Độc đáo: Cho gà ấp trứng le le nguồn gốc hoang dã, thu tiền tỷ
8 năm với nghề chăn nuôi, anh Sa Lê dân tộc Chăm ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã thuần hóa được loài le le hoang dã, cho gà ấp trứng le le để tạo con giống khỏe, nuôi thương phẩm để xuất khẩu.
Đàn lele của anh Sa Lê
Nhờ cách làm mới, anh Sa Lê trở thành tỷ phú.
Theo Sa Lê, nuôi le le thương phẩm không khó chỉ cần không gian thoáng, rộng và cho ăn đầy đủ là xong, còn nuôi le le sinh sản thì rất khó, để thành công tạo giống động vật hoang dã này, Sa Lê phải mất 2 năm nghiên cứu mới thành công.
Hiện bầy le le 2.000 con được Sa Lê bảo vệ trong chuồng lưới và vệ sinh sạch sẽ trong 1.000m2 đất vườn, giữa hồ nước có lục bình, cỏ năn, lác tạo điều kiện cho chúng thích nghi với môi trường cư trú.
Theo anh, le le ngoài tự nhiên rất dễ nuôi nhưng le le con rất khó chăm sóc. Phải tạo cho chúng môi trường thuận lợi để sống khỏe và không bị dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là lúa, rong rêu và lục bình. Nơi le le đẻ và ấp trứng phải có không gian yên tĩnh, xa dân cư. Nơi ở của le le tốt nhất là có cỏ dại và nguồn nước sạch. Khi trưởng thành chọn con trống, con mái nhốt riêng, mặc dù le le tự làm tổ nhưng đến mùa sinh sản cần lót thêm rơm rạ vào thúng để cho sai trứng, thường thì chúng đẻ và ấp trứng vào mùa mưa.
Video đang HOT
Mỗi năm từ bầy le le bán thịt (giá bán từ 550 – 620 ngàn đồng/con), Sa Lê chừa vài trăm con cho sinh sản nên quanh năm trại của anh đều có le le đẻ trứng. Trứng được ấp khoảng 28 ngày thì nở con, nuôi từ 6 tháng có thể xuất chuồng. Do thị trường hiện nay cung không đủ cầu nên để rút ngắn thời gian tái đàn, Sa Lê đã dùng 60 con gà mái đẻ để ấp trứng le le thay vì phải ấp bằng máy, với cách làm này vừa đạt kết quả cao vừa rút ngắn thời gian trứng nở từ 28 xuống 22 ngày.
Le le được xem là loại chim trời cho thịt ngon và bổ dưỡng, được các thương lái săn lùn để xuất khẩu làm món ngon tăng cường sinh lực cho giới tiêu dùng đẳng cấp, vì vậy việc tái đàn để nhanh chóng tạo ra số lượng le le thương phẩm bán ra thị trường là hướng đi đúng mà anh Sa Lê đang áp dụng. Với mô hình chăn nuôi hấp dẫn này, anh Sa Lê là người “độc nhất vô nhị” của đồng bào Chăm An Giang nuôi con vật lạ thu tiền tỷ mỗi năm.
Theo Bảo Phong (NNVN)
Chăm chút 2ha bưởi da xanh VietGAP, lãi hàng trăm triệu đồng
Với diện tích 2ha bưởi da xanh trồng theo hướng VietGAP, đến nay 60% diện tích đã cho thu hoạch, vụ đầu tiên gia đình ông Nguyễn Xuân Long ở thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã thu hàng trăm triệu đồng.
Vườn bưởi nhà ông Long trĩu quả
Ông Long cho biết, vào những năm tới khi cây bưởi cho năng suất ổn định, thu hoạch 100% diện tích, với giá bưởi hiện nay từ 40.000 - 50.000đ/kg sẽ giúp gia đình thu nhập tiền tỷ.
Đến thăm vườn bưởi nhà ông Nguyễn Xuân Long chúng tôi không khỏi trầm trồ khi nhìn thấy vườn bưởi da xanh trĩu quả, trái nào cũng tròn lẳn, căng mọng.
Theo ông Long, trước đây khi chưa trồng bưởi da xanh, đất vườn này ông trồng rau màu, bắp, mía nên mỗi năm sau khi trừ chi phí thu nhập gia đình chẳng bao nhiêu. Năm 2004, sau khi được huyện hỗ trợ cây giống bưởi da xanh, ông bắt đầu trồng 20 cây thử nghiệm. Đến năm 2010 cây bắt đầu cho thu hoạch, vợ ông bán lai rai, tính ra thu nhập lại khá. Nhận thấy tiềm năng và đầu ra tiêu thụ, năm 2012 ông quyết định mở trộng diện tích trồng đại trà bưởi da xanh lên đến 2ha. Đồng thời triển khai áp dụng trồng bưởi VietGAP từ sau khóa tập huấn tại địa phương vào năm 2016.
Ông Long cho biết, vườn bưởi SX theo tiêu chuẩn VietGAP
Để hạn chế sâu bệnh và côn trùng từ dưới đất bỏ lên hại cây, ông Long dùng vôi trắng sơn gốc bưởi, đồng thời cột những chai nhựa đựng băng phiến (long não) để xua đuổi. Về phân bón, ông Long chỉ sử dụng nếu cần thiết bón phân cho cây phát triển nhưng tuân thủ nguyên tắc "4 đúng", đó là đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Tuy nhiên khi cây đã sinh trưởng ổn định, ông chủ yếu sử dụng phân hữu cơ là phân chuồng đã ủ hoai.
"Hiện tôi chỉ bón phân NPK 20-20-15 cho cây bưởi khoảng 1,5kg/gốc và bón trong 3 đợt/năm lúc cây sắp ra bông, ra trái non và khi trái chuẩn bị cho thu hoạch, còn lại tôi chủ yếu bón phân chuồng khoảng 30kg/gốc/năm. Nhờ vậy vười bưởi sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh", ông Long chia sẻ.
Dẫn chúng tôi và ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Đông tham quan vườn bưởi được trồng thẳng tắp, khoảng cách giữa cây cách cây và hàng cách hàng đều là 5x5m, tương đương 1ha trồng 300 cây; đồng thời có đầu tư hệ thống tưới phun mưa, bố trí cứ 2 cây cho 1 béc phun.
Cũng theo ông Long, nhờ áp dụng TBKT, kết hợp chăm sóc, đến nay 60% diện tích vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch, ở vụ đầu tiên là thời điểm năm ngoái gia đình ông thu hoạch đã cho doanh thu hơn 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 300 triệu.
"Cây bưởi trồng càng nhiều năm tuổi sẽ cho ra trái và năng suất ngày càng cao hơn. Vườn bưởi nhà tôi đang ra quả vào năm thứ 2 và chuẩn bị thu hoạch rộ vào tháng 7 - 8 âm lịch sắp tới, với giá quả 40.000 - 50.000 đ/kg hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn năm trước", ông Long nói.
Vườn bưởi nhà ông Long đầu tư hệ thống tưới phun mưa
Trên diện tích 2ha, ông Long đầu tư giống, vật tư, máy phát cỏ, máy phun thuốc, hệ thống tưới, xây tường rào khép kín... khoảng 700 triệu đồng. Từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 4 năm. Hiện vườn nhà ông tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động theo thời vụ.
Theo Kim Sơ (NNVN)