Độc đáo cây chè Tổ ở Suối Giàng
Cây chè Tổ ở Suối Giàng, Yên Bái có lá to, dày, màu xanh đậm, sẫm; búp chè to mập mạp, trên mặt lá phủ một lớp lông tơ mỏng giống như tuyết phủ nên được gọi là chè Shan tuyết.
Thân cây nhuộm màu trắng mốc, to lớn, một người ôm không xuể. Vào mỗi vụ thu hoạch, người dân phải trèo lên cây mới hái được những búp chè xanh ngắt, còn vương đầy bụi trắng.
Đường lên Suối Giàng, nơi có những cây chè Tổ hàng trăm năm tuổi.
Từ Hà Nội vượt gần 200km với những cung đường đèo, cua, lượn, chúng tôi đến Suối Giàng (Yên Bái) giữa chiều nắng thu vàng óng.
Thân cây chè Tổ nhuộm màu trắng mốc, to lớn một người ôm không xuể.
Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) nổi tiếng là quê hương của loại chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cây chè mọc tự nhiên, nhiều cây có thâm niên vài trăm tuổi, chẳng cần phân bón mà vẫn đâm chồi nảy lộc xanh biếc. Thân cây nhuộm màu trắng mốc, uốn lượn nhiều cành buộc người hái phải trèo lên thu hoạch. Với khí hậu vùng núi cao quanh năm mát mẻ nên lá chè rất đẹp, búp to, khỏe mạnh, được phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết.
Cây chè Tổ với tán lá xum xuê, vươn dài như bàn tay của người khổng lồ đan xen lẫn nhau.
Một năm, chè Shan tuyết cho thu hoạch 3 vụ, trong đó vụ cuối thường vào khoảng tháng 8 đến 9 âm lịch. Chè Shan tuyết càng già càng quý, càng nhiều tuyết trắng thì tính dược liệu càng mạnh. Bởi vậy, những đôi bàn tay thoăn thoắt ngắt từng búp nõn nhưng vẫn nhẹ nhàng để không làm mất lớp tuyết trắng phủ bên trên. Không chỉ thu hoạch mà khâu chế biến chè Shan tuyết ở Suối Giàng cũng được làm thủ công. Sau khi chọn lọc, chè được đưa vào chảo để xao khô. Ngoài việc chú ý đến củi và lửa, người sao phải khéo léo để không làm rơi tuyết trắng còn bám ở búp chè khi đảo. Chè Shan tuyết sao thành công phải săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng và mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn. Khi pha chè thường cho ra nước sánh vàng như màu mật ong, uống vào còn dư vị ngọt mãi nơi đầu lưỡi.
Video đang HOT
Cành cây chè Tổ vươn dài, đan xen với nhau, lá chè to, dài và xanh thẫm.
Hàng năm, vào tháng 9, 10, người Mông ở Suối Giàng thường tổ chức lễ cúng cây chè Tổ nhằm bày tỏ lòng biết ơn, cảm tạ trời đất và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người Mông rất trân quý cây chè của mình. Trong lễ cúng “ma nhà” của người Mông (mỗi năm, mỗi nhà chỉ cúng “ma nhà” một lần), cùng với con gà trống mà người Mông thờ cúng thiêng liêng luôn có cành chè mới hái trên sườn núi và ấm chè do đích thân gia chủ pha. Cùng với lời khấn cầu về sức khỏe và sự tiến bộ cho mỗi người trong nhà là lời khấn cầu cho cây chè luôn xanh tốt và cho nhiều búp non. Nguyện ước về tương lai giản dị đó cũng giống như nguyện ước của đồng bào ở các thôn, bản dân tộc khác về sự ấm no, an bình sẽ đi cùng với những gì cha ông đã trao truyền lại.
Búp chè non.
Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, hàng chục năm qua, cây chè Suối Giàng còn được người dân khai thác mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Suối Giàng có tới 98% dân cư là người Mông, mỗi sân nhà đều có vài gốc chè, mỗi gia đình đều có người làm nghề chè. Vì vậy, chè không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn thu nhập chính của những người dân nơi đây. Với sản lượng khoảng 500 tấn búp tươi/năm, chè là nguồn thu nhập chính của 60% số hộ dân trong xã.
