mỗi chuyến đi “săn hàng” tôi đem theo 3 xe tải cỡ lớn để vận chuyển, thế nhưng về đến An Nội vẫn “cháy hàng”.
Video đang HOT
Phố lợn khoảng thời gian từ 1 giờ sáng đến tối mịt đông nghịt người. Đường 975 gần như tê liệt hoàn toàn vì số lượng xe tải của các lái buôn rất nhiều. Không khí buôn bán vô cùng náo nhiệt. Chỗ này vài ba thanh niên hò nhau bắt lợn, chỗ kia khênh lợn lên cân, chỗ khác lại dồn lợn lên xe hàng… Tiếng hò reo, trả giá, tiếng cười được mùa, thậm chí cả những lời lầm bầm vì không mua được hàng với những khuôn mặt đủ kiểu… tất cả tạo nên một chợ lợn sôi động, độc đáo chưa từng có.
Dồn lợn vào chiếc xe kéo
Tương lai cho phố… lợn
Bình Lục – Hà Nam vốn là một vùng chiêm trũng nghèo nàn đồng trắng nước trong. Thời đổi mới, nông dân chỉ biết bám vào ruộng đồng để sống nhưng khi “đất phụ người, mùa màng mất trắng” thì nông dân trắng tay. Vài ba thanh niên ở An Nội thoát ly đi buôn bán đó đây rồi về quê lập nghiệp với số vốn ít ỏi. Họ chọn nghề lái lợn “làm điểm”, rồi vận may cũng đến khi xã bên cạnh là Ngọc Lũ trở thành “trang trại lợn khổng lồ”.
“Cơ hội vàng” đã đến, người An Nội lập các trại lớn tạo thành phố lợn. Đến nay, tại thôn An Nội số nhà có ô tô riêng không phải là ít, nhà tầng mọc lên san sát. Ông Trần Xuân Vượng – Chủ tịch UBND xã An Nội phấn khởi cho biết: “Nhờ có phố lợn mà cuộc sống của nhân dân trong xã được cải thiện đáng kể. Số lượng lao động phục vụ trong phố lợn lên tới hàng nghìn người. Mỗi tháng một người An Nội thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng, đó là chưa nói đến thu nhập của các chủ buôn lớn và các chủ chuồng địa phương…”.
Ông Vượng dẫn chúng tôi đến nhà anh Trần Văn Quảng – một lái buôn phất lên từ phố lợn. Ngôi nhà 3 tầng kiên cố xây theo kiến trúc Pháp án ngữ giữa một hàng cây xanh rải sỏi lối đi càng tôn thêm vẻ giàu có của gia chủ. Anh Quảng cho biết, anh theo nghề lái lợn đã gần chục năm, lắm gian truân nhưng thu nhập cao, sắp tới anh sẽ hùn vốn mua xe hơi để tiện cho việc đi lại.
Điều mà ông chủ tịch xã mừng nhất là phố lợn tạo được việc làm cho thanh niên trong xã. Có lẽ vì thế mà hầu như An Nội không có người nghiện, nạn cờ bạc rượu chè không có. Ông Trần Xuân Vượng khẳng định sẽ quy hoạch phố lợn An Nội trở thành điểm buôn bán lớn nhất miền Bắc. Hiện tại, phố lợn An Nội nằm trên đường giao thông 975 nên có không ít những trở ngại cho việc thông thương. Phương án tương lai cho chơ lợn lớn nhất Việt Nam đã và đang được quy hoạch với diện tích trên 5.000m2 bên mạn hữu sông Bùi với số tiền đầu tư gần chục tỷ đồng hứa hẹn một chợ lợn đẹp nhất miền Bắc.
Theo Hưng Tiến – Nam Trần
ANTĐ
Vác tù và hàng tổng: Dân xin kiếu!
Nghe chỗ này chỗ nọ người ta đánh nhau để giành chức trưởng thôn nhưng với những làng quê vùng trũng, chức trưởng thôn đúng nghĩa là đầu binh cuối cán, có ép lắm thì may ra mới có người chịu ngồi vào. Đỉnh điểm là chuyện hai ông trưởng thôn ở xã Bồ Đề (Bình Lục, Hà Nam) tự dưng rủ nhau bỏ việc giữa nhiệm kỳ.
Quyết tâm trốn
Cuối năm ngoái, trưởng thôn 10 tên là Trần Hữu Tiếp, trưởng thôn 11 tên là Trần Văn Thành đều đang giữa nhiệm kỳ nhưng vẫn quyết tâm gặp lãnh đạo xã Bồ Đề để xin được từ chức. Một sự kiện hy hữu bởi từ xưa đến nay ở vùng quê này chưa xảy ra bao giờ. Nài nỉ có, thuyết phục có nhưng họ quyết tâm, bất kể thế nào hai ông cũng không chịu đổi ý.