Bông hoa cây chè Tổ có màu trắng tinh khiết, mùi hương
Mải mê ngắm những cây chè Tổ và lưu luyến với những tấm hình kỷ niệm, đến khi nắng thu đã tắt hẳn, mặt trời cũng vội vàng xuống núi, thấp thoáng những giọt sương nhẹ trên những lá chè xanh thẫm. Một chút gió lạnh thổi về, rừng cây bắt đầu xào xạc lá, chúng tôi rảo bước nhanh hơn nhưng vẫn nhẹ tay hái một búp chè nhỏ để rồi lưu mãi vị thơm, chát, ngòn ngọt nơi đầu lưỡi của những cây chè Tổ nơi đây…
Du khách không quên lưu lại những tấm hình kỷ niệm với những cây chè Tổ.
Cây chè Tổ với nhiều cành lá đan xen.
Để bảo tồn và phát triển giống chè Suối Giàng, đồng thời tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng, nhãn hiệu “Chè Suối Giàng – Yên Bái” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 62700/QĐ/SHTT ngày 1/11/2012. Cùng với đó, quần thể 400 gốc chè cổ thụ trên 100 năm tuổi của xã Suối Giàng đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Ngoài ra, huyện Văn Chấn đang triển khai Đề án Bảo vệ và phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu bảo tồn và khai thác hiệu quả diện tích chè hiện có và phấn đấu đến năm 2020, trồng mới 600ha chè Shan tuyết tại 6 xã vùng cao của huyện.
HÒA CÙ – VÂN ANH
Theo baodansinh.vn
Giấc mơ làng du lịch người Mông trên đất chè cổ thụ Suối Giàng
Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái nằm ở độ cao 1.400m, khí hậu quanh năm mát mẻ và nổi tiếng với hàng ngàn cây chè cổ thụ Shan Tuyết hàng trăm năm tuổi.
Xe chúng tôi lên đến Suối Giàng lúc chính ngọ. Cái nắng tháng 10 hanh hao trải đều trên những thửa ruộng bậc thang vừa gặt hết, soi rõ từng đàn chim sẻ sà xuống nhặt thóc vãi quanh các gốc rạ. Nắng vậy, nhưng nhiệt độ ngoài trời chỉ 22-23 độ, gió hơi se se lạnh.
Xã Suối Giàng có tám thôn với hơn 740 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề trồng chè. Gần đây, bản Pang Cáng, nơi có 100% người H'mông sinh sống được tỉnh Yên Bái chọn để bảo tồn bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch vẫn còn sơ khai và nhỏ lẻ. Lần lên thăm này, bên cạnh vườn cây chè cổ thụ đã mọc lên điểm "Không gian văn hóa trà Suối Giàng" với thiết kế lịch lãm nhưng rất thân thiện môi trường.
Bên trong "Không gian văn hóa trà Suối Giàng"
Muốn ngồi lâu để cảm nhận không gian sáng tạo này, tôi ngỏ ý với người quản lý xin được ăn trưa tại đây. Dù không đặt trước nhưng bạn quản lý Vũ Xuân Khánh nhiệt tình gọi cho nhà hàng gần đó mang đồ ăn lên. Ấn tượng vì sự chu đáo của Khánh, chúng tôi đã cùng ngồi ăn trưa và nói chuyện về tiềm năng du lịch Suối Giàng.
Khánh kể "Không gian văn hóa trà Suối Giàng" được thai nghén rất nhanh, trong 20 ngày và triển khai trong 60 ngày. Ngôi nhà được thiết kế đơn giản, dựa trên những vật liệu địa phương như ván lợp bằng pơ-mu, cột chống và bàn ghế bằng gỗ tạp loại và được thi công theo phong cách mộc mạc.
Không gian này phục vụ đặc sản trà Shan Tuyết, mở các lớp dạy pha trà, thưởng trà, có một số phòng lưu trú cộng đồng và gia đình, có lều bạt để khách có thể ngủ giữa thiên nhiên bao la.