Đã có lúc, UBND xã Bồ Đề định làm căng, không cho nghỉ. Nhưng cả hai ông nhất quyết mà rằng: Không cho nghỉ thì chúng tôi bỏ. Ông Thành làm trưởng thôn gần 20 năm, ông Tiếp mới sang nhiệm kỳ thứ 2. Không thể nói rằng họ thiếu trách nhiệm, tâm huyết với xóm làng. Vậy thì cớ làm sao? Cả hai đều bảo rằng làm trưởng thôn chẳng khác nào cái bồ đựng chửi. Dân chửi, vợ con chửi, thỉnh thoảng cấp trên cũng chửi.
Đau đầu ở chỗ, thời điểm hai ông trưởng thôn 10 và 11 xin nghỉ đúng vào dịp triển khai dồn điền đổi thửa, làm đường giao thông nông thôn, làm thủy lợi nội đồng... Toàn những phong trào lớn của thôn cả. Trước hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, lãnh đạo xã Bồ Đề cấp tốc tìm người thay thế, nhưng tìm mãi mà chẳng có ai đứng ra nhận làm. Thôn 10 có 131 hộ, 420 nhân khẩu, thôn 11 có 152 hộ, gần 500 nhân khẩu, vậy mà tìm mỗi thôn một người đứng ra lãnh đạo cũng không được. Cuối cùng UBND xã Bồ Đề đành phải chống cháy bằng cách vận động hai ông Bí thư chi bộ kiêm nhiệm luôn chức trưởng thôn.
Bởi thế mà bây giờ ông Trần Đình Bảy vừa là Bí thư chi bộ, vừa là trưởng thôn 10 bây giờ. Ông Bảy là cựu chiến binh. Chuyện hai vị "lãnh đạo" thôn 10 và 11 bỏ việc giữa chừng thì ông nắm rõ căn cơ hơn ai hết. Ông Bảy phân tích thế này: "Nói thật với anh, từ lâu rồi, công tác trưởng thôn ở những vùng quê thế này người ta không mặn mà nữa. Làm cái anh trưởng thôn chẳng có gì ràng buộc cả. Hai ông kia bỏ việc, xã trực tiếp xuống vận động tìm người thay thế nhưng hễ cứ nghe đến chuyện làm trưởng thôn là người ta trốn cả. Lý do thì thực tế. Người ta tính toán, công tác thôn xóm gò bó, đồng phụ cấp không đáng bao nhiêu. Một tháng làm trưởng thôn, chưa trừ chi phí cũng chỉ được năm sáu trăm ngàn. Bằng người ta đi làm công ba bốn bữa thôi mà".
Trưởng thôn Bảy
Phụ cấp thấp, đó là một lý do, nhưng nếu là vì phụ cấp thấp chắc không đến mức chức trưởng thôn bị ghẻ lạnh. Bởi cũng từ những đồng phụ cấp, thậm chí còn thấp hơn nhiều thì ông Thành vẫn làm tới 20 năm, ông Tiếp làm hơn một nhiệm kỳ cơ mà. Trưởng thôn luôn được xem là cánh tay nối dài của xã, trăm công nghìn việc, việc nào cũng đến tay. Từ chỉ đạo sản xuất, ma chay hiếu hỉ, cho đến những công việc mà phần lớn những người kinh qua vị trí này ngán nhất là đi vận động người dân đóng khoản này khoản nọ.
Chuyện vận động dân đóng góp ở quê quả là cực hình. Ông Bảy bảo, dân mình đa số tốt thôi, chủ trương, chính sách đều đáp ứng hết. Chỉ mỗi tội nghèo. Mà mâu thuẫn, chống đối, chây ỳ cũng đều xuất phát từ nghèo mà ra cả.
Thôn 10 nằm trong số 6 thôn của khu Văn Ấp, vùng chiêm trũng đáy chảo của đồng bằng Bắc bộ. Dân nghèo lắm. Bình quân mỗi sào ruộng ở đây chỉ được có 1,8 tạ thóc. Đất màu không có, thu nhập chính của người dân là nghề hàng xay hàng xáo, bỏ làng đi lao động tự do. Theo kế hoạch giảm nghèo, năm ngoái thôn 10 còn 21 hộ, năm nay chỉ còn 14 mà thôi. Xã Bồ Đề giảm nghèo theo cái cách mà ông Bảy thấy rất lạ. "Tính thu nhập để giảm xác định hộ nghèo mà xã chỉ tính phần thu vào chứ chẳng tính đến các khoản đầu tư. Tính cân thóc, con lợn bán ra mà không tính tiền đầu vào thì mới có tiền dôi ra để thoát nghèo. Còn nếu hạch toán chi li thì dân không phải nghèo mà là quá nghèo luôn".
Khảo sát đời sống, lắng nghe suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của nhiều gia đình mới thấy nông dân vùng trũng vừa nghèo vừa lẻ loi, cô độc đến tội. Giá cả sản xuất cái gì cũng cao mà giá đầu ra lại thấp. Sơ sẩy là đói chứ chẳng đùa. Đã cơ cực lại phải chi phí nhiều, đóng góp đủ thứ. Kêu đâu cũng chẳng được, thôi thì cứ nhằm trưởng thôn mà chửi.
"Đóng góp gì thì phải đi vận động từng nhà. Chẳng mấy khi đi một lượt mà xong đâu. Toàn phải 2-3 lượt. Nhận thức người dân bây giờ cũng cao, làm đường nông thôn người ta biết là lợi, nhưng vì nghèo quá, bí quá mà người ta mượn cớ, lấy lý do chây ỳ, cãi cùn. Nhiều gia đình, trưởng thôn đến thu tiền đóng góp không có còn cãi cố: Tôi không đi đường nhà ông nữa là được chứ gì. Như đợt vừa rồi vận động bà con xã viên làm đường nội đồng. Mức đóng góp ngay là 200 ngàn/sào. Chậm thì phải tăng lên 239 ngàn/sào. Vậy mà nhiều nhà không có, cả thôn còn 40 hộ đang khất nợ chờ đến lúc thu hoạch lúa mới trả", Bí thư Trần Đình Bảy trút bầu tâm sự.
Năm ngoái, thôn 10 có gia đình anh Đỗ Đại Ngọc ốm nặng. Gia cảnh khốn nghèo. Cấp ủy chính quyền vận động người dân giúp đỡ để anh có thể đi viện chữa trị. Các đoàn thể cả người dân gom góp mãi mà chỉ được có 450 ngàn đồng.
Đúng sai đều bị chửi
Cũng như ông Bảy, chức trưởng thôn 11 ông Bí thư chi bộ Trần Hữu Thọ cũng đang phải kiêm nhiệm. Một công việc mà bản thân ông lẫn gia đình chẳng mặn mà tý nào.
Nghèo khó quá mà người dân sinh ra cục cằn với trưởng thôn
Một mình làm cả hai vị trí chủ chốt của thôn 11 nhưng dường như ông Thọ đã nản lắm. Bất kể chuyện gì cũng bảo buồn. Đời sống. Buồn. Chi tiêu đóng góp. Buồn. Ông ví công việc mình đang làm hiện tại chẳng khác gì một tên đầu sai. Một đầu sai phục vụ toàn người già và trẻ nhỏ vì phần lớn lao động trong thôn đều bỏ làng. Không làm thuê làm mướn thì làm hàng xay hàng xáo. Vì thế mà việc ông làm người đứng đầu thôn 10 là một sự hi sinh rất đáng được ghi nhận.
Điều ông Thọ sợ nhất là suốt ngày nghe dân chửi. Đúng chửi, sai cũng cũng chửi. Nhất là đóng góp. Chủ trương của huyện, của xã, của thôn đống góp bất kể cái gì thì việc đầu tiên là nghe chửi. "Dân thì nghèo, đụng đến quyền lợi thì họ chửi. Chửi xong rồi đóng cũng được, nhưng vẫn cứ phải chửi cho hả dạ".
Gia đình ông làm một mẫu ruộng. Lao động chính là bà vợ và đứa con dâu. Một năm trừ đi chi phí vừa hết sạch. Như vụ này, phân bón, thuốc, giống nhà trưởng thôn cũng còn đang nợ chứ không có nổi một đồng tiền mặt để trả cho người ta. Công việc của ông với thôn, với xã thì khỏi nói. Đợt này thôn 11 đang làm đường giao thông với đường nội đồng. Họp kín mít cả tuần. Nói rã cả họng ra mà dân vẫn không theo. Không phải vì họ chống đối gì đâu. Bởi thời điểm này trong dân chẳng có tiền để mà đóng góp.
Lý do mà người dân thôn 11 không ai chịu nhận chức trưởng thôn sau khi ông Trần Văn Thành nghỉ cũng là vì kinh tế. Làm trưởng thôn có nghĩa là gia đình mất đi một lao động. Mỗi tháng được hưởng phụ cấp hơn 6 trăm ngàn, tương đương 4 ngày làm công. Xăng xe tự lo, họp hành lại triền miên, thành ra số tiền phụ cấp không đủ, nhiều khi còn phải bù lỗ. Một khoản "thu nhập" nữa của trưởng thôn là một năm tham dự vài ba hội nghị tổng kết, mỗi hội nghị có cái phong bì thường là 20-30 ngàn. Hết. Ông Thọ nói thẳng ra là Nhà nước chưa quan tâm đến những người làm vị trí như ông hiện nay. "Tốn công, tốn nước bọt, chẳng được cái gì cả, chỉ mất thời gian thôi. Tại sao phong trào ở quê bây giờ hầu như chẳng có gì. Bởi vì chẳng ai mặn mà cả. Lo ăn còn trẩy mồ hôi nữa là phong trào này nọ".
Theo 24h
Hà Nội: CSGT giúp cháu bé lạc giữa trời nắng tìm gia đình Thấy cháu bé đi lạc, đứng 1 mình giữa trời nắng khóc lóc, các chiến sỹ CSGT đã đưa về trụ sở, động viên an ủi và tìm cách liên hệ với gia đình cháu. Khoảng 9h sáng nay 28/5, tổ công tác Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT - CATP Hà Nội) làm nhiệm vụ trên tuyến Trần Phú - Quang Trung...