"Chúng em thiết kế và vận hành thử nghiệm. Nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình này, hướng dẫn cho bà con tại đây tận dụng nguyên liệu địa phương để làm homestay đón khách du lịch, giúp quảng bá du lịch Suối Giàng rộng hơn và nâng cao thu nhập cho đồng bào", Khánh chia sẻ.
Được thiết kế như một ngôi nhà người Mông, "Không gian văn hoá trà Suối Giàng" vừa là chỗ ăn nghỉ, vừa giới thiệu đặc sản chè Shan Tuyết
Khánh cho biết đã họp với tất cả các hộ trong xã, mời tham gia vào Hợp tác xã Du lịch Suối Giàng để cùng triển khai dự án cho đồng nhất. Hiện tại, đã lập website, làm phim quảng cáo, chụp các bộ ảnh để truyền thông, làm các biển quảng cáo tấm lớn và các cuốn cẩm nang du lịch, tài liệu cho các hướng dẫn viên, nghiên cứu ẩm thực người Mông để tôn vinh những nét đặc sắc.
Huyện Văn Chấn cũng đã phê duyệt cải tạo hồ Suối Giàng cạnh cây chè tổ, nâng cấp đường trong huyện, trồng hoa và lát lối đi bằng nguồn vốn xã hội hóa. Hiện du khách chỉ đến đây một buổi thăm quan những cây chè cổ thụ, hưởng không khí mát lành rồi rời đi.
"Chúng em muốn mọi người thăm quan hết các địa điểm tại đây và cảm nhận rõ nét văn hóa của người Mông nên đã xây dựng chương trình 48 giờ tại Suối Giàng", Khánh cho biết.
Bên cây chè tổ có tuổi thọ hàng trăm năm
Nhìn vẻ say sưa của bạn trẻ gốc Đông Anh, Hà Nội để lại vợ và hai con ở quê, lên Suối Giàng với mong muốn mãnh liệt khơi dậy tiềm năng du lịch tại đây, với kế hoạch mà thời gian làm chỉ tính theo đơn vị ngày, với những buổi họp thâu đêm bên bếp lửa người Mông, chúng tôi cảm nhận được nhiệt huyết, đam mê tuổi trẻ của Khánh muốn giúp ích cho xã hội, vừa có chút ngây thơ lãng mạn của những chàng Đông-ki-sốt giữa đỉnh núi với những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Vốn định chỉ lên tham quan rừng chè cổ thụ rồi về luôn, nhưng câu chuyện của Khánh đã giữ chân chúng tôi ở lại. Chúng tôi đã nói về mô hình du lịch homestay của người Tày ở bản Pác Ngòi bên hồ Ba Bể và mong ước sẽ có làng du lịch homestay của người Mông trên đất Suối Giàng.
Không dừng lại đó, chúng tôi say sưa trao đổi về khả năng nhân rộng mô hình du lịch văn hoá này trên khắp mảnh đất hình chữ S. Chúng tôi cũng nói về cách nâng cao giá trị cho chè Suối Giàng, về mô hình du lịch thưởng trà Long Tỉnh tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Suối Giàng vẫn giữ được nét văn hoá dân tộc đặc sắc và hấp dẫn du khách
Nước chè Suối Giàng khi rót ra chén có màu vàng sóng sánh như mật ong, hương thơm chỉ thoảng nhẹ nhưng vị thì chẳng loại chè nào sánh được. Nhấp một ngụm, chất chè đọng lại vừa đắng vừa chát nhưng dư vị ngọt rất hậu.
Ngoài trời se se lạnh, bên bếp lửa người Mông, câu chuyện cứ thế kéo dài với nhiều kỳ vọng vùng đất chè cổ thụ Suối Giàng sớm toả hương đối với du khách năm châu.
Theo theleader.vn
Ngắm cây bồ đề cổ thụ hình thù độc lạ bậc nhất Việt Nam Cây bồ đề cổ thụ này có tuổi đời ít nhất là 196 năm. Cây mọc trùm lên một bức tường cũ của ngôi đền với bốn chùm rễ lớn tạo thành ba lối đi xuyên qua gốc cây rất ấn tượng. Phía trước chính điện đền thờ Lương Văn Chánh ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên có một